Nhà văn Chu Lai
Sau giải phóng Sài Gòn được mấy bữa, đang ngơ ngác giữa ngã ba đường đời thì nghe thông báo có đợt xét tuyển tình báo kinh tế ở Vũng Tàu, tôi hồ hởi ghi tên ngay. Còn biết làm gì khác một khi cả tuổi trẻ đã để lại trong rừng, giờ đây có bắt đầu làm lại bất cứ cái gì cũng nhỡ nhàng rồi. Nhưng vừa ló mặt, lập tức đã bị người ta lắc đầu quầy quậy mời đi ra. Cáu: "Kỳ vậy! Giữa đặc công với tình báo thì có gì khác nhau lắm đâu mà ghê gớm thế?". Người cán bộ cười, bảo: “Không phải, khuôn mặt tình báo là nhìn mười lần còn quên nhưng mặt đồng chí, xin lỗi nhé, chưa nhìn đã nhớ”. Thế là ớ họng.
Chiều hôm đó, trước khi về lại đơn vị, chán, chả biết làm gì, một mình tha thẩn ra biển ngồi chơi. Biển những ngày đầu hết chiến tranh thật buồn. Người ta chưa hiểu một chính thể vừa đổ, một chính thể khác vừa lên sẽ như thế nào nên nhịp điệu cuộc sống còn rụt rè, gượng nhẹ lắm. Sau cơn mưa, gió se lạnh. Đang nghĩ ngợi mông lung, bất chợt tôi nhận ra không xa lắm bên trái mình, trên một gờ đá hơi nhô ra biển là dáng hình một cô gái vận đồ đen đang ngồi như hoá đá. Nhìn sâu hơn: Chao ôi, tóc buông dài, nước da trắng, nét mặt thanh tú, đôi mắt dõi nhìn ra xa buồn thăm thẳm. Giống như bức phù điêu về những người đàn bà chờ chồng đi đánh cá nơi xa không trở về. Lòng khẽ rung lên những tình cảm xốn xang khác lạ. Nhưng lại không thể làm quen, không dám làm quen, khả năng làm quen người khác giới đã bị trận mạc mười năm tiêu huỷ mất rồi.
Và cũng sẽ chỉ ngồi như hoá đá như thế rồi lặng lẽ trở về nếu lúc đó một lọn sóng không bất thần ập đến oà vào người khiến cho em không kịp né, ngã chống chân xuống nước. Tất nhiên là nước nông, nhưng đáy nước lại có vỏ hến vỏ hà nên bàn chân em bỗng nhoè máu. Dịp may trời cho đây rồi, tôi vội nhào lại, như một bản năng người lính suốt đời vì nhân dân, ân cần đỡ em dậy, rút những mảnh sắc khỏi gan bàn chân em rồi móc mùi xoa băng nhẹ lại. Xong. Và sau đó tất nhiên là cám ơn, là không có chi, là hỏi nhà em ở đâu, sao lại ra đây ngồi một mình trong buổi chiều giông bão thế này? Em nói năng lí nhí, mắt thoáng nhìn vào bộ quân phục của tôi với cái nhìn lạ lẫm, đề phòng. Mới giải phóng, cô gái vùng tạm chiếm nào chả có cái nhìn như thế, kệ, tôi gọi một chiếc xe lam đưa em về nhà.
Hoá ra căn nhà em ở rất đẹp, giống như một biệt thự trong ngõ vắng. Nhà không có ai. Em nói mẹ đi Sài Gòn sáng nay chắc tối mới về, ông anh ra Bãi Sau có việc gì đó của Đoàn thanh niên gọi, còn bố... Em ngậm ngùi nói bố đi tập trung cải tạo rồi, ổng là bác sĩ quân y, hiền lắm, cả đời quân dịch chưa bắn một phát súng nào... Vậy là đã rõ tại sao em có cái nhìn ra trùng khơi buồn như thế. Và cũng ném về phía tôi một cái nhìn dè chừng như thế.
Tối đó tôi ngồi chơi khá lâu, ngồi đến lúc bà mẹ trở về mới xin cáo từ. Em đưa tôi ra cổng và khẽ hỏi: Sáng mai mấy giờ anh đi, đi xe ngoài hay xe quân sự, nếu em muốn ra tiễn có được không? Lại nói, đây là lần đầu tiên em được chuyện trò với một người lính quân giải phóng, thật khác xa với mọi lời đồn thổi mà em đã nghe đầy cả hai lỗ tai. Rồi em hỏi tôi có trở lại vùng biển buồn này nữa không? Tôi nói nhất định sẽ trở lại và chúc má con em mau tìm được sự bình yên trong cuộc sống mới, còn cha em, nếu thực sự không có tội ác gì thì chắc chắn sẽ được trả lại tự do nhanh thôi. Em chớp chớp mắt nhìn lên như có nước biển ngập tràn bên trong. Và cái chớp mắt con gái ẩn chứa bao điều ấy đã theo tôi vào cả một đêm thao thức.
Chết thôi, tôi bỗng cảm thấy mình hình như đã yêu, thứ tình yêu sét đánh mang sắc màu là lạ, thứ tình vượt lên khái niệm hai chiến tuyến, một thứ tình vừa yêu vừa thương, thứ tình yêu nén chặt căng ứ của mười năm trận mạc tưởng như đã bị cùn nhụt đi. Và tôi quyết định sáng mai trước lúc xe chuyển bánh sẽ tìm cách nói khéo điều thì thầm đó ra. Nếu em vẫn chớp chớp mắt như thế thì coi như đây là do ông trời sắp đặt, biết đâu lại chả trở nên một mối tơ duyên gì về sau, phải, biết đâu...
Nhưng sáng hôm sau, mong đến đỏ mắt mà tịnh không thấy em đâu. Xe chuyển bánh một đoạn xa vẫn còn cồn cào nhìn lại. Nén một tiếng thở dài. Ảo mộng. Đó chỉ là một cơn ảo mộng, sản phẩm tất yếu của một thằng lính vừa đi ra từ cõi chết đang khát yêu. Vả lại biết đâu mẹ em đã ngăn cấm quyết liệt. Tôi đang hiện diện là nguyên nhân khiến cho chồng bà phải đi xa kia mà. Đành vậy. Tạm biệt em. Nhất định tôi sẽ trở lại!
Vậy mà cái sự trở lại ấy chưa kịp xảy ra thì ngay tuần sau tôi đã có lệnh phải ra Bắc. Rồi cuộc sống hậu chiến quá đỗi nặng nề cứ cuốn đi. Cuốn nhoà cả cái bóng hình ấy, cuốn một mạch cho đến tận bây giờ. Nói cho đúng ra từng ấy năm cũng đôi bận tôi đã có dịp trở lại nhưng chỉ một thoáng một chốc nên cái sự đi tìm em chẳng đâu vào đâu. Lại nữa, ngôi biệt thự nhà em bây giờ đã tọa lạc một toà công sở mười tầng nguy nga, hỏi chủ cũ chuyển đi đâu, không ai biết. Thời gian... Chắc em đã cùng gia đình di cư sang Mỹ theo diện HO như mọi trường hợp khác rồi. Thôi, thế cũng coi như xong.
Và xong thật nếu như lần này trở lại một ngày giáp Tết với tư cách một kẻ cầm bút đi thực tế trong ngành dầu khí, tôi không lần tìm ra nơi chốn cũ ngồi ngắm biển. Cũng là để nhấm nháp lại một chút dư vị bâng khuâng, ngọt ngào đã đi vào quá vãng. Thật bất ngờ, tại chính cái gờ đá sóng xô ấy, một cô gái giống hệt em, giống lắm, giống từ dáng vóc, khuôn mặt đến cả đôi mắt cũng đang ngồi lặng nhìn ra xa. Có một cái gì đó chảy rần rật trong người như một linh cảm mơ hồ khiến lồng ngực tôi thắt lại. Rất có thể cô bé này có dính dáng đến em? Biết đâu đấy lại chẳng là dây mơ rễ má họ hàng hay chính là giọt máu của em?
Lần này tôi chủ động đến gợi chuyện. Vẻ lịch lãm cùng mái tóc đã chớm bạc một cách khá là khả kính của tôi đã được cô bé tin cậy và cởi mở ngay từ đầu. Chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện kia dắt dây sang chuyện kia nữa. Và thế là sau một loạt những chi tiết được lục lọi, sau một đống những hình ảnh được lắp ghép, chao ôi, thì ra cô bé đúng là con gái của người đàn bà kia. Gia đình em không đi đâu cả, vẫn ở Vũng Tàu nhưng đã chuyển ra ngoại thành, lúc này em đang là Giám đốc một Công ty cổ phần xăng dầu và... đang ở một mình. Hỏi ba đâu, cô bé chân thành: "Ba sang Đức rồi ở lại luôn với một người đàn bà khác".
Thì ra là thế. Thật chán cho cái sự suy tưởng nghèo nàn của mình và cũng đa đoan thay kiếp phận đàn bà. Một chỗ ngồi trùng lên cả hai mẹ con, chỉ có nỗi niềm là khác.
Cô bé bật mí gần đây mẹ thỉnh thoảng có nhắc đến tên một người đàn ông nói tiếng Bắc, không biết giờ đang ở đâu. Tôi im lặng. Cũng như từ đầu đến giờ tôi vẫn chỉ im lặng không hé lộ mình là ai.
Vừa đúng lúc một chiếc xe con sang trọng xịch đến, khiến tôi giật mình. Và một người đàn bà với khuôn mặt sang trọng, son phấn rất kỹ và hình như có cả sự nhuộm màu trên mái tóc bước xuống.
Cô bé reo lên: “Mẹ, mẹ đến đón cháu đấy, bữa nào chú vô nhà cháu chơi đi!”. Cô bé nhảy phóc lên xe. Giây phút ấy có một lực đẩy vô hình muốn tôi tiến thẳng đến phía em và sẽ hỏi em những câu nóng bỏng đã nghiền ngẫm, đã chuẩn bị từ lâu kiểu như em có nhận ra tôi không? Tôi chính là cái gã quân giải phóng ngồi bên em suốt một buổi chiều đây mà. Bao năm nay tôi đã đi tìm em như tìm lại một thời tuổi trẻ mộng mơ và dại khờ của mình. Vậy mà...
Nhưng rồi không hiểu sao bước chân tôi vẫn chôn nguyên ở chỗ cũ. Để rồi trước con mắt nhìn xa lạ, dửng dưng của em, tôi chỉ còn biết gật đầu chào như chào một kẻ không quen biết. Thì còn gì nữa, hơn ba chục năm cuộc đời dâu bể can qua rồi, làm sao người ta còn nhận ra mình, một gã đàn ông ngoài năm mươi tuổi, tóc bạc, râu bạc và cái tâm hồn cũng bạc nốt. “Xin lỗi ông, tôi không nhớ ông là ai”. Lỡ phải nghe câu nói lạnh ngắt này từ em thì cái bản mặt mình sẽ vô duyên, bẽ bàng, đuỗn đệt biết chừng nào.
Chiếc xe hơi nổ máy bon đi. Tôi nhìn theo, cười vô nghĩa. Lần này mới thật là xong! Xong hẳn. Vậy là em vẫn tồn tại, vẫn ở ngay đây, tốt thôi, và em đang có một cuộc sống thành đạt, dễ chịu. Mừng cho em. Còn tôi, dẫu biết rằng ở đời có những kỷ niệm không nên gặp lại, gặp sẽ tan tành ra bong bóng nhưng lại không thể không gặp. Như tôi đã gặp em. Nhưng giá đừng gặp thì tốt hơn. Để trong tôi còn mãi hình bóng em như một kỷ niệm đẹp và buồn của cuộc đời. Dẫu rằng, bỗng nhiên tôi thấy lòng mình nhẹ bẫng như vừa hất đi được một gánh nặng cứ đeo đuổi mãi không thôi.
Ký ức mãi tươi rói nhưng người mang ký ức thì già mất rồi!
Và tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ tìm gặp lại con người ấy nữa./.
Chu Lai
man mác buồn.
Trả lờiXóaBuồn một chút nhưng rất đời thường...
Trả lờiXóacó chút tiếc nuối vương một chút buồn
Trả lờiXóaChu Lai viết văn thì thường thường bậc trung nhưng khi phát biểu thì rổn rảng lắm. Ông này chỉ khiến cho người ta nhớ khi phát biểu thôi.
Trả lờiXóa