Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (bên trái) và nhà văn Mang Viên Long
Chúng tôi “biết” nhau từ trước năm 1970, khi
Trịnh Bửu Hoài, Ngô Nguyên Nghiễm và Lưu Nhữ Thụy cùng bạn văn An Giang, chủ
trương tạp chí Khai Phá. Khoảng giữa năm 70 - khi Trịnh Bửu Hoài đang học Trung
học ở Long Xuyên, đã cùng bạn văn chủ trương ấn hành tạp chí Khuynh Hướng. Anh
đã thư cho tôi đề nghị “tiếp tay” một truyện ngắn. Tôi chia sẻ niềm vui với
anh, và gởi ngay một truyện vừa viết xong. Tờ Khuynh Hướng số 1 được in ấn vào
cuối năm 70, và phát hành đúng vào ngày Tết Dương lich (01 th1.1971). Dường như
vào những năm ấy, chỉ có tờ Khai Phá, và Khuynh Hướng là làm cho tôi chú ý
nhiều hơn, vì hình thức được trình bày rất trang nhã, mỹ thuật; còn nội dung
thì vô cùng phong phú! Lúc đó, tôi nghĩ - Khai Phá và Khuynh Hướng là hai tờ báo độc lập duy nhất của nhóm anh em
cầm bút Miền Tây Nam
bộ. Đây là một nỗ lực rất lớn khởi nguồn từ đam mê văn học, bất chấp mọi thử
thách khó khăn trước mắt…
Chúng tôi chờ đón tin tức và bài viết
của nhau như chờ một lần được “hội ngộ” qua thư gởi đường bưu điện và các tờ
báo xuất bản ở Sài Gòn được phát hành rộng rãi, nhưng ít có cơ hội gặp nhau, bởi
phương tiện đi lại rất gian nan, và ai cũng bị buột chặt một chốn, vì nhiều lý
do - trong lúc, tình trạng chiến tranh ngày càng sôi sục, đe dọa tất cả mọi đời
sống! Chúng tôi cảm thông và chia sẻ cùng nhau qua những sáng tác được đăng tải
trên vài tuần báo, tạp chí văn nghệ…
Tuy chỉ là “thân nhau” qua tác phẩm,
nhưng cái tình thì rất bền chặt, chân thành! Khi có cơ hội dược gặp nhau, chỉ “cho biết quý danh” là đã ôm nhau như anh
em ruột thịt từ xa về! Tôi nhớ lần bị động viên năm 72 - khi được đưa từ trung
tâm nhập ngũ số 3 Sài Gòn vào quân trường Đồng Đế Nha Trang, chỉ “nghe” anh Trần
Huiền Ân cho biết nhà thơ Duy Năng đang công tác ở đó, tôi đã đến thăm, và đã
được anh “lo lắng & chăm sóc” như một người em. Cũng thời gian nầy, có dịp
về Ninh Hòa, tôi lại đến thăm nhà thơ Lâm Chương ở Quân trường Lam Sơn, vừa
nghe tên và thấy mặt nhau, là chúng tôi đã ôm choàng lấy nhau, Lâm Chương “tạm
nghỉ việc”, kéo tôi vào căngtin trò chuyện cho thõa, cho dầu đó là ngày cuối
tháng mà… chưa có lương!
Chúng tôi rất nhiệt thành chia sẻ cho
nhau những tác phẩm đã xuất bản (hay đăng báo) được - như một món quà quý rất cần
cho đời sống của nhau khi còn ngăn cách! Sự thành công của một người, cũng là
niềm tự hào của tất cả! Tôi đã gởi tặng tập truyện thứ 2 (Mùa Thu Trống Trải –
XB năm 1970) cho Trịnh Bửu Hoài (cũng như nhiều anh em khác), khi chẳng biết
mặt mũi ra sao? Sau đó, là tập “Phố Người” (1972) và… thư đi tin lại hằng tuần,
ròng rã bao năm, dù tất cả đang ở vào thời điểm khó khăn nhất!
Sau năm 1975 – chúng tôi tạm thời
mất liên lạc nhau. Nhưng có lẽ từ năm 1991, tôi lại bắt đầu nhận được những tập
thơ xinh xắn, đầy ắp yêu thương, từ Trịnh Bửu Hoài, cho dầu tôi vẫn ít có dịp
viết thư cám ơn anh! Tuy không có điều kiện viết tiếp, nhưng tôi đã đọc các tập
thơ anh (và tác phẩm của bạn văn gởi cho), đã nhận được niềm vui và an ủi – cảm
thấy mình không còn cô độc! Có duyên đọc thơ Trịnh Bửu Hoài từ Phai Phá, Khuynh
Hướng, trên các tạp chí văn nghệ trước 75; tôi nhận thấy dòng thơ anh mãi trong
trẻo, hồn nhiên và tràn đầy sức sống yêu thương. Sau cuộc bể dâu chìm nổi, thơ
anh vẫn giữ sự tươi mát mênh mang như dòng sông Hậu quê nhà! Tôi đã “biết” thêm
Trịnh Bửu Hoài qua những tập thơ như vậy, mà chưa bao giờ gặp nhau, để “cụng
ly” như những lá thư trao đổi mong chờ (hay sau nầy là các lần phone thăm
nhau).
Qua năm 2010, Trịnh Bửu Hoài có dịp
ra Trung công tác, đã ghé lại quê An Nhơn, tìm đến thăm tôi lần đầu. Vậy là sau
hơn 40 năm, duyên lành mới đến! Về sau, biết rõ “nơi ăn chốn ở” của tôi, Trịnh Bửu
Hoài thường “tranh thủ” ghé lại thăm nhau trên đường ngược xuôi Nam Bắc, có lúc
một giờ, có khi một buổi! Tôi đã nhận ra “chân dung” một nhà thơ Miền Tây đôn
hậu, cởi mở, chí tình! Tôi không có chút gì “hối hận” khi trước đây, chỉ biết Trịnh
Bửu Hoài qua thơ văn. Con người anh và thơ & văn anh là một! Hễ mỗi lần
được hội ngộ như vậy – Trịnh Bửu Hoài luôn nhắc tôi nên về thăm Miền Tây một
chuyến: “Đơn giản thôi, anh cứ nhảy lên xe đò, đến bến xe Châu Đốc, là có
tôi!”. Nghe thì đơn giản thật, nhưng mãi cho đến chiều ngày 25 tháng 2 năm
2014, tôi mới nhìn thấy “Tượng đài cá Basa” sừng sững, uy nghiêm, thân thiết
nơi công viên 30/4 bên ngã ba sông Châu
Đốc, giữa lòng thành phố (đây là biểu tượng cho Thành phố Châu Đốc sông nước
hữu tình, trù phú); nhờ người bạn văn ở Sài Gòn đã hết lòng tạo điều kiện thuận
tiện cho chuyến đi …
Từ trái sang: Hải Âu, Nguyễn Hữu Duyên, Mang Viên Long, Lê Phương Châu, Võ Chân Cửu, Huỳnh Hữu Hạnh
Chiếc xe 7 chỗ ngồi khởi hành từ
nhà của nhà thơ Lê Phương Châu (đường
Kinh Dương Vương, quận 6) lúc 13 giờ như đã hẹn trước, chở 6 anh em đến thành
phố Châu Đốc khoảng hơn 6 giờ chiều (Lê Phương Châu, Hải Âu, Nguyễn Hữu Duyên, vợ
chồng nhà thơ, nhà báo Võ Chân Cửu, và tôi). Dù đã chuẩn bị ghi nhớ địa chỉ,
liên lạc bằng điện thoại báo tin qua mỗi chặng đường, nhưng vào đến thành phố
Châu Đốc, phải dừng xe hỏi thăm đến ba lần, mới gặp được cố nhân! (Điều thú vị,
là mỗi lần dừng xe hỏi thăm người dân bên đường, ai cũng biết “nhà thơ Trịnh
Bửu Hoài”, đã vui vẻ hướng dẫn đường đi cẩn
thận).
Trịnh Bửu Hoài đang đứng ở lề
đường trước nhà chờ. Gặp nhau, ôi! những cái bắt tay sao mà nồng ấm đến vậy!
Gần 45 năm, qua bao lần hứa hẹn, lại tình cờ được “sum họp” nơi quê nhà của
anh! Với tôi, đây là một “nhân duyên” không bao giờ quên! Cuộc đời đâu có gì
dài, được bên nhau vui vẻ, đầm ấm là phút giây hạnh phúc lắm rồi. Viết văn, làm
thơ – làm văn nghệ nói chung, là chỉ để có phút giây sum họp vui vẻ nầy thôi! Đó
là niềm an ủi rất lớn với chúng tôi…
Tất cả đều được mời lên phòng
khách, phòng làm việc của anh trên tầng 2 để “giải lao” sau hơn 6 giờ ngồi xe.
Tuy vậy, không ai trong chúng tôi chịu ngồi yên mà “giải lao”, bởi bên cạnh,
dọc theo vách, là những tủ sách đồ sộ, quý giá. Bên cạnh những đầu sách giá trị
về văn học, nghiên cứu, dịch thuật trong và ngoài nước; anh đã lưu giữ được
nhiều sách báo của thân hữu, của những năm tháng chiến tranh. Các “phóng viên”
thi nhau ghi hình kỷ niệm.
Trịnh Bửu Hoài đã cẩn thận đăng ký
giúp chúng tôi 2 phòng ngủ rộng (mỗi phòng 4 giường nằm) đầy đủ tiện nghi, thoáng
mát, giá rất… mềm ở khách sạn Kim Phượng. Chúng tôi theo hướng dẫn của Trịnh Bửu
Hoài đến quán Bảy Bồng ăn tối gần đó. Bữa cơm đặc sản cá mắm miền Tây khiến cho
chúng tôi cảm thấy không còn mệt nhọc, rất hứng khởi được ghé lại thăm vùng đất
“tiền tam giang/ hậu thất lĩnh” vô
cùng trù phú và nhiều di tích ghi dấu son một thời…
Hẹn gặp lại nhau vào lúc 7 giờ sáng
hôm sau, để cùng nhau nâng tách café, nhâm nhi trà sớm. Quán mà Trịnh Bửu Hoài
đưa chúng tôi đến có cái tên rất thơ là “Hương
Phù Sa”, được trang trí, bày biện rất tự nhiên, kín đáo, thoáng mát, với
nhiều cây cảnh nên thơ. Sáng nay, có
thêm nhà văn Đỗ Phu (chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố Châu Đốc), và
nhà nghiên cứu – biên khảo Đỗ Văn Ngôn nên cuộc sum họp thêm ấm cúng, vui vẻ!
Lúc vào, tôi thoáng đọc được 2 câu thơ được chạm nổi trên vách quán rất ấn
tượng: “Hương sắc Miền Tây tình đất
Lĩnh/ Phù Sa đất mẹ nghĩa sâu dày” –
đúng là cuộc đất của thơ ca và tình người!
Tại đây, chúng tôi cũng được ăn
món đặc sản “Bún cá Miền Tây” đậm đà, hấp dẫn. Theo dự định của anh Trịnh Bửu Hoài,
chúng tôi sẽ tranh thủ đi thăm những nơi tiêu biểu của Châu Đốc, để 4 giờ
chiều, còn quay lại Sài Gòn (theo đề nghị của chúng tôi). Thời gian ngắn quá,
nhưng nhờ có sự thu xếp, hướng dẫn chí tình của Trịnh Bửu Hoài và quý anh Đỗ
Phu và Đỗ Văn Ngôn; nên chỉ hơn 6 tiếng đồng hồ còn lại, mà chúng tôi “coi như”
biết khá nhiều về vùng đất vùng cực Tây giàu tiềm năng của đất nước.
Sau khi ghé lại thăm Hội Văn học nghệ thuật
thành phố Châu Đốc, được tặng sách, được xem tranh ảnh triển lãm nơi phòng
khách, được nhìn ngắm Bồ Đề đạo tràng trang nghiêm giữa lòng phố chợ, dược nghe
anh Đỗ Văn Ngôn kể về sự tích cây Bồ Đề được mang về từ Ấn Độ năm 1952 - trải
qua bao thăng trầm, vẫn uy nghiêm tỏa bóng; chúng tôi đến công viên thành phố
để đón nắng sớm, hít thở những cơn gió mát từ ngã ba sông lồng lộng, để ghi
hình tượng đài cá Ba sa - một tượng đài sinh vật đầu tiên ở An Giang, đã lưu
lại trong tôi bao niềm cảm phục về một biểu tượng của sự trù phú và hòa bình;
là niềm mơ ước chung của tất cả người dân miền Nam… Tượng đài cao khoảng 14
mét, chất liệu Inox, bệ đá granit – có bảng ghi nhớ: “Trên cột nước cao, cá Ba Sa vẫy mình, những con cá tra bu quanh họp
thành bầy đàn 9 con; biểu trưng sức sống của vùng sông nước Cửu Long; làm nền
vững chắc, tạo thế tung hoành, hòa nhập, lan tỏa, phóng khoáng – như tính cách
người dân miền Sông Nước (…)”.
Chúng tôi ghé thăm 2 khu vườn tượng trong quần
thể du lịch núi Sam: Hai khu lưu giữ hơn một trăm bức tượng qua 2 lần An Giang
tổ chức “Trại Sáng Tác Điêu Khắc Quốc
Tế” vào năm 2003 và 2005. Riêng “Dấu Ấn An Giang 2005” đã quy tụ 35 tác giả
người nước ngoài của 21 nước trên thế giới, và 25 tác giả người Việt Nam, tổng
cộng là 22 nước; đã lưu lại cho An Giang một gia tài nghệ thuật điêu khắc đồ
sộ, vô giá! Tôi nghĩ, đây là một thành công rất lớn của An Giang, trong nỗ lực
xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật một cách thiết thực và hữu ích, lâu
dài, mà chưa có một tỉnh thành nào trong cả nước có thể làm được! Chúng tôi thi
nhau ghi ảnh kỷ niệm quanh những bức tượng mỹ thuật đa dạng, hiếm có này…
Địa chỉ chúng tôi ghé lại tiếp
theo trong cuộc du hành là Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, và lăng mộ Thoại Ngọc Hầu
trong quần thể du lịch tâm linh rất phong phú và đặc trưng của Châu Đốc. Đến
đây, chúng tôi mới nhìn thấy rõ, niềm tin tâm linh trong đời sống mỗi người dân
nơi đây thật đáng cảm phục! An Giang nói chung, và thành phố Châu Đốc nói riêng
- đã luôn có một tầm nhìn sâu rộng về miền đất của mình đang sống, cho bây giờ
và mai sau. Đã bảo tồn, xây dựng, tôn tạo các di tích tâm linh và lịch sử rất
cẩn trọng; coi đó là niềm tự hào chung của dân tộc. Sự lưu giữ khu chợ Nhà Lồng
Châu đốc được xây dựng từ năm 1952 với biểu tượng đầu Con Cọp trên nóc cao của
một thời miền đất hoang vắng, là một ví dụ đáng được các địa phương “suy nghĩ”
mỗi khi “đổi mới” trong quy hoạch và xây dựng đô thị. Chúng tôi vào Miếu Bà và
lăng Thoại Ngọc Hầu đãnh lễ, hòa nhập thân thiện vào dòng người bốn phương xuôi
về, với niềm hân hoan và tri ân…
Đã gần 11 giờ trưa – Trịnh Bửu Hoài và quý
anh Đỗ Phu, Đỗ Văn Ngôn, đưa chúng tôi đến thăm Đông Lai Thiền Viện (chùa Phật
Nằm)- còn có tên gọi dân gian rất…hấp dẫn là “Chùa Bánh Xèo” ở thị trấn Tịnh
Biên. Trịnh Bửu Hoài nói: “Đã gần giờ ăn trưa rồi, chắc anh và quý vị cũng cảm
thấy… sốt ruột, mình vào chùa thăm, và
ăn bánh xèo no nê một bữa mà không phải trả tiền!”. Nhà chùa đã có “sáng kiến”
phục vụ bánh xèo cho mọi người đến tham quan, thăm viếng từ nhiều năm nay, mà không
tốn tiền! Phật tử của chùa phân công nhau, toán lặt rau, nhóm đổ bánh, người
phục vụ - rất tươm tất, nhiệt tình, cho dầu có thời điểm người vào ăn lên đến
cả trăm! Đặc biệt bánh xèo chay được đúc khuôn to, vàng đều, dĩa rau sạch nhiều
loại quý hiếm, và nước chấm hấp dẫn! Chúng tôi mỗi người ăn no, từ 5, 6 cái,
riêng tôi và Trịnh Bửu Hoài ăn đến 8 cái! (Ăn một bữa cho nhớ dai mà). Thầy Thích
Thiện Chí (trụ trì), luôn hoan hỷ thăm hỏi, trò chuyện với chúng tôi, với lòng
quý mến. Thầy còn đề nghị chúng tôi có dịp nào ghé lại lâu, sẽ có phòng nghỉ
đàng hoàng cho tất cả…
Điểm thăm tiếp theo sau bữa bánh xèo
không bao giờ quên ở Chùa Phật Nằm của chúng tôi là Cửa khẩu Tịnh Biên – bên
cạnh cột mốc biên giới Campuchia. Chỉ đi một đoạn vài chục mét nữa, là chúng
tôi đã ở bên nước bạn. Ở đây, có cửa hàng miễn thuế, tha hồ mua sắm; tuy vậy du
khách đến thăm cũng chỉ rải rác (có lẽ không phải là ngày nghỉ?). Nhìn xa ra
cánh đồng mênh mông tràn ngập ánh nắng phía trước đã một thời khói lửa năm
1979, chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh to lớn của những người dân ở đây, để
giữ nguyên cuộc đất quê hương sâu đậm nghĩa tình nầy!
Chuyến quay về thành phố, Trịnh Bửu Hoài
còn cho chúng tôi đi dọc rừng thốt nốt bạt ngàn, cảnh trí an lành, tươi mát! Dù
trời đang nắng to, đến đoạn có nhiều cây thốt nốt đẹp, Trịnh Bửu Hoài đều bảo
dừng xe, để… mỗi người chụp hình, vì theo anh “lâu lắm quý bạn mới có dịp quay
trở lại nơi đây”! Sự cẩn thận và nhiệt tình của anh đã khiến tất cả đều xuống
xe (dầu đã hơi thấm mệt), đội nắng - chụp hình và nhìn ngắm, thư giãn dưới các
lùm cây xanh mát… Anh Đỗ Phu và Đỗ Văn Ngôn trên “con ngựa sắt”cũng luôn theo
kịp chúng tôi trên mỗi chặng đường, để cùng chia sẻ niềm vui, trò chuyện, và
ghi hình!
Chúng tôi dừng chân trạm cuối trước
khi chia tay quay lại Sài Gòn là khu chợ trời Châu Long - cũng là nơi anh Trịnh Bửu
Hoài đang sống, để thăm lại gia đình anh, giải lao, và nhất là mua “áo quần
Sida” nhiều loại, đẹp, mới, không đụng hàng, rẻ nhất nước! Tôi đã tranh thủ lựa
mua 3 chiếc áo ấm, chỉ có sáu chục ngàn đồng…
Chúng tôi đã bắt tay anh, các anh Đỗ
Phu, Đỗ Văn Ngôn – những người bạn văn Miền Tây hồn nhiên, chí tình!
Xin được cám ơn An Giang – thành phố
Châu Đốc thân yêu, hẹn ngày tái ngộ!
Quê
nhà, ngày 6 tháng 3 năm 2014
MANG
VIÊN LONG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét