Tác giả Lưu Thành Tựu
Hắn đi dán tờ rơi thế này: “Khi ngang qua quốc lộ 13, đoạn gần đại học
Bình Dương tôi có đánh rơi cái bóp, trong đó có giấy chứng minh nhân dân của má
tôi mang tên Lê Thị Bậu, sinh năm 1935. Ai nhặt được xin điện thoại về số…”.
Mấy ngày sau, hắn khư khư điện thoại trong tay, chờ có ai gọi đến. Nhưng người
gọi đến toàn là người quen, số quen đã lưu trong máy. Giá mà có ai gọi đến để
nói với hắn thế này, anh ơi tôi vừa nhặt được cái bóp, trong đó có giấy chứng
minh nhân dân của bà…
Cách đây 5 năm, ngày phát hiện má bệnh tiểu đường cũng là lúc hắn bắt
đầu giữ lấy chứng minh nhân dân của má. Nhớ lần đầu đi khám bảo hiểm, cô y tá
dõng dạc lảnh lót vào micro mời bà Lê Thị Bậu, sinh năm 1935. Hắn xuất hiện, cô
y tá ngớ ra rồi vặn vẹo bà đâu, có mang theo chứng minh nhân dân không. Những
lần sau đã quen, khi cô y tá dõng dạc vào micro thì hắn dìu một bà cụ già tuổi gần
tám mươi đến gần y tá rồi phân trần: Nè cô, má tôi nè cô…
Vậy là đã năm năm trôi qua, năm năm má phải vật lộn với căn bệnh tiểu
đường chết tiệt, năm năm hắn phải đồng hành cùng má đến bệnh viện này mỗi tháng
một lần. Hắn quen thuộc nơi đây, quen ghế đá dành cho bệnh nhân ngồi chờ mòn
mỏi, quen gương mặt bác sĩ, quen những cụ bà, cụ ông rồi biết được ai nghèo, ai
giàu, nhưng thông thường đến những chỗ này thì có ai giàu đâu, đa số đều éo le
gia cảnh, tất cả héo hon ngồi tại phòng chờ. Hôm bữa vào nhà vệ sinh, má phun bã
trầu không đúng chỗ bị cô tạp vụ chửi um, nghe vậy hắn chạy vào líu ríu: Cô
thông cảm, má tôi uống thuốc quá nhiều nên mắt mờ hết rồi, cô để tôi làm thay.
Ở bệnh viện này, người ta thường thấy hắn dìu má mình vào nhà vệ sinh để
lấy nước tiểu xét nghiệm, hoặc cõng bà lên tận lầu hai để đo điện tim, cõng
xuống tầng một để đo huyết áp. Những lúc ấy đám đông nhìn vào rồi xầm xì, đâu
đó có lời buông lơi nghe não ruột, nhìn con trai nuôi mẹ mà xót xa. Những tháng
gần đây má không được khỏe, bên cạnh chỉ số nhảy múa của đường còn có cả nhiễm
trùng đường tiểu, tim mạch không ổn định, huyết áp tăng cao nên bác sĩ khuyến
cáo liên tục. Dìu má ra phòng chờ, hắn vừa bóp tay cho má vừa nói:
- Lấy máu xong má ăn mì nghen!
- Thôi má ngán lắm!
- Ngán thì đổi món, chứ không ăn làm sao khỏe được.
∞∞∞
Má không khỏe được là do má già, má bệnh, chứ trước đây má hắn khỏe lắm,
có dầm mưa dãi nắng kiểu nào cũng không bị bệnh, chẳng bù cho bầy con, như hắn
chẳng hạn, chưa đến bốn mươi mà sức đã xuống dần. Hay là má giấu, chứ má ngã
bệnh lúc ấy thì đám con ai lo vì ba mất sớm, mất sau một năm khi hắn chào đời. Lớn
lên hắn biết ba mình qua tấm hình trong chứng minh nhân dân đã chuyển màu vàng
ố được lưu giữ cẩn thận trong mớ giấy tờ quan trọng của gia đình. Sau này nhờ
photoshop, cả nhà chụp hình nhân dịp đầu năm, các con đứng cạnh bên má, nhưng
trong ảnh bây giờ có ba, ba đứng cạnh bên má phía sau nhưng chỉ vừa ló mặt,
gương mặt được lấy ra từ giấy chứng minh nhân dân đã chuyển màu vàng ố ghép vào.
Khi người chụp ảnh giao hình, nhìn vào tấm hình má cứ trầm trồ rồi sau đó quay
ngang lau nước mắt. Vài tháng sau người chụp ảnh dạo lại lảng vảng quanh nhà,
không biết gạ gẫm thế nào mà má hắn chụp hình, trong hình nhìn má lạ lắm. Ngày
thấy hình của má mà hắn không vui, nhưng má hắn dịu giọng:
- Để má chụp một tấm, sau này có chết tụi con không phải lo hình. Chứ
ngay ngày hữu sự mà đi rửa hình thì lu bu. Vả lại đây là chân dung của má, sau
này không phải lấy hình trong chứng minh nhân dân để họa ra như ba mầy.
- Má ơi, tụi con sẽ chụp lại cho má, chụp má ngồi y chang thế này. Nhưng
phải là hình hài của má, tay chân phải là của má… Má coi, chỉ gương mặt của má,
tay chân là của người khác ghép vào, dù sang trọng nhưng đây không phải hình ảnh
vẹn nguyên của má để tụi con tôn thờ…
Nghe hắn nói vậy, má hắn xốn xang muốn rơi nước mắt. Sau đó má chụp
lại, trong ảnh má gầy gò hơn, má mặc áo dài màu cháo lòng, không hoa hòe hoa sói
như trước đây, không đeo nhẫn lắc, vòng kiềng… má ngồi giữa nhà, căn nhà ba
gian xập xệ, gương mặt không phấn son, không photoshop thổ thiển nhưng trông má
đẹp lắm và cũng hạnh phúc lắm.
∞∞∞
Rồi những ngày hạnh phúc ấy cũng trôi tuột qua mau kể
từ lúc má đổ bệnh. Năm năm chống chọi với căn bệnh đái tháo đường cũng là ngần
ấy thời gian hắn đếm ngược những ngày được ở bên má để rồi dứt điểm trong một
đêm tai biến xảy ra. Ngay ngày hữu sự, chị em của hắn không phải lu bu rửa hình,
tấm hình mà hắn đã ôm trước ngực trong
thời khắc cuối cùng tiễn má đi xa... Những ngày sau đó ngang qua bệnh viện, hắn
thèm vào trong ngồi trên ghế đá dù có chờ đợi mỏi mòn, thèm được nghe y tá dõng
dạc gọi tên để ngời ngời hạnh phúc mà nói với cô rằng, nè cô, má tôi nè cô. Vậy
mà trong một lần bù khú với bạn bè, hắn đã đánh rơi cái bóp trên đường về nhà.
Mất giấy tờ gì cũng có thể làm lại, nhưng có một thứ mãi mãi không bao giờ hắn
làm lại được. Rồi hắn hối hận, hắn trách mình bất cẩn, hắn trách hắn không giữ
được hình ảnh của má ở bên mình… Vài ngày sau đó, ở vùng ngoại ô thị xã, người
ta đọc được tờ rơi có nội dung kỳ lạ thế này: “Khi ngang qua quốc lộ 13, đoạn
gần đại học Bình Dương tôi có đánh rơi cái bóp, trong đó có giấy chứng minh
nhân dân của má tôi…”
Lưu Thành Tựu (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét