Sách: NGANG QUA MÙA HẠ (Tập
thơ) của nhà thơ Lê Bá Duy
Do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành
tháng 02/2014
Chịu trách nhiệm xuất bản: Phạm
Trung Đỉnh
Chịu trách nhiệm bản thảo: Trần
Quang Quý
Biên tập: Việt Cường
Bìa: Họa sĩ Lê Bá Khuôn
Trình bày: Kim Anh
Công ty TNHH MTV Kim Anh liên kết
xuất bản.
Sách dày 96 trang khổ 13 x 20 cm
QUÝ BẠN ĐỌC Ở XA - CẦN SÁCH XIN
LIÊN HỆ LÊ BÁ DUY
(Email: lebaduyph@gmail.com )
“Ngang qua mùa hạ” là đầu sách thứ 9 và cũng là tập thơ thứ 8
của Lê Bá Duy. Hương Quê Nhà xin trân trọng trích giới thiệu bài viết của
Hoàng Thảo Chi và Quỳnh Trâm về bài thơ “Ngang qua mùa hạ” trích trong tập thơ
cùng tên của nhà giáo, nhà thơ Lê Bá Duy…
NGANG QUA MÙA HẠ… CÁI GIẬT MÌNH CỦA MỘT TÂM HỒN
LÃNG TỬ!
NGANG QUA MÙA HẠ
Nắng lật tung những luống cày
Và tơi tả đất và say mặt người
Ta vàng một cõi rong chơi
Giật mình kí ức bời bời hạ xa
Một đau đáu ngọn gió qua,
Một trăn trở trước lời ta hẹn thề
Một đời Mẹ với đồng quê
Một đời Cha mãi vỗ về tình con.
Ta chinh phục núi thon von
Giơ tay hứng giọt mất còn thiên thu.
.
Với tôi, bài
thơ Ngang qua mùa hạ… của Lê Bá Duy là một bài thơ
khó. Có thể, các quý vị sẽ cho là tôi dùng sai từ cũng nên. Vì thông thường
người ta chỉ bảo là: Đề toán khó, đề văn khó… chứ chẳng ai lại bảo một bài thơ
khó như tôi bao giờ! Nhưng xin thề là tôi đã nói chính xác cái cảm nhận của
mình, khi lần đầu tiên tôi đọc bài thơ này. Và sau khi đọc lại nhiều lần thì
đúng là khó thật, chứ không phải là cảm giác nữa.
Bây giờ, tôi
xin phép được giải bày với quý vị về cái khó của tôi, khi cảm nhận bài thơ này
để mọi người cùng chia sẻ. Trước tiên tôi nói về tên của bài thơ. Chỉ với tiêu
đề: Ngang qua mùa hạ… đã lập tức làm tôi lúng túng về
nhận thức. Trong thế giới của chúng ta, thời gian luôn vận động. Một năm qua
bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Thông thường, con người và vạn vật phải cùng song
hành với thời gian, không gì có thể đi sau, hoặc đi trước thời gian cả. Nhưng
tên của bài thơ này là một ngoại lệ. Vì nó không song hành cùng thời gian… mà
đi Ngang qua mùa hạ! Nếu cứ từ khái niệm: Ngang qua… thì
nhất định phải hiểu là tác giả đã neo bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông lại, tựa như
những vùng đất và đi ngang qua chúng, như ta đi ngang qua Đà Nẵng, ngang qua
Quảng Nam, ngang qua Quãng Ngãi, ngang qua Bình Định… vậy. Đó là điều trên cả…
phi thường… dẫn đến… phi lí. Nhưng nó lại hiện hữu lừ lừ trước mắt tôi đây: Ngang qua mùa hạ!
Thầy Lê Bá Duy này làm khó mình quá! Không làm sao mà hiểu ngay được. Bực hết
cả mình. Đó là cái khó thứ nhất của tôi. Các vị tiền nhân có dạy: Đầu có xuôi,
đuôi mới lọt… Nghĩa là mở đầu mà thuận lợi thì mọi cái về sau sẽ dễ dàng và
trót lọt. Nhưng trong trường hợp này thì với tôi là: Đầu không… lọt… lắm! Tức
mình vì cái không lọt ấy mà tôi trí chết đọc đi, đọc lại bài thơ
này đến mấy lần liền:
Nắng lật tung những luống cày
Và tơi tả đất và say mặt người
Ta vàng một cõi rong chơi
Giật mình kí ức bời bời hạ xa.
Những chữ mà
tôi đã tô đậm trên kia chính là những cú đấm mà tôi phải đỡ ngay từ khổ thơ đầu
tiên. Tôi nhớ là đã đọc ở đâu đấy, các nhà phê bình văn học đã nói rằng: Thơ
chỉ là để thưởng thức thôi, chứ đừng cố hiểu cặn kẽ chúng. Nhưng chỉ là người
phàm, nên tôi cứ cố muốn biết những điều tác giả đang giấu trong những câu thơ
của mình. Nhìn xuôi về cuối bài, tôi thấy tác giả đề ngày viết bài thơ là ngày
12 tháng 5 năm 2011. Đó là mùa hạ năm ngoái. Một cơn gió mát thoảng qua nỗi bức
bối của tôi. Phải, bài thơ này có xuất phát điểm từ một thực tế, từ một mùa hạ
trần gian, chứ không phải một mùa hạ trong tưởng tượng. Tháng năm, tháng sáu
vùng Bắc bộ quê tôi nắng lắm. Cứ như Lão Khoa* đã tả trong thơ thời còn là Thần
đồng thiếu nhi thì rất chi là sợ: “Nước như ai nấu, chết cả cá cờ. Cua ngoi lên
bờ, Mẹ em xuống cấy…” Còn mùa hạ mà Lê Bá Duy đã gặp cũng chẳng kém cạnh chút
nào:
Nắng lật tung những luống cày
Và tơi tả đất và say mặt người.
Là người
sinh ra trên những luống cày, tôi hiểu đến tận cùng nỗi nhọc nhằn khổ ải, của
ông bà cha mẹ và những người nông dân nước Việt yêu dấu của tôi phải chịu đựng.
Tôi đã chứng kiến biết bao lần những luống cày do cha tôi lật lên, được nắng,
được gió mùa hạ dần dần đốt khô, cứng như mảnh sành… và mọi người gọi chúng là
ruộng ải. Để có được những kết quả ban đầu ấy, những cánh đồng mùa hạ đã hút
hết bao sức lực của những người nông dân chân lấm tay bùn. Thân xác họ tả tơi,
quay quắt vì ruộng đồng giữa ngút ngàn nắng hạ. Giữa bức tranh tả thực sống
động ấy, hai câu thơ tiếp theo y hệt những nốt lặng đột ngột xuất hiện trong
một đoạn nhạc sôi động. Làm cho không gian như chùng xuống:
Ta vàng một cõi rong chơi
Giật mình kí ức bời bời hạ xa.
Ta vàng một cõi rong chơi… từ vàng… lại giáng cho tôi một đòn choáng
váng! Tôi không thể hiểu ngay được nó. Tôi âm thầm nghĩ ngợi. Trước tiên tôi nghĩ
về những cây vàng SJC hiện đang bán trong các tiệm vàng, giá lên đến gần bốn
mươi sáu triệu đồng. Nhưng tôi vội gạt phắt những cây vàng ấy đi. Thời buổi này
(và có lẽ ở mọi thời đại) phần lớn các nhà thơ luôn gắn liền với sự thanh bạch…
chứ không đi với cái màu vàng có giá mấy chục triệu đồng một lượng kia. Vậy cái
từ vàng kia nghĩa là gì? Lại một lần nữa Lê Bá Duy đẩy tôi vào ngõ cụt.
Biết có nghĩ mãi thì cũng chẳng hiểu gì, tôi bỏ bài thơ đi ra ngoài cho thoáng.
Xung quanh nhà tôi, những dãy bằng lăng đang thì thào trong gió. Chúng đã làm
tròn bổn phận trong mùa hạ huy hoàng là dâng hiến cho đời vô vàn những chùm hoa
tím lãng mạn. Bây giờ chúng có thể im lặng suy tư chờ đến mùa hạ năm sau. Tôi
đi chầm chậm dưới tán lá, miên man nghĩ về màu tím bằng lăng và màu vàng trong
thơ Lê Bá Duy. Có cái gì đó mơ hồ như một ngón tay gõ nhẹ trên vai, tôi đưa tay
lên và nhận được một cánh lá bằng lăng vừa đậu xuống. Một cánh lá vàng mọng, y
hệt cánh lá phong vàng huyền hoặc của mùa thu xứ trời Tây xa lắc trong tâm tưởng
tôi. Ngắm cái màu vàng mộng mị của cánh lá trên tay, tôi liên tưởng đến màu
vàng mà Lê Bá Duy đã viết: “Ta vàng một cõi rong chơi…” Hình như tôi đã bắt đầu
giải mã được màu vàng ấy! Phải chăng màu vàng ấy chính là cõi mộng vàng khát
khao đi tìm và chinh phục cái đẹp, cái vĩ đại, cái cao cả giữa cuộc đời trong
trái tim thi nhân? Trong công cuộc tìm kiếm ngỡ như vô tận ấy, bất ngờ thi nhân
đã gặp lại mùa hạ với cái nắng cháy trời cháy đất giữa trần gian, làm trái tim
mộng du bừng tỉnh: Giật mình kí ức bời bời hạ xa… Khi hạ cánh xuống đời sống
thực tại, người thi sỹ lãng tử lập tức trở về với những kỉ niệm quê hương, với
mẹ cha và với chính bản thân mình. Quá khứ tuôn chảy như dòng thác bất tận:
Một
đau đáu ngọn gió qua
Một trăn trở trước lời ta hẹn thề
Một đời Mẹ với đồng quê
Một đời Cha mãi vỗ về tình con.
Cái đẹp, cái cao cả, cái vĩ đại… mà bấy lâu thi nhân
mải mê tìm kiếm cứ bặt âm vô tín giữa cõi mù khơi, thì lại bất ngờ hiện hữu
long lanh tỏa sáng ngay nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Ấy là những ngọn gió
mát lành của quê hương ru ta mỗi chiều nắng hạ, là những lối mòn nho nhỏ nâng
những bước chân ta từ thuở ấu thơ chập chững, là những giọt mồ hôi mẹ cha đổ
trên những cánh đồng sớm tối, cho ta những hạt cơm thơm dẻo mỗi ngày. Và trên
hết thảy là tình yêu thương nồng ấm bao la của mẹ cha vỗ về ta trong suốt cả
cuộc đời. Thi nhân đã Ngộ ra những điều lớn lao ngay trong những điều nhỏ nhoi
đơn giản trên quê hương và tự ngẫm về những khát vọng huyễn hoặc của mình:
Ta chinh phục núi thon von
Giơ tay hứng giọt mất còn thiên thu
Phải, những
ước mơ, khát vọng chinh phục những chân trời mới, những đỉnh núi cao luôn luôn
là động lực tốt đẹp nâng đôi cánh cho tuổi trẻ bay lên. Song, tất cả phải bắt
nguồn và bắt đầu ngay chính trên mảnh đất ta chào đời và lớn dậy. Nơi ấy chính
là sợi dây huyền diệu giữ cho ta và cho ta bay lên lên chín tầng cao lấp lánh dải
Ngân hà. Không bao giờ chúng ta được phép lãng quên nơi đó.
Với tôi Ngang qua mùa Hạ… của Lê Bá Duy vẫn mãi
là bài thơ khó. Nhưng tôi thích bài thơ ấy. Nó như một cái vỗ vai thân ái, làm
giật mình, thức tỉnh những trái tim lãng tử mộng du đang lang thang trên thế
gian này, trong đó có thể có cả tác giả và tôi cũng nên. Tôi sẽ nhớ mãi cái
hình ảnh lạ: Ta chinh phục núi thon von… mà anh đã tạo ra. Hai từ: Thon von… cứ
nhắc tôi nhớ đến hình ảnh những rặng núi răng cưa nhọn hoắt, mờ xa phía
chân trời nơi quê tôi. Tuổi thơ của tôi đã mắc kẹt trên những đỉnh núi ấy. Bởi
lúc đó tôi ước mơ mình có thể bước những bước thật dài, từ đỉnh núi này, sang
đỉnh núi kia, tựa bước qua những hòn gạch mà Cha tôi xếp làm lối đi xuống cầu
ao vậy. Hão huyền, nhưng thật lãng mạn… phải không các quý vị.
Huế,13/9/2012
Hoàng Thảo Chi
* Lão Khoa… Nhà thơ Trần Đăng Khoa
NGANG QUA MÙA HẠ
Nắng lật tung những
luống cày
Và tơi tả đất và
say mặt người
Ta vàng một cõi
rong chơi
Giật mình ký ức bời
bời hạ xa
Một đau đáu ngọn
gió qua
Một trăn trở trước
lời ta hẹn thề
Một đời mẹ với đồng
quê
Một đời cha mãi vỗ
về tình con
Ta chinh phục núi
thon von
Giơ tay hứng giọt
mất còn thiên thu.
Lê Bá Duy
MÙA HẠ ĐÃ CHÁY LÊN
Mùa hạ chói chang và
nóng bỏng trong nắng và gió, trong cả những tâm tư bộn bề của con người hay
trăn trở với thời gian. Đọc "Ngang qua mùa hạ”(Lê Bá Duy), bỗng thấy một
mùa hạ như cháy lên cùng kí ức, cùng kỉ niệm, cùng những vui buồn của đời người...
Tựa đề bài thơ đã là một
ẩn dụ: "Ngang qua mùa hạ”. Ta thấy một khoảng thời gian vốn không nhìn
thấy được ranh giới rõ ràng, đã trở nên thật cụ thể, hữu hình. "Ngang qua mùa hạ” để thấu cảm những gì mà mùa hạ mang
đến cho đời- cái nỏng bỏng của nắng, cái oi nồng của mưa, cái khát cháy của con
người giữa mênh mông hạ trắng. Bài thơ đã mở đầu bằng cái nắng đặc trưng của
mùa hạ đang tỏa chiếu khắp đồng quê:
Nắng lật
tung những luống cày
Và tơi tả
đất và say mặt người
Trong câu thơ, động từ "lật
tung”, tính từ "tơi tả”, "say” có giá trị gợi hình rất lớn: nắng có
một sức mạnh kì lạ, nắng như một bàn tay vô hình có thể "lật tung những
luống cày”, khiến cho đất khô giòn, vỡ vụn, và khuôn mặt con người cũng đỏ gay
như say rượu. Có thể hình dung cả một không gian mênh mông ngập nắng với cái
nóng như thiêu như đốt. Cách lặp từ "và” trong câu thơ thứ hai càng làm
tăng thêm cái sức mạnh như được nhân đôi của nắng. Và giữa không gian chói
chang ấy, "ta” xuất hiện lửng lơ giữa một cõi khô vàng:
Ta vàng một
cõi rong chơi
Giật mình ký
ức bời bời hạ xa
Hình ảnh "ta” sao
lại cô đơn đến thế? Có phải vì đến bây giờ, giữa mùa hạ cháy bỏng, "ta”
thấy mình như khô kiệt, cằn cỗi đến mức trở nên vàng vọt? Vì "ta” bỗng
nhận ra suốt thời gian đã qua của mình chỉ là phù du? Phải thế không, khi ta
nhận thức về quãng thời gian ấy chỉ là "một cõi rong chơi”? Và giật mình
khi nhớ lại những mùa hạ trong quá khứ, bao nhiêu kỉ niệm ào ạt trở về, nó
"bời bời” trong tâm trí như sóng triều dâng. Cái chữ "bời bời” ẩn
giấu một niềm khắc khoải, cồn cào và day dứt! Nỗi niềm đó là gì mà khiến cho
câu thơ bỗng lặng đi, và người đọc cũng phải lặng đi giữa miền xa tâm tưởng mà
câu thơ đã gợi lên...
Khổ thơ tiếp theo đã hé
mở ra bao nhiêu tâm trạng:
Một đau đáu
ngọn gió qua
Một trăn trở
trước lời ta hẹn thề
Một đời mẹ
với đồng quê
Một đời cha
mãi vỗ về tình con
Bốn từ "một” mở đầu
cho bốn câu thơ liên tiếp, vừa thể hiện cái đơn lẻ, vừa khái quát cuộc đời. Cái
đơn lẻ ấy là tâm trạng nỗi niềm "đau đáu”, "trăn trở”.Vì điều gì? "Đau
đáu” vì "ngọn gió qua” đã mang đi tất cả hy vọng; "trăn trở” vì
"trước lời ta hẹn thề”– sự trở đi trở lại kiếm tìm một niềm an ủi, một người
trong mơ, hay một khát vọng chưa thành? Chỉ hai câu thơ mà cả một quãng đời
nhiều thăng trầm đã ẩn hiện thấp thoáng. Tính khái quát cuộc đời là ở chỗ đó.
Và càng trong lúc ngẫm về đời mình, người ta càng hay nghĩ về các bậc sinh
thành:
"Một
đời mẹ với đồng quê
Một đời cha
mãi vỗ về tình con”
Câu thơ thể hiện một suy
ngẫm giản dị và cảm động về cha mẹ thân yêu. Đó là những người nông dân chân
chất hiền lành cả đời gắn bó với đồng lúa quê hương. Nghĩa tình mộc mạc mà ăm
ắp yêu thương của họ đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ ấu với khát vọng mai sau con
thành đạt, giỏi giang nên người. Vần thơ là dòng xúc cảm thấm thía và biết ơn
vô cùng công cha nghĩa mẹ của người con hiếu thảo.
Nhưng người con ấy tự
ngẫm về mình: Mình đã làm được gì chưa? Mình đã từng gắng sức chinh phục những
đỉnh núi của cuộc đời nhưng sao lại chênh vênh đến thế!
Ta chinh phục núi thon von/ Giơ
tay hứng giọt mất còn thiên thu.
Có cảm giác chênh vênh ấy
là bởi đỉnh núi kia "thon von” quá! Trên đỉnh cao chông chênh ấy, làm sao
có thể bình an được đây? Có lẽ vì thế mà "ta” mới càng thấu hiểu cái gì
mất, cái gì được trong cuộc chinh phục này? Mất hay được cuối cùng cũng chỉ là "những
giọt mất còn thiên thu” khi con người về với đất. Một chút ngậm ngùi khi ngẫm
về điều ấy, nhưng thanh thản khi hiểu rằng quy luật ấy không thể khác. Nhưng
dẫu rằng kiếp người là hữu hạn, là nhỏ bé, thì con người vẫn luôn giữ được tư
thế ngẩng cao đầu giữa đất trời. Và "giọt mất còn thiên thu” sẽ trở thành
những giọt tâm hồn quý giá long lanh sáng mãi!
"Ngang qua mùa hạ”, ngang
một quãng đời, đi qua lòng người, chầm chậm, để cảm nhận sự trăn trở âm thầm,
cái nóng ấm của tình người trong suy tưởng, cái cháy lửa của khát vọng đang
nhen. Mùa hạ sẽ cháy lên nồng đượm như thế!...
9/4/2012
Quỳnh Trâm
Chúc Mừng anh Lê Bá Duy!
Trả lờiXóa