Nhà thơ Triệu Từ Truyền tên thật là Triệu Công Tinh Trung, sinh năm 1947 tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Từ năm 13 tuổi, ông đã tham gia cách mạng, 15 tuổi có thơ đăng báo và xuất bản tập thơ đầu tiên với bút danh Triệu Cung Tinh. Trong phong trào học sinh sinh viên đấu tranh, ông vừa là một cán bộ lãnh đạo, vừa là một cây bút đầy nhiệt huyết, được nhiều người biết đến qua hai bài thơ Bắt đầu và Bé thơ Sơn Mỹ. Từ năm 1963 đến 1966, ông bị nhà cầm quyền Sài Gòn bắt giam nhiều lần, trong đó hai lần bị đày ở Côn Đảo.
Ông còn nghiên cứu triết học và văn học theo giáo trình văn khoa Sài Gòn.
Năm 1975, đất nước thống nhất, ông quay lại học tập và tốt nghiệp đại học kinh tế. Ông được giao một số chức vụ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng nghề báo vẫn luôn thu hút tâm trí ông khi chủ biên: Tạp chí Bông Trang của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sông Bé (1991 - 1992); chuyên san thơ Gieo & Mở (NXB Đồng Nai -1995), nguyệt san Giáo Dục (2002- 2003) và Trưởng ban biên tập nguyệt san Dân Trí thuộc Hội Khuyến học Việt Nam (2004)…
Nhà thơ Triệu Từ Truyền là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và từng là Chánh văn phòng phía Nam của Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Đêm lên cơn dài - bộ lạc mới (thơ), nhà xuất bản do Triệu Cung Tinh, Nguyễn Tôn Nhan, Từ Kế Tường… chủ trương - năm 1965.
- Bên dòng Măng Thít (thơ), Hội VHNT Cửu Long - 1986.
- Dật dờ trong sương (thơ), NXB Văn Nghệ TP. HCM - 1990.
- Mảnh vỡ hồn nhiên (thơ), NXB Trẻ - 1994.
- Va chạm hư không (thơ), NXB Văn Học - 1999.
- Tuyển thơ Triệu Từ Truyền (song ngữ Việt - Pháp), NXB Trẻ - 2001.
- Mặt cắt cõi ngoài (thơ), NXB Thanh Niên - 2006.
- Lục bát Triệu Từ Truyền (thơ), NXB Hội Nhà Văn - 2008.
- Tuyển thơ Triệu Từ Truyền (song ngữ Việt - Anh), NXB Trẻ - 2010.
- Tương tác (truyện dài), NXB Văn Học- 2005.
- Những chữ qua cầu tâm linh (tiểu luận và tản văn), NXB Văn Học - 2008.
Đã có quá nhiều nhà lý luận phê bình, với tư cách cá nhân, xác
định khái niệm thơ: Poetry của Aristote, Văn Tâm Điêu Long của Lưu Hiệp… Bước
vào thời cận đại và đương đại, nhiều triết gia cũng quan tâm đến ý nghĩa thơ
như Hegel, Jean Paul Sartre… Còn những nhà nho làm thơ và những nhà thơ phương
Tây hầu hết đều luận về thơ. Ngoài ra, định nghĩa thơ cũng vô vàn trong
trăm ngàn tự điển với đủ loại ngôn ngữ. Nhưng Vì sao loài người làm thơ?
I. Ba phương
thức thơ:
1/Mô tả bằng tri thức (knowledge) những gì mà giác quan tiếp nhận được từ thực tại khách quan (ngoại
giới) ( p.th.I )
2/Diễn đạt bằng tâm thức(mind inner felling), theo cách nhìn
trực cảm của nội tâm. (p.th.II)
3/Diễn đạt bằng tiềm thức (unconcious) do bản năng
(instinct) chi phối (p. th.III)
Ba phương thức đó kết hợp biến ra thiên hình vạn trạng, sản sinh
trăm triệu bài thơ khác nhau. Đó là lý do không thể định nghĩa bao
quát cả vũ trụ thơ cũng như ta không thể đếm hết hàng tỷ thiên hà
trong vũ trụ vật chất vậy. Mỗi
bài thơ là một định nghĩa thơ, nên đừng bao giờ dùng khái niệm duy lý này
để khái quát về thơ. Nên chăng tiếp cận thơ bằng tìm hiểu những nhân tố tương
tác hình thành ra thơ theo ba phương thức nêu trên.
Nghệ thuật sinh ra từ thuộc tính bắt chước (imitation) và trình
diễn (représentation) của loài người - như Aristote đã nói- chỉ đúng ở Hy
Lạp thời điểm đó. Thơ được trình diễn trong vở kịch, còn ở phương Đông thơ
không hẳn vậy (Kinh Thi không trình diễn)*. Động vật cũng biết bắt chước và
diễn trò như khỉ, chó, cá heo, két, vẹt… nhưng chúng không thể làm thơ
được. Đơn giản là chúng không biết tự hỏi vì sao có tồn tại? Nguồn gốc hình
thành vũ trụ? Thuợng đế là gì? Tại sao lại khổ đau? Những câu hỏi thế này
duy nhất chỉ có con người bận tâm và con
người làm thơ.
Thơ, do đó, phản ánh vô vàn hiện tượng, luôn ẩn chứa thắc mắc
siêu hình của loài người**. Những câu ca dao của dân gian, tưởng chừng không ưu
tư, không đề cập gì đến thân phận làm người, nhưng không:
“Tiếc thay con hạc đầu đình
Muốn bay không nhấc nỗi mình mà bay”
Phải chăng khắc khoải nỗi lòng đau đáu của một hiền tài không
được trọng dụng? Còn đây là một ví dụ khác, chuyện người hiền không
gặp thời, sinh bất phùng thời nên lỡ vận:
“Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lở vận lên rừng đốt than” (1)
Thơ là bí mật của những con chữ và hình ảnh. “Gánh kiền khôn”
trong bài thơ Bán Than của Trần Khánh Dư là cả một hoài bão chí hướng vĩ đại, là một vũ trụ sao bay đầy tính siêu hình của Kinh Dịch .
Một gánh kiền khôn quẩy tếch ngàn
Hỏi chi bán đó? Gửi rằng: than (1)
Theo khảo cổ học, một bài thơ (2) khắc trên trống đồng
trước thời kỳ Bắc thuộc, (từ khoảng 700 năm đến 1000 năm trước công nguyên) có
lẽ là bài thơ cổ nhất của Việt Nam cũng thấm nhuần ý nghĩa nhân sinh:
Khoai to bồn thì tốt cổ
Đậu ba lá thì bừa un
Gà mất mạ thì lâu khun
Gái thiếu trai thì thậm khổ
Trai thiếu gái thì thậm khổ.
Trời sinh trâu thì sinh cỏ.
Đất sinh giếng thì sinh mo
Khuất Nguyên, tác giả của Ly Tao (3) cũng băn khoăn khắc khoải
về lẽ biến dịch của thời gian, của tình đôi lứa:
Mộc lan sớm cắt trên đồi,
Đông thanh chiều hái bên ngoài bến sông.
Ngày tháng vút đi không trở lại,
Vừa xuân qua đã lại thu sang.
Đoái trông cỏ áy cây vàng,
Sợ con người đẹp muộn màng lỡ duyên(0 3)
Iliade (4) của Homère (Hi Lạp) kể chuyện bằng thơ đầy ắp
nhân vật thánh thần điều khiển hành vi con người, chấp nhận mốt ý, lực siêu nhiên tác động lên con người,
cũng đồng thời ghi nhận nỗi đau khổ gian truân của người là số mệnh tất yếu.
Ở Pháp thế kỹ 19, Appolinaire viết:
L’adieu
J’ai cueilli un brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends
Lời vĩnh biệt
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng (*) được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó..
( Bùi Giáng chuyển ngữ )
L’adieu, đó là lẽ sinh tử
biệt ly hằng thường, là lý biến động của âm dương. Trên tất cả, tình yêu của
Người là muôn năm bất diệt. Bên kia, cõi ấy có thể là Thiên đường
hoặc Niết bàn hay là một xa lạ nào đó… Mặc, ta vẫn chờ em trong thiên thu lá
cỏ: Et souviens-toi que je
t’attends.
Nguyễn Trãi, người viết nên áng thiên cổ hùng văn “Cáo Bình
Ngô” cũng mặn mà chút riêng tư tình, áy náy:
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu, gượng mở xem.
(Cây chuối)
Một bóng chuối khép mở bao nhiều tình ý với phong nhụy. Lấy cảnh
ngụ tình chính là đặc điểm của Thi ca Đông Phương.
Pablo
Neruda, thời hiện đại, diễn đạt nỗi đớn đau của kiếp người bằng cảm thức và
ngôn ngữ hiện đại : tro bụi,
sâu bọ, chán chường
Walking around
|
Đi loanh quanh (Người dịch: Linh Vũ)
|
Sucede que me canso de ser
hombre.
Sucede que entro en las sastrerías y en los cines
marchito, impenetrable, como un cisne de fieltro
navegando en un agua de origen y ceniza.
...
|
Bỗng nhiên, tôi chán ghét
làm người
Bỗng nhiên, tôi bước vào các hiệu may và các rạp chiếu phim
khô cứng, không thấm nước, như một con thiên nga làm bằng dạ
rẽ đường đi trong nước đầy tro bụi và sâu bọ.
|
Như vậy từ xa xưa dù viết về bất kỳ một thực thể nào, từ vật đến
người, từ số phận đến lịch sử, thi sĩ đều mặc nhiên (vô tình) chứng tỏ nỗi ưu
tư thắc mắc siêu hình của loài người, mà triết học phương Đông xếp vào
hình nhi thượng.
Phải
chăng đây là một ranh giới giữa thơ và không thơ? Dĩ nhiên không phải bài thơ
nào cũng truy nguyên sống chết & hạnh phúc, những vấn đề siêu hình.
Tuy nhiên, vì thi sĩ là con người gần như bao giờ cũng ăm ắp ưu tư nên câu chữ
không gần thì xa cũng đụng chạm đến khía cạnh nhạy cảm ấy như một tất yếu.
Cụm từ Thơ con
cóc khái quát các loại thơ
dở, chỉ có động tác hình thái của sự vật mà không chứa đựng tư duy của người
làm thơ. (Đó là chưa xem xét đến việc thơ phải vượt qua chiếc cầu tâm linh,
nghĩa là bày tỏ ẩn ức siêu hình.) Cũng nói về “cóc” nhưng bài đồng
dao “Con cóc là cậu ông trời / ai mà đánh nó thì trời đánh cho”
lại được xếp hạng văn chương bình dân, là sáng tác theo phương thức 1 (mô tả
bên ngoài tự nhiên, có liên tưởng tri
thức). Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đây, bài thơ chưa có thần khí được, như
Nguyễn Tư Giản đã viêt (05). Trong khi đó, hình ảnh hoán dụ “kiền khôn”
trong bài “bán than” lại đầy khí khái, mở ra những trục cảm xúc đa tầng
từ sâu trong tâm thức. Đây là phương thức II của sáng tác.
Như vậy phương thức III, ứng vào loại thơ nào? Phương Tây phần
đông theo tập quán tư duy duy lý bắt nguồn từ Platon, nên những nhà thơ Phương
Tây gần như chỉ làm thơ theo phương thức I, tiêu biểu như bài thơ Le Lac của
Lamartine. Dù thế, thơ vẫn gây được ấn tượng vì đã vượt qua rào cản
suy luận khoa học. Đoạn cuối bắt chợp thiên nhiên trong mối tình
lãng mạn:
“ Que le vent qui gémit, le roseau qui soupire,
Que les parfums légers de ton air embaumé,
Que tout ce qu’on entend, l’on voit ou l’on respire,
Tout dise : « Ils ont aimé ! »
Hỡi gió rỉ rên, cành lau than thở
Hỡi làn hương man mác toả không gian
Hỡi những gì là hương, sắc, âm thanh
Hãy kể lại: "Họ yêu nhau thuở ấy"
(Bản dịch: Phạm Nguyên Phẩm)
Dĩ nhiên, các phương thức kết hợp với nhau, sẽ tạo ra nhiều bài
thơ trăm vẻ ngàn màu. Đây là một ví dụ phương thức I kết hợp với phương thức
III, đã cách tân về ngôn ngữ và hình tượng:
Pour toi mon amour
Je suis allé au marché aux oiseaux
Et j'ai acheté des oiseaux
Pour toi
Mon amour
Je suis allé au marché aux fleurs
Et j'ai acheté des fleurs
Pour toi
Mon amour
Je suis allé au marché à la ferraille
Et j'ai acheté des chaînes
De lourdes chaînes
Pour toi
Mon amour
Et je suis allé au marché aux esclaves
Et je t'ai cherchée
Mais je ne t'ai pas trouvée
Mon amour
Anh đã ra khu chợ chim
Và anh đã mua chim
Để tặng em
em yêu dấu
Anh đã ra khu chợ hoa
Và anh đã mua hoa
Để tặng em
em yêu dấu
Anh đã ra khu chợ thiếc
Và anh đã mua dây xích
Dây xích sắt nặng trĩu
Để tặng em
em yêu dấu
Cuối cùng anh đã ra khu chợ nô lệ
Và anh đã tìm em
Mà chẳng thấy em đâu cả
ôi em yêu dấu.
Anh đã ra khu chợ chim
Và anh đã mua chim
Để tặng em
em yêu dấu
Anh đã ra khu chợ hoa
Và anh đã mua hoa
Để tặng em
em yêu dấu
Anh đã ra khu chợ thiếc
Và anh đã mua dây xích
Dây xích sắt nặng trĩu
Để tặng em
em yêu dấu
Cuối cùng anh đã ra khu chợ nô lệ
Và anh đã tìm em
Mà chẳng thấy em đâu cả
ôi em yêu dấu.
Bài thơ trên đây của nhà thơ Jacque Prévert, rất nổi tiếng ở
Pháp giữa thế kỷ 20, đã vượt xa cách mô tả thế kỷ 18, với tiềm thức xóa bỏ tình
yêu chiếm đoạt, yêu mà không sở hữu như của riêng, được cổ vũ bởi triết học
hiện sinh.
Ở Việt Nam, gần như các thi sĩ cũa phong trào Thơ mới thập niên
30-40, thế kỷ 20 đều làm thơ đồng dạng với Lamartine, dù có thể
dung lượng và thông điệp khác nhau, ngoài tụng ca về tình yêu, là tụng ca cách
mạng, tụng ca chiến sĩ xả thân vì nước.v.v… Do vậy, thơ Việt Nam cho đến nay
không vượt qua được thơ cổ trước thế kỷ 19, lại càng bị thế giới đánh giá thấp
vì chỉ lẽo đẽo bắt chước Phương Tây một cách hời hợt và trống rổng về tư tưởng.
(viết những dòng này, người
viết chỉ xin anh linh Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn mặc Tử, và Thâm Tâm… tha
thứ tội phạm thượng). Trong khi Cao Bá Quát đã làm thơ lãng mạn hay hơn
Lamartine (06). Chỉ riêng hình tượng “bọc trăng vào tà áo, để giữ lại
hương sắc tuổi dậy thì’’, phải chăng dữ dội, quyết liệt hơn hình tượng “hương sắc, âm thanh” kể lại những mối tình. Lại khó tìm được bài thơ nào ca
ngợi kháng chiến chống thực dân xâm lược hay hơn bài “Bạch đằng giang
phú” của Trương Hán Siêu trước đó 600 năm, ngoài mô tả và diễn đạt hay xuất thần
còn có một thông điệp toàn cầu: “những phường bất nghĩa tiêu vong/ nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”?
Từ bài thơ Le Lac (chủ nghĩa lãng mạn), ngôn ngữ thi ca
Pháp đã băng lên tượng trưng, siêu thực nằm hẳn trong phương thức III.
Dada là nhóm siêu thực cực đoan, chủ trương loại bỏ hoàn toàn ý thức khi làm
thơ, thơ hiện ra nhờ tiềm thức hoặc đẩy tới vô thức (giấc mơ, hoang tưởng, ghép
chữ ngẫu nhiên…), nhưng vì con người là sinh vật có bản năng, nên càng vô thức,
bản năng càng bộc lộ một cách thô thiển, dung tục. Cần lưu ý có một số
thi sĩ ngộ nhận mình theo trường phái siêu thực, và làm thơ hay, thực ra những
thi sĩ đó làm thơ bằng trực cảm tâm linh mà họ không biết, họ vô tình có một
số bài thơ như của Appolinaire, Paul Verlain, Hoderline… ứng với phương thức
II, vì lý luận duy lý của phương Tây không chấp nhận tâm thức, không tin vào
thiền định, họ phủ nhận có một hệ thống thức khác vói hệ thống ý thức, tiềm
thức, vô thức. (Ví dụ minh triết của Phật nhận ra có đến tám Thức).
Như vậy trong mấy ngàn năm qua cả ba phương thức thơ đều xuất
hiện song song và giao thoa với nhau trên cả hành tinh xanh này. Song thơ được
công nhận hay là phải có thần khí, biểu khiện nỗi khắc khoải của kiếp người, ưu
tư về cội nguồn của vũ trụ, hoài nghi kiến thức kinh nghiệm,… nói chung là tiềm
ẩn vấn đề của triết học, mà phương Đông gọi là hình nhi thượng.
Đó là nói về các mô thức/ phương thức sáng tác. Còn tiêu chí
thơ hay/ dở nằm ở đâu?
II. Chẩn đoán thơ hay:
Đọc vài bài thơ hay, sẽ thấy cái hay của thơ, nói dông dài bao
nhiêu cũng chưa chắc biết hay là thế nào. Vì hay là trực cảm, là biết bằng tâm thức, chứ không phải cảm
nhận hay phải bằng tri thức. Tuy nhiên, muốn phân tích một thực
thể, phải cần dùng tri thức, nghĩa là dùng ý thức chiếu rọi vào bóng tối của
tâm linh. Tượng tự như nhà vật lý vũ trụ phải sử dụng vật chất sáng để
truy tìm vật chất tối vậy. Khi thi hoa hậu, người đẹp nhất được công chúng cảm
nhận không hề qua phân tích, song ban giám khảo phải chấm điểm nhiều tiêu chí
như: ba vòng, trang phục, vóc dáng thể hiện đi đứng, ứng xử
.v. v. . . Cái hay của thơ cũng cần phải tìm xem có những cơ duyên nào tương
tác để hội thụ lại một bài thơ?
1- Chữ và câu là
nơi bắt mạch của cơ thể thơ. Cơ thể có mạnh khỏe, có thần khí đến
mức nào sẽ bọc lộ qua mạch (theo quan niệm đông y, không chỉ là nhịp đập
của tim). Đọc một vài câu của bài thơ là biết người làm thơ theo
phương thức I hay là II, biết năng lực sử dụng ngôn ngữ và hàm lượng thơ trong
câu thơ là nhiều hay ít. Năm 1949, Nguyễn Đình Thi viết: “Làm thơ, ấy là dùng lời
và những dấu hiệu thay cho lời nói- tức là chữ- để thể hiện một trạng thái tâm
lý đang rung chuyển mạnh mẽ khác thường [...]. Điều kỳ diệu ở thơ là mỗi tiếng,
mỗi chữ ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên cho mọi sự vật bỗng tự
phá tung mở rộng ra, gọi đến chung quanh nó một vùng ánh sáng rung động...” Do vậy nếu tuyển chọn thơ
hay, đây là đặc trưng đầu tiên. Nhà ngữ học Jakobson đã xác định thơ là ngôn ngữ trong chức
năng thẩm mỹ của nó. (08)
2- Kết cấu và chỉnh thể của một bài thơ là
đặc trưng thứ hai. Nhìn tổng quan bài thơ xem kết cấu có vững chắc không? Nếu
thơ vần chỉ cần xét theo niêm luật vốn có, còn thơ tự do câu và đoạn có
hội tụ lại được không? Cần nhất bài thơ có là một chỉnh thể không? Nghĩa là đầu
chó không thể là tai voi, chân ngựa không thể là đuôi chim công được. Bà
lão cũng không thể "tẩu như phi" . Đương nhiên, ví dụ này rất khiên
cưỡng vì vấn đề là các bộ phận tư tưởng kết tập lại chứ không phải hình tượng
của bài thơ. Nhà thơ có quyền sáng tạo hình tượng một sinh vật được kết hợp
nhiều bộ phân riêng lẻ của các con vật như đã viết, miễn là có một thông điệp
nhất quán. (Có thể đọc lại đoạn thơ Đi
loanh quanh của Pablo Neruda nêu
trên, hình ảnh mâu thuẫn nhau, nhưng để nói lên cái ngược đời, người tốt thì
bối cảnh xấu, có nước thì con cá giả, cá thật thì không gặp nước, phải lóc trên
cạn đầy sâu bọ, đọc lên thấy ớn lạnh, chán chường, đoạn thơ trong bài thơ đầy
sáng tạo này là một chỉnh thể hoàn hảo). Đặc trưng thứ hai này đúng như Paul
Valéry viết, "Tiếng nói phi thường (parole extraordinaire) ấy được nhận
diện bởi tiết tấu và hòa âm liên kết một cách mật thiết và kỳ diệu với ngôn ngữ
đến độ âm và ý không thể tách rời nhau ra được….”. (09)
3- Hồn nhiên và đổi mới trong cách nhìn sư
vật, trong ẩn dụ hình tượng và liên tưởng phi thường trong hoán dụ. Đây là đặc
trưng thứ ba, biểu hiện tài hoa của thi sĩ. Trong Văn Tâm Điêu Long, Lưu
Hiệp viết: Người xưa
nói:“Hình tại nơi sông biển, tâm tại nơi cửa khuyết… Bởi vậy, lúc lặng
lẽ tập trung suy nghĩ, dòng tư duy có thể tiếp xúc tận ngàn năm, khi đổi thay
ngắm nhìn, thì ánh mắt như thấy được vạn dặm…”. Bài thơ Tống biệt hành của
Thâm Tâm tiêu biểu cho đặc trưng này. Ngộ nhận của triết gia phương Tây
là không hiểu bản thể của cái toàn thể mà con người cũng chỉ là tiểu ngã trong
đại ngã vũ trụ mà thôi. Họ cho rằng chỉ nhi đồng mới gán ý nghĩa và nhiệt
tình cho những vật vô tri vô giác, làm nên đặc tính căn bản của thơ.
(Luận điểm của Jean Baptiste, triết gia, nhà ngữ học thế kỷ 18,
và sau này là Jean Paul Sartre) thực ra ấy là cách nhìn hồn nhiên của thi sĩ
tượng tự ánh mắt trẻ thơ, song nó bắt nguồn từ dòng năng lượng của tâm
linh. (10)
4- Thông điệp và gợi mở: thi sĩ làm thơ
trươc hết vì thỏa mãn nội giới của chính mình, nên nhiều nhà thơ quan niệm tôi
làm thơ cho tôi, điều đó không sai ở góc nhìn chủ thể, nhưng hơn ai hết,
thi sĩ cần biết mối quan hệ tôi
và tha nhân, thi sĩ và người đọc cũng
cùng một chỉnh thể thơ, cùng sáng tạo cho bài thơ thật sự hay. Nếu đọc một bài
thơ mà độc giả không cùng sáng tạo, và chán ngán bài thơ thì thi sĩ không còn
hiện hữu nữa. Thi sĩ là con tằm nhả tơ, tằm không nhả tơ đuợc nữa là tằm chết,
thi sĩ tiêu vong. Nhóm Dada đuợc nhắc nhở kiểu như nhắc bài con cóc, như
kể về một giống tằm tiêu vong. Thi sĩ làm thơ theo phương thức II, bằng tâm
thức có thể lúc đầu chỉ là một gợi mở cho cảm nhận, càng về lâu độc giả
suy nghiệm từ ấn tượng hay ban đầu. Ngược lại làm thơ bằng vô
thức, chắc chắn sẽ tự gây nguy cơ cho chính họ. Thông điệp trong thơ không
phải là bài diễn văn của chính trị gia, càng không phải là câu kinh của một tôn
giáo, mà nó hồn nhiên lan tỏa sóng tư tưởng độc đáo của chính nhà thơ, nó
là nguồn cảm hứng chung của loài người (Hegel), vì vậy thơ giúp canh giữ lương tâm của
nhân loại.
Trong vài năm gần đây, phong trào tuyển thơ hay, thi thơ
có thưởng tiền, giải thưởng thơ hằng năm của nhiều tổ chức, nhưng chưa thấy một
ban chấm thi, hay ban tuyển chọn nào phát biểu rõ quan điểm về thơ. Cần phải có
chuẩn mực để công luận thẩm định thì ngay việc chấm giải hay tuyển
chọn mới có thể soi thấy và giới thiệu những tác phẩm hay đích thực
Nêu lên bốn đặc trưng của thơ, trong thực tiễn nhằm tạo tiền đề
để quy ra chuẩn mực, có thể chia nhỏ ra thành tám, hay mười sáu tiêu chuẩn hoặc
nhiều hơn để chấm điểm, điểm có quyền cho hệ số, tùy theo ban giam khảo, cũng
như tiêu chí thi hoa hậu vậy. Ví dụ muốn nhấn mạnh thông điệp kháng chiến, có
thể cho hệ số hai ở đề tài này; muốn nhấn mạnh sử dụng ngôn ngữ tài tình có thể
cho hệ số 3… Đồng thời mỗi thành viên chấm điểm cần cho điểm tổng quan,
nhận định chung về một bài thơ, với hệ số cao hơn hết. Cuối cùng, cần
lưu ý rằng chọn thơ hay, chứ không phải chọn thơ vừa mà diễn giải hay về
chính trị, tôn giáo hoặc giỏi quỷ biện./.
Vientiane, ngày 7/9/2009.
Triệu Từ Truyền
Chú thích:
*Chu Hy đã viết như sau trong lời tựa Kinh Thi: “Người ta sinh ra mà tĩnh ấy là
tính trời, nhân cảm bởi vật ngoài mà động ấy là cái ham muốn của tính. Phàm hễ
trong lòng đã có ham muốn điều gì thì không thể không nghĩ tới điều ấy, đã nghĩ
tới thì không thể không nói ra, đã nói ra thì những gì lời nói không thể diễn
tả hết mà phát ra trong lúc ngâm nga than thở, tất có âm hưởng nhịp nhàng tự
nhiên không thể ngừng lại được. Ấy thơ sở dĩ làm ra là vì thế.” (Phạm Lệ Oanh
dịch).
** Hàn Mạc Tử từng nói rốt ráo: Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ,
bỡ ngỡ và lạ lùng, không có lấy một người hiểu mình …
Thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một
linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ, vô
chung, với những hạnh phúc bất tuyệt. Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng
của một cõi trời cách biệt ..
Tôi làm thơ?
Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng.
*** một số cây bút rất trẻ chưa dến tuổi 20 năm 1966 ở Sài
Gòn đã viết về thơ như sau: “Thơ là ngôn ngữ cử động, chứ không phải là ngôn ngữ xuất phát từ cửa miệng hằng
ngày. Ngôn ngữ cử động có thể chất chứa ý nghĩa, hoặc tự nó xuất hiện ý nghĩa
trong tâm trí con người. Sở dĩ có ngôn ngữ cử động vì con người có nhu cầu tâm
hồn, u uất siêu hình, mà tiếng nói hằng ngày không biểu hiện, bộc lộ nổi. Tâm
hồn con người tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử tiến hóa, đem theo khát vọng mới
của con người. Và thơ tiến bộ trên nền tảng văn hóa đó.”(Bộ lạc Mới/ số dựng
lều tháng 03/1966)
(01) (Bài thơ bán than của Trần Khánh Dư hoặc do ai viết
về Trần Khánh Dư không thuộc phạm vi bài viết này)
Bán than
Một gánh kiền khôn quẩy tếch ngàn
Hỏi chi bán đó? Gửi rằng: than
ít nhiều miễn được đồng tiền tốt
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn
Ở với lửa hương cho vẹn kiếp
Thử xem sắt đá có bền gan
Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác
Nhưng lệ trời kia lắm kẻ hàn (*).
(*) Lệ: sợ
Trần Khánh Dư
(02) … Theo ý kiến của nhà giáo A.P Nguyễn Vân Diễn
"Toàn bài thơ chỉ dùng chữ Việt, có một số chữ cổ hơi khó hiểu, hoàn toàn
không có chữ Hán Việt hay sáo ngữ. Bài thơ có vẻ xuất hiện trước khi Tàu đô
hộ." ….
Những lời dùng trong bài thơ cổ âm vang nặng giọng điệu miền quê
Trung Việt, đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng
Hóa (Hóa về sau bị Pháp đọc trẹo thành Huế theo thầy Nguyễn Đãi). Để dễ hiểu
bài thơ cổ, nhà văn An Phong Nguyễn Vân Diễn đã viết lại theo "giọng
cổ" miền Trung:
Khoai tỏ bồn thì tốt cổ
Đậu ba lá thì bừa un
Gà mất mạ thì lâu khun
Gái thiếu trai thì thậm khổ
Trai thiếu gái thì thậm khổ.
Trời sinh trâu thì sinh cỏ.
Đất sinh giếng thì sinh mo
Người sinh Oa thì sinh tui
Oa một miềng thì khôn đặng.
Tui một miềng thì khôn đặng.
Gió ngoài biển hắn dồn bô.
Mây trên trời hắn cuốnn lại
Oa với tui cùng cuốn lại.
Tui với Oa cùng cuốn lại.
Hai đứa miềng cùng cuốn lại.
Bài thơ cổ tiêu biểu này chứng minh cho chúng ta nhiều điều rất
lý thú. Nó đã nói lên rằng thơ văn ca múa như có sẵn trong dòng máu dân Bách
Việt từ thời tiền sử Việt Nam. Nó đã chứng minh rằng từ thời tiền sử dân Bách
Việt đã sống dựa trên một nền tảng triết lý sâu xa trước vạn vật trời đất.
Triết lý đó chứng minh rằng muốn tồn tại và phát triển phải có sự kết hợp để
tương sinh. (theo tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh-Canada)
(03) Đoan thơ Ly Tao
của Khuất Nguyên chuyển ngữ Nỗi sầu ly biệt (Người dịch: Nhượng Tống);
Tác phẩm Iliad có nội dung dựa trên các thần thoại về Cuộc chiến thành Troia. Còn nội dung của Odyssey là trường ca kể về cuộc phiêu lưu của
nhân vật chính Odyssey và hành trình trở về quê hương gian nan của người anh
hùng này.
(05) vui lòng đọc: Suy
nghĩ về câu nói của nhà nho Nguyễn Tư Giản, Những chữ qua cầu tâm linh, trang
1069 NXB văn học;
(06) vui lòng đọc
“VIẾT THƯ TÌNH TRÊN TÀ ÁO ĐÊM TRĂNG" trang 44, sách đã dẫn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét