Hoàng Thị Nhã
Quê Hải Dương
Sinh viên khoa Điện tử trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Cần một cái lạnh giữa tiết trời xuân, mưa bay bay trong khóe
mắt. Giờ bớt đi bao khó khăn so với tuổi thơ nhọc nhằn, ngày tháng trôi qua bình lặng với những
giấc ngủ sâu. Nơi thôn quê, cạnh nhà vẫn hình ảnh cô Hòe lụi hụi một cách đến chậm chạp nhặt từng
cọng rau xanh đến gầy guộc, vài chiếc lá úa ruỗng vì sâu, rau mọc ở vườn nhà không được tưới tắm thường
xuyên trở nên khô cằn theo thời gian.
Cái Hồng lùi lũi đi làm từ sáng sớm tối khuya mới về, hai
chị em nó vất vả mới học hết cấp một, khó khăn thay bố lại mất từ sớm không báo trước điều gì chỉ
với lí do “đột tử”. Gia đình mẹ góa con côi hằng ngày lầm lũi sống nhờ vào mảnh vườn nhỏ, nhưng dần mảnh
đất cũng đưa vào quy hoạch nhà văn hóa xã, được đổi bằng mảnh đất bây giờ. Hàng xóm láng giềng
chẳng bao giờ nghe được tiếng cười nói từ ngôi nhà nhỏ cả ba mẹ con, có chăng chỉ là tiếng xào xạc
buồn đến ngây người trước cửa ngôi nhà hàng ngày chỉ có một người mẹ chuẩn bị bữa cơm rồi đứng của
ngóng hai đứa trẻ đi làm về.
Hôm nay Hồng đi làm về sớm, mẹ đậy cơm sẵn ở bàn, lấy chiếc
vung cũ úp lên bát canh rau đay nhạt đã nguội lâu, mẹ đi nằm tự bao giờ. Khác hẳn so với mọi
ngày, đứa em gái đang ngồi trong góc nhà ghi ghi chép chép gì đó. Tiến lại gần, thấy nó đang giở từng
tờ tiền polime mới bên cạnh những tờ tiền lẻ nhàu nhĩ, cầm tờ giấy đứa em ghi lên; Hồng thở dài vì con
số ghi nguệch ngoạc. Tính nhẩm từ trên xuống bỗng thấy con số tám nhân bốn bên cạnh bằng hai tám.
Giật mình Hồng bảo em:
- Sao em tính phép này sai nè!
Đứa em Hồng giật mình vội
lấy tờ giấy.
- Ủa, sáng người ta trả em công chị à, người ta cũng bảo hai
tám ngàn cho tám tiếng đứng quầy trông hàng.
Người ta bớt xén của
em nó mất bốn ngàn, vậy là ngày nào đi làm em nó cũng bị bớt xén mất tiền công của một tiếng mà không hề biết. Hồng lại thở dài
bảo em, xong hai chị em ra ăn nốt cơm rồi đi dọn ngủ sớm. Ngày lại hết ngày, cứ như con thoi đưa đi đều
đặn. Sáng ra lại đi làm sớm ở một công ty giày da, công việc hai chị em cũng đủ nuôi mẹ yếu ở nhà.
Ngày xưa đứa em khảnh ăn của Hồng mẹ phải dỗ mãi mới hết bát
cơm, đêm nằm nghe tiếng muỗi kêu vo vo ngoài màn mà nó thương đứa em nhỏ. Mẹ giờ
tinh thần lúc nào cũng thẫn thờ nhớ bố, có khi sáng sớm Hồng vừa mở mắt vì nghe con gà trống xa gáy o o, đã thấy mẹ ngồi nhìn chăm chăm vào di ảnh cuối cùng của bố, tự dưng mắt Hồng cay nhưng nghẹn lại
nuốt nước mắt vào trong. Nó quay lại kéo chiếc chăn lên ngang người cho em. Đã gần chục năm Hồng vẫn
nhớ như in cái ngày nhỏ đó.
Trước sân trời dần xẩm tối, có vài con dơi không hiểu bay
đâu ra, cánh đập lạng quạng làm thành đốm đen trước hiên nhà. Bố đi làm từ ngõ về, con chó
xù thấy chủ quẫy đuôi mừng rối rít, đứa em nó chạy ra sân tót ngay lên lưng bố bắt cõng nhong nhong vào
nhà. Bố véo nhẹ má nó bảo:
- Đi làm cả ngày nhớ bố không?
Cả hai đứa đồng thanh: “Có
ạ!”
- Chỉ được bá vai thui nghe không, không được hôn má bố
đâu, người nhễ nhãi mồ hôi, con tắm rồi, bẩn đó!”. Em Hồng nhanh nhảu:
- Bố ơi! Con không sợ bẩn đâu, lớn thêm vài tuổi nữa con
cầm khăn tắm cho bố nha!” cả nhà bật cười trước câu nói em nó. Nhưng bố đâu đợi được đến ngày em
nó lớn… gió thổi vút từng cơn xé lòng.
Em Hồng – là cái Hạnh, trong thâm tâm người chị luôn
mong ngóng em mình có được tương lai hạnh phúc, hạnh phúc nhỏ đôi lúc là cái vốn
có như nhiều người là gia đình, là tình thân, là tiếng cười giòn giã. Hôm nay đi làm sớm hơn
mọi khi, Hồng rẽ ngang tạt vào cây ATM gần cổng công ty, quyết định rút một chút tiền dành dụm
được. Tối nay nó sẽ dành một bất ngờ nho nhỏ cho Hạnh- cả mấy năm rồi, sinh nhật là thứ gì đó
xa xỉ với hai chị em. Sẽ là một chiếc bánh ngọt nó tự tay vẽ, vẽ một gia đình gồm bốn thành
viên. Em nó mười tám tuổi nhưng nó quyết định sẽ mua bốn cây nến thắp. Trong lòng bỗng ngân
nga lời hát: “Gia đình! Gia đình! Ôm ấp ta những ngày thơ….”
Lạnh đến lạ, mưa phùn tấp vào mặt dường như hối hả. Làm Hồng
càng hấp tấp nóng lòng hơn được về với mái ấm có mẹ chờ. Chững lại, mẹ ngồi thần
người với cái khăn mùi xoa đã ướt nhèm nước mắt. Cảnh tượng xưa, một lần nữa bỗng như ùa về
trong lòng nó là ngày bố mất.
“Nhưng không, không thể có chuyện gì xảy ra với em nó được
nữa!” chiếc bánh trên tay rơi, chiếc bánh nhẹ bẫng nên dường như chẳng để lại bất cứ âm
thanh rùng rợn nào, ấy vậy mà lòng Hồng ngổn ngang. Nó không thể hỏi rõ mẹ chuyện gì đã xảy ra,
vì tâm lí mẹ vốn dĩ đã không ổn định từ ngày bố mất, phải thường xuyên dùng thuốc an thần. Ôm
lấy mẹ dìu vào trong giường để hàng xóm đi qua đỡ bàn ra tán vào, mấy đứa trẻ quá trớn
thỉnh thoảng còn nói mẹ nó chính là “bà điên" nữa.
Tờ giấy chèn dưới cốc nước uống dở đã xỉn màu, dường như em
Hồng đã cố gắng viết một cách tròn trịa nhất: “Mẹ và chị yêu của con, hôm nay
con không về được. Từ mai con đi làm xa, con gắng kiếm đủ tiền về nuôi mẹ. Nhờ chị chăm mẹ hộ em!”. Dòng thư cụt lủn của Hạnh làm nó giận tái mặt, vừa giận vừa thương, xa là đi tận đâu?
Đi mà không nói, không bàn với nó một lời. “Hạnh ơi! Em có
biết ra ngoài nguy hiểm lắm không!” Điện thoại mất liên lạc, Hồng chỉ biết lặng
người đi trong đêm khuya khoắt chỉ còn con dế vô tình đến lạ cứ “rả ri” mãi không thôi! Đứa em còn
ngốc ngếch, không được đi học nhiều bằng bạn bằng bè, phép tính nhỏ cũng tính sai nhiều,
ai bảo gì cũng tin cũng nghe theo liệu giữa cuộc sống làm ăn nghiệt ngã ấy em nó ra sao đây! Trở
mình mãi, khó ngủ, Hồng hết gác tay lên trán rùi lại day đầu không biết nó đi đâu nữa!
Đang nằm vậy mà, bỗng mẹ nó hát câu: “Đi đâu mà bỏ mẹ già/ Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai dâng" làm nó giật mình ra lay mẹ, hóa ra mẹ nó mơ rồi hát, câu hát
nó chưa nghe lần nào nhưng sao mà ai oán quá. Hồng thương mẹ nhưng đêm khuya thế này nó
biết tìm em nó ở đâu về cho mẹ. Những giọt nước mắt cứ tràn nó không nén được nữa. Ôm
lấy mẹ, cổ Hồng ngẹn lại: “Mẹ ơi! Ngày mai con sẽ đi tìm em về cho mẹ. Còn có con chăm mẹ, mẹ
đừng nẫu lòng như vậy nữa!”
Để ru mẹ ngủ nó giả vờ chỉ vô bức tường cái bóng nó bảo là
Hạnh em nó, giả giọng em: “Mẹ! con về rồi mẹ ơi!”
- Hôm nay hai chị em con sẽ ngủ cạnh mẹ, mẹ yên tâm rồi
nhé!
Không cầm nổi nước
mắt nữa, nó khóc giờ mẹ cũng không nhìn thấy đâu, chỉ còn nó trong căn nhà ngày xưa vốn ồn ã vui vẻ với đầy đủ cha và em.
Nó biết rằng với tính tình em nó cũng luôn suy nghĩ cho bố mẹ nên mới làm vậy; nó cảm thấy
mệt mỏi, đắp chăn cho mẹ xong nó thiếp đi. Mùa xuân sẽ không có bão, em nó có đi xa rồi cũng
sẽ về, mọi thứ đã quá đủ với gia đình nhỏ, dành tiền để sau này mẹ khỏi bệnh sẽ mở một hiệu
may, rồi căn nhà Hồng lại rộn rã bữa cơm no ấm với ba mẹ con; mặc dù thiếu bố nhưng giờ đây
chỉ thế là đủ rồi.
Hồng giật mình ôm lấy mẹ, giá như thực tại chỉ là một giấc
mơ, và những giấc mơ đẹp sẽ là sự thật. Nó vẫn lảm nhảm: “Mẹ ơi! Ngủ đi mai con sẽ kiếm
em về…!”
Hoàng Thị Nhã (Hải Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét