Chị bảo tôi vào phòng thử
chai khử mùi mồ hôi hàng ngoại do người bạn mới tặng. Nhưng khi cánh cửa vừa
đóng ập chị lại sổ sàng giật cúc áo tôi, bảo “Cho chị xem ngực em chút coi!”.
Tôi tròn mắt. Chị sao nay có sở thích kỳ lạ vậy? “Ngạc nhiên cái gì, là xem
ngực em thế nào, để giới thiệu cho chỗ này sửa không đau, rẻ, mà không bơm,
không độn, không hóa chất gì hết á! Làm “hàng” lại cho ngon mà giữ chồng em
ạ!”. Rồi cũng không đợi tôi ngỏ ý, chị ném toẹt áo mình xuống giường, khoe đôi
núi không thua thời con gái. Chỉ có điều… vùng quầng màu nâu hồng ấy chằng chịt
sẹo. “Thấy ngon hông? Có bốn triệu thôi đó!”. Quả thật bộ ngực khá đẹp. Tròn,
săn chứ không chảy xệ hay nhão nhòe theo tuổi tác. Chị, tuổi ngoài bốn mươi mà
sở hữu đôi bồng đảo này, đảm bảo đàn ông có nước “từ chết tới bị thương”.
Nhưng… hai con trai chị đã
mười lăm, mười tám cả rồi, chị “teen” quá, ra đường người ta lại tưởng chị em.
Tôi cười thầm, chưa kịp nói ra ý nghĩ này thì chị đã khoe thêm đôi lúm đồng
tiền vừa “treo” giá hai triệu, cặp mắt “hai mí lận” mấy chục năm nay cũng được
cắt rõ thành hai mí với giá tám triệu. Chỉ có điều trông nó sâu hun hút kiểu
người hay lo nghĩ, mất ngủ chứ không “nai vàng ngơ ngác” như chị mong muốn. Cái
mũi hếch rất duyên của chị đã được chống lên cao vòi vọi. “Mũi hếch nên bao
nhiêu của tiền đều tiêu tan hết em ạ! Cả tình yêu cũng đi theo cái mũi hếch
luôn! “Thầy” biểu vậy nên chị phải đi sửa. May sao gặp bác sĩ Q. ở đầu chợ thị
xã mát tay nên sửa cái nào ra cái nấy”. Rồi chị hạ giọng “Mai này chỉ còn đi vá
“cái ấy” nữa là “tân” chán! Cho thằng chả thèm chết luôn”.
Chị đã lần thứ hai sang đò.
Không kể mấy thằng cha lượn lờ quò què quọt quẹt ở khoảng giữa thời gian chị
thôi ông chồng trước để đến với ông chồng này. Ngày ấy… mười bảy tuổi chị phải
làm “vật cúng” cho tay giữ rừng (là người chồng trước) để việc làm ăn của cha
và anh được suôn sẻ. Mười tám tuổi sinh con. Ông chồng cắt rốn trẻ con bằng
chiếc rựa đi rừng sau khi hơ qua lửa. Những chuyến gỗ rừng của cha và anh chị
về xuôi, tiền vô túi họ không biết bao nhiêu mà kể thì cũng là lúc chị vật lộn
với mưa, gió, muỗi, vắt và thâm u huyền hoặc của rừng để tồn tại. Rồi đứa con
thứ hai ra đời khi chị mười chín tuổi rưỡi. Ông chồng hơn chị hai mươi tuổi lại
cắt cuống rốn con bằng chiếc rựa chặt cây. Nhưng lần này không kịp hơ qua lửa.
Đứa bé uốn ván qua đời. Chị như người mất hồn hết một khoảng thời gian. Không
có ai cho chị nương nhờ cả, mẹ chị đã mất từ lâu, họ hàng bên chồng phương nào
chị chẳng biết. Những lần gặp cha và anh thưa dần theo những chuyến gỗ rừng
đang cạn kiệt. Rồi rừng đóng cửa. Chồng chị bồng bế vợ con ra khỏi cửa rừng thì
rơi vào một thế giới khác, khác xa thế giới bao lâu nay anh đã sống.
Đàn bà đẹp nhiều quá, thơm
nưng nức như quả táo chín chứ không xù xì tanh tanh như cô vợ quen mặt mấy năm
nay. Bữa ăn thịnh soạn quá, đầy chén, bát, ly, muỗng… trên những chiếc bàn
nhung đỏ chứ không quăng qua ném lại chỉ là hai chiếc nồi mốc xỉn trên chiếc
sạp gỗ lùi xùi. Cả một túi tiền anh xài hết trong mấy tháng, ba con người trọ
trong căn phòng mười hai mét vuông, những bữa ăn của mẹ con chị là thức ăn thừa
sau khi anh khật khưỡng đi về. Lâu rồi chị không biết xài tiền. Hồi trong rừng,
mắm muối đã có cha và anh mua giùm sau những chuyến gỗ. Rau, cá, chim, thú…
thiếu gì đâu. Tiền bao nhiêu chồng chị giữ hết.
Không chờ được những bữa cơm
xà bần chồng mang về, chị bồng con leo lên một chuyến xe đò bất chợt. May sao,
chuyến xe về thị trấn- một thị trấn tít xa vùng biên giới. Một bà đứng tuổi tốt
bụng nhận cho chị phụ rửa chén quán cháo lòng. Không tiền công tiền quạ gì đâu,
chỉ là ngày hai mẹ con đủ ba bữa ăn và có chỗ ngã lưng qua đêm. Vậy là thiên
đường rồi.
Hai năm phụ việc chăm chỉ,
một hôm bà chủ gọi chị ngồi vào bàn để bà “nói chuyện thẳng thắn”. Chị rối
lòng. Lẽ nào trong công việc có gì làm bà phật ý? Bà muốn đuổi chị sao? Dù chị
đã biết nhiều đường đi nước bước trong thị trấn, nhưng một kẻ không nhà cửa như
chị, ai sẽ dễ dàng nhận vào làm việc? Rồi mẹ con chị sẽ ở đâu? Nhưng nhìn nụ
cười hiền từ của bà, chị bớt lo âu.
- Con gái à… dẫu ta biết
hoàn cảnh con chỉ qua lời kể của con. Nhưng hai năm qua đủ cho ta tin con là
một người phụ nữ tốt. Ta muốn… con làm cháu dâu ta. Con sẽ gọi ta bằng dì.
Thằng Tín mỗi chiều tới ăn cháo cả hai năm nay đó, con biết không? Nó là cháu
ta, vợ chết mấy năm nay, nó có tiệm đóng đồ mộc đầu hẻm đó, con biết không?
Sự việc bất ngờ khiến chị
khó nghĩ. Hai năm qua, chưa bao giờ chị dám mơ ước mình có một mái nhà riêng.
Tiệm đóng đồ mộc của anh Tín đầu đường thì chị biết, có đến mấy người thợ lận
mà. Lúc nào nhóm thợ ấy đến mà bà chủ quán không múc cho họ những tô cháo đấy
tú nụ. Chị cần một bến đậu, cho mình và cho con, nên gật đầu đồng ý.
Tiệc cưới đầy bánh ngọt và…
cháo lòng. Khách thỏa sức ăn uống, nhậu nhẹt tới tận khuya. Buồng cưới của chị,
chiếc giường còn thơm mùi gỗ mới, xù xì chưa kịp đánh vec-ni. Chiếc gối cưới
màu… cháo lòng hăng hắc mồ hôi và có cả đứa bé nằm ngủ trước. Anh loạng choạng
bước vào phòng “Thông cảm nghen bồ! Bà dì hối quá nên không kịp mua gối mới cho
cô dâu. Kệ nghen, còn cả đời mua sắm. Giờ ngủ đi, nằm êm êm cho con nít nó
ngủ!”.
“Đêm tân hôn” của chị trôi
dần trong tiếng ngáy của anh và mùi thơm của gỗ, mùi mồ hôi chua chua hăng hăng
của chiếc gối duy nhất anh nhường chị.
Năm sau. Chị sinh con. Là
con trai. Ngày đầy tháng, Tín bồng đứa bé đi khoe khắp nhóm thợ thầy “Thấy
thằng nhỏ giống cha ác hông? Cái mắt nè, cái mũi nè, cái tay nè, cả mùi mồ hôi
nữa nè…”. Ai cũng gật đầu cười cho Tín vui, chứ con nít đỏ hỏn, giống gì mà
giống dữ. Anh lại trầm ngâm “Nhà mình làm nghề mộc, đứa trước trai, đứa này lại
trai. Sợ mẹ mày phải kiếm đứa con gái phụ cơm nước cho tao quá!”. Chị cảm ơn
anh rất nhiều, đứa con của chị, anh xem như con mình qua cả lời nói. Nhưng…
sinh đứa nữa thì… đàn bà mới đầy tháng, không dám nghĩ. Chỉ cười.
Thời gian trôi vèo như xe
xuống dốc. Chị vẫn không chịu kiếm cho anh “đứa con gái cơm nước”. Rồi cơ sở
đóng đồ mộc của anh không còn đông khách như trước. Nhóm thợ thầy cũng tứ tán
mưu sinh. Anh nay theo thằng “đàn em” này buôn chuyến, mai theo thằng “đàn em”
khác làm lơ xe. Không nghề nào ra nghề nào, chỉ có thời gian ở nhà là ít dần.
Chị trước giờ chỉ biết nấu ăn. Nấu cho cả nhóm thợ ngày ba bữa mà rảnh rang gì.
Nhưng bây giờ thu nhập không có. Làm gì để nuôi con? Vậy là bao nhiêu vốn
liếng, tư trang chị bán hết. Dùng lại mặt bằng trại mộc xưa, chị mua-bán đồ nan
như tầm vông, cần xé, mê bồ, lá xé, lá chằm… Chả gì, hồi ở trong rừng chị cũng
biết đánh tranh lợp nhà, giờ chằm lá cũng không khó mấy. Xe lá từ miền Tây về
bỏ lá bó, chị lựa ra, chằm lại thành miếng, bán. Rồi võ vẻ học đan cần xé. Ông
trời vốn rất thương người. Mọi việc đều không khó lắm nếu con người ta có lòng.
Đan được thân cần xé thì học nứt quai. Khâu nứt quai xem dễ ăn mà khó nuốt lắm
à nghen! Nhưng cũng may chị có lòng, hôm nay không thành công, ngày mai chị
tiếp tục. Rồi cũng xong. Cái tròn, cái méo, cái như quả trứng... Bà con thương,
rồi cũng bán đi hết.
Khách đến cơ sở đồ nan nườm
nượp vì chị bán giá “mềm” hơn nhiều nơi khác. Và nhất là cách chiều khách thì
không ai sáng bằng. Khách có thể đòi chị cho xem mười cái cần xé nhưng mua một
cái, chị cũng cười. Khách mua ba trăm lá lợp nhà nhưng bắt chị giao tận nhà mãi
tít trong ngõ, trong hẻm chị cũng chịu luôn. Lợp xong, thiếu ba mươi tấm, điện
thoại ra, chị lại vui vẻ chở vô giao. Mê bồ của cơ sở chị rõ ràng “hàng đặt”
hay “hàng xô” chứ không làng nhàng như bao nơi khác.
Bán buôn ngày càng đắt khách
nhưng gọi anh về phụ thì anh bảo “Chân tui là chân đi. Bà thương tui thì ráng
mà lo cho gia đình, con cái”. Chị thương anh chứ sao không. Chị không lo cho
gia đình mà được như ngày nay à? Nhưng ai dè, với chị thì cái chân anh là “chân
đi” nhưng với người đàn bà trẻ hơn chị chục tuổi, chân anh là “chân ở”.
Nhìn người đàn bà ấy, rồi
nhìn lại mình, chị quyết định “tút” lại nhan sắc. Trước tiên là trị cái mặt nám
vì thức đêm nhiều. Thuốc tây, thuốc ta, thực phẩm bổ sung vi chất gì gì chị
cũng không ngại bỏ tiền ra để lấy lại làn da như phụ nữ tuổi ba mươi. Cặp ngực
chị không được tròn như người phụ nữ đó. Má chị cũng không có lúm đồng tiền. Mắt
hai mí lận không đẹp như người đàn bà “hai mí rành rạnh” đó. Cái mũi hếch đối
lập với chiếc mũi thon dài của cô ta. Chị quyết tâm sửa hết để kéo chồng về.
Chị bảo:
- Có đau đớn gì đâu! Thuốc
tê chích vô, không có cảm giác gì cả. Ngực chị giờ tròn vo nè.
- Nhưng… có sao không chị?
Tôi hơi mắc cỡ.
- À… có mất cảm giác khoảng
chừng 2 tháng đầu. Lúc đó nhớ không được
chạm mạnh vào ngực.
- Còn lúm đồng tiền, thật sự
thì em thấy… không được tự nhiên lắm!
- Đồ nhân tạo sao mà tự
nhiên? Nhưng có còn hơn không! Em không biết chứ “con đó” của ảnh có hai cái
đồng tiền sâu, chị nhìn còn muốn chết chìm huống chi ảnh! Em ráng làm đi, hết
có hai chục hà!
Trời đất! Hai chục triệu mà
chị nói nhẹ hều. Có hai chục triệu, tôi sắm cho ông xã bộ đồ sửa xe mở quán tại
nhà. Nhưng đàn bà mà, có những đêm tôi nằm trằn trọc nghĩ về sự “tân trang” của
chị. Giá mà tôi có tiền, cũng liều thử tân trang một vài chỗ thử coi ông xã có
mê vợ hơn không.
Hôm rồi, tôi lên chị, tính
nhờ làm giùm cái quán cây lợp dừa nước. Ông xã tôi khoái loại nhà này, vừa mát,
vừa rộng rãi. Tôi vừa vay tiền ngân hàng, quyết làm cái quán sửa xe cho chồng.
Bữa nghe tin đó, ổng mừng quá ôm chầm lấy tôi mà hôn. Đêm đó, vợ chồng cứ như
hồi mới cưới.
Chị lơ đểnh nghe chuyện, nói
mai mốt kêu thợ chở đồ tới, dựng quán cho tôi.
- Có gì không vui hả chị?
- Thằng chả bỏ đi với vợ bé
rồi!
- Ủa...! Mà cái vụ chị tân
trang đó… ổng biết chưa?
- Chả nói… không xài đồ giả!
Mẹ bà nó…. đồ ngu!
Tôi liếc nhìn chị, không dám
nói ra, chớ da mặt chị hồi này đang nám lại nữa rồi.
Đào Phạm Thuỳ Trang (Tây Ninh)
Nội dung truyện sâu sắc và cách viết lôi cuốn. Mình rất thích!
Trả lờiXóa