Theo thông lệ hàng năm, cứ vào mồng một
tết là cả nhóm bạn thân hẹn nhau gặp mặt đầu năm. Địa điểm đến đầu tiên là nhà
tôi. Vợ chồng tôi cũng chuẩn bị tươm tất để đón bạn. Việc đầu tiên vợ tôi chuẩn
bị là bỏ tiền vào các bao lì xì dán lại kỹ lưỡng vì theo vợ tôi, làm như vậy
cho có vẻ trân trọng và cũng nhằm tạo cảm giác thích thú hơn cho trẻ nhỏ bởi màu
của bao lì xì đỏ đỏ xanh xanh.
Khi bạn bè đến nhà đầy đủ, kẻ đi xe
hơi người đi xe máy đời mới và cũng có đứa thuê cả một xe tắc xi đến. Con cái
thì đứa ẵm, đứa bồng, có đứa chạy nhảy được thì ùa vào nhà ríu rít, làm cho không
khí đầu năm trong nhà tôi thật sôi động. Những lời chúc tốt đẹp cho nhau rôm rả.
Đám đàn ông chúng tôi ồn ào bên dĩa mồi và vài thùng bia, ồn ào thật nhưng cũng
rất đơn giản trong nội dung câu chuyện, không như mấy bà rù rì nhưng toàn những
chuyện “nhức nhối”. Nào là chuyện giàu nghèo địa vị, nào là ông xã tôi làm đến
chức này chức nọ. Tuy mấy bà không khoe nhưng nói với gương mặt hãnh diện đến tức cười. Rồi đến chuyện chiếc vòng bà
kia đang đeo có giá bao nhiêu, vân vân và vân vân, đủ thứ chuyện trên trời dưới
đất. Khi đến tiếc mục lì xì cho nhau. Vợ tôi mang các bao lì xì được dán cẩn thận
ra phát cho các con của bạn mỗi đứa một phong bì. Trong nhóm có Minh Lợi là khá
nhất. Cậu ta lì xì cũng theo phong cách riêng là không cần bao lì xì mà cầm trên
tay một xấp giấy bạc xanh phát cho mấy đứa nhỏ mỗi đứa một tấm. Mấy đứa trẻ nhận
tiền cám ơn ríu rít. Cha mẹ nó thì xuýt xoa trầm trồ, có người còn chỉ vào cái
bụng bầu của vợ tôi mà rằng “mau mau đi để còn kiếm chác chứ con”. Thấy vậy mấy
đứa bạn khác của tôi cũng muốn chứng tỏ mình,
thế là tụi nó không cần bao lì xì và cứ cầm tiền phát từng đứa một những
giấy bạc có mệnh giá lớn, dĩ nhiên các đứa trẻ biết xài tiền đều trố mắt ngưỡng
mộ các bác các, các chú của nó. Khi nhận tiền xong mấy đứa nhỏ tản ra chơi riêng
một góc và bắt đầu đem tiền ra đếm coi hôm nay mình được bao nhiêu. Đến khi mở
phong bì của vợ tôi ra có đứa trề môi, đứa chu mũi, thậm chí có đứa chạy ù lại
mẹ đưa tay che miệng nói khẽ với mẹ; “có 10.000 hà mẹ” rồi cười hí hí. Hành động
của đứa bé đều lọt vào các cặp mắt của bạn bè tôi và dĩ nhiên vợ chồng tôi cũng
nhìn thấy.
Phong tục lì xì của người Việt chúng
ta từ xưa đã mang một nét văn hoá trong các ngày tết. Nó còn mang ý nghĩa tinh
thần là cho nhau lộc đầu năm.Thế mà những nét đẹp ấy ngày càng mai một thậm chí
nó còn là cơ hội kinh doanh của một số người. Tôi viết bài này không vì có ý bênh
vực cho vợ mình lì xì ít. Mà từ đâu trong tôi chợt nhớ quay quắt hồi nội còn sống
cứ vào ngày đầu năm tôi lại được nội lì xì vài đồng bạc mới, số tiền ấy đến bây
giờ tôi vẫn còn giữ kỹ và mỗi lần nhìn lại những đồng bạc ấy lòng tôi dâng lên
nỗi nhớ chái bếp sau nhà nơi có má và bà nội bên nồi bán chưng ngun ngút khói…
Đào Văn Đạt (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét