Tôi thức dậy hơi muộn. Súc miệng đánh răng xong, tôi bước vào phòng khách. Vợ chồng Mộc ngồi chờ sẵn với bữa sáng bày trên bàn: đĩa thịt cheo rừng, nồi cháo nóng nghi ngút khói. Mộc cười xuề xòa:
- Đặc sản miền núi đấy. Biết cậu lên, bok Hua đem biếu.
- Bok Hua! Bok vẫn khỏe mạnh chứ?
- Vẫn khỏe, vợ Mộc vừa múc cháo ra chén vừa nói, anh vẫn còn nhớ Bok à?
Tôi luống cuống:
- Nhớ, tôi dở quá, chưa đến chào bok.
Mộc nói:
- Bok đi săn mới về hồi sáng sớm. Lúc nãy bok tới, thấy cậu ngủ ngon nên không cho tôi kêu dậy. Giờ bok vào rẫy rồi, cậu không gặp được đâu.
Ngừng lại một lúc, Mộc tiếp:
- Bok Hua nhắc đến cậu luôn. Người Bahnar quý ai, họ khắc vào trong lòng, khó có thể thay đổi được.
Bữa ăn sáng trôi qua nhanh. Vợ chồng Mộc đi dạy. Đứa con gái nhỏ đi nhà trẻ. Còn lại một mình, tôi nằm thừ trên chiếc ghế xếp. Ở Dăk Sơro, đang mùa hè, không khí buổi sáng se se lạnh. Lòng tôi tôi nao nao khi nhớ lại một buổi sáng như thế này cách đây năm năm, trong căn nhà sàn của bok Hua, Lan Nhi ngân ngấn nước mắt khi tiễn tôi về xuôi :
- Đừng quên Dăk Sơro nghen anh!
Vai khoác cái xách nhỏ, tay cầm cây vĩ cầm, nhìn vào mắt Lan Nhi, tôi hứa như là hứa với chính mình:
- Anh sẽ trở lại.
Bok Hua đứng bên cạnh, vỗ vai tôi, thân mật:
- Mày về, bụng tao luôn nhớ mày. Dăk Sơro cất giữ lời hứa của mày.
Số phận dun rủi. Nếu công ty tôi không chọn Dăk Sơro làm địa điểm tham quan, biết bao giờ tôi mới đặt chân lại nơi ấy, mới thấy hết những lỗi lầm mình đã gây ra. Tại cuộc họp toàn công ty, mọi người đều hoan nghênh ý kiến đề xuất của ông chủ tịch công đoàn:
- Mùa này khí hậu trên đó mát mẻ, cảnh thiên nhiên đẹp, nhà máy thủy điện tầm cỡ quốc gia vừa được khánh thành…
Sau gần một ngày đi cùng đoàn, lúc về nghỉ ở nhà khách Ủy ban nhân dân huyện, tôi tranh thủ ghé vào thị trấn Dăk Sơro thăm vợ chồng Mộc. Mới năm năm mà đã có biết bao đổi thay. Các con đường đều trải nhựa phẳng lì. Ban đêm điện sáng choang. Vợ chồng Mộc mua được lô đất và cất nhà ở riêng trông cũng khang trang… Tôi hẹn anh tài xế trưa nay tới đón. Còn mấy tiếng đồng hồ nữa. Tôi rút điếu thuốc mồi lửa, rít một hơi rồi nhả khói. Nhìn theo làn khói mỏng manh trôi nhẹ, tan dần trong căn phòng trống trải, tự nhiên tôi cảm thấy chung quanh trống vắng lạ lùng. Câu chuyện Mộc kể sau bữa cơm chiều hôm qua lại bám riết vào ý nghĩ của tôi:
- Hôm nhận được thư cậu, cả buổi chiều Lan Nhi đi đâu không rõ. Chạng vạng tối mới về với một anh bộ đội.Trông cô ấy mệt mỏi, bơ phờ. Theo lời anh bộ đội, đơn vị anh ta đang phối hợp với kiểm lâm phục bắt bọn lâm tặc, chợt thấy một cô gái đi trên lối mòn trong rừng, có cái gì không bình thường. Đồng chí chỉ huy ra hiệu anh đi theo. Đến dưới chân thác Pơ Xang, cô gái bước lên tảng đá to ngồi trầm ngâm. Phía dưới dòng nước chảy cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa. Khi cô gái đứng lên anh kịp thời xuất hiện. Thế là… Trước lúc về đơn vị anh còn dặn đi dặn lại: “Phải chăm sóc cô ấy cẩn thận. Núi rừng rộng lớn, nếu cô ấy quá tuyệt vọng thì không có cơ may lần thứ hai đâu”.
- Trời ơi! Nếu Lan Nhi có mệnh hê gì thì tôi biết phải ăn nói làm sao với Dăk Sơro, với những người thân và cả lương tâm tôi. Một mảng đời tôi cố tình bỏ quên vẫn âm thầm diễn ra ở nơi này, vẫn còn nguyên đó.
Tôi và Mộc học chung lớp, khoa toán trường Cao đẳng sư phạm. Chúng tôi ở cùng phòng trong khu ký túc xá. Mộc sống chân chất, hay giúp đỡ bạn bè. Quê anh là một vùng làng ven biển chuyên sống bằng nghề đánh cá. Mỗi lần về thăm nhà, khi vào trường, Mộc đều có quà cho chúng tôi, những món quà miền biển: sò, hến, mực, hến, cá khô… Mộc thường nói với chúng tôi:
- Nghỉ hè, cậu về làng mình đi. Mình đãi cậu món gỏi cá, tuyệt lắm!
Tôi hứa. Nhưng rồi mấy mùa hè đi qua, tôi vẫn chưa nếm được mùi vị gỏi cá truyền thống quê anh. Mộc cũng không lấy làm buồn. Chơi thân với nhau, Mộc thừa biết tính tính tôi lười biếng, ngại xa nhà. Năm ấy, tốt nghiệp ra trường, khóa sinh viên chúng tôi đều phải đi dạy ở miền núi. Tôi nhờ người chú ruột làm phó giám đốc công ty xây dựng tỉnh đưa vào làm kế toán công ty. Ban ngày đi làm, ban đêm tôi phải đi học thêm lớp kế toán tại chức. Được ở lại thành phố, cuộc sống ổn định, tôi không chút phàn nàn dù phải hy sinh ba năm học nghề dạy học. Mỗi lần về thành phố công tác, Mộc đều ghé thăm tôi. Anh dạy ở Dăk Sơro, thị trấn mới thành lập ở một huyện miền núi nằm phía đông dãy Trường Sơn.
Mọi chuyện bắt đầu từ lúc Mộc đến với tấm thiệp mời đám cưới. Người vợ sắp cưới của anh dạy cùng trường. Tôi còn nhớ, lúc tiễn Mộc ra tới cửa, anh quay người lại đột ngột, nắm vai tôi lắc lắc:
- Mình mong cậu lắm! Phải cầm theo cây vĩ cầm nữa đấy!
- Mình hứa, tôi nói cho anh yên lòng.
Dăk Sơro cách đây năm năm không trù phú như bây giờ. Nhà cửa còn thưa thớt. Mộc ở căn phòng mái lá vách đất chật chội thuộc khu tập thể giáo viên. Đám cưới tổ chức vào buổi chiều tại phòng hội đồng giáo viên trường, chừng vài chục khách tham dự. Trong đám khách khứa ấy, tôi bị thôi miên ngay từ phút đầu bởi một cô gái có vẻ đẹp kỳ lạ, không trang điểm phấn son mà vẫn có sức cuốn hút lạ thường. Qua giới thiệu, tôi được biết cô gái tên Lan Nhi, dạy tiểu học, lên Dăk Sơro vừa tròn năm. Có lẽ, sự hiện diện của Lan Nhi làm cho sự uể oải, mỏi mệt vốn có thường ngày của tôi biến mất. Chưa bao giờ tôi chơi đàn hào hứng, sôi nổi đến thế, nhất là khi tôi đệm đàn cho Lan Nhi hát. Mọi sự chú ý của tôi đều tập trung vào Lan Nhi. Thỉnh thoảng bắt gặp cái nhìn của tôi, Lan Nhi khẽ cuối mặt xuống, má ửng hồng. Xong tiệc cưới, trời đã sụp tối. Trong đêm tân hôn của Mộc, tôi phải chuyển sang ngủ trên sàn nhà bok Hua, bok đã chuẩn bị sẵn ghè rượu cần. Tôi, Lan Nhi cùng vài giáo viên trẻ ngồi quây quần bên ghè rượu ấy. Người Bahnar có tục lệ khách đến nhà uống rượu, phải cho say mới là thực lòng. Ghè rượu cần vài lần thêm nước. Mấy người giáo viên lần lượt ra về. Lan Nhi cũng toan đứng lên nhưng tôi cố giữ lại. Bok Hua nói thêm vào:
- Mày cứ ngồi chơi, cho nó vui. Trăng lên, nó đưa về.
Bok Hua kể cho chúng tôi nghe bao thứ chuyện: Lễ hội đâm trâu, tục lệ cưới xin của làng... những mẫu chuyện lý thú mà tôi chưa được biết bao giờ. Thấy tôi thân mật ân cần với Lan Nhi, bok nói:
- Nó là bông hoa của Dăk Sơro, là con của người làng. Lũ trẻ yêu mến cái chữ của nó. Không ai bắt nó ra khỏi Dăk Sơro được đâu.
Tửu lượng tôi tuy khá cao mà vẫn không bì nổi với bok. Đêm khuya. Trăng lên cao. Dù hơi men chếch choáng, tôi vẫn xin phép bok đưa Lan Nhi về. Con đường đất lờ mờ, lạnh lẽo dưới ánh trăng đêm. Chúng tôi đi bên nhau. Tôi muốn nói với Lan Nhi một điều gì đó, song ý nghĩ cứ rời rạc, không chắp nối lại được. Qua hết hai con dốc, ngoặt sang bên phải, hiện ra cổng khu tập thể giáo viên. Bỗng Lan Nhi dừng lại, nói rất khẽ:
- Thôi! Lan Nhi về được rồi. Chào anh!
- Lan Nhi! Tôi buộc miệng thốt lên.
Trông Lan Nhi có vẻ bối rối. Tôi nghĩ thầm: “Bây giờ hoặc là không còn cơ hội nào nữa, vì sáng mai mình đã về xuôi”. Tôi bước lại gần hơn, nắm lấy bàn tay Lan Nhi, nghe thoang thoảng hương thơm từ mái tóc dài buông xõa ngang lưng. Lan Nhi run rẩy rút tay về, rồi hấp tấp quay người chạy về phòng mình...
Đêm ấy, nằm trên sàn nhà bok Hua, tôi gần như thức trắng. Đầu óc tôi cứ nghĩ ngợi về Lan Nhi... Nhanh thật, mới đó mà như đã thân thiết từ lâu rồi... Hôm sau, tôi ra bưu điện phôn về công ty xin ban giám đốc nghỉ thêm hai ngày nữa, mặc cho ông giám đốc cáu gắt qua điện thoại. Khi về, tìm cách năn nỉ, thế nào cũng xong. Biết được ý của tôi, Mộc vui vẻ:
- Mình nói đúng chưa! Cậu chẳng thích Dăk Sơro là gì? Không chừng năm tới mình với cậu trở thành đồng nghiệp cũng nên.
Cũng có lúc con người ta sống với phần tốt đẹp nhất của mình. Khi ấy, lời nói, cử chỉ, việc làm đều rất chân thật, cao thượng, không bợn chút bẩn nhơ. Thời gian ngắn ngủi bên Lan Nhi, tôi là con người thế đó. Buổi sáng, mặt trời lên làm tan những làn sương trắng dưới thung lũng, Lan Nhi rủ tôi vào rừng chơi. Chúng tôi len lỏi qua những bụi cây rậm rạp, cành lá còn ẩm ướt. Có tiếng rì rầm từ xa vọng lại mỗi lúc một rõ. Tôi hỏi, Lan Nhi giải thích:
- Thác Pơ Xang đó anh. Nhìn cái thác này, anh mới thấy cái đẹp hoang sơ của Dăk Sơro.
- Còn xa không? Tôi quệt mấy giọt mồ hôi hai bên thái dương.
- Gần tới rồi! Anh mệt phải không?
- Không sao đâu, anh còn đi được, tôi đáp.
Xuống hết con dốc cao, tôi ồ lên kinh ngạc. Một trảng đất nghiêng dần xuống tới chân thác phủ đầy hoa, đủ các màu: Tím, vàng, xanh, đỏ... Thảm hoa của thiên nhiên che lấp cả lối đi. Tôi ngây người ra thích thú ngắm. Lan Nhi hái mấy nhành hoa sim, những đóa hoa tím hồng tươi thắm, cánh hoa mơn mởn. Gương mặt Lan Nhi rạng ngời như hoa:
- Anh biết không, em yêu màu tím lắm. Màu của núi rừng Dăk Sơro đấy anh.
Chúng tôi ngồi trên tảng đá to bằng phẳng, ngắm thác nước Pơ Xang. Tôi sửng sốt nhìn thác nước cao vòi vọi, khoảng trên năm mươi mét. Dòng nước đổ xuống ầm ầm dữ dội. Lan Nhi khép vào người tôi, thủ thỉ:
- Hồi mới lên dạy, em vừa buồn, vừa sợ, khóc hoài. Mấy đứa học trò trong làng dẫn em vào đây chơi cho khuây khỏa. Chúng nó không muốn em bỏ đi... Nhưng em đã vượt qua được. Giờ đây, Đăk Sơro là cuộc sống của em.
Lan Nhi còn tâm sự với tôi, cuộc đời sớm gặp bất hạnh, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với người cô. Thương cháu, người cô cho ăn học. Người cô vừa qua đời, hiện Lan Nhi không còn ai thân thích. Lúc đó, tôi đã ôm chặt lấy Lan Nhi thầm hứa với lòng là sẽ đem hạnh phúc cho người con gái mà bây giờ tôi yêu thương hơn bất cứ thứ gì trên đời. Tôi thầm nhủ với lòng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để Lan Nhi từ nay không còn khổ đau nữa... Vâng, đó là những ý nghĩ nung nấu trong đầu tôi khi ngồi bên Lan Nhi dưới chân thác Pơ Xang. Ấy vậy mà, khi về tới thành phố, ngày hai buổi đi làm, chiều thứ bảy, chủ nhật nhậu lai rai với bạn bè, bàn tán chuyện bao đồng... Nhịp sống đều đặn, tẻ nhạt, nhàm chán, nhưng đã hành thói quen, không thể đổi thay đã làm tình cảm và sự nhiệt thành của tôi đối với Lan Nhi bắt đầu phai nhạt. Tính đi tính lại tôi vẫn không thể từ bỏ những gì đã cố công tạo dựng được để lên Dăk Sơro với Lan Nhi như đã hứa. Tôi không đủ can đảm đánh đổi cuộc sống hiện tại để đón lấy một tương lai mà tôi chưa hình dung hết được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng, tôi quyết định viết thư nói rõ tất cả vơí Lan Nhi ...
Chưa bao giờ tôi căm ghét con người mình một cách cay đắng như thế. Trong khi tôi tính toán, so se cân nhắc thiệt hơn như một kẻ tầm thường ích kỷ, thì ở Dăc Sơro, Lan Nhi đã sống hết mình cho mối tình vô vọng và âm thầm khổ đau. Tôi đã dần dần quên hết những kỷ niệm ở Dăk Sơro thì ở đây vẫn lưu giữ nguyên vẹn không hề bị thời gian khỏa lấp: đĩa thịt cheo rừng của bok Hua, thái độ nồng nhiệt của vợ chồng Mộc và Lan Nhi vẫn sống một mình vò võ, cô đơn... Và, lần lên Dăk Sơro này, tôi mới hiểu được tình yêu Lan Nhi dành cho tôi thật vô cùng lớn lao. Tôi không thể đánh mất Lan Nhi một lần nữa... Chiếc xe dừng lại đột ngột làm tôi giật mình.
- Nghĩ gì dữ vậy? Tới rồi! Mười phút thôi đấy. Anh tài xế nháy mắt, ra điều thông cảm.
- À, cảm ơn nhé!
Lúc anh tài xế đem xe tới đón, tôi có nhờ chở tới khu tập thể giáo viên để gặp Lan Nhi. Tôi bước xuống xe, bồi hồi, xốn xang. Không biết Lan Nhi sẽ đối xử với tôi như thế nào đây? Có tha thứ cho tôi không? Phòng Lan Nhi đây rồi. Cửa ra vào vẫn mở. Tôi gõ mấy tiếng. Không ai trả lời. Thời gian không còn nhiều. Tôi mạnh dạn bước vào. Lan Nhi không có ở nhà, có lẽ vừa mới đi quanh quẩn đâu đây. Căn phòng vẫn như xưa, đơn sơ, ngăn nắp và gọn gàng. Chỗ bàn làm việc của Lan Nhi có một cái lọ hoa với mấy đóa hoa tím hồng phơi phới “màu núi rừng Dăk Sơro”, giọng nói nhỏ nhẹ, gương mặt rạng ngời hạnh phúc của Lan Nhi ẩn khuất từ một nơi nào trong ký ức bỗng hiện ra rõ ràng trước mặt tôi. Phía sau lọ hoa, dưới giá sách là một cái khuôn hình có tấm ảnh tôi đang ôm cây vĩ cầm. Tôi vẫn còn ở một chỗ nào đó trong lòng Lan Nhi sao? Tôi vẫn còn có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình sao? Thẩn thờ, tôi ngồi xuống ghế, nhìn qua ô cửa sổ. Cách đây năm năm, tôi và Lan Nhi đã ngồi bên nhau, qua ô cửa sổ ấy, cùng nhìn những cơn mưa chiều dai dẳng giăng kín cả bầu trời và thêu dệt biết bao mơ ước đẹp đẽ. Tôi có cảm giác mình chưa hề ra khỏi căn phòng này... Tiếng còi xe vang lên giục giã. Tôi đứng dậy, lặng lẽ ra xe. Chân bước đi mà đầu tôi cứ quay nhìn lại, hy vọng từ một nơi nào đó, Lan Nhi xuất hiện, chạy đến bên tôi, hy vọng được nhìn lại gương mặt mà tôi từng đắm say sau ngần ấy thời gian cách biệt. Chỉ có mấy em nhỏ đang mãi chơi lò cò trên sân... Xe lăn bánh, nhưng không như chuyến về xuôi lần trước, tôi đã biết rất rõ tình cảm của mình, tôi tin chắc rằng kể từ giây phút này, trái tim tôi sẽ mãi mãi ở lại với Dăk Sơro, với tình yêu của tôi.
Phạm Hữu Hoàng (Bình Định)
Phạm Hữu Hoàng (Bình Định)
Tác giả "Vương pháp" viết ngày càng chắc tay.
Trả lờiXóaBài viết hay ! Minh họa tuyệt đẹp! Mình rất thích.
Trả lờiXóa