Là người quan tâm nhiều đến những chuyện nhiễu nhương của xã hội, trong đó có những bản án và tâm lý người phạm tội, nhà thơ – nhà báo Lê Thiếu Nhơn trăn trở về sự tác động của cộng đồng đối với các phạm nhân: “Tôi đã từng gặp nhiều phạm nhân sau song sắt. Tôi thấy bản án mà họ đang gánh chịu cũng có trách nhiệm của cộng đồng. Chúng ta thiếu sự giám sát hợp lý đối với những người có chức vụ, chúng ta thiếu sự quan tâm cần thiết đối với những người gặp khúc quanh túng bấn, và chúng ta càng thiếu sự chia sẻ với những người ít học! Tóm lại, chúng ta đang dần dần trở thành nạn nhân của lối sống ích kỷ và dửng dưng!”
@ Là nhà thơ có những câu thơ đau đáu như “Danh vọng màu gì lương tri màu gì?” hay “Người tốt bóng mờ bóng nhỏ vừa mịt mù vừa vô tận trong mưa”, đồng thời cũng là một nhà báo xông xáo, vậy hẳn những câu chuyện vụ án cũng nằm trong mối quan tâm hoặc đi vào trang viết của anh?
Lê Thiếu Nhơn: Đúng vậy! Tính chất công việc và thao thức riêng tư luôn khiến tôi xao xác khi nghe hoặc khi đọc những câu chuyện vụ án. Tuy nhiên, tôi không tìm đến các chi tiết trộm – cướp – giết – hiếp để thỏa mãn tính tò mò, mà để lý giải băn khoăn thường trực “nhân chi sơ tính bổn ác” hay “nhân chi sơ tính bổn thiện”? Và đáng tiếc thay, trong bối cảnh hiện nay, thắc mắc ấy không dễ trả lời rành mạch!
@ “Sự thật” trong câu thơ của anh “Sự thật đe dọa dạ dày/ Sự thật tổn thương nhân cách” có liên quan thế nào đến vòng xoáy tình – tiền – tù- tội?
Lê Thiếu Nhơn: Chính xác hơn là nó liên quan đến nguyên nhân sâu xa: mặt nạ giả dối! Khi xung quanh rất nhiều người đeo mặt nạ để sống, nói tốt đẹp để làm xấu xa, nhân danh điều cao cả để thực hiện điều hèn hạ, thì sự thật trở thành một nỗi sợ hãi ám ảnh từng ngày đối với những ai muốn sống lương thiện! Thực đáng ái ngại, nếu con người phải đến với sự thật theo những lối đi lòng vòng và những lời thầm thì nhỏ to, như một kẻ ngoại tình!
@ Ở vị trí Trưởng ban thư ký tòa soạn báo Kiến thức Gia đình, anh cho xử lý những tin, bài thuộc loại “cướp – giết- hiếp” theo quan điểm nào?
Lê Thiếu Nhơn: Các loại bài ấy cũng có một bộ phận bạn đọc hứng thú, tôi không thể không đồng ý đăng tải. Thế nhưng, tôi luôn có yêu cầu: thay vì mô tả hành vi phạm tội, hãy cố gắng viết về số phận và tâm lý của người gây án như một hồi chuông cảnh báo cho xã hội! Tôi thượng tôn pháp luật bằng cách theo đuổi ý niệm: tòa án chưa ra phán quyết thì không được xem ai là tội phạm, và mọi quyền lợi của nghi điểm đều thuộc về bị cáo!
@ Anh nghĩ đâu là căn nguyên của thực tế tình hình tội phạm ngày càng tăng và gây án ngày càng lạnh lùng, như vụ chặt tay cướp xe SH mà tòa xử mấy ngày qua là gì?
Lê Thiếu Nhơn: Quan sát những biến cố an ninh trật tự, tôi luôn tự hỏi: sao không thấy trường mầm non tiêu chuẩn quốc tế có chuyện bảo mẫu hành hạ các cháu thiếu nhi, sao không thấy nữ sinh trường chuyên, lớp chọn có chuyện đánh nhau và lột đồ quay clip? Đời sống vật chất và trình độ hiểu biết luôn dẫn dắt mọi hành vi của con người. Ở nước ta, ngành xã hội học còn quá non trẻ, nên không có những điều tra và nghiên cứu thấu đáo nhằm giúp cộng đồng tìm ra giải pháp tốt nhất ngăn ngừa cái ác. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý một thuật ngữ xã hội học vô cùng quan trọng là “sự chuyển dời áp bức”!
@ Anh nghĩ gì về tội phạm ở các đô thị lớn? Theo anh thì sự bất ổn của đô thị nằm ở đâu và cần quản lý đô thị như thế nào để giảm thiểu được tội phạm?
Lê Thiếu Nhơn: Khoảng cách giàu nghèo đang tạo ra nhiều hố ngăn tàn nhẫn, dễ khiến tâm lý phạm tội bị kích hoạt. Chúng ta cần sòng phẳng nhìn nhận, cái tình trạng kẻ ăn không hết người lần không ra trong bối cảnh tranh tối tranh sáng đã hình thành thái độ bất mãn và bất chấp. Muốn duy trì sự ổn định chỉ có một phương pháp duy nhất là khôi phục niềm tin cho mọi người vào công lý và chân lý, rằng: sáng tạo sẽ được vinh danh còn gian lận sẽ bị vạch mặt, cần cù sẽ được đền đáp và tham nhũng sẽ bị trừng trị!
@ Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh có nói ý: Sự vô sỉ và bịp bợm cũng là những khâu của quá trình lưu manh hóa để tiến tới trở thành tội phạm. Lãnh vực hoạt động văn hóa có nhiều tội phạm và lưu manh hơn nhiều người tưởng. Cũng là người làm văn hóa, anh có đồng tình với ý kiến này?
Lê Thiếu Nhơn: Không sai, thượng bất chính hạ tất loạn! Sự theo đuổi danh lợi khốc liệt đang phá vỡ chuẩn mực đạo đức của xã hội. Một khi có kẻ vươn lên làm người giàu bằng ngón nghề “trường vốn trốn thuế” và một khi có kẻ vươn lên làm người sang bằng tiêu chí “mua học hàm bán học vị” thì mọi giá trị tốt đẹp sẽ lung lay! Tôi xin nhấn mạnh thêm, một dân tộc khi bị hao hụt tài sản không đáng lo bằng một dân tộc bị chao đảo văn hóa!
@ Điều gì giúp anh giữ được cho mình thiên lương của một người cầm bút để “ngồi suốt đêm trước trang giấy vẫn vẹn nguyên trắng”? Áo cơm có phải là nguyên nhân khiến anh “sao cứ thấy bàn tay chụp giựt đè lên bàn tay cặm cụi”? Có điều đáng xấu hổ, theo chủ quan của anh, mà anh đã phạm phải?
Lê Thiếu Nhơn: Mỗi ngày tôi đều tập sống chung với nhiễu nhương như chính những câu thơ tôi viết: “Tập kiềm chế ngoa ngôn, tập tránh xa trịnh trọng. Tập làm người kiêu hãnh với đắng cay. Tập làm người sốt ruột ngày mai”. Tôi là người cả nghĩ, cho dù có vàng kho bạc đống thì chưa chắc tôi đã nguôi day dứt với thời cuộc! Điều khiến tôi xấu hổ nhất là “lực bất tòng tâm”, không có cách cổ vũ hữu hiệu dành cho những người tử tế đang cặm cụi vun đắp cho sự phát triển chung!
@ Xin cảm ơn anh!
Nguồn: Tạp chí Nam số Tết Giáp Ngọ 2014
http://lethieunhoncom.blogspot.com/2014/01/chung-ta-qua-ich-ky-truoc-cai-ac.html
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét