Phạm Thị Hải Dương, quê Tây Hòa, Phú Yên, sinh viên ngành sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng
Nét mặt
ngoại cứ như đong đầy gió sương của hàng thế kỷ. Có cái gì đó ập ụa chảy vào
tim Ngọc. Ròng rã mấy tháng, không nói nhưng cái dáng bải hoải đệm thêm làn nước
mỏng rớt chùng chình nơi đáy mắt mỗi chiều, làm con nhỏ xốn xang, ruột gan lồng
lộn.
Phải
mà, con gái có chồng còn biết gì tới cha mẹ. Chưa tính cả đời buôn gánh bán
bưng châm cho đầy hũ rượu. Còn một bụm con đì nhau ra giành mấy ổ bánh mì khô như rơm. Gặm hào hứng,
vừa nhai vừa chùi nước mũi. Thấy mà thương. Nhưng dù gì, con Hai nó cũng có được
cái hạnh phúc của người đàn bà. Có nai lưng gánh nắng đổi gạo ngoài đồng thì
đêm về được hít mùi mồ hôi lẫn đất của sắp nhỏ là đủ no rồi, khỏi ăn cơm. Còn
con Út tui…Chưa dứt câu đã khóc. Hột ngắn, hột dài. Hột này chưa kịp khô thì hột
khác lăn xuống lia lịa. Đôi gò má héo queo như ruộng bắp cuối mùa.
Đêm
đó chiêm bao, trực giấc không thấy ngoại. Ngọc dáo dác chong pin đi tìm. Bà Hai nuôi con nhỏ ngót nghét mười bảy năm
nay. Gái quê học ít nên sớm tính chuyện chồng con. Thói thường, cả đời úp mặt
biết nước ruộng với phèn, sao dám ngước lên nhìn thử lớp da giày nó bóng tới cỡ
nào. Trật ót. Nên gặp một thằng khố rách như ba Ngọc, là phải…
Lại
nói tới dì Út nó. Út Riềng. Cái tên khắc khổ, ai nghe qua cũng chắp lưỡi cái tặt
“chắc ngóc đầu không nổi” . Mà thiệt, vắng cha từ sớm, chưa đủ tuổi đã mượn giấy
chứng minh photo, lụi hụi viết tới mấy bộ hồ sơ, trốn bà Hai, bắt xe vô Sài
Gòn. Con đi nghen má, chị Hai, chị Ba có chồng, anh Hiền về phía vợ, con đi kiếm
chuyện làm, lo cho má… Bà Hai khóc ướt mem tờ giấy. Chi tội dữ con, ở nhà có rau
ăn rau, có cháo ăn cháo. Lúc đau yếu, biết nương nhờ ai. Cái rẻo đất nghèo
không níu được đám thanh niên. Biết được cái chữ đủ ọ ẹ, có chút sức vóc rồi bỏ
quê về phố, đưa lưng cho người ta lột. Nghe Ngọc thuật lại, con Út xin vào một
công ty chuyên giày xuất khẩu. Hai tuần làm ca ngày rồi phải đổi lại hai tuần
ca đêm, xuống ca hơn 3 giờ sáng. Tháng đầu chưa quen, nôn thốc nôn tháo ra cả mật
xanh, mật vàng. Phòng ở xập xệ sát đường tàu, nằm nhớ nhà, nhớ má. Khóc.
Con bà Hai,
đứa nào cũng khổ. Từ khi ông Hai mang bệnh xuống mồ. Tám tháng, má Ngọc cắt
ngang dòng sữa, đoạn đành kiếm xứ khác làm ăn. Ở đời, người ta thường xót
thương cho những điều thấy trước mắt mà vô tình lảng đi những thứ khuất mặt. Vất
vả của bà Hai ai không thấy, tiếng nấc lịm của con trẻ ai không nghe? Nhưng ở
cái xứ hồn ai nấy giữ, trừ ba Ngọc chắc không ai hay sau cái dáng mỏng manh
kia, má nó đã phải hứng chịu những gì. Nên bà con bới móc thẳng lưỡi. Không
tranh thủ về thăm con được sao! Đáng, đáng lắm, con nhỏ không nhìn ra mẹ nó là
phải.
Không
phải vì ngợp lời mà má con Ngọc đi làm xa mãi đâu. Trên thế gian này, những người
đàn bà có được thiên chức làm mẹ đều hết lòng yêu con. Nhưng, không phải ai
cũng có may mắn ôm ấp, cận kề chăm bẵm từ tấm bé rồi chứng kiến đứa con trưởng
thành, tung cánh bốn phương trời. Má Ngọc không có cái phước đấy, hồi ấy được
phép xí nghiệp về nhà, ạo ực chạy lại định bế con thì con nhỏ ré lên, nhất quyết
không cho ẵm. Con Ba đứng thần người, hai hàng nước mắt chảy dài. Con nít mà,
trót lạ hơi… Rồi mấy năm sau về ăn Têt, xổ ra cả đống đồ. Nhưng ác, đến cỡ con mặc
số mấy cũng không hình dung ra. Nhìn con nhỏ tháo mồ hôi lôi cánh tay qua nách
áo, con Ba khóc tức tưởi. Hụp lặn trong biển nhớ, má con Ngọc không đếm được
bao nhiêu lần muốn chạy ra đường ngoắc đại một chiếc xe về nhà, ngủ với con một
đêm rồi sớm mai… lại đi. Là mãn nguyện.
Mà có lần
nó làm thiệt. Ba Ngọc cản nhưng không qua được. Đôi má đỏ ngây ngây, mùi bồ kết
phả từ mớ tóc đen nhứt… Nhiêu đó sao đắp đổi được những tháng ngày người làm mẹ
héo hon, phần hồn trầy trụa vì xa cách. Trên xe, con Ba gục mặt, khóc rưng rức.
Biết phải làm sao! Hai vợ chồng cưới nhau không một tất đất cắm dùi. Cái xứ mua
bùn, nắng bụi. Mùa mưa tới chỉ có cánh ngồi trong nhà ngó ra. Đường cùng, không
riêng gì ba má Ngọc mà không ít cặp vợ chồng trẻ, phải gửi con cho ông bà.
Thành ra cả làng chỉ còn người già với con nít. Chúng nó mang ánh mắt xa xăm
vào lớp học. Ở hai kia nỗi nhớ, những bà mẹ trẻ khắc khoải nhìn về phía vùng trời
có con.
Trước hạnh phúc của con, người làm mẹ sẵn sàng trút bỏ tất
cả. Cái xóm nghèo nhỏ như chóp mũi này, người ta không rớt nước mắt trước những
bà mẹ như vậy là sắt đá. Nghĩ cũng lạ, con bất hiếu đã đành, đằng này… Ai cũng lắc
đầu. Bốn đứa ăn học thành tài, muốn phụng dưỡng mẹ già. Có hiếu quá đi chớ. Lại
một hai đòi vào chùa sống nốt những ngày cuối đời. Nhưng sao bà Năm Tần lại lưu
lạc tới xứ này? “Chén trong sóng còn khua, bà Năm trốn đi để lũ con bà khỏi
khó xử… ”.
Một buổi sáng đầu tháng Hai, cả làng nhốn nháo. Con Ngọc chết
lặng người khi bà con thốc cái xác khô quắp từ trên võng xuống, bên cạnh là
chai thuốc cỏ cháy cạn tới đáy. Bà con cứ nói bừa, má con nhớ con quá nên mệt
đó mà, bữa Tết con về má còn hối kiếm thằng nào, hai sáu hai bảy tuổi rồi con,
còn khỏe má lo đám cưới, nhìn bây mặc áo dài đỏ chắc đẹp hết sẩy. Chi má, khổ
như chị Hai, chị Ba. Con không thèm. Ở vầy má nuôi không sướng hơn hà? Cha bây!
Giản dị mà sâu
sắc, kín đáo mà không tĩnh lặng là tất
thảy những người mẹ trên cõi nhân gian rộng lớn này. Họ - những người phụ nữ
mang nặng đẻ đau, chắp đôi cánh uớc mơ, làm nguồn ánh sáng dẫn đường cho người
con để bay đến chân trời hi vọng. Với người phụ nữ, con cái luôn là máu thịt,
là điều đáng quý nhất trong cuộc đời họ. Dù giàu sang hay bần hàn thì mỗi người
mẹ đều hết lòng yêu thương con, hi sinh cho con bằng mọi cách. Thậm chí, chấp
nhận thiệt thòi, đối mặt với cái chết. Miễn sao, hạnh phúc con cái được viên
mãn, tròn đầy.
Phạm Thị Hải Dương (Phú Yên)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét