Cây bút trẻ Trúc Giang, tên thật là Trịnh Thuỵ Trúc Giang, sinh ra và lớn lên tại TP. HCM, sinh viên ngành Văn học trường Đại học sư phạm TP. HCM
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất náo nhiệt, xô bồ - Sài Gòn,
trong kí ức tuổi thơ tôi dĩ nhiên không có sắc vàng của ruộng lúa bao la bát
ngát, không có hình ảnh cánh cò bay lả bay la, và càng không có tiếng khua nước
của mái chèo êm ả “Hò ơi…”. Giao tiếp với bạn bè sinh viên từ khắp mọi miền đất
nước ở trường đại học, đọc những bài viết về miền quê thơ mộng, giản dị, tôi
hình dung đó là nơi để những ấu thơ tươi đẹp trải dài theo thời gian và sẽ mãi
bên ta suốt cuộc đời. Trong tôi cũng thế, tại vùng đất mà nhịp sống hối hả cứ
cuốn con người gồng chân chạy từng ngày với tòa cao ốc dần dần mọc lên, tôi vẫn
âu yếm dành cho trái tim mình một góc nhỏ Sài Gòn.
Mỗi lần nghe nội kể về nơi mà tôi đã nhìn thấy đầu tiên khi
mở mắt đón chào cuộc sống mới, trong tiềm thức tôi lại ùa về những hình ảnh ấm
áp khó phai. Đó là con đường đất ngắn ngủi trong con ngõ hẹp, trải dọc theo giữa
rãnh những đồng ruộng nho nhỏ xanh ươm màu cỏ. Nội kể, lúc rước dâu trong ngày
đám cưới của ba mẹ tôi, hàng người theo thứ tự đi trên con đường đất hẹp ấy, y
hệt như cảnh rước dâu ở những miền quê hẻo lánh – mộc mạc, giản dị và đậm chất
Nam Bộ vô cùng. Dù lúc ấy tôi chưa được sinh ra đời, nhưng tôi yêu vô cùng con
đường mà ba mẹ tôi đi qua, để từ đó hai người cùng nhau xây dựng nên mái ấm
thân thương này. Cũng trên con đường đất đó, anh chị em tôi vui đùa bên nhau suốt
từ thuở bé, chúng tôi thích rượt đuổi nhau trên con đường đất ấy dù nó chẳng rộng
rãi gì, nhiều lúc té chảy máu cả đầu gối, lấm lem cả người mà vẫn nhe răng cười
hề hề với nhau. Đất cát lạo xạo dưới chân, bùn đất bám vào móng đen sì đến nỗi
bị đòn mấy lần mà vẫn không chừa. Và cũng trên con đường đất ấy, ông tôi chạy
chiếc xe đạp cọc cạch ngày ngày theo lũ cháu, nhét vào tay mỗi đứa ít tiền lẻ
ăn quà bánh hay chỉ để xoa đầu dặn dò học thật ngoan rồi ông thưởng. Sau này nhớ
lại, sống mũi tôi lại cay cay.
Tôi cũng yêu những mảnh ruộng nho nhỏ khi xưa, nơi lũ nhóc
chúng tôi hì hụi bắt con chuồn chuồn đủ màu, hay lượt thượt theo sau bác Bảy đi
câu cá. Ruộng nhỏ, cá không nhiều, nhưng đối với bọn nhóc ham thích sự mới lạ,
những con cá sặc đen thui giãy đành đạch cứa vào tay, những con tép búng búng
trong rổ,… khiến chúng tôi khoái trá nheo mắt, gương mặt sáng bừng tiếng cười
trẻ thơ. Trời mưa trong vắt, mây rải từng hạt gội đầu cho những tàu lá dừa, buồng
chuối đung đưa, đong đầy trong mắt tôi màu xanh ngắt của ruộng cỏ, màu ngai
ngái của sợi khói xa xa, nghe mưa tí tách ướt mềm trên vai.
Thuở ấy còn nghèo, quán xá đâu có được khang trang như bây
giờ. Dọc theo hai bên lề đường, rải rác những chiếc ghế mủ, kẽo kẹt mấy cái bàn
xập xệ gần gánh đậu hũ đường của bà Ba bốc khói nóng hổi. Mỗi lần đi học về,
tôi đều thòm thèm ngó nồi đậu hũ thơm lừng nhưng không có tiền mua, bà trông thấy
ngoắc lại: “Cha mày, lại đây bà cho mấy chén, đứng xớ rớ đó chi vậy con?”. Sài
Gòn thời tiết nóng nực gần như quanh năm, nhưng chén đậu hũ đường nóng đó lại
làm ấm sực bao trái tim bé thơ, lớn lên bao mùa nhớ thương. Tôi cũng nhớ chú
Hòa bán kẹo kéo gần trường, ngồi trong lớp mà cứ ngóng tai nghe tiếng rao của
chú, mỗi lần nghe: “Ai kẹo kéo hôôôôông…?” ngọt lanh lảnh là lũ học trò trong lớp
chuẩn bị xếp tập vở ra về, lòng tự hỏi không biết sao chú lại canh đúng giờ
tụi học trò sắp tan trường để bán cho mấy bàn tay bé nhỏ giơ lên vẫy vẫy. Cũng
dưới ánh nắng chói chang gắt từng mảng, tưới mồ hôi lên lưng áo cô Mây gánh khoai
lang luộc, chị Chín đẩy lóc cóc xe đồng nát,… nhưng vẫn nói cười rổn rảng, gặp
nhau là hỏi han đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Những con người Sài Gòn,
nghèo vậy mà vẫn chia nhau từng gói xôi, có chén chao cũng đem qua nhà kế bên xớt
một nửa, nghe ngọt tấm lòng, nghe mặn mòi tình người chan chứa.
Lớn lên, phố xá nhà cửa thay đổi rất nhiều, hàng hàng tòa
cao ốc nối đuôi nhau, ráo riết gót chân người qua lại, xe hơi chạy bóng loáng cả
đường. Người Sài Gòn, đất Sài Gòn bận rộn là vậy, nhưng cũng vui lòng bỏ chút
thời gian hướng dẫn tận tình cho những ai hỏi đường. Lâu lâu ta lại bắt gặp những
bóng hình quen thuộc nơi vỉa hè, những người cô, người chị quạt nón lá thổi ráo
mồ hôi bên gánh nước cho nhau ổ bánh mì. Những chú, những bác xe ôm cười hỏi
người quen qua đường, hay đơn giản là những cô cậu học sinh xúm xít trong những
màu áo trắng, cúi mình đỡ bà cụ trượt chân đang lập cập bên vỉa hè. Nhiều người
nói bây giờ người thành phố sống xa hoa, ích kỉ lắm. Nhưng tôi nghĩ, cuộc sống
này không điều gì là tuyệt đối cả, bên cạnh những mảnh tối cũng có những mảnh
sáng, nơi đó những con người Sài Gòn lạc quan và thân thiện, vẫn đang gieo mầm
non, trồng lên lớp lớp tình thương xanh mơn mởn. Nhiều lúc để gánh đời rơi bên
đường, ghé quán cóc gọi ly café đá, gạt qua bụi bặm và cái nóng nực thường
ngày, vẫn nghe nắng ngọt tan trên môi, vẫn thấy gió ướp hương mái tóc. Thế này
thì Sài Gòn vẫn ngọt lịm như thuở xưa đó chứ.
Dù Sài Gòn có trở nên hiện đại đến đâu, trong con ngõ nhà
tôi, vẫn còn quán của dì Tư làm dấu mốc cho mọi người nhớ về miền kí ức, mà tôi
gọi là quán hai mùa (Sài Gòn chỉ có hai mùa nắng, mưa). Dù năm tháng có phủ rêu
xanh lên mọi ngóc ngách, hay hiện đại hóa đời sống người dân nơi đây, quán dì
Tư vẫn giữ nét giản dị, mộc mạc như màu ngà của những trang sách cũ kĩ nhưng đậm
đà tình thương. Quán bán đủ thứ cần cho đời sống sinh hoạt hằng ngày, từ cái
xô, cái thau nhựa, những hũ kẹo ngọt màu sắc, đến nắm muối, bột ngọt, tiêu sọ…
tất cả đều được gói trong tờ giấy báo nhàu dì xếp trong rổ cạnh cái ghế gỗ ọp ẹp.
Quán nhỏ xíu và cũ kĩ như vậy, nhưng ai cũng cần, cũng yêu bởi dù nắng gắt đổ lửa
hay mưa dầm tháng bảy, dì vẫn mở quán đỡ đần cho mọi người khỏi phải cực khổ ra
chợ xa mua hàng.
Sài Gòn hai mùa nắng mưa, mùa mưa mát dịu vắt ngang mùa nắng
ấm nồng. Tôi mơ màng đứng giữa thành phố rộng lớn, cất bước qua những con đường
quen thuộc. Trong tôi, đất và con người Sài Gòn luôn rạo rực chia thành nhiều mảnh,
mảnh để thương, mảnh để nhớ, mảnh để yêu. Tôi gói gọn vào trái tim, chắt chiu đặt
tên - mảnh tình Sài Gòn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét