Đào Phạm Thuỳ Trang
Đào Phạm Thùy Trang
Bút danh khác: Thuỳ Phương
Sinh năm 1977
Quê quán: Tây Ninh
Hội viên Hội VHNT tỉnh Tây Ninh
Trưởng Gia đình Áo Trắng Tây Ninh
Tác phẩm đã in: - Nửa đêm làm vợ- Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2007
- Đi để quên - Tập truyện ngắn, 2012
Đan Huy nói, anh chỉ là tài
tử nửa mùa. Cấp phân loại này na ná như câu thơ “Mảnh tình san sẻ tí con con” vậy đó. Nghĩa là đáng ra phải “khối
tình”, đàng này chỉ là “mảnh tình”, bé xíu xiu còn bị chia thành “tí con con”
nữa. Còn đời ca sĩ, cấp cao nhất được gọi là nghệ sĩ, thâm thấp hơn là tài tử,
còn bé hơn nữa thì đúng là tài tử nửa mùa. Sao gọi nửa mùa? Vì câu lạc bộ đờn
ca tài tử này chỉ hoạt động vào thứ ba, năm, bảy hàng tuần. Vậy mà anh chỉ đi
được một buổi, kha khá thì hai buổi. Vậy không gọi “nửa mùa” thì gọi trọn mùa
sao? Mà gia cảnh anh, đi được nửa mùa tài tử là tốt rồi, mong chi nhiều hơn
nữa? Bà mẹ già tám mươi bệnh tật nằm một chỗ chờ anh chăm sóc. Đứa con gái mười
hai tuổi đang sống với mẹ nó cũng cần anh cấp dưỡng. Anh một mẹ một con, cưới
vợ về tưởng gia đình thêm ấm áp, ai dè cảnh mẹ chồng ghen với nàng dâu diễn ra
như cơm bữa. Nàng dâu kêu mẹ chồng “chướng”, ở chung không được, anh không ở rể
thì nhà ai nấy về. Huy cù cưa, “Nhà mẹ có mình anh, anh theo em thì bỏ mẹ cho
ai?”. “Vậy mình bỏ nhau”. Thế là đứt đường hạnh phúc. Huy thành gà trống không
vợ khi đứa con của hai người vừa lên ba. Mười năm nay, anh đều đặn cấp dưỡng
cho con nhỏ, những mong mẹ nó nghĩ lại vì nàng vẫn một bóng đi về. Nhưng tình
cũ biền biệt, ngày mới vô tình. Huy tìm vui bên lời ca tiếng đàn bằng danh xưng
tài tử nửa mùa.
Xó quê này, nhiều thứ “giải
trí” đều có, như cà phê ôm, nhậu ôm, bida ôm, cháo cút ôm, lẩu ếch ôm… nhung
nhúc như ruồi, không tài nào thống kê hết. Chỉ có loại giải trí lành mạnh như
câu lạc bộ đờn ca tài tử này là “hàng độc”, một địa điểm duy nhất của mười tám
ngàn năm trăm nhân khẩu.
Bài “ruột” của Đan Huy là
một câu trích trong bài cổ nhạc Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà. “Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia
tay vĩnh viễn Bạch Thu… Hà! Bạn tình ơi đừng hoài công mòn mỏi đợi chờ, hãy gọi
tên nhau trong những chiều thu lạnh…”
- Tẹc… tẹc… rẹt…
- Gì vậy cha?
- Xin lỗi… cúp điện… í hổng
phải, là chập điện dây đờn!
Cây đờn kìm của ông thầy đờn
Hai Sáng cổ lỗ sĩ lắm rồi, dây câu vào giàn âm thanh cũng do một tài tử nửa mùa
biết chút ít về điện câu cho, mà đôi mắt thầy Hai Sáng thì không được sáng, nên
mỗi khi mũi dép lào của ông ngọ ngoạy vì muỗi cắn là chân đụng nhằm cái dây
điện kêu rọt rẹt vậy đó. Đan Huy bảo, ca cẩm kiểu này mất hết cả hứng. Đề nghị
ông chủ quán Hùng “không độ” thay thầy đờn bằng giàn ka-ra-ô-kê đi, nhạc sẵn,
bài sẵn, ai muốn bài nào nhào vô đều được. Ông Hai thầy đờn nói, thằng Hùng bây
mà nghe theo lời thằng Huy là chơi kiểu vắt chanh bỏ vỏ với tao, tao tự vận chết
liền, rồi tao trù cho quán mày sập tiệm. Tao theo câu lạc bộ này từ ngày nó còn
trong trứng nước. Giờ ăn nên làm ra thì bỏ tao à?
Ý kiến ông thầy đờn làm anh
Hùng “không độ” chùn bước, vì làm sao tìm được thầy đờn nào làm việc “tài tử”
như ông. Mỗi đêm thơm thảo thì làm cho ông tô mì, luộc hai cái cẳng gà để sẳn
đó, không thì ly cà phê đá cũng xong. Chứ có ăn tiền bạc chi đâu. Ông cũng nhận
mình là tài tử nửa mùa, cái thời làm thầy dạy đờn cho hàng trăm lượt học sinh
đã hết, người yêu môn ca nhạc tài tử cũng đi vô xí nghiệp, nhà mày hết trọi
trơn. Nhớ nghề quá, may nhờ có quán cà phê Hùng “không độ”. Ông đến đây đờn,
mấy giọng ca tài tử phang ngang như chặt mía, bừng bựt như nhổ mì kia làm ca
sĩ, cũng vui lắm tuổi già. Nếu không có quán của Hùng, chắc ba năm về trước
thầy Hai đã “đập vỡ cây đàn” và chết theo đàn luôn rồi.
Nữ tài tử kia là giáo viên
tên Hồng, “nghệ danh” Hồng Tuyết cũng là một tài tử nửa mùa như Đan Huy nhưng
con đường dẫn cô trở thành tài tử nó éo le và kịch tính hơn anh nhiều. Là cô
giáo, lăn qua lăn lại mãi đến năm 34 tuổi cô Hồng mới lấy chồng. Là một anh
hàng xóm hơn cô vài tuổi. Nhưng chục năm nay anh làm nghề thủy thủ tàu viễn
dương. Suýt quên mất mặt nhau thì bà mẹ anh mang trầu cau đến hỏi vì dù sau
cũng là hàng xóm “tối lửa tắt đèn”. Thủy thủ mà cưới được cô giáo thì chắc ăn
như bắp rằng sẽ có người “cầm cương” mà cũng là cầm chìa khóa, cầm chổi quét,
cầm cây lau nhà, cầm chén đút cơm cho mẹ chồng già để thủy thủ an nhiên mà rong
ruổi. Cô cũng không còn gì để chọn lựa khi cả hai đều dư tuổi lập gia đình. Anh
lại “chuẩn” đẹp trai thế kia, thu nhập cũng khá, con cái ra đời không phải lo
cái ăn cái mặc.
Đùng một nhát, sau khi người
chồng thủy thủ và cô giáo Hồng sinh được đứa con thì anh bỏ nghề ở nhà phụ vợ
chạy bàn quán hủ tíu bò viên. Quán mới thường ít khách, nhưng quán của cô Hồng
có hai lý do để đông khách, vì phụ huynh muốn “lấy lòng” cô giáo và vì chồng
của cô quá đẹp trai. Nghe cái giọng cô nhờ chồng làm việc ngọt như ly chanh mật
ong như thế, mấy ông khách cứ ao ước vợ mình một ngày nào đó “mắc dịch mắc gió”
cũng nói năng với mình như vậy:
- Anh ơi… bưng cho bàn số
bảy hai tô giùm em đi! Tiện tay lấy ba ly trà đá cho bàn số hai luôn nhé!
Anh chồng đang xúc đá cho
vào ly thì cô Hồng lại “nhờ” tiếp.
- Anh ơi! Khách vô bàn số ba
kìa. Hỏi họ ăn gì giùm em đi!
- Anh à, mấy lọ khăn hết
giấy rồi, vô giấy giúp em đi anh!
- Anh, anh… tính tiền kìa…
Những lúc như thế, nào phải
cô bận trụng, chan, múc, gắp… bở hơi tai. Mà là cô đang tranh thủ quẹt thêm lớp
sơn lên bộ móng tay vì nóng nên trầy tróc, mà cũng có thể đang nhổ vài sợi tóc
ngứa trên chỏm đầu. Anh chồng quay như bông vụ, nhìn cảnh đó ngứa mắt bảo vợ
“Mất vệ sinh quá bà ơi! Dẹp đi giùm cái”. “Anh này… em làm đẹp cho em mà cũng
là cho anh chớ bộ!”. Đó là chuyện lúc sáng sớm hoặc ngày cuối tuần, chứ thường
là sáu giờ bốn lăm cô đã quảy túi xách lên vai, vô trường, lên lớp. Quán hủ tíu
bò viên một tay anh chàng thủy thủ đẹp “chai” đảm nhiệm. Đứa con thì bà ngoại
có nhiệm vụ đưa vô trường mẫu giáo sau khi đã “thanh lý” mớ chén tô ngập mùi
hành mỡ.
Lại đùng một nhát tiếp theo,
sau nửa năm quán hủ tíu bò viên của cô Hồng tồn tại. Là hai vợ chồng ly hôn.
Anh bảo không chịu nỗi cảnh bó chân bó cẳng bên cô vợ áo dài tha thướt thơm nức
mùi com-pho mà tay thái củ hành, tay ngập mùi sơn móng. Trời đất phật ơi, ai có
một lần trộn lẫn mùi nước xả vải và mùi củ hành, mùi nước sơn đi, sẽ nghe cái
mũi nó biểu tình như thế nào. Còn anh, chịu cả nửa năm nay rồi, “nội công thâm
hậu” lắm đó, nhưng đã hết trọi “mười hai thành công lực” rồi má ơi! Cô Hồng thì
bảo, không làm vậy lấy gì nuôi chồng con? Cả năm nay anh ăn “lương vợ”, lương
giáo viên của em sao nuôi đủ con nhỏ và ông chồng sức dài vai rộng, đẹp trai
chai mặt vì nhậu thiếu, xài áo quần hàng hiệu!?
Họ ly hôn cái sột. Nhà cửa,
tiệm hủ tíu, anh chồng đều để lại cho con. Cả khoản trợ cấp năm trăm ngàn hàng
tháng cô Hồng đều đặn lên thi hành án mà nhận. Anh ra đi với cái nghề lênh đênh
sóng gió như ngày nào còn độc thân vui tính. Cô Hồng sau một thời gian mất
thăng bằng thì cũng phải ổn định cuộc sống. Sang lại mặt bằng, bàn ghế tiệm hủ
tíu bằng giá bèo bọt, cô an nhiên bên đứa con và khoản lương giáo viên không dư
không thiếu. Cảnh chiều chiều chủ quán nhậu tới đòi nợ không còn. Cảnh lâu lâu
ông chồng lấy tiền hành, tiền thịt, tiền nước mắm, bột ngọt… đi sắm mấy bộ đồ
hàng hiệu cũng không còn. Cô Hồng bây giờ viên mãn với “con” tay ga cáu cạnh
hàng trả góp theo lương, viên mãn với việc hàng tháng ra trụ ATM rút tiền rồi
quay sang thi hành án nhận cấp dưỡng. Cô viên mãn nhiều thứ nhưng tình gia đình
thì thiếu nên phải tìm tới câu lạc bộ tài tử hầu bồi lấp chút đỉnh hơi hướm đàn
ông.
Cô xuống giọng cổ bài “Lá
trầu xanh” rất ngọt:
- Trời ơi, đôi gánh trầu xanh còn nặng oằn trên đôi vai bé nhỏ. Nhưng
gánh tình chung đã đổ vỡ tự bao… giờ.
Tiếng pháo rền vang pha lẫn tiếng vui cười, anh sắp sửa vui cùng duyên
mới, còn em bắt đầu làm một kẻ cô đơn. Muốn quay về cho khỏi gai mắt chướng
tai, chân muốn bước mà lòng còn ở lại. Trời ơi, ai thấu hiểu nỗi khổ đau của
một người con gái. Mười tám xuân xanh đã mang nỗi tuyệt tình.
Song lang nhịp cái “cốc” rất lớn. Đó là lời
“ông thầy đờn” ngầm khen ngợi giọng ca của tài tử. Các tài tử bạn ào lên sân
khấu, hoa cô Hồng cầm mỏi tay.
Cô tiếp câu cuối “Mưa rơi lạnh buốt…”
- Tẹc… tẹc… rẹt…
- Lại đờn đứt dây nữa hả
cha? Tiếng Đan Huy
- Tía ơi! Đờn kiểu này làm
sao ca được?
-….
Các tài tử ồn ào, nhốn nháo.
Anh chủ quán không muốn phụ
ông thầy đờn, nhưng tại dây chạc cây đờn ẹ quá. Anh định hôm nào sẽ đưa ông đi
thị xã lựa cây đờn thật "chiến”, xem như hậu tạ ông mà cũng là cho ông đờn địch
ngon lành để các tài tử hết cự nự. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, đêm
ấy sau khi đi đờn từ quán anh Hùng về đâu tầm hơn mười giờ, ông thầy bị trúng
gió và "ra đi” hai ngày sau đó. “Câu lạc bộ đờn ca tài tử hát với nhau” chuyển
thành “Câu lạc bộ ka-ra-ô-kê tài tử hát với nhau” từ đó.
Mấy hôm nay câu lạc bộ đón
thêm thành viên mới. Đó là anh tư Tiêu, “nghệ danh” Nhãn Hạt Tiêu. Anh gần năm
mươi nhưng lại khoái hát nhạc giựt. Bài ruột của anh là “Sáu mươi năm cuộc đời”
và “Không”. Dáng anh ốm nhom, mỏng lét như hạt tiêu nên lúc nhảy cũng rất tức
cười. Gọi là “nhảy cóc nhảy nhái” ấy mà. Anh cười “Chứ hồi nào tới giờ biết
nhảy nhót là cái gì đâu. Nhưng tại buồn”. Cái sự buồn của anh Nhãn Hạt Tiêu cũng
lạ lắm. Tướng tá ốm nhom như cò ma vậy mà đi thương yêu cô gái có dáng vóc lực
sĩ cử tạ. Đòi cưới cổ, cả họ hàng, chòm xóm đều cười rằng chắc cưới về sẽ thành
một cặp “chàng vợ, nàng chồng”. Nhưng anh bảo, sao cũng được, miễn cưới được
nhau. Vậy mà cũng sống được mười bảy năm. Chỉ có một cậu con trai mười sáu
tuổi. Ơn trời, nó hưởng gien mẹ nên cao lớn dềnh dàng, mập khỏe cùi cụi.
Bà vợ vào tuổi “hồi xuân”
nên càng “quậy” ác, mà tướng tá ông chồng dù đã ăn gà tần thuốc bắc, tôm nõn
xào hẹ, cháo đương quy bát bửu… cả chục năm nay nhưng cũng không cao lớn thêm tí
nào. Để khỏa lấp nỗi buồn thầm kín, bà vợ anh Hạt Tiêu bèn thành lập “Hội nhậu
Tao Phùng” và đề bạt ngay bản thân làm “Hội trưởng”. Hội này tổ chức “họp định
kỳ” mỗi tuần ba lần vào các ngày hai, tư, sáu ngay tại nhà bà Hội trưởng. Tất
nhiên chồng bà phải làm tiểu nhị, bà nói, như vậy cho ớn, ai biểu đàn ông gì mà
không biết… nhậu. Hội nhậu này kết nạp tất cả các hội viên nam, nữ, miễn là
biết nhậu, nhậu càng lâu say càng nhanh được kết nạp làm Hội phó hoặc Ủy viên
ban chấp hành. Đố anh Tư dám không phục vụ “trà nước” cho Hội mỗi khi họ “họp”,
vì cái dáng anh có một xách, nhà thì không có cửa sau, anh muốn tháo chạy phải
đi cửa trước- là đi ngang qua mâm nhậu của bà vợ, bả ngáng chân một phát, anh
Tư té nằm cả tuần. Vậy nên cách hay nhất là phải phục vụ bà vợ quái chiêu này,
từ khâu chế biến “mồi” đến dìu bả lên giường rồi lau dọn mớ “chè” bả thải.
Vậy là để cân bằng, anh Tư
tìm đến Câu lạc bộ ka-ra-ô–kê tài tử hát với nhau mỗi ba, năm, bảy.
Cô Hồng cởi chiếc áo khoác
thơm nực mùi quế khoe tấm áo “diễn” lóng lánh kim tuyến bó sát thân mình tròn
như trái bơ cùng khuôn ngực trễ tràng trắng muốt. Đèn sân khấu tắt hết, chỉ còn
trái châu vàng, xanh, đỏ quay vòng những vệt sáng mờ mờ. Màu trắng sáng như lân
tinh trên người nữ tài tử Hồng Tuyết cứ nhấp nhô theo điệu nhạc sôi động “Anh ơi, anh ơi, có yêu mới khổ vì yêu. Có
yêu mới thiệt thòi nhiều. Phòng loan thiếu anh thừa chiếu. Đời trai trăm hướng,
phận gái có một phương…”. Cô nhảy như bị ma nhập, chiếc áo vừa chật vừa trễ,
càng oằn hơn theo điệu nhạc. Các tài tử khác ào lên sân khấu tặng hoa như mối
bay đầu mùa mưa. Là mớ hoa vải chủ quán để sẳn trên bàn thôi. Màu sắc đã nhạt
nhòa, miếng giấy gói cũng bong tróc theo những vị mồ hôi qua ngày tháng. Một tài
tử có tài lẻ còn lấy chiếc khăn giấy thắt thành đóa hoa hồng, khéo léo dùng tờ
bạc màu xanh cuộn tròn thành cành hoa và bước lên tặng cô. Nữ tài tử vẫn hát
như mộng du, nước mắt ướt cả khuôn mặt. Không có chiếc khăn tay nào, cô đưa
ngay đóa hồng khách vừa tặng lên mặt, nước mắt thấm vào nhăn nhó cả cánh hoa.
Bài hát nghẹn lại. Tiếng nhạc vẫn còn vương dài.
Đan Huy thâm trầm trong lời
ca “Lan ơi… sao em nỡ cắt đứt dây chuông
không cho anh gặp mặt? Điệp tìm đến đây với nỗi nhớ thương với niềm hối hận dù
mối tình xưa Điệp không vong phụ bao… giờ. Lan ơi, tội tình chi em đày đọa cuộc
đời, chôn tuổi xuân trong nâu sồng khổ ải….”.
Có người lặng lẽ lau nước
mắt mà quên cả gọi thức uống. Ông chủ Hùng “không độ” đứng bên bàn thu ngân với cây
bút và chiếc máy tính trên tay nhăn nhó “Bữa nay ma nhập mấy tay tài tử nửa mùa
này hay sao ấy? Toàn hát với hát, không ai kêu nước gì hết! Không khéo lỗ thấy
mẹ!”. Tài tử Nhãn Hạt Tiêu làm thay đổi không khí thăng trầm của Lan và Điệp
nên quất bài “Không”. Cử tọa cười ầm “Không còn yêu ẻm nữa thiệt hông cha?”. “Sao
ngày nào cũng thấy cúc cung phục vụ cái hội nhậu đó?”. “Tui là cha đó hả, dùng
sức không được được thì dùng chước, giải tán cái hội mắc gió đó từ khuya rồi?”.
“Chước của ông là chước gì? Hay ba mươi sáu chước tẩu vi là thượng sách?”. Mặc
cử tọa bàn tán, giàn ka-ra-ô-kê vẫn gầm gào tiếng nhạc “Không, không, không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa. Không,
không, không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em đâu…”. Xen lẫn trong màu
đèn châu xanh, đỏ là giọt sáng như kim cương từ khóe mắt anh Tư Tiêu chảy xuống.
Đào Phạm Thuỳ Trang (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét