Nguyễn Phượng
“Hồn cát sống thênh thang như trời xanh, như biển xanh. Bàn chân bước ung dung trên đường xa muôn trùng. Hồn sống thanh bình bên con suối mát. Và lòng hỏi mình có chân tình cho thế nhân. . .” Tiếng ca bay bỗng như thênh thang cùng nắng gió, cùng trời đất bao la, bay chơi vơi trên đỉnh núi cao, reo vui cùng suối mát, vượt thác ghềnh chập chùng qua rừng núi sâu hiểm trở. Cát, xem chừng như một hạt rất nhỏ, nhưng nó cả một sa mạc, và chen lẫn với đá, nó len lỏi qua mọi nơi, mọi chốn; luôn tồn tại, luôn hiện hữu trong nhân gian. Hồn cát - Tác giả muốn nói đến thân phận của cát, từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Hồn cát như hồn nhạc chơi vơi, mang niềm cảm xúc về thân phận con người, đôi khi bị lãng quên; bị chà đạp, sống cô đơn lạc loài, như một kiếp nhân sinh, nhưng vẫn phiêu du cùng trời cuối đất. Đào Khương cho ra đời bản nhạc mang tên “Cát Du”, nhà thơ Cát Du - cô bạn nhỏ của tôi, hay anh nói về anh, về kiếp người cô đơn, sống không ai biết đến, nhưng vẫn luôn góp phần làm đẹp cho đời. Tôi thật sự xúc động khi nghe ca khúc “Cát Du” do nhạc sĩ Đào Khương sáng tác, nó vừa đau, vừa thấm, vì một ngày nào kia - anh và tôi - tất cả đều trở về cát bụi.
Nhạc sĩ Đào Khương, sinh năm 1954 tại Sài Gòn, từ khi lập gia đình, anh đã chọn Bình Dương là quê hương thứ hai, sống định cư tại Dĩ An. Từ năm 1977, anh đã sáng tác 2 ca khúc; "Tiến theo ngọn cờ” và “Tâm tình người thợ làm khuôn”. Những ngày tháng mưu sinh vất vả, là một người thợ hàn, anh luôn tận tình với công việc, nhưng hết giờ làm, anh lại miệt mài bên máy tính: những note nhạc trầm bổng vang lên dịu dàng qua tiếng đàn ghita trầm ấm, đầy suy tư. Kể từ năm 2006, anh chính thức gia nhập Câu lạc bộ Sáng tác Ca khúc thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương, và là một thành viên nhiệt tình sôi nỗi qua 60 ca khúc viết về quê hương Bình Dương, tiêu biểu qua 2 bản nhạc: "Ai đến Bình Dương”, "Về miền ước mơ”. Cảm hứng sáng tác của nhạc sĩ vô tận, lời ca nồng nàn, cháy bỏng, với một chút mượt mà, trữ tình qua bài “Bến Cát xôn xao”, “Bến Cát nhẹ hôn cô gái dưới ánh năng mùa xuân. Tôi hỏi bến sông có chở nhớ mong về người em gái không?”
Câu lạc bộ Sáng tác Ca khúc có hai nhà thơ: Nguyễn Nguy Anh và Cát Du cùng tham gia sinh hoạt, nhưng thơ Nguy Anh được phổ nhạc nhiều nhất. Riêng Đào Khương, đã phổ 2 bài thơ Cát Du: "Vứt nỗi buồn đi” và "Cỏ Dại”. Ý thơ và hồn nhạc hòa quyện vào nhau, cho người nghe một chút vô tư, với một chút nghịch ngợm được giới trẻ yêu thích. Tính sâu lắng trong thơ và nhạc được nhạc sĩ Đào Khương thể hiện qua ca khúc: "Lặng lẽ bên đồi”,thân phận con người được bộc lộ qua nỗi niềm riêng thật buồn: "Lặng lẽ bên đồi tôi vẫn đợi, đợi chút nắng vàng mong manh. Đợi gió thu về rong chơi. Đợi ánh hoàng hôn không muốn trôi. Đâu rồi tuổi xuân yêu dấu, đâu rồi tuổi xuân phơi phới. . .”
Những người yêu nghệ thuật không mơ ước đến các giải thưởng, nhưng sự cống hiến vẫn mang lại kết quả, Anh đã được công nhận giải Khuyến khích qua cuộc thi: "Bình Dương 30 năm xây dựng và phát triển” năm 2006, giải Đoàn Thanh niên thị xã Dĩ An năm 2009, và tập nhạc “Ai đến Bình Dương”, trong cuộc thi giải Huỳnh Văn Nghệ do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương tổ chức đã đạt giải Khuyến khích năm 2010.
Sau buổi họp, anh em có dịp hàn huyên bên tách trà, tôi vẫn nhận ra trong ca từ anh đậm chất thơ, nhưng anh nói: "Tôi có làm thơ, nhưng chỉ để bà xã tôi đọc". Tôi hỏi anh có dạy học trò không? Anh lắc đầu: ”Tôi cảm thấy mình không có tài năng để dạy”. Lúc đó, tôi muốn nói, tôi luôn xem anh như người Thầy, dù cuộc sống bon chen vất vả, không có dịp để học trường lớp, nhưng anh luôn góp ý với các anh em trong Câu lạc bộ một cách tế nhị và chân tình. Câu trả lời thật khiêm tốn như cách sống của anh: ngày 2 buổi làm việc, đến giờ đưa đón mấy đứa cháu từ trường về; sống mẫu mực và chung thủy. Điều này được thể hiện qua ánh mắt chở đầy hạnh phúc của vợ anh, là một người giáo viên giỏi, tận tâm trong công việc và rất yêu chồng. Gia đình anh đầm ấm và thân thiện, khi bài hát được phổ nhạc, cả nhà đều thuộc. Mấy đứa cháu nội đánh đu trên cửa sổ, hát vô tư: "Hồn cát có phiêu du nơi bờ xa, xa mù khơi. . .” Thấy tôi, mấy đứa reo lên: "A, có cô gì bạn của ông nội. Ông nội ơi, có khách”. Chiều nay tôi đến thăm anh, đem tặng thưởng từ hai trại sáng tác Văn học và Âm nhạc do Hội Văn học tổ chức, bằng khen, quà, một bó hoa tươi thắm. Ngồi kề bên, tôi lắng nghe anh nói lên niềm mơ ước của mình: “Tôi thích sinh hoạt Câu lạc bộ Sáng tác để cùng anh em trao đổi, góp ý cho những ca khúc được bay cao. Được đi Trại Sáng tác với anh em, được sống mãi với Âm nhạc”. Niềm mơ ước giản dị ấy ai cũng thích, tôi cũng vậy. Tôi mong anh được khỏe để sinh hoạt cùng chúng tôi. Có anh, 2 đài "Quảng Nam và Quảng Ngãi” Đào Khương và Thế Phương - như anh Hiếu (chủ nhiệm Câu lạc bộ) thường bông đùa - mới sôi nổi. Lúc bị nhạc sĩ Thế Phương ghẹo, anh thường nhịn và cười cho qua.
Mùa đông sắp đến và sẽ trôi đi như áng mây cuối trời, nhưng những ca khúc của nhạc sĩ Đào Khương - những dòng nhạc mang âm điệu dân ca, trữ tình - sẽ sống mãi theo thời gian. Anh là niềm khích lệ và tự hào của Câu lạc bộ Sáng tác Ca khúc Bình Dương, với đam mê được cống hiến cho đời những dòng nhựa từ trái tim mình
Thân chúc anh luôn bình an, với niềm mơ ước: được sống mãi với âm nhạc mà anh đã và đang thể hiện qua những tác phẩm của mình trên khung trời âm nhạc Bình Dương.
Nguyễn Phượng (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét