Khi
tôi và ba thức giấc, mẹ đã đi rồi. Mọi vật vẫn còn chìm trong yên tĩnh khác
thường. Mấy bức rèm cửa sổ chưa được vén lên, buông rũ, nhốt kín ánh sáng hồng
nhạt của chiếc đèn ngủ. Đêm dường như chưa chịu rời khỏi gian phòng nếu không
có tiếng chuông điện thoại vang lên giục giã.
Ba choàng dậy trước tiên, cơn say đêm
qua hãy còn gây váng vất, ngầy ngật. Ông đổ vật xuống nệm, lầu bầu, cáu gắt:
- Mẹ kiếp! mẹ con Dương đâu, sao không
trả lời điện thoại vậy hả?
Tôi chán ngán kéo chăn trùm kín đầu để
khỏi phải nghe những lời cãi lẫy sắp nổ ra như thường lệ. Nhưng, xung quanh vẫn
yên lặng. Tiếng chuông điện thoại lại réo từng nhịp một. Ba ngồi bật dậy, loạng
choạng đến bên máy:
- A lô, ai gọi đó? Hừ, chưa có ai giao
hàng hả? Hừ… thôi được, tôi sẽ cho người mang hàng tới ngay, chào!
Gát mạnh máy, ông bực bội đá mạnh cái
ghế ngay tầm chân khiến nó va vào tường đánh rầm. Mẹ tôi vẫn không thấy chạy
vào, hốt hoảng như mọi khi. Chỉ có ba gầm gừ, giận dữ:
- Nga! Bích Nga!... Chết đâu rồi hả?
Vẫn im lặng. Tôi bắt đầu lo lắng. Sao
thế? Ngồi bật dậy, tôi rón rén mở cửa phòng ngủ đi ra nhà trước. Và, cái thư!
Cái thư mẹ đã đặt sẵn trên bàn. Nó thông báo ngắn gọn rằng mẹ đã bỏ đi vì buồn
tủi “Anh nói đúng! Em là người đàn bà xấu xí, đê tiện, đã giam giữ, phá hại
đời anh. Từ nay, anh và con hãy sống tự do theo ý thích. Bích Nga.”
Tôi bàng hoàng, ngơ ngẩn giây lâu. Ba
thì khác. Ông thoáng cau mày rồi nhếch mép, nhún vai:
- Rõ chán! Đi được mấy ngày đây hay
chiều tối lại trồi đầu trở về.
Ba đã lầm. Mấy ngày trôi qua, mẹ vẫn
biền biệt nơi nào. Mặc mọi thứ rối tung. Điện thoại cứ réo từng chặp. Ba vừa
trả lời vừa ghi chép vừa ra lệnh cho anh Tư
giúp việc chuyển hàng. Nhìn ba đầu bù, tóc rối, quát tháo ầm ĩ, tôi mới
biết phục mẹ. Hằng ngày, mẹ lo hết. Bà phân phối gọn lẹ, kịp thời theo yêu cầu
của mối. Bên cạnh, bà nhập kho những thứ sắp hết. Buôn hàng chục loại, nào là
thuốc lá, bia, nước ngọt, đồ hộp… vậy mà mẹ còn tìm hiểu, nghiên cứu thị trường
tiêu thụ để chớp lấy thời cơ làm giàu.
Song song đó, mẹ còn lo bữa ăn cho tôi
và ba. Bà chạy đi chạy lại như con thoi trên khung cửi. Tôi cảm thấy chóng cả
mặt trước những tất bật của mẹ và thở phào nhẹ nhõm khi đã thoát được ra ngoài
phố. Có lẽ ba cũng vậy. Ông chịu đựng mẹ. Ông uể oải ăn sáng, thủng thỉnh ngồi
vào bàn làm việc, chậm rãi hút thuốc và thong thả tính toán. Ông và tôi ngắm
nhìn mẹ quay cuồng trong cơn sốt công
việc. Mẹ say mê làm ăn như người ta nghiện ma túy. Mẹ có biệt tài tiếp cận thị
trường, đánh giá mặt hàng thứ yếu, cần thiết và luôn thành công khi bỏ vốn kinh
doanh. Mẹ buông món này, bắt món kia, thu loại này, xuất loại kia, một ngày
không biết bao nhiêu lần. Tôi và ba cũng bị mẹ lôi tuột vào quỹ đạo ấy. Vừa
nhác thấy tôi ở trường về, mẹ đã phân công:
- Thái Dương! Con kiểm hàng giúp mẹ.
Nhớ ghi số lượng từng loại.
- Thái Dương! Bảo anh Tư chở hàng đến khách sạn số sáu…
Hàng hóa la liệt trong nhà, từ trước
ra sau, tràn cả vào phòng ngủ. Chỗ nào cũng được mẹ trưng dụng làm nhà kho. May
sao, góc học tập của tôi còn rộng rãi đôi chút. Một dãy bia chất cao khỏi đầu
người, ngăn đôi gian phòng và chỗ để tôi dồi mài kinh sử. Dĩ nhiên bia thắng
thế hơn nhưng dù sao đó là nơi mẹ tôn trọng nhất. Khi muốn được yên thân, tôi
chỉ cần ngồi vào ghế, mở bất kỳ quyển vở nào rồi bắt đầu rì rầm đọc thì tiếng
động lập tức sẽ giảm. Mẹ thì thào khi ra lệnh giao hàng. Chuông điện thoại réo,
trước khi nhấc máy, mẹ phẩy nhẹ tay như tát yêu và ngầm trách nó đã làm phiền
con gái mẹ. Mẹ quí việc học của tôi hơn hết. Dù bận thế nào, trong tháng mẹ
cũng đến gặp cô chủ nhiệm một lần để tìm hiểu việc học tập của tôi. Mẹ ghé qua
nhà thầy Toán Lý đóng tiền học kèm cho tôi, nhân tiện, nắm tình hình học tập.
Nếu biết tôi tiến bộ thì mẹ mở tiệc ăn mừng và gửi quà tặng đến thầy cô. Còn
ngược lại, kết quả học tập của tôi sa sút, mẹ như sắp chết. Mẹ ủ rủ, khổ sở như
mua bán thua lỗ. Nói chung, mẹ rất yêu tôi và ba. Nhưng cả ba lẫn tôi đều sợ
hãi cách chăm sóc, sắp xếp, định đoạt của mẹ.
Mẹ muốn tôi phải là một đứa con gái
nhà giàu. Giàu từ trong trứng giàu ra. Cái áo tôi mặc, đôi giày tôi mang, cái
nón tôi đội đều là thứ đắc tiền chưa bạn bè nào sắm nổi. Mẹ phủ quanh tôi một
làn không khí sặc mùi quí tộc và ướp vào hồn tôi niềm kiêu hãnh, tự mãn đáng
ghét. Tôi thấy mình ở tận lưng chừng trời và các bạn thì biệt mù dưới đất. Hai
thế giới riêng biệt và tôi bị… cô lập. Những người bạn tôi phục thì không thích
làm thân với tôi. Mấy đứa tôi ghét lại xum xoe, ve vãn. Tôi trở nên trái tính,
trái nết và thường xuyên buồn tủi vì cô đơn.
Trong khi đó, mẹ quên bản thân. Gần
hết số quần áo mẹ đang mặc là những bộ mà tôi phế thải. Chúng không còn hợp thời
trang. Màu sắc đã phai nhạt. Dù vậy, chúng vẫn còn quá sặc sỡ đối với lứa tuổi
đã ngoài bốn mươi của mẹ. Những bộ cánh hở cổ, ngắn tay đã biến mẹ thành một người
già lố bịch, nuối tiếc tuổi xuân.
Tội nghiệp! Mẹ không hề chú ý. Bà thản
nhiên đi chợ với đôi dép của ba, đội chiếc mũ kim tuyến của tôi và mang cái bóp
của cô Út. Kết cuộc, mẹ hái ra bạc, chăm lo cho mọi người nhưng lại quên
mình. Mẹ hào phóng với mọi người nhưng
quên bản thân. Lẽ ra, người trong nhà phải quí yêu mẹ. Đàng này, không ai thích
gần gũi mẹ, kể cả tôi và ba. Ba phục tài kinh doanh của mẹ. Chiếc mô tô ông
đang dùng là công sức của mẹ. Bộ đồ sang trọng ông đang mặc do mẹ chọn lựa, gọi
thợ đến tận nhà đo ni. Ba sung sướng hưởng tất cả những thứ vật chất xa hoa ấy
nhưng lại không quí người tạo ra nó. Ít khi ba ngỏ ý đưa mẹ đi ăn hay dạo phố.
Mà dù ông có đề nghị, mẹ cũng từ chối vì
sợ không ai trông chừng hàng hóa. Mẹ phải thủ. Bà cho phép ba “xả hơi” một
mình. Dần dà, ba cảm thấy đi đêm một mình rất thú vị. Chẳng gặp “ma” mà gặp
“Tiên”. Mấy người hầu bàn trong quán bia, cô nào cũng đẹp, thơm phưng phức. Tóc
tai gọn gàng, quần áo lại hợp thời trang, phù hợp với làn da và lứa tuổi làm
tăng thêm nét duyên dáng, gợi tình. Ba đã chết trong nỗi đam mê ngọt ngào, bất
chính. Mẹ không hay gì hết. Bà chỉ càu nhàu khi ba về muộn, sực nức mùi men. Mẹ
phàn nàn nhà có bia sao không uống, lại đi chỗ khác cho hao tốn? Mẹ không hiểu
rằng ba say một cái gì khác hơn kia.
Bất hạnh là tôi biết. Tôi gặp ba trong
một lần cùng các bạn vào một quán kem nằm cạnh cửa hàng bia ôm. Tận mắt trông
thấy ba… ôm một lúc hai cô trạc tuổi tôi. Thoạt đầu, tôi căm phẫn, tức tối,
ngầm nguyền rủa ba là người bội bạc, không biết thương vợ, một người chỉ biết
vì chồng con. Nhưng hôm ấy, khi trở về nhà, tôi ngồi lặng yên nơi góc học tập,
len lén ngắm nhìn mẹ. Tôi đau khổ nhận ra rằng mẹ già và xấu quá. Mẹ chỉ lo
chinh phục con buôn mà quên nhan sắc. Lũ bạn tôi thường lý sự “Đàn ông họ yêu bằng mắt”. Có lẽ đúng! Mẹ
trong mắt ba chỉ là một mụ già xấu xí, đê tiện mà ba gào lên trong lúc say.
Ông vừa đập cửa vừa phun ra hàng loạt
nọc độc: "Mở cửa, mở cửa mau… Bích Nga! Con vợ già xấu xí.”
Cửa mở, ba chếnh choáng, xiểng niểng
đi vào. Mẹ lắp bắp trong cơn giận dữ:
- Ông nói gì, nói lại tôi nghe thử!
Ba nhìn mẹ rồi cười khẩy:
- Tôi bảo bà là một mụ già đê tiện,
nghe rõ chưa? Bà đã phá hại cuộc đời tôi trong ngục tù này nè!
Mẹ run bần bật, bà thét lên: "Đồ…khốn
nạn!”
Tiếp theo, “Bốp” bà giang thẳng tay,
tát vào gò má ba. Cú đánh bất ngờ khiến ba tỉnh táo hẳn. Cơn giận đã làm ông
trở thành một người tàn nhẫn.
Ông lấy cái gương soi đưa cho mẹ với
những câu độc ác:
- Đây, bà ngắm đi! Bà đẹp lắm chắc!
Tôi bậy phải không? Đồ đê tiện!
Mẹ bật khóc. Bà ném vỡ chiếc gương soi
rồi bỏ chạy về phía giường ngủ. Trông thấy tôi, bà ôm chầm lấy như chụp một cái
phao, một cứu tinh. Nhưng tôi lại có một hành động mà suốt đời phải ân hận là
đã quay lưng lại với mẹ. Tôi đã tìm cách thoát khỏi vòng tay của mẹ, rồi chui
vội vào lớp chăn sau khi tuôn ra một câu vô tâm, tàn nhẫn:
- Nhìn mẹ, con cũng muốn nổi điên lên
nữa.
Như trúng tên độc, mẹ gục xuống. Căn
nhà chìm trong tiếng nấc của mẹ. Còn ba và tôi thì chìm trong giấc ngủ. Tôi nào
biết người đàn bà xấu xí ấy đã âm thầm rời khỏi chúng tôi. Bây giờ, tôi tự do.
Muốn học hay không, tùy ý. Muốn ăn mặc ra sao mặc lòng. Tôi có thể đi chơi đến
khuya cũng chẳng có ai ngăn cấm. Có nghĩa là muốn nên hay hư, mặc tình. Ba cũng
được như vậy. Ông hoàn toàn tự do. Không còn ai giam giữ, phá hại. Ba muốn đóng
cửa tiệm hay mở cũng được. Đi đến sáng cũng chẳng còn ai cằn nhằn. “Mụ già xấu
xí” chẳng còn xuất đầu lộ diện, mở cửa để trách cứ.
Đáng lý khi được như ý muốn thì con
người cảm thấy sung sướng, hạnh phúc. Nhưng, tôi lẫn ba đều ngầm nhận ra nỗi
bất hạnh đang tràn ngập quanh mình, tiềm ẩn trong lòng để dằn vật lương tâm,
từng giờ, từng phút. Khuôn mặt láng bóng, tự mãn của ba đã biến mất. Hàng loạt
nếp nhăn xuất hiện trên vầng trán ông. Ba cáu gắt hơn trước. Dần dà, mối hàng
chán ngán, họ bỏ đi bớt. Thu nhập của gia đình tuột xuống hẳn. Anh Tư giúp việc
được ba cho nghỉ việc và tôi phải làm thay anh khi có mặt ở nhà. Tôi không có
thời gian học tập nên kết quả học tập sa sút thấy rõ. Ba bắt đầu lo lắng. Ông
tìm ra một giải pháp để ổn đinh đời sống là “Cần phải có bàn tay của phụ nữ”. Do
vậy, ông đưa về nhà một người đàn bà khá đẹp. Tâm là tên của người mà ba
bảo là mẹ kế của tôi. Và, bà ta đã thay
ba thu xếp mọi việc. gian phòng ngủ lập tức trở nên sạch đẹp, lãng mạn với
những tấm voan mỏng mảnh màu tím. Bia được dọn hết ra ngoài rồi vì ế ẩm, mặt
hàng này được dẹp luôn. Hiện thời, cửa hàng của ba chỉ còn buôn đồ hộp. Dì Tâm
cho rằng, dù ế, nó không hư hại gì, khỏi lo.
Không như mẹ tôi, Dì Tâm rất thích
chải chuốt, săn sóc thân thể. Lúc nào trong nhà cũng sực nức mùi nước hoa lan
tỏa từ mái tóc của dì. Bất kỳ lúc nào, khuôn mặt của dì cũng được trang điểm
cẩn thận. Dì chăm chút áo quần, giày dép hơn cả việc ăn uống. Vì thế, dì sẵn
sàng cho tôi và ba ăn uống kham khổ để dành tiền… mặc đẹp. Tất nhiên, chỉ có dì
được phép chưng diện. Còn ba, đàn ông, cần gì! Tôi thì chỉ mới lớn, còn đi học,
chỉ cần sạch sẽ là tốt lắm rồi. Đời sống đã hoàn toàn khác trước. Ba dường như
trở nên nhu nhược, ngớ ngẩn. Tôi lại sanh chứng bất cần đời. Tôi học kém nhất
lớp.
Hay tin, ba nổi giận, cho tôi nghỉ học
luôn. Từ đó, tôi đảm nhiệm việc đi chợ, nấu ăn cho cả nhà.
Dì Tâm có một người em trai lớn hơn
tôi hàng chục tuổi. Hắn hay lân la tới nhà, bảo là thăm chị chứ thật ra để vòi
vĩnh tiền bạc. Hắn có cặp mắt trắng dã của một tên gian xảo. Tôi rất ghét hắn
nhưng hắn rất thích bám theo trò chuyện với tôi. Tôi định cho ba hay rằng đã có
mấy lần gã định ôm lấy tôi nhưng chưa kịp nói thì đã xảy ra chuyện.
Hôm ấy, lợi dụng lúc trong nhà không
có ai. Tên lưu manh đã ôm chầm lấy tôi. Gã lôi tôi vào phòng ngủ của chị hắn. Trong
lúc gã gài cửa, tôi kêu cứu inh ỏi nhưng không ai nghe thấy. Hắn dồn tôi đến
sát tường, ôm ghì lấy tôi. May sao, tôi nhìn thấy lọ nước hoa của dì Tâm trên
bàn trang điểm. Đó là một loại chai dầu thơm loại nhập cỡ lớn và tôi đã dùng nó
để đập vào đầu tên dâm đãng. Hắn ngã ra bất tỉnh trên vũng máu. Tôi mở cửa sổ,
nhảy ra ngoài. Nhưng vì quá sợ hãi nên cũng bị ngã, đập đầu vào chậu kiễng gần
đó rồi lịm đi, không còn biết gì nữa.
Khi tỉnh lại, tôi nhận ra mình đang
nằm trong bệnh viện, đầu còn băng kín, gây váng vất, đau nhức vô cùng. Và,
người đang ngồi bên giường tôi là mẹ. Ôi, mẹ đã trở về đúng lúc. Bà như ánh mặt
trời xua tan bóng đêm đang vây phủ lấy tôi. Giữa cơn nguy khó, mẹ xuất hiện như
một thần linh để ra tay cứu giúp. Mẹ đưa những ngón tay mềm mại lau nước mắt
cho tôi. Mẹ cũng khóc. Nước mắt rơi đầm đìa trên gương mặt đã trở nên xinh đẹp
của mẹ. Toàn bộ mọi thứ trên người mẹ giờ đây đều trang nhã và gợi cảm. Ánh mắt
dịu hiền. Đôi môi tươi tắn. Mái tóc uốn cao rất hợp với khuôn mặt mẹ. Nói
chung, mẹ đẹp. Đẹp thât! Tôi òa khóc. Mẹ nắm lấy tay tôi, dịu dàng bảo:
- Nín đi con! Lẽ ra mẹ không nên bỏ
đi. Mẹ thật có lỗi!
Tôi vội vàng thưa:
- Không! Mẹ bỏ đi là đúng. Nhờ vậy, cả
nhà ta mới tìm ra chân lý.
Ba đã đến tự lúc nào, tiếng ông vang
lên từ phía sau lưng mẹ:
- Con nói đúng. Nhờ mẹ con bỏ đi mà ba
biết đựợc rằng cái gì ta đánh mất, ta mới nhận ra giá trị thật sự của nó.
Tôi nêu thắc mắc;
- Sao mẹ biết con gặp nạn mà quay về
đúng lúc thế hở mẹ?
Mẹ cười buồn:
- Dù không sống gần bên con nhưng lúc
nào mẹ cũng hướng về con, dõi theo từng
đổi thay trong cuộc sống của gia đình. Con quên là mẹ có rất nhiều bạn đó sao?
Ba tôi xen vào;
- Bây giờ, ba và con hãy xin mẹ thứ
lỗi và đừng bỏ rơi mình nữa, con có đồng ý không?
Nhưng tôi chỉ biết gọi: "Mẹ!” Rồi lại
khóc. Mẹ không nói gì hết, bà cúi xuống để giấu đôi ngấn nước long lanh trong
mắt. Bàn tay mẹ siết chặt tay tôi, chúng run lên se sẽ.
Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh)
Mỗi nhân vật của chị đều để lại cho người đọc một bài học .Người vợ lo làm ăn mà quên đi bản thân đến nỗi mất chồng .Người chồng lại không biết yêu thương và trân trọng người vợ đã vì mình .và người con lại không biết quan tâm đến cuộc sống của gia đình ....v v v Rất may là họ còn biết hối lỗi tìm về lại với nhau .Nếu không .....???? !!!Một kết thúc có hậu ...!!!
Trả lờiXóaCâu chuyện đã lắng đọng lại trong lòng người đọc cần suy ngẫm về cs hiện tại .....
Chúc chị và gia đình luôn khỏe và chị luôn có những tác phẩm hay !!!
Chị cám ơn em rất nhiều. Chị có cảm giác em như người thân thiết ruột thit bởi bao giờ em cũng quan tâm , chia sẻ suy nghĩ với chị. Cám ơn em rất nhiều. Chúc em mãi mãi hạnh phúc nhe.
XóaSự cám dỗ cuộc sống,sắc đẹp, đồng tiền, quyền lực lên ngôi, đạo đức suy đồi, ...là tiền đề cho những xa hoa phù phiếm, dục vọng thấp hèn.... Cô Mây đã khai thác đúng khía cạnh xã hội hiện tại. Cảm ơn cô Mây; chúc cô khỏe, đẹp và có nhiều chuyện hay nửa nhé...
Trả lờiXóaMây cám ơn anh Trường Thắng rất nhiều vì đã đọc và nhận xét chân tình. Chúc nhà thơ mãi mãi vui, khỏe và hạnh phúc nhé.
Xóa