Một ngày kia, người ta đưa đến cho nàng một quyển sách và
bảo nàng đọc. Nàng chẳng hiểu ấy là sách gì và vì sao người ta lại bảo nàng
đọc. Thị trường sách đang vào thời kỳ bát nháo, chọn lựa một quyển sách bổ ích
để đọc thật khó như mò kim đáy bể. Vả lại, nàng luôn bận rộn với công việc.
Thời gian dành cho sách, một đam mê của nàng thời thiếu nữ, cứ ngày bị tước
đoạt dần.
Nàng thấy câu chuyện thật hài hước.
Các ông, quả thực, là những nhà tiếp thị đại tài, nàng
nói.
Chúng tôi không tiếp thị. Đây là sách cô có nghĩa vụ phải
đọc, một người trong bọn họ nói.
Các ông thực khéo đùa, nàng nói.
Đọc đi khắc hiểu, một người trong bọn nói với vẻ khuyến
cáo hơn là khuyến khích nàng đọc.
Thế là nàng nhận nhưng sau đó vì công việc cuốn hết tâm
trí và thời gian, nàng quên hẳn quyển sách.
Bẵng đi một dạo, bọn người kia lại đến và ra lệnh nàng
đọc. Bây giờ, nàng hiểu, câu chuyện về quyển sách không phải là câu chuyện đùa.
Nhưng nàng thấy thật vô lý: bọn người kia không thể ép buộc nàng đọc. Vả lại,
có ai buộc phải đọc sách bao giờ? Tuy vậy, nàng vẫn đọc. Nàng đọc vì hiếu kỳ do
vụ việc kỳ quặc kích thích hơn là nhu cầu tìm kiếm kiến thức từ quyển sách.
Đọc một phần quyển sách, nàng giật mình: nàng thấy mình
có tội. Và điều kỳ lạ là càng đọc, càng nghiền ngẫm nàng thấy mình càng có tội,
nhìn đâu nàng cũng thấy mình có tội. Nhưng oái ăm là nàng không biết mình đang
phạm tội gì.
Nàng vứt sách, không thèm đọc nữa. Cảm giác tội lỗi vẫn
không nguôi trong nàng.
Nàng là luật sư. Nàng hiểu lắm về pháp luật: tội trạng
được cấu thành khi án được tuyên.
Vậy là những điều trong sách đã tuyên án nàng?
Nàng cầm sách đọc lại một lần nữa rồi đốt. Sách cháy
nhưng nội dung sách vẫn hiện hữu, bằng chứng là cảm giác tội lỗi cứ ngày càng ứ
ngập trong nàng.
Nàng nghĩ, nếu không phải vậy, không phải nội dung quyển
sách nàng đã đốt vẫn hiện hữu thì có thể quyển sách nàng đọc không phải là
quyển sách độc nhất. Trong thời đại kỹ thuật in ấn bùng nổ hẳn phải còn ít nhất
một quyển sách giống hệt quyển nàng đã đọc đang hiện diện trong đời sống này.
Chính sự hiện diện của nó khiến nàng không thể xua đi cảm giác tội lỗi. Nói
khác đi, chính sự có mặt của sách đã ám ảnh nàng. Hay những điều trong quyển
sách nàng đốt đã khắc dấu lên trí óc nàng?
Có thể một trong hai, có thể cả hai, cũng có thể chẳng
phải là gì cả, nàng nghĩ.
Đốt sách là một trọng tội, bọn người kia lại đến và nói.
Nàng chẳng hiểu vì sao bọn họ biết nàng đốt sách? Lúc
nàng đốt sách chỉ có mình nàng. Rõ ràng, bọn họ theo dõi nàng từng giây, từng
phút.
Đây là loại sách mọi người phải đọc, một người có vẻ là
trưởng bọn nói.
Chẳng để làm gì, nàng nói.
Nó sẽ giúp ích cho cô, một người khác trong bọn nói.
Thật tai hại, nàng nói.
Không, nó giúp cô xác định những giới hạn của những lằn
ranh và điều đó nó giúp cô biết kiềm chế.
Không cần thiết.
Rất cần thiết. Những điều đã đọc cô thấy nó cần thiết đến
nhường nào, bọn họ nói.
Bọn họ đưa cho nàng một quyển sách hệt như quyển sách
nàng đã đọc. Dù đã dự lường, nàng vẫn thấy chột dạ.
Giữ lấy và đọc. Tuyệt đối không được đốt, không được để
rách nát, không được đánh mất. Tóm lại, nó phải luôn ở bên cô. Nó phải là sách
gối đầu giường, bọn người kia nói.
Nàng miễn cưỡng nhận. Nàng có cảm giác không thể không
nhận. Bọn người kia dường như có thứ sức mạnh tiềm ẩm nhưng mãnh liệt chế ngự
sự phản kháng của nàng.
Nàng đọc lại sách một lần nữa vì rằng nàng không thể
không đọc. Vẫn là cảm giác tội lỗi lần đầu nàng đọc.
Tội lỗi thì đã sao? Nàng nghĩ.
Nhưng điều nghiệt ngã là cảm giác tội lỗi như một gánh
nặng nàng không sao trút bỏ được.
Nàng đưa quyển sách cho bạn nàng đọc.
Bạn nàng bảo, bình thường.
Không thấy gì thật sao? Đọc lại đi, nàng nói.
Mấy ngày sau, bạn nàng bảo: mình có cảm giác mình như
người có tội.
Những ngày tiếp theo, gặp lại, bạn nàng đều bảo không sao
dứt bỏ được cảm giác tội lỗi.
Nàng đưa sách cho đồng nghiệp nàng đọc. Nàng nghĩ, về
phương diện chứng cứ, quy kết, tù tội thì những hiểu biết của đồng nghiệp nàng
đáng tin cậy hơn bạn nàng rất nhiều.
Theo nguyện vọng tha thiết của nàng, đồng nghiệp nàng
chuyền tay nhau đọc. Kết quả việc đọc của đồng nghiệp nàng cũng hệt như bạn
nàng: Ở họ hiện diện cảm giác tội lỗi không sao trút bỏ được.
Nàng chợt nhận ra: cái bề mặt con chữ không khiến người
ta có cảm giác tội lỗi mà chính là sự suy ngẫm và chiêm nghiệm trên từng con
chữ đã khiến con người ta có cảm giác tội lỗi. Nhưng đã hẳn sự thật đang nằm ở
đó?
Nghĩ về con chữ, nàng thấy thật kỳ lạ. Cái ngày nàng
chuẩn bị đưa sách cho bạn nàng đọc, những con chữ bỗng dưng hối hả bật ra khỏi
trang sách bám lấy da thịt nàng. Với cảm giác vô cùng bức bối, nàng bắt lấy
từng con chữ như bắt lấy những con đỉa ném đi. Nhưng chỉ trong chốc lát những
con chữ đồng loạt tấn công, nàng không sao chống chọi được, bọn chúng vây kín
nàng. Sau đó, chúng tự rơi đi rồi tiêu biến. Điều này có vẻ vừa ảo vừa thật,
khiến nàng nghi ngờ về cảm giác của mình.
Không lâu sau đó, câu chuyện về con chữ được lặp lại. Một
chiều chủ nhật, muốn kiểm chứng sự thật về những con chữ, nàng lật sách ra đọc.
Những con chữ bất ngờ ồ ạt tuôn ra. Dù đã có sự chuẩn bị, nàng vẫn chết điếng…
Chúng chui vào nàng. Chúng chui qua mắt, mũi, tai, miệng, hậu môn của nàng.
Nàng cảm nhận được bước dịch chuyển của chúng: mạnh mẽ, háo hức, cuống quít…
Nhưng cuối cùng, đợt tấn công cũng đột
ngột dừng lại và nàng không còn nhìn thấy những con chữ trên da thịt mình nữa.
Điều khiến nàng lo lắng là nàng không thể xác định được những con chữ có tồn
tại trong cơ thể nàng? Rõ ràng, chúng chui vào nàng nhưng đã không trở ra. Có
thể, chúng đã nằm ở đâu đó trong cơ thể nàng và một ngày nào đó chúng lại bật
dậy tấn công nàng. Cũng có thể chúng đã bị cơ thể nàng tiêu diệt vì rằng lúc
này cơ thể nàng vẫn không có dấu hiệu gì khác lạ.
Nàng cũng lấy làm lạ là những con chữ đã tấn công vào tất
cả các lỗ mà không chui vào cơ thể nàng qua đường sinh dục. Phải chăng bộ phận
sinh dục của nàng tiết ra một chất hoá học nào đó đã phong toả lối đi của những
con chữ? Hay với chúng bộ phận sinh dục của nàng là điều cấm kỵ?
Rõ ràng chữ nghĩa trong quyển sách của bọn người kia đã
tấn công nàng. Đó không chỉ là cảm giác rất thật, đó là sự hiện diện, đó là sự
tồn tại, có thể sờ mó, hít thở…
Cô thấy quyển sách cần thiết với cô đến dường nào, một
người trong đám người kia đến, nói.
Không. Đó là một bản án, một bản án nấp dưới hình thức
một quyển sách… Đó là trò quy chụp.
Chúng là nỗi ám ảnh. Chúng chỉ huỷ hoại tinh thần và thể xác con người
mà thôi.
Cô không được nói nhảm. Cô không thể không đọc, bọn người
kia nói.
Tôi không cần chúng. Không ai cần chúng. Chúng tôi không
cần đọc chúng. Con người không cần đọc chúng.
Tất cả chúng ta phải đọc. Ai cũng phải đọc.
Bọn họ tiếp tục giải thích cho nàng hiểu rằng những điều
thể hiện trong quyển sách nó huyền ảo, uyên áo nhưng cũng rất hiện thực, nó
hiện thực, uyên áo hơn cả Kinh Thánh và Kinh Phật. Đó cũng chính là những giới
hạn, là lề, là vạch, là con đường dẫn người ta tìm đến chân lý… dù ban đầu nó
có vẻ thách thức tính kiên nhẫn và làm khó chịu những ai không có đức tính phục
tùng.
Nàng bảo: nàng sẽ tố cáo bọn người kia vì tội phát tán
thứ văn hoá phẩm độc hại.
Cô không có trách nhiệm phản kháng. Cô chỉ có bổn phận
đọc và hành xử theo chỉ dẫn của sách hoặc tránh những điều sách cấm, bọn người
kia nói.
Tôi là một con người, nàng nói.
Cô là một công dân, trưởng bọn nói.
Trước hết, tôi là con người.
Điều quan trọng cô
là một công dân.
Con người không thể sống trong khuôn khổ một quyển sách.
Cô phải sống với những điều sách đã ghi.
Nhưng sách của các ông là tù ngục.
Tội lỗi chỉ cấu thành khi chúng ta vượt quá những giới
hạn…
Nhưng nàng thấy chẳng có giới hạn nào cả. Chính vì không
có giới hạn, chính vì những điều ảo của sách đã khiến nàng thấy mình có tội.
Người tình của nàng thì chẳng cảm thấy chút tội lỗi nào.
Anh ta cho rằng câu chuyện nhảm nhí của nàng được thêu dệt bởi trí tưởng tượng
bệnh hoạn. Anh ta đã năm lần bảy lượt đọc quyển sách nhưng anh ta không tìm
thấy hoặc cảm thấy bóng dáng của tội lỗi ở đâu cả. Quả thực, đây là nỗ lực ghê
gớm của anh ta. Trước đây, anh ta không hề cầm lấy một quyển sách.
Lần đầu, nghe nàng kể, anh ta chế giễu nàng.
Sau đó, anh ta vẫn tiếp tục thể hiện thái độ thiếu nghiêm
túc mỗi khi nghe nàng than vãn: chẳng lẽ em có tội thật rồi?
Đến lần thứ sáu, anh ta mới gắng cầm lấy sách. Sau nhiều
lần đọc, anh ta nói: Nếu có, những điều ghi trong sách chỉ là sự kết tội những
kẻ đã gây nên tội hoặc nó là sự nhắc nhớ, gợi lên mặc cảm tội lỗi ở những con
người phạm tội.
Nhưng nó đã xuyên qua người em. Nó đã thâm nhập vào em,
nàng nói.
Trí tưởng tượng con người ta thật đáng sợ, người tình nàng
nói.
Nàng im lặng. Nàng không muốn tranh cãi với người tình
nàng nữa. Nàng đã không thể chứng minh cho anh ta chấp nhận cái hiện thực đau
đớn nàng đang phải đối mặt. Vậy thì tiếp tục thuyết phục anh ta để làm gì? Cũng
như muôn triệu người khác, anh ta không thể nhận thấy ranh giới giữa hiện thực
và ảo ảnh… Song nàng cảm thấy cay đắng.
Lần xuất hiện thứ ba, những con chữ vô cùng mạnh mẽ bao
lấy nàng. Lần này, chúng đi vào nàng bằng con đường duy nhất: con đường sinh
dục. Nàng tê điếng cả người. Khi tất cả bọn chúng vào hẳn bên trong nàng là lúc
nàng ngất đi. Nàng ngất thật lâu. Tỉnh lại, nàng thấy quyển sách nằm bên cạnh
nàng với đầy đủ chữ nghĩa vốn có của nó. Điều đó, nàng hiểu, những con chữ đã
rút ra khỏi cơ thể nàng.
Nàng nhanh chóng đem chôn quyển sách. Nàng đào hầm thật
sâu. Trước khi lấp đất, nàng đưa một tảng đá nặng đè lên sách. Dẫu mọi việc
chôn cất diễn ra hoàn hảo nàng vẫn cảm thấy bất an.
Bọn người kia lại đến.
Đã bảo, sách dùng để gối đầu giường, sách không phải dùng
để chôn, một người trong bọn nói, đầy vẻ đe doạ.
Nàng đã quá mệt mỏi. Nàng không muốn đôi co nữa. Nàng
thẳng thừng đuổi cổ bọn người kia ra khỏi cửa.
Chẳng ích gì đâu. Cô không thoát được đâu. Đừng mưu toan
chống lại những cái không thể chống, trưởng bọn nói.
Bọn chúng bỏ đi. Lần này, bọn chúng không đề cập hoặc
chẳng có động thái nào trong việc áp đặt nàng phải đọc quyển sách mới do chúng
đưa lại. Nàng hiểu đó là điều chẳng lành. Nhưng giả định đó là điều chẳng lành
thì đã sao? Còn có điều gì ghê gớm hơn chuyện những con chữ chui tọt vào nàng
thông qua các lỗ? Chẳng có điều gì ghê gớm hơn thế. Còn chuyện tội lỗi đang là
nỗi ám ảnh nàng thì chỉ là vấn đề thời gian: thời gian sẽ xoá nhoà tất cả.
Tuy vậy, nỗi lo sợ
đã đầy ứ trong nàng.
Lúc này, nàng thấy trước mắt mình, rất rõ, một chiếc
thòng lọng đang lơ lửng treo.
Trần Văn Bạn (Bình Định)
Đơn giản, ý tác giả muốn nói rằng: nhồi sọ không được thì treo cổ. Nhưng để thấy sự đơn giản này người đọc phải đọc trong tư thế của một người nghiên cứu triết học chứ không phải cảm thụ văn học.
Trả lờiXóaTruyện này hay là vì nhiều người đọc sẽ hiểu theo nhiều cách khác nhau
Trả lờiXóa