Cây bút trẻ Thanh Bình Nguyên (Trưởng Gia đình Áo Trắng TP. HCM)
Khải là
con chú Tư Khánh chủ hàng đáy nằm sau lưng trường tiểu học Định
Thành. Hàng đáy đó đã làm Minh chút nữa là chui xuống đáy sông cùng
mấy con cá xấu số.
Bữa đó
là đám giỗ ba thầy Ban, thầy đương là hiệu trưởng trường tiểu học, Minh
được thầy kêu chèo xuồng đưa rước khách qua sông. Sáng nước lớn mấp
mé bờ, mọi người được Minh đưa qua ăn giỗ, sau đó nó ngồi sau sà lản
coi ti vi với tụi thằng Thái, thằng Quẹo, và con Ý.
- Ê
Quẹo, mày biết tại sao thằng Thái có biệt danh là “Thái dúi” hông?
Minh cười
rung mặt, nhìn thằng Thái đang trợn mắt ngó mình trân trân.
- Tại
nó ưa đái dầm, vậy mà hổng chịu bỏ tật xấu.
Thằng Quẹo
liếc xéo em, rồi hỉnh mũi, le lưỡi chọc quê.
- Nói
bậy! Tại chỗ tui nằm bị mưa dột chứ bộ. Mấy người ưa đặt chuyện
nói xấu không hà.
Thằng Thái
đỏ mặt, nhưng cố lý sự.
- Nó quạu rồi kìa.
- Thôi
tụi mình lấy xuồng chèo đi chơi
nghen mấy hia nhiều chuyện. Rồi lát nữa quay về đưa khách qua sông sau.
Nhỏ Ý
nãy giờ ngồi chơi đánh đũa, ngẩng mặt lên nhìn tụi con trai.
- Giờ
này nước ròng rồi, sông chảy xiết lắm.
Quẹo tỏ
vẻ lo lắng. Thằng Thái vỗ vỗ vào vai Minh.
- Hổng
sao đâu, tụi mình chèo sát bờ thôi
mà. Hia Minh ăn dừa nước hông, con chỉ chỗ cho.
- Được
rồi, tụi mình chèo xuồng qua cống xi-măng chơi. Nhưng mấy đứa không
được chạy giỡn, lỡ té xuống sông là chết.
Bốn đứa
leo lên xuồng, Minh cầm hai tay chèo khua mạnh xuống dòng sông. Chiếc
xuồng ngược dòng, nhích lên từng chút, chậm rì. Tới cống bê tông,
nằm chình ình trước mặt Uỷ ban xã, Minh cặp xuồng vô sát mé sình.
Thằng Thái lên tiếng:
- Hia
chèo xuồng lên phía Trạm y tế đi, con thấy có trái dừa nước bự tổ
chảng luôn.
Minh chèo
xuồng theo hướng chỉ của Thái. Sau khi tấp xuồng vô bụi dừa nước nằm
sát dưới mé sông, Minh liền lấy mái dầm chặt mạnh cuống dừa. Sau
một hồi hì hục, bẹ dừa đã bị dứt lìa, trái dừa rớt xuống sình,
giơ hầy.
- Đi
về thôi.
Minh dùng
mái dầm đẩy mũi xuồng ra xa bờ sông. Nước chảy mạnh quá làm xuồng
quay một vòng, xuồng lắc lư khiến cho tụi nhỏ hoảng hồn. Minh vịn be
xuồng, đứng lên nắm cán chèo, cố dùng sức chỉnh hướng xuồng trôi.
Nước ròng chảy xiết ra biển, làm xuồng lao nhanh như mũi tên. Phía
trước mặt là hàng đáy, đang căng lưới rộng như chiếc mùng lớn. Minh
bắt đầu lo sợ.
- Mấy
đứa vịn chặt be xuồng coi chừng té bây giờ.
Dù cố
gắng đẩy mái chèo cho mũi xuồng lệch hướng về phía bên kia bờ, nhưng
Minh không đủ sức. Vậy là chiếc xuồng cùng bốn anh em chui luôn vô
miệng hàng đáy…
Người đứa
nào cũng ướt mem, nhỏ Ý sợ quá la lên inh ỏi. Thằng Quẹo ôm chặt
lấy bụng Minh, run lẩy bẩy. Minh cũng sợ vì nó lội không giỏi, mà
nước ròng chảy quá xiết. Minh ngó lòng vòng tìm thằng Thái. Còn
thằng Thái đương cố dùng mười đầu ngón tay vịn chặt vô mắt lưới,
người nó treo tòng teng lấp lửng mặt nước. Minh hít một hơi thiệt
sâu, rồi lên tiếng:
- Đừng
sợ! Thái, mày có sao không?
Thằng
Thái bị dòng nước đục mò kéo vùn vụt vô đáy lưới, nhỏ dần. Nó
đương hốt hoảng thiệt sự. Minh gỡ tay thằng Quẹo ra, rồi đẩy nó lên
phía giàn cây dừa trên làm khung miệng lưới. Giọng Minh cố tỏ vẻ
bình tĩnh.
- Quẹo
ôm lấy thân dừa, chờ hia xuống kéo thằng Thái lên.
Nhỏ Ý đã
nhanh tay ôm lấy thân cây dừa, rồi mau chóng leo lên giàn cây phía trên
miệng hàng đáy. Minh dùng bàn tay nắm chặt từng mắt lưới, rồi lần
theo chiều nước chảy tới chỗ thằng Thái.
- Ráng
lên Thái, đưa tay đây hia kéo lên.
Thằng
Thái nhỏ con nên bị nước xô
mạnh không trồi lên được. Minh nắm
chặt tay nó kéo mạnh. Hai chân và tay còn lại vịn chặt mắt lưới,
rồi lần từng bước đưa Thái lên dần…
Mọi người
nói Minh gan, cô Mai và thầy Ban được một phen kiếp vía. Có lẽ hai
người phục Minh nhất là thằng Khải và Khởi, con chú Tư Khánh vì anh
em tụi nó đã chứng kiến Minh cố gắng đưa từng đứa lên miệng hàng
đáy.
Sau bữa
đó thằng Khải hễ rảnh rỗi là chèo xuồng qua tìm Minh. Còn thằng
Khởi thì cứ tới chiều là đi đò ngang qua nhà Minh chơi. Khải đang học
lớp sáu, hia Tư của Minh dạy nó môn toán. Còn thằng Khởi thì học
lớp tư. Không hiểu thằng Khải rù rì sao mà hia Tư lại dạy phái bùa
Phật quyền cho nó. Trong khi Minh năn nỉ
ảnh muốn gãy lưỡi cũng hổng được.
Tối đó Minh
lén đi theo. Ra tới nhà hia Kiệt, thường bán thuốc gò cho ba Minh, thì
hia Tư ghé vô. Minh núp ngoài cửa dòm vô.
- Mày
sao vậy Quảng?
- Tao
bực mình thằng Út. Nó cứ đòi học bùa với phép nhưng tao hổng chịu.
- Sao
mày không nói cho nó biết phái Phật quyền không truyền cho anh em ruột
được.
- Tao
tưởng nó giỡn thôi. Tại thấy nó tập võ Thiếu Lâm với hia Ba rồi.
- Thôi,
giờ tụi mình tập tiếp phép ẩn thân đi.
Minh thất
vọng vì tới bây giờ mới biết lý do hia Tư từ chối, nó thấy trong
phim kiếm hiệp chiếu trên ti vi nhà thầy Ban quýnh võ, rồi chưởng
đùng đùng coi thiệt sướng mắt.
Mà bùa
Phật quyền của hia Tư cũng đọc phép, rồi khoán bùa, truyền điển y
chang trong phim, nên Minh cũng hơi mê. Nhưng giờ thì nó không buồn, vì
học bùa Phật quyền bị cấm ăn thịt
rùa, rắn, chó, mèo và đồ chua như khế, me, xoài, thiệt là khổ, lại
còn phải xăm mình và học mấy chục câu lèo dài thòng…
Hia Ba về,
mang theo hai tin nóng sốt dẻo. Một là chuyện tách tỉnh, và con sông
ngay sau lưng nhà Minh sẽ được dùng làm mốc ranh giới. Chuyện thứ hai là sau khi tách tỉnh thì hai
tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau sẽ tổ chức thi đấu võ thuật giao hữu cho
học sinh để cổ vũ tinh thần đoàn kết giữa hai tỉnh. Nhưng thể lệ
chỉ cho mỗi trường chọn một đứa, rồi xếp bảng vòng loại để đấu
loại trực tiếp theo cặp giữa hai trường thuộc hai tỉnh cận nhau.
Tin tách
tỉnh đã làm cho tụi học sinh ngạc nhiên, nay lại còn chuyện đấu võ
nữa lại càng làm tụi nhỏ điên đầu.
Trước đó hai tỉnh nhập chung gọi là Minh Hải, còn xã này thì gọi
là Định Thành. Nay tách ra thì xã bên này sông gọi là Định Thành,
bên kia là Định Hoà.
Hai anh em
thằng Khải tỏ ra lo lắng nhiều nhứt, vì thằng khải đương học lớp
sáu, mà bên xã Định Hoà thì không có trường cấp hai, vậy là nó phải
qua học bên Định Thành như cũ, vì vậy coi như thằng Khải là học sinh
bên tỉnh Bạc Liêu. Còn thằng Khởi thì phải chuyển qua bên kia sông học
trường tiểu học Định Hoà.
Hia Ba kêu Minh
kèm thằng Khởi, vì nó đã học võ Thiếu Lâm được mấy tháng với hia.
Còn thằng Khải thì được hia Tư huấn luyện, nên ngày đêm luyện phép,
quýnh võ. Thằng Khởi lo lắng ra mặt, nó cứ theo hỏi Minh
- Trời
đất ơi! Sao thầy Quân lại muốn con đấu với hia Khải vậy ?
- Mà
mày sợ hả?
- Hổng
phải, tại con hơi run. Nhưng hia Khải lớn hơn con lại còn học bùa của
thầy Quảng nữa, con sợ …
- Đừng
lo, lúc hia kêu quýnh, thì mày tấp vô tấn công liền, đừng để nó kịp
nhập bùa. Bùa phép chỉ làm cho người ta sợ khi không hiểu nó, chứ
đã biết rõ rồi thì đâu có gì phải sợ. Ngày trước tao cũng mê học
bùa dữ lắm, giờ thì hết rồi. Còn ba cái chuyện thi đấu là do mình
thích thì thi, chứ hổng ai ép đâu.
Mùa mưa
ùa về, học kỳ hai cũng chuẩn bị thi. Nhưng chuyện đấu võ lại được
tụi học sinh quan tâm hơn. Mới đó mà vòng loại đã tới, do mấy đứa
nhỏ hổng dám thi, nên hia Ba kêu thằng Khởi thi đấu trước với thằng
Khải để cổ vũ tinh thần những đứa còn nhát.
Tới bữa
thi đấu, thằng Khải mặt bộ đồ võ phục màu đen, thắt dải đai đen.
Còn Khởi mặc đồ trắng, cột đai xanh. Hai đứa đứng thủ thế trong vòng
tròn giữa sân trường. Đám học sinh bu lại thành vòng tròn phía bên
ngoài. Minh làm trọng tài, đứng giữa hai đứa, đếm:
- 1… 2… 3
Hây!
Thằng
Khải dậm chân xuống đất, miệng lầm rầm đọc thần chú. Thằng Khởi
đương do dự, nên đứng thủ thế, ngó hia nó. Minh lại hô lên:
- Hây!
Thằng
Khởi nhìn Minh đá lông nheo với nó, Minh vung tay chém vô không khí, la
lớn “tấn công”. Khởi liền tung cú tảo địa cước vô chân làm thằng
Khải té đập mông xuống đất. Nó vừa lồm cồm đứng dậy thì bị thằng
Khởi nhảy tới cắm chỏ vào bụng, rồi thẳng tay que ngược nắm đấm
vào mặt thằng Khải, làm nó mất thăng bằng gần té.
Đám học
sinh la hét om xòm. Khải bị đánh bất ngờ nên tỏ ra lúng túng, chưa
lấy lại bình tĩnh đã bị thằng Khởi tấn công tới tấp nên khó chống
đỡ. Vì nó mới học phái Phật Quyền gần hai tháng nên chưa tự ra đòn
được ngay tức thì, mà phải nhập bùa chừng một phút. Điểm yếu này
đã bị thằng Khởi nắm lấy, bực mình quá thằng Khải liều đánh đại
võ cua võ còng, nó nhảy lưng chưng, đạp chân vô người đứa em. Khởi
tránh người né qua một bên, rồi tung cú bàn long cước vô bụng Khải,
đau nhói. Thằng Khải lui ba bước rồi ngồi xuống đất, thở hổn hển…
- Mấy hia biết ông Tám Câu ở ấp Cây Nhì hông. Nghe đồn
ổng có bùa Lỗ Bang đó.
- Mày
nghe ai nói vậy Khải?
- Hia
Kiệt nói, người ta còn nói ổng khoán bùa tuyệt chiêu luôn, ai bị té
lọi tay hay gãy giò gặp ổng là hết liền. Ổng đi mưa không hề bị
ướt, còn muốn qua sông thì chỉ cần cái nón lá, là ổng làm phép di
chuyển qua cú một.
- Mày
ăn gì mà nổ dữ vậy Khải!
Minh dòm
thằng Khải trân trân. Mắt nó đương mơ màng, nhìn lên mái lá.
- Chưa
hết đâu. Ông tám Câu còn chuyên ém bùa làm người thiếu nợ ói ra đinh
hay lưỡi lam không hà, bảo đảm hổng dám giựt tiền người khác. Nhưng
tội là con trai lớn của ông bị trời đánh chết.
- Muốn
học bùa Lỗ Bang thành công thì phải bị mất một đứa con trai.
Khởi xen
vào tỏ vẻ biết chuyện.
- Mày
thấy chưa mà nói vậy?
Khải nhìn
em, tỏ vẻ bực mình.
- Chưa
thấy, nhưng nghe nhiều người nói. Hổng tin hia hỏi thầy Quảng thử coi.
Minh đứng
dậy, đi về phía kệ sách.
- Mệt!
Tao hổng rảnh để tin ba cái vụ bùa ngải đó. Chắc mày uống bùa viết
trên giấy quấn thuốc gò nên tưng tửng rồi đó Khải. Bữa trước tao tới
nhà thằng Phong trong ấp Cây Nhì, leo lên cây ổi bị té lọi tay. Má nó
dẫn tao qua nhà ông Tám Câu khoán bùa, ổng lấy nhang thổi phù phù
nóng muốn chết, rồi đắp thuốc gì đó vô tay. Tao hổng hết, mà đau dữ
hơn, tay tao còn thúi ùm mùi cứt gà sáp. Sáng sau về má tao phải đưa
qua Trạm y tế uống thuốc và bó bột cả tuần mới hết. Mà hia Tư tao
nghe nói cũng hết ham ba cái vụ bùa bà này rồi, nhưng lỡ xăm mấy
cái hình kỳ dị đó vô ngực, lưng, bắp tay, ống chưn rồi giờ muốn bỏ
đi cũng khó. Tụi bay biết chuyện hia Kiệt hông, ở ngoài Kinh sáng đó,
ảnh muốn cưới vợ, mà nhà gái hổng chịu vì thấy hia Kiệt xăm tùm
lum trên mình như giang hồ, vậy là ổng lấy lưỡi lam nạo vết xăm ra
rồi đắp tỏi lên, ai ngời bị nhiễm trùng tầy huầy, thấy ghê. Thôi tao
đi học bài đây, sắp thi học kì rồi. Khởi có đem sách qua hông, gắng
học đi, thi tốt nghiệp tiểu học cực lắm đó…
Một câu chuyện gần như có thật và là kỷ niệm của mình thời còn nhỏ ở Cà Mau...
Trả lờiXóaLâu rồi mới thấy lại cách gọi "Cây bút trẻ..." mà anh Nguyễn Hữu Duyên ghi.
Chúc Hương Quê Nhà ngày càng phát triển và xôm tụ nhé.
Truyện hay quá ạ! Em thích những truyện viết về vùng quê sông nước.
Trả lờiXóaCám ơn Trịnh Thụy Trúc Giang nhé.
Xóa