Tháng 3, Tuy Hòa có một cái gì đó. Lạ lắm...
Gửi lòng vào dòng sông Ba, dưới cái nắng nhẹ buổi chiều xuyên qua từng dòng chảy, phản chiếu từng hạt lấp lánh như mẻ cá hôm nào của ba đầy ánh bạc ngoài biển kia. Dòng sông buổi chiều mới hiền diệu làm sao, uốn nhẹ mình qua Ngọc Lãng, bồi đắp những "thớ thịt" phù sa. Mặt Trời buổi chiều đằng sau Tháp Nhạn tạo cho tháp trông có vẻ uy nghi và huyền bí hơn. Vòng bánh xe lăn nhanh xuống cầu Hùng Vương, hoà nhịp vào nhịp thở của thành phố.
Tác giả Nguyễn Văn Thảo
Quảng trường 1 tháng 4 chiều nay tấp nập. Tiết xuân vẫn còn, vậy mà cơn nóng "thân tình" của miền Trung đã về, về trên quê hương tôi. Sớm thật. Tháng 3, những tia nắng rong chơi trên thành phố, để rồi chiều lại chiều từng dòng người ùa nhau ra ngồi nơi này, thưởng thức gió chiều trên biển. Biển Tuy Hòa chào đóng các em nhỏ được ba mẹ dẫn đi, đâu đó có mấy chiếc áo trắng ngồi tụm năm tụm bảy ngồi trên bờ cát còn nóng ăn những cây chả ram, những xiên thịt nướng hay ăn xoài... Nhắc đến xoài tôi lại nhớ thời học sinh của mình, những ngày nói dối mẹ đi học thêm buổi chiều để chạy theo lũ bạn đi hái trộm xoài của nhà bà Năm Thọt ở xóm Rớ. Rồi cả lũ ra ngồi ngoài biển "chén" xoài với bịch muối ớt cay xé miệng. Để rồi thi nhau phi xuống biển lặn thật sâu, chơi những trò dưới nước. Chuyền tay nhau trái xoài dưới nước cạp, cắn làm trái xoài te tua đầy những dấu răng. Cái cảm giác ấy tôi chắc không bao giờ quên, theo tôi hoài trong những giấc mơ quê. Vị chua chua của xoài hoà trong vị mằn mặn của nước biển trong đó có cả tình bạn thân trong cái nhóm hay trốn học mà tôi hay đùa đó là "hội đồng con nít". Những vị đời trải qua tôi không thể quên cái vị quê, vị người mà bạn đã dành cho tôi. Hẹn đời cho tôi quay lại một lần nữa để nêm nếm vị trái xoài dưới biển cùng đám bạn kia. Thân lắm một thời... Một đời...
Đi chân trần trên cát, cảm nhận thật chậm cái cảm giác tuyệt vời ấy. Nước biển làm ướt cả ống quần, nhìn mấy chú còng con vội đào hang trốn, tôi lại nhớ lại tuổi thơ thức trắng cùng ba chạy còng đêm. Tôi lại ao ước nằm trần với lũ bạn, rồi vùi-lấp cát lên thân mình ướt vừa chạy từ dưới biển lên. Từng vốc cát âm ấm được nằm trọn trên ngực, cát quê vùi lấp trên người sao thân thương đến lạ. Thi nhau ùa chạy thân hình dính đầy cát xuống biển, lặn thật sâu... Mát lạnh cả một góc quê.
Quảng trường lên đèn, tìm cho mình góc ngồi hướng ra phía biển. Từng dòng người ướt nhẹp, xách dép đi lên. Thấy lũ bạn ngày nào tắm biển đi lên cũng nớp nớp lo sợ ba mẹ phát hiện. Quần áo ướt nhẹp mà về nhà là nhừ đòn do "đi học thêm dưới biển". Cả bọn đạp xe lang thang trong thành phố đến khi nào quần hơi khô thì về. Mùi biển tanh nồng cứ ám vào quần áo. Làm sao mà trốn được phụ huynh. Nhiều câu nói vu vơ của ba làm tôi giật mình, tôi không biết ba nghĩ gì về thằng con nghịch như quỷ này…
Góc phố nhỏ nơi này có người con gái, mái tóc dài bồng bềnh trong chiều biển gọi. Tháng 3 làm tôi thương, tôi nhớ con đường có hoa osaka vàng nhuộm cả một góc phố. Tháp Nhạn chiều tháng 3 lộng gió, từng cơn gió mơn man làm bay bồng bềnh mấy chùm tóc mái, mái tóc dài ngang vai cũng hùa vui theo gió – ngộ thật đấy. Một buổi chiều nên thơ ở chốn này, có lẽ là có em...
Con tim tháng ba ngày nào lỗi nhịp, biết hẹn hò trai gái, làm chủ đề cho lũ bạn lúc rãnh rỗi bán dưa. Có ai đó đỏ mặt, tránh đi ánh mắt tôi trong lớp. Hẹn hò với trăng non hao gầy ngoài bờ biển, lắng nghe những câu chuyện đời mà sóng kia góp nhặt được trên hành trình vào bờ ôm lấy bờ cát trắng.
Tháng ba buồn vu vơ đến lạ! Ôm lấy cho mình khoảng không hắt đèn đường vàng nhạt, nhớ lại những gì muốn nhớ và thấy những gì muốn thấy; vắng bóng ai đó ngồi bên cạnh, những bóng đen cứ đi qua, đi qua dưới đất.
Trăng tháng 3 đẹp thật, nhưng khuyết mất một nửa như trái tim tôi vậy! Nhớ con đường vốn dĩ của riêng ta, nhưng ai đó lạc đường rồi lấy luôn khoảng ấy. Vòng tay ôm nhẹ, ngửi thấy mùi hương trên tóc. Nhớ hoài…
Biển ơi, giữ dùm tao những kỷ niệm, đợi ngày về ôn lại chuyện xưa. Đừng quên tao - một người con của miền biển tóc hoe vàng do cháy nắng, da đen sạm. Một người con chân chất xa quê, để rồi quay lại tìm cho mình khoảng vắng. Có vị mằn mặn nào trên môi. Vị mặn quá đỗi quen thuộc. Lẽ nào đó là vị quê?
Nguyễn Văn Thảo (Gia đình Áo Trắng TP. HCM)
Ngôn ngữ đẹp, thấm đãm tình quê. Và những hoài niệm thật đáng quý!
Trả lờiXóa