“Bản Tường Trình Giấc Mơ Đi Vắng” là tập thơ
thứ 7 của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, đã được xuất bản từ năm 2009 (nhà XB Thanh
Niên tháng 11/2009), dày 78 trang, được chia làm năm giai điệu, từ “viện trợ
khẩn cấp một niềm thương”/ “nghe tiếng khóc đẩy bầu trời lên cao”/ "nói điều gì
cứu chuộc nỗi lo âu”, đến “chán cả khuôn mặt mình làm sao sống”, và sau cùng
“có lẽ tôi bỏ cuộc bình minh”; gồm 32 bài thơ mang nhiều âm hưởng riêng biệt, rất
phong phú!
Trước, tôi có
đọc thơ Lê Thiếu Nhơn, nhưng rải rác đó đây trên báo, hay trên mạng; cảm thấy
một luồng sinh khí mới, trong lành, dạt dào trong thơ anh. Đồng thời, tôi cũng
nhận ra, đây là một “chân dung” thơ đĩnh đạt và tiêu biểu cho nỗ lực đổi mới
trong sáng tạo, khi hoàn cảnh sinh hoạt thơ trong nhiều chục năm nay đang ở
giai đoạn “tìm đường”; rất nhiêu khê, đôi khi rất đau lòng!
Người bạn văn
gởi tặng tập thơ Lê Thiếu Nhơn, như một món quà nhỏ, nhưng với tôi như nhận được một sự chia sẻ rất lớn: tôi đã tìm thấy ở “Bản Tường Trinh…” dày chưa được
80 trang, một LTN sâu lắng, dày dạn, và cẩn trọng hơn bao giờ:
“Ngồi hết buổi chiều không biết nghĩ về ai
Ký ức cồn cào những vách ngăn bí mật
Đã không nợ giang hồ
Đã không tình phiêu bạt
Biết trả gì đêm vắng cố hương?
Cái được đáng lo
Cái mất đáng mừng
Tập giật mình mùa xuân lương thiện
Tập kiềm chế ngoa ngôn
Tập tránh xa trịnh trọng
Tập làm người kiêu hãnh với đắng cay
Tập làm người sốt ruột ngày mai…”
(Giao Mùa
Trai Trẻ)
Thơ Lê Thiếu
Nhơn giản dị là vậy, nhưng đầy ắp cái mới. Cái “mới” ở ngay trong cái tưởng là
đơn giản ấy, chứ không cần phải chạy tìm kiếm đâu xa! Cái mới được tìm thấy,
chan hòa ngay trong cảm xúc từng câu, trong tư tưởng chia sẻ, chứ không nằm ở
ngôn từ kiêu kỳ, triết lý, chắp vá trống rỗng!
“Quá nửa đêm rồi hàng cây còn xào xạc
Sự lạc quan cuối cùng trắc ẩn xóm khuya
Giờ này khắc này lắng nghe cả trái đất
Cứu vãn được gì nước mắt mùa đi”
(Bận Bịu
Khuya)
Nỗi cô độc
thường trực rộng lớn trong thao thức sáng tạo (và ngay cả trong đời sống) đã
làm cho thơ anh lớn lên, tràn đầy sức sống. Nét mới trong thơ Lê Thiếu Nhơn
được bắt nguồn từ nội lực sáng tạo dồi dào, được trui rèn trong đời sống thực
tế bất hạnh, nên đã chia sẻ được niềm cảm xúc cao nhất cho người đọc.
“Có khi tàn một giấc mơ
Tôi nhận ra nhiều người đang sống trong mộng ảo
Tôi đắn đo không nỡ lay động họ
Vì chính mình cũng không chịu nổi khổ đau”
(Vượt Thoát)
Sự cô đơn có
nhiều lúc ùa về như cơn bão, như dòng thác, khiến người nghệ sĩ cảm thấy thân phận người vô
cùng bơ vơ, vô cùng bé nhỏ; có phút giây phải đành lòng “buông tay con sóng
ngàn trùng”, hay “trả thơ cho đời”, trong nỗi bất lực chua xót:
“Sau bài thơ nầy có thể tôi câm bặt
Để người đang khóc nghe được một tiếng cười
Để người đắng cay nghe được một lời hạnh phúc
Để người ngất ngưỡng đỉnh cao nghe được
một nỗi
sâu đáy vực thở dài
Thi ca bất lực với chính tôi, trước âu lo lương
thiện
Như cánh chuồn chuồn chấp chới ước vọng trẻ thơ
Như vạt áo phập phồng mắt ai đưa tiễn
Như nước trôi vẫn bịn rịn đôi bờ
Thi ca cứ xôn xao điệu vần
bên ngòai nhỏ nhoi số phận
Thì tôi xin trả chiều cho lơ đãng mây
Trả mây cho bạt ngàn gió
Trả gió cho thênh thang trời
Đôi chân bước lạc cõi người lênh đênh!”
(Trả Thơ Cho
Đời)
Ý thức làm
người - nhất là người của sáng tạo, đã khiến nhà thơ cảm thấy có trách nhiệm
nhiều hơn với đời sống, với Thi ca. Tôi gọi đó là “niềm kiêu hãnh thầm lặng”
của người cầm bút. Nhưng, không thể vì nỗi cô đơn quá lớn ấy, mà “có lẽ tôi bỏ
cuộc bình minh”:
“(…)
Nếu ai hình dung được một người ngồi suốt đêm
trước trang giấy vẫn nguyên vẹn trắng
Có lẽ đó là tôi những ngày trong trẻo nhất
Có lẽ đó là tôi bỏ cuộc bình minh!”
(Gửi Người
Khép Sách Lại)
Edward Gibbon có nói: “Sự đối thoại
làm tăng hiểu biết nhưng chính sự đơn độc mới là ngôi trường của các thiên
tài.”. Picasso cũng từng nhận định:
“Không có sự đơn độc lớn sẽ không có một tác phẩm nghiêm túc nào được ra đời”.
Bởi vì, từ
Homère đến Khuất Nguyên, đến Nguyễn Du, cho đến hiện đại – biết bao lần người nghệ
sĩ đã từng thốt lên nỗi bất lực dành cho phận ngừời như thế! Nhưng không sao,
sự cô độc lớn lao ấy sẽ nuôi lớn mầm sống cho đời, cho Thi Ca - mãi mãi. Bây
giờ và mai sau…
Hy vọng “Giấc Mơ” chỉ đi vắng - nhưng chắc
chắn Giấc Mơ sẽ trở lại với người nặng tình, son sắt!
Quê nhà, tháng 3 năm 2014
Mang Viên Long
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét