Tôi biết đến nhạc Trịnh khi đã ba mươi tuổi. Ở cái tuổi ấy, sau những trải nghiệm trên đời, tôi đã thấm được những gì mà nhạc sĩ tài hoa muốn nói. Khi ấy, tôi đã bỏ tất cả sau lưng, những ngổn ngang tình cảm và cuộc mưu sinh vụng về, đi xa làm một cái gì đó, trong khi chưa biết là cái gì. Ở quê của bạn học, tôi tập tành đi làm cỏ mía cho người ta. Rẫy mía mênh mông, tay trần tước lá rướm máu, mệt nằm dài trong rẫy sum suê lá mía ranh rờn, ngước nhìn trời qua kẽ lá nghĩ ngợi thật nhiều…
Tôi làm rẫy mía đúng một ngày thì gặp anh, một người hoàn toàn xa lạ trước đó. Một người đàn ông ngoài năm mươi với tóc hoa râm, gương mặt phong trần và chất giọng Bắc rất riêng. Anh và tôi ngồi uống trà đá, nói chuyện bâng quơ.
Anh vừa vân vê túi xách đựng giấy tờ vừa kể về công việc của mình, một công việc cực nhọc và có tính phiêu lưu. Anh dẫn đội khoan giếng mười người đi khắp nơi trên miền sông nước, khoan giếng nước ngầm cho bà con. Từ tỉnh này qua tỉnh khác, tiền mặt tiền chịu có đủ. Khoan rồi canh đúng hợp đồng đi thu hồi nợ. Suốt năm lang bạc phong trần.
Tôi kể về tôi, về những công việc không đầu không đuôi, về thời đi học, về những ước mơ mãi không thực hiện được. Thế là câu chuyện kéo dài, kéo dài. Người đàn ông sau này tôi thân thiết gọi là anh Hai ấy đã nhận tôi vào đội khoan giếng của anh ngay lần gặp đầu tiên.
Tôi cùng anh rong ruổi trên đường, dưới sông ngót năm tròn. Có nắng có mưa, có khi chỉ có hai anh em, cùng nhau chuyện trò thân thiết. Khi chia tay, tôi về học nghề, anh tặng tôi một tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn vói chiếc bìa được thiết kế thật đẹp. Thế là mở đầu một kỷ niệm đẹp khi tôi được tiếp xúc với những đứa con tinh thần của nhạc sĩ tài hoa.
Trong tập nhạc ấy, nhạc phẩm mà tôi thích nhất và nhanh chóng thuộc lời là “Một cõi đi về”: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”. Từng câu từng chữ chảy thẳng vào lòng tôi, cứ như tác giả cùng tôi sẻ chia cuộc sống vô thường, cứ như những gì nhạc sĩ họ Trịnh tha thiết diễn tả lòng mình trước cái vô thường của đời sống là ông nói hộ tôi, nói giùm tôi tất cả những gì mà tôi muốn nói vói ngôn từ đẹp nhất, sâu sắc nhất, qua nhịp điệu lắng đọng nhất có thể.
“Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ, một chiều ngồi say một đời thật nhẹ ngày qua…”. Tôi tưởng tượng Trịnh cởi hết tâm hồn mình tha thiết kêu lên trước sự vần chuyển mông lung, vô hạn, thê thiết, thất vọng, yêu thương… Sau này, khi có duyên vào nương cửa Phật, học chữ vô thường, tôi nghĩ ngay đến nhạc phẩm này của ông và nương theo đó để hiểu được lẽ vô thường mà Phật nói đến. Sự vận động của vũ trụ, tâm thức con người, những đớn đau, xoay chuyển không ngừngcủa kiếp người đều thấy trong đó, “một cõi đi về”.
Vâng, với riêng tôi, một người bình dân lần đầu nghe và tiếp xúc với nhạc Trịnh Công Sơn, với riêng nhạc phẩm “Một cõi đi về”, tôi thấm thía được trải nghiệm vô cùng của ông với cuộc đời, không có không thể viết được như thế, không thể dùng hồn ta để hiểu và sẻ chia với hồn người - triệu triệu con người như thế.
Cuộc đời, lẽ vô thường, gói trong một bản nhạc. “Cõi” của ông chính là cõi chung của chúng ta, của tôi của bạn. Tuyệt vời.
Đọc, hát lên, nghe người ta hát, nghe người ta diễn giải, tôi như được sẻ chia, được thấu hiểu. Cám ơn ông, với riêng tôi ông là một người bạn lớn, trong một dịp như thế, với bản nhạc ấy. Và anh Hai của tôi, người đàn ông phiêu lưu cùng đội khoan giếng của mình khắp đồng bằng, cũng vừa yên nghỉ, kết thúc cõi đi về của anh. Nhạc sĩ họ Trịnh trước đó cũng đã ra đi, chấm dứt cõi đi về của người theo cách hiểu của chúng ta, bởi vì với Phật, cõi đi về vẫn còn tiếp diễn không dứt chừng nào ta chưa được giải thoát hoàn toàn.
Trịnh tiên sinh, biết ơn ông về tất cả…
Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét