Khách qua đường nhìn lá cờ
tang treo ngoài đầu hẻm ai cũng nghĩ, lại một người nữa qua đời trong khu phố
này. Nhưng người chết là ai già hay trẻ, giàu hay nghèo người qua đường sao
biết được. Họ chỉ chùn lòng một chút khi nhìn thấy lá cờ màu đen có viền vàng treo
rũ trước con hẻm hun hút như một lời chia buồn thoáng qua, rồi cuộc sống lại
giục họ tiếp tục đi tới lo cho công việc thường nhật của mình. Coi chuyện sinh
lão bệnh tử là bình thường của một kiếp người. Chỉ có những người già trong xóm
mới rục rịch ngồi lại với nhau và bắt đầu bàn tán xôn xao. “Cuộc sống này thật vô
thường, mới thấy còn quảy gánh đi bán hôm qua, vậy mà….” Mấy ông bỏ lỡ câu nói
nửa chừng đưa mắt nhìn nhau có vẻ gì đó như lo âu cho phận mình già nua bệnh tật,
rồi đây không biết sẽ ra đi lúc nào. Mà chuyện đời nhiều lúc nghĩ cũng lạ, mãi
cho đến lúc mất đi con người ta mới ngộ ra rằng, phải chi lúc sinh thời biết yêu
thương đùm bọc lẫn nhau thì đời này đâu đến nỗi nào. Cũng như chú Tư lò rèn với ông Tám bán bánh bò, hai
ông già này khi sống có thân thiết gì với nhau đâu thậm chí còn không ưa nhau
cho lắm. Chú Tư lò rèn chê ông Tám nghèo
mà chảnh, ra một tấc đường là quần này áo nọ. Dốt đặc cán cuốc mà mở miệng ra
là chính trị phun vèo vèo. Còn ông Tám bánh bò nói chú Tư lò rèn người gì đâu
mà không có lỗ tai, họp dân phố phê bình mấy lần mà không chịu nghe. Rèn hàn gì
mà nửa đêm đục đóng nghe rầm rầm không ai ngủ được. Vậy mà khi ông ngã bệnh chú
Tư lại ngã theo rồi không biết trời xuôi đất khiến thế nào mà hai ông rủ nhau
đi bữa trước bữa sau. Ngày tiễn hai ông đi mấy người trong xóm ai cũng cho rằng
thế nào rồi hai ông cũng hiểu nhau. Rồi thằng Long ở đầu xóm, lười biếng ăn
chơi lêu lỏng, đua xe lạng lách. Gia đình khuyên răn thì y như là vịt nghe sấm
chứng nào tật nấy. Đến trường thì quậy phá bạn bè. Dường như cái khái niệm tình
cảm thầy trò đối với nó thật xa lạ. Nhà nó ở cuối xóm nhà cô giáo chủ nhiệm dạy
môn đạo đức ở đầu xóm, ngày nào nó cũng đi ngang vậy mà gặp mặt cô có bao giờ nó
mở lời chào hỏi. Đôi khi cô giáo cũng không trách gì nó, bởi với một học trò bất
trị, gia đình và nhà trường đều bó tay thì sá gì với một cô giáo làng. Hai người
là hai cuộc đời hoàn toàn khác nhau có hai quan niện sống dường như cách biệt.
Mới nhìn vô đâu liên quan gì đến khái niệm gần nhau ghanh ăn ghét ở, ai làm gì người
ấy chịu vậy mà khi đi rủ nhau cùng một ngày. Cô Hoa chết vì bệnh lao, thằng
Long vì tay nạn giao thông. Thôi thì có khi đi chung như vậy đến một chốn hư vô
nào đó hai người mới nhận ra nhau hồi đó mình sống chung một xóm, rồi yêu
thương đùm bọc lẫn nhau cũng nên.
Lần này cô Tâm đi không biết
ai sẽ đi cùng. Hay đây là trường hợp ngoại lệ của xóm, cô đi thui thủi một mình
như lúc còn sống vậy. Một mình trong căn nhà dột nát, một mình hàng ngày quảy
trên vai cái gánh rau đi bán đầu làng cuối xóm. Bữa ăn lúc cháo lúc rau, bệnh
hoạn cũng một mình lo thuốc thang, thiếu trước hụt sau cũng một mình cam chịu.
Đâu phải xóm này nghèo túng và vô tâm đến nỗi không biết đùm bọc lẫn nhau,
chiều chiều cũng có xe hơi chạy vào hẻm, tối tối xe Honda đời mới với áo quần
bảnh bao chạy dọc ngang trong xóm đó chứ. Nhưng ở đời có xin thì mới có cho chứ
không ai tự giác giúp đỡ nhau khi khốn khó. Mà cô Tâm vẫn còn buôn gánh bán
bưng được, đâu dễ gì chịu cúi đầu ngửa tay xin xỏ.
Ban đầu ai cũng nghi thế nào
ông Sáu già cũng đi cùng cô Tâm chuyến này vì ông bệnh liệt giường mấy tháng
nay. Nhưng cũng chưa chắc, nhà ông giàu có con cái lo cho ông từng li từng tí,
thuốc thang đắt tiền cỡ nào cũng chạy chữa, làm sao có thể đi cùng xuồng với cô
Tâm chuyến này. Người được bàn kế tiếp là thằng Toàn xì ke ốm nhách ốm nhom, mấy
lần tưởng chết vì hụt thuốc, nay coi bộ nặng hơn vì vướng vào căn bệnh thế kỷ.
Gia đình ruồng bỏ, cất một cái chòi riêng để nằm chờ ngày chết. Dù nó có hư
thân đáng trách thế nào cũng kệ, miễn sao nó đi chung với cô Tâm chuyến này để
phần nào làm vơi đi cái hiu quạnh. Vậy mà nó vẫn hoi hóp ngày này qua ngày nọ mặc
cho cô Tâm đi trước một mình.
Hai ngày trôi qua, đám tang
của cô Tâm chỉ lác đác vài người đến viếng. Đến ngày thứ ba là ngày an táng.
Mấy người già trong xóm thở dài lắc đầu: “Cuối cùng thì nó cũng đi một mình, số
kiếp cô đơn theo đuổi đến cuối đời”. Trong lúc bà con chuẩn bị di quan tài cô
đến nơi an nghỉ thì có ai đó ngoài đầu hẻm chạy vào kêu lớn: “Bà con ơi, ông
giám đốc Sanh chết rồi, thật là tội nghiệp!”Ai đó ngơ ngác hỏi nguyên nhân,
nghe đâu đêm qua nhậu một tiệc lớn bàn công chuyện làm ăn, về nhà ngủ thế nào
rồi đi luôn.
Quan tài cô Tâm được bà con
đưa ra đầu hẻm. Trong cái không khí buồn thảm ấy vẫn rộn lên đâu đó một vài ý
nghĩ. Cô Tâm đi lần này đâu phải một mình, tuy cách nhau mấy ngày nhưng nhất
định giám đốc Sanh sẽ bước kịp cô để được đi chung trên một con đường không
biết đến sang hèn, ganh ghét…
Đào Văn Đạt (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét