Ở miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng. Nắng
tháng ba không êm dịu như nắng của những
ngày cuối xuân mà nó gay gắt, vàng hoe như được ném ra từ cái miệng cáu gắt của
ông mặt trời. Bởi thế không biết từ đâu mà trong dân gian có câu:
“Tháng giêng là nắng hơi hơi.
Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra.
Thứ nhất là nắng tháng ba.
Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non”
Tôi thường có thói quen quái lạ là giữa
trưa khi mọi người đang lim dim trong giấc ngủ tôi lại ngồi một mình ngắm nắng.
Lúc bấy giờ cái nắng như lột tả tất cả những đặc tính vốn có của nó. Trên những
liếp bánh tráng má tôi phơi ngoài sân, nắng lùa đến như vuốt ve từng cái bánh
khô phòng trắng xoá, má tôi thường bảo không nên để bánh khô quá sẽ không ngon,
nhưng tôi lại thích để bánh ngoài nắng thật lâu để được nghe tiếng nổ lách tách
mà tôi cho rằng tiếng thì thầm của nắng và bánh. Chính vì cái tính lãng đãng mà
tôi thường bị má la. Thế nhưng tôi vẫn thích một mình ngắm nắng, trong cái không
gian êm đềm của trưa vắng tôi như cảm nhận được những tâm sự của vạn vật. Hàng
cây ven đường hàng ngày có nhiệm vụ che nắng ban trưa cho người đi đường vậy mà
có hôm chợt nhìn màu xanh muôn thuở ấy như đang cùng nắng vàng tâm sự rì rào
trong cơn gió trưa, quên đi nhiệm vụ che nắng làm cho người đi đường vội vã trốn
chạy cái nắng như đổ lửa trên đầu. Những chiếc xe bò kéo lúa trên đường quê giữa
trưa nắng nghe như rõ mồn một từng tiếng
cộc cạch, uể oải vọng đều đều trong không gian. Nắng nhảy múa trên những nóc nhà
làm thức tỉnh vẻ mặt trầm lặng vốn có của mái ngói rêu phong. Chị hai tôi cho rằng
nắng tháng ba như người con gái khó tính, nhưng cũng dễ chùng lòng trước những
cơn gió trái mùa vụt thổi đến. Quả thật, tuy gay gắt nhưng về chiều nắng tháng
ba thường nhường chỗ cho những cơn gió hay hay và bầu trời chiều tháng ba thật
hiền lành với những áng mây trắng trôi nhè nhẹ. Nắng tháng ba còn mang một cái
gì đó của sự no ấm khi ngoài sân phơi đầy lúa vụ đông xuân, đàn gà con theo mẹ
lượm những hạt lúa rơi ven nhà con nào con nấy no tròn, thim thíp bước theo mẹ
nằm dài trên sân phơi cánh. Má tôi còn có kinh nghiệm độc đáo là nhìn đàn gà phơi
cánh dưới nắng tháng ba. Nếu năm nào nhìn đàn gà xoãi hai cánh ra phơi thì nhất
định đầu mùa mưa năm đó có những cơn mưa dai dẳng, còn như đàn gà nằm nghiêng đưa
một cánh ra phơi thì năm nay mùa mưa đến sớm hoặc có những cơn mưa chợt đến rồi
đi.
Chẳng biết những
kinh nghiệm của má tôi có chính xác không?
Nhưng bây giờ nhìn ra sân lúa vẫn phơi đầy nhưng đàn gà thì không còn nữa.
Tôi ngồi một mình nhìn nắng trưa rọi
xuống sân phơi cô đơn, trống vắng. Chợt nhận ra rằng trong nắng trưa còn có cả
những nỗi đau đáu của xóm làng khi dịch cúm đi qua.
Đào Văn Đạt (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét