- Ầu ơ… chứ ví dầu đóng đinh,
cầu tre… ơ… cầu tre lắt lẻo… ờ… gập ghình
khó đi… ơ… khó đi mẹ dắt…
Nhà trong, con bé Năm ru con
nghe sao mà não ruột. Ấy là nó muốn mượn lời ru để trách bà đó mà. Mẹ con người
ta cầu tre lắt lẻo gập ghềnh thì mẹ dắt con đi. Còn nó? Ý nó muốn nói, cầu gập
ghềnh mà bà còn xô nó xuống sông đó chứ gì!? Bà Ba nuốt nước miếng khan tiếp
tục đan những sợi nan cuối cùng cho đủ tấm mê bồ. Cái lưng bị chứng vôi cột sống
khó xoay trở quá. Muốn nó khom xuống thì nó đứng sựng lên. Muốn quay bên trái
nó lại cãi bà và đòi quay bên phải. Bé Khoai Lang sắp lên sáu ì ạch đeo cái cặp
từ ngõ vô nhà ném lên bộ vạt giường cái “rầm” rồi ngúc ngoắc lời chào “Thưa
ngoại… đi học mới dìa” rồi đi tuốt ra
nhà sau. Bà Ba định đứng dậy níu đứa cháu gái nhưng nó vùng thoát khỏi cánh tay
gầy guộc của bà rồi chạy biến xuống nhà dưới nơi mẹ nó đang ru em. Ngày nó trăm
lượt giận hờn như vậy nên bà cũng không để ý làm gì. Nào là không tìm được cọng
thun cột tóc cùng màu nó cũng giận, thắt cái đồng hồ lá dừa không bằng nhau nó
cũng dỗi. Đan cho tấm mê bồ làm “giường” búp bê nhưng tấm đẹp, tấm xấu nó cũng
khóc nhè. Bà thương nó lắm, chưa đủ tuổi học lớp một mà gia đình đã tan đàn xẻ
nghé.
Mà không nói chuyện thằng
cha của bé Khoai Lang thì thôi, nói là tức trào bản họng. Đúng là thầy tướng số
nói không sai mà. Cái thứ “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” ấy, hồi nó ngấp nghé
con bé Năm, bà đã “cảnh báo” rồi, nhưng con nhỏ đâu có chịu nghe, nào là tại ông
trời sinh tướng như thế, chứ ai nhào nặn được đâu. Má thấy con bác Hai Của không?
Con chú Mười Út nữa, mấy người đó chân cao như cây tre, vai u thịt bắp, lưng
gấu, tướng rồng mà cũng làm biếng thấy mồ tổ. Vậy là bà hết cãi. Vả chăng mấy
đứa đang yêu con mắt nó đui hết rồi, thì cứ để mai mốt gặp chuyện nó sẽ “đứt
dây mù lòi dây sáng” liền à. Vậy là con bé Khoai Lang ra đời. Sao gọi là Khoai
Lang? Vì lúc ốm nghén mẹ nó chỉ thèm ăn khoai lang. Con nhỏ còn trong trứng
nước vậy mà khôn đáo để, thèm khoai lang thì dễ mua chứ thèm nem công chả
phượng, thịt kỳ đà, sừng tê giác coi đói nhăn răng không thì biết.
Con nhỏ được ba tháng tuổi,
mấy tấm mê bồ của bà Ba vừa nuôi con gái, cháu ngoại và nuôi cả thằng rể dài
lưng tốn vải kia. Biểu nó theo thanh niên hàng xóm nhổ mì, chặt mía thì nó nói
“Làm nặng vậy mai mốt già đau xương nhức khớp không có tiền uống thuốc”. Vậy
thì đi chạy xe ôm. “Cái nghề xe ôm thấy dễ ăn vậy chứ… khó nuốt vì chạy cả ngày
được trăm ngàn cũng hổng đủ cà phê thuốc lá”. Bà chửi, cà phê, thuốc lá cho ông
bà ông vãi cha mày hay sao mà tốn dữ vậy? Vợ đẻ nằm kia không tiền lo mà lo cà
phê? Vậy thì đan bồ là khỏe nhất con ạ! Thằng rể bảo, “Tay chân con khỏe mạnh
thế này, làm việc lớn còn không làm, ai lại đi chẻ nan, đan bồ lít chít ba xu bốn cắc việc đàn bà như thế!” Vậy mày tính làm công việc gì để nuôi vợ con?
“Dà… má cho con mượn cái giấy đỏ đi vay năm bảy chục “chai” làm vốn mua bán mì
lát là dễ ăn nhất”. Bà nghe xuôi tai nhưng không dám vay năm bảy chục triệu như
lời nó. Bà chỉ dám vay hai chục. Cầm tiền trong tay rồi ngày hôm đó thằng rể bà
đi tới tới khuya mới về, người đầy mùi rượu. Bảo phải đi “lót đường” làm ăn cho
trơn tru. Mấy ngày sau, thấy nó nguệch ngoạc dòng chữ “Thu mua mì lát, mì mót” lên cổng rào. Hỏi ghi vậy, mày đi suốt, người
ta mang mì tới bán làm sao má cân kéo được? Nó nói “Là ghi vậy cho… có trụ sở
thôi. Mọi chuyện đã có mấy anh em khác lo hết rồi”. Tuần sau bà lại thấy thằng
rể mang về cả đống tăng, bạt rồi không biết mì lát ở đâu nó chở về cả xe tải và
cũng phơi phóng, vô bao kìn kìn. Sau hai ngày phơi. Xe tải lại tới chất oằn
thùng. Đi khẩu ba ngày về nó bảo chuyến này lời được hai triệu. Nó đưa bà hai
trăm ngàn “Gửi má ăn trầu”. Mà bà có ăn trầu đâu. Bà đi mua cây rựa chẻ nan mới
thay cho cây rựa hơn chục năm nay. Lòng thầm hối hận vì buổi đầu chê nó “dài
lưng tốn vải”.
Bữa ấy khi mì lát vừa vô bao
chờ nhân công tới chất lên xe thì thằng rể có điện thoại. Nó tất tả mặc áo rồi
lên tiếng nhờ bà Ba:
- Con có việc ra ngoài chút
má! Khi mấy thằng nhân công tới má cho tụi nó chất lên xe rồi kéo ống phun
sương nước lên mấy bao mì nhen! Xong biểu tụi nó đừng đóng cửa thùng xe, cứ để
đó, chút xíu con về con lo.
Bà làm đúng như lời nó, lòng
thầm tưởng đến tờ tiền hai trăm ngàn mới cứng hồng tươi mà nó sẽ biếu bà như
lần trước. Nhưng sau khi dặn dò nhân công phun sương bao mì, đừng đóng cửa
thùng xe xong thì bà vô nhà dỗ bé Khoai Lang phụ mẹ nó. Con nhỏ mấy ngày nay
sốt nóng khóc hoài. Thằng rể về chắc cũng nửa đêm. Mùi rượu nồng nặc cả gian
nhà nhỏ. Bé Khoai Lang càng khóc to hơn nhưng thằng cha nó không phụ hợ được gì
vì đã say quay đơ mất rồi. Gần sáng bà nghe tiếng xe tải lao đi. Cứ đà này chắc
không lâu con rể bà sẽ giàu có, con gái bà hết cảnh thiếu ăn và nhất là bà sẽ
không bao giờ tin thầy bói, thầy tướng nữa. Thì đó đó… thầy chẳng nói nó dài
lưng tốn vải không làm được tích sự gì, chỉ toàn ăn no rồi nằm ư? Nó mới đi ba
chuyến hàng mà nhà bà đã có quạt máy, bếp từ rồi đó!
Nhưng… tầm một giờ chiều,
điện thoại bàn reo giật giọng. Bà áp vào tai thì nghe tiếng hét muốn bể màng
nhĩ:
- Má! Hồi tối tui biểu đừng
đóng cửa xe mà tại sao mà đóng?
- Má có đóng đâu?
- Vậy ai đóng? Ai đóng để
bây giờ chục tấn mì của tui phát dòi đầy hả?
- Dòi bọ gì ai mà biết! Bây
hỏi lại mấy thằng công nhân coi. Bà trả lời tuy dạ hơi run.
Sau một hồi hò hét, thằng rể
bà cũng biết mệt nên điện thoại chỉ còn nghe tút… tút… Sau đó mới rõ. Tối hôm
qua, sau khi bà vô nhà ngủ thì trời mưa, thằng lơ ngủ giữ xe sợ mưa tạt nên
đóng cửa thùng xe. Nó ỷ y “chút xíu con về con lo” như lời ông chủ nên nó ngủ
tuốt. Ai dè “ông chủ” say mèm cũng ngủ luôn thành ra chục tấn mì lát thành bả
dòi. Mất vốn thằng rể bỏ đi mất sau khi tung tin mình bị “bà già vợ phá hoại”.
Số vốn vay từ giấy đỏ hàng tháng bà phải tích cóp tiền đan bồ mà trả ngân hàng.
Qua nhà anh chị sui nhờ tìm giùm thằng rể thì họ bảo họ cũng đang muốn tìm nó
đây. Nó lừa anh em trong nhà mấy chục triệu nói đem về hùn với bà già vợ làm
ăn. Giờ bỏ đi mất. Chị sui có tìm được nó, cứ thưa nó ra tòa, mà nhớ báo cho
tụi tui “thưa” ké với!
Hai năm sau, tấm giấy đỏ của
bà vẫn án binh bất động ở ngân hàng. May sao có người muốn “bước tới” với con
bé Năm nên ngỏ lời trả nợ giúp bà. Người này hàng tháng còn cho bé Khoai Lang
một túi quà đủ sống cả tháng. Bà cám cảnh con gái, định kêu thôi cho người ta
cưới xin đại cho rồi. Nhưng hàng xóm bảo, tuy bé Năm với thằng chồng chưa đăng
ký kết hôn nhưng con bé Khoai Lang là “sản phẩm tạo thành” thực tế, phải nạp
đơn hủy hôn. Hai ba phen tốn công lên xuống tòa án nhưng tòa bảo phải có chứng
minh nhân dân, hộ khẩu của thằng chồng, rồi giấy khai sinh của đứa con thì mới
đủ hồ sơ xin hủy hôn. Giấy chứng minh á? Hộ khẩu của thằng chồng à? Khai sinh
của con nữa sao? Rắc rối quá. Bé Năm không biết nhiều như vậy, cứ nghĩ là con
còn nhỏ, từ từ gần đi học rồi hãy làm khai sinh. Mà bây giờ lại thêm chuyện vợ
chồng không kết hôn thì khó làm khai sinh cho con nữa chứ!
Cái ăn, cái mặc, cái thuốc
men, tã, sữa… quây người như chong chóng mà mớ giấy tờ còn không tha cứ “thập
diện mai phục” hoài. Sao lấy chồng dễ ợt, cứ quyết định cái rột, gật đầu cái
rụp là xong. Thôi chồng sao mà khó thế. Nào giờ sống với nhau, biết cái áo màu
gì, cái quần cỡ mấy chứ cái giấy chứng minh chồng cất trong túi, số bao nhiêu
còn không biết thì hộ khẩu nằm bên nhà chồng, biết hình tròn hình méo ra sao mà
tòa cứ đòi hoài. Con bé Năm bỏ chuyện xin hủy hôn ở tòa án, trong lòng nó tự
hủy là được rồi.
Vậy là sau khi nhận của
người ta số tiền đủ “tha” cái giấy đỏ về cho nó an dưỡng phía sau cánh tủ thờ,
bé Khoai Lang được người ấy lo sao đó rồi cũng có giấy khai sinh. Thì cũng là
lúc bụng con bé Năm tròn tròn! Bà Ba chửi ngày chửi đêm, chửi cái “kẻ cơ hội”
ấy, có thương thì chờ đủ giấy tờ thủ tục đi chứ! Ai lại bày đặt kiểu “tiền trảm
hậu tấu” thế này. Bà chửi riết, kẻ muốn bước tới với Bé Năm buộc lòng phải bước
lui, sau khi gửi lại một khoảng tiền cho bé Năm sinh nở.
Bây giờ đi đâu, gặp ai bà
cũng níu lại phân bua chuyện bé Năm, rằng là nó bị thằng đó lừa gạt, cái thứ
đàn ông mặt chữ điền tưởng phúc hậu vậy mà thất nhơn ác đức. Ăn ở với con người
ta có bầu có bì rồi bỏ đi biệt tích. Người hiểu chuyện không nói gì, kẻ ngồi lê
đôi mách nhao lại chê bai chỉ trích. Bà Ba quên rằng con bé Năm là con bà, nó
xấu xa thế, bà đẹp đẽ gì đâu. Có người cắc cớ hỏi:
- Nghe nói thằng đó bỏ ra
hai chục triệu lấy cái giấy đỏ về cho bà hả?
- Ừ… ừm thì có…
- Vậy nó đâu phải vô tình vô
nghĩa với con gái bà?
- Nhưng nó “ăn cơm trước
kẻng” tui ghét! Thương người ta thì chờ người ta xong chuyện nhà đã chứ!
- Chuyện con bé Năm và thằng
chồng trước, biết bao giờ mới xong?
- Năm nay không xong thì năm
sau, năm sau nữa cũng xong!
Người nghe “đuối” trước lập
luận của bà Ba. Chỉ khổ con bé Năm ôm con mà hát “ví dầu cầu ván” suốt ngày như
người khùng.
Đào Phạm Thuỳ Trang (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét