Phố
khuya vắng ngắt. Đèn đường trùm làn sáng vàng vọt lên mặt đường bóng nhẩy.
Tưởng loạng choạng bước thấp, bước cao. Chân nọ đá chân kia, tay quơ tứ tung.
Mồm lè nhè: "Ít ra cũng còn một người hiểu mình…”. Anh ngửa mặt nhìn vầng trăng
lấp ló sau tán dừa. Một chiếc xe vút qua, biến mất ở cuối đường, ném lại những
tiếng rú lạc lõng. Tưởng vỗ ngực: “Ta đâu có say. Say sao biết đường về nhà”.
Tấp vô lề, trước cổng một biệt thự, Tưởng khoác tay: "Nhà mình nè. Ủa, mà sao
nó to vậy kìa? Mầy béo ra đó à? Chà, thơm nữa chứ!". Tưởng chun mũi, hít
hít: "Hương Hoàng Lan! Mình đâu có trồng mà nó mọc?”. Cúi xuống, nhặt một đóa
hoa rơi, đưa ngang tầm mắt: “Hoàng Lan, mi lạc
đường phải không? Thôi, hãy ở lại với ta, ta cô đơn lắm!"
Tưởng
đấm rầm rầm lên cổng. Bên trong vẫn lặng yên. Chợt trông thấy cái chuông điện,
anh nhận cả bàn tay lên nút chuông. Một dòng âm thanh lao đi, đâm thủng sự tĩnh
mịch trong khu vườn dày đặc bóng tối. Có tiếng chân người. Một bóng trắng lướt
trên lối đi. Tiếng khóa khua, cửa xịch mở. Một khuôn mặt lú ra, Tưởng bàng
hoàng rú lên: "Ma!". Anh ngã ra bất tỉnh.
Một mảng nắng chói chang xuyên qua cửa
sổ, dọi thẳng ngay chỗ Tưởng nằm khiến anh choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn quanh.
Một căn phòng lạ, lịch sự, sang trọng. Bốn bức
tường như bớt khô cứng với những lọ trầu bà tươi tắn, duyên dáng. Một
bức chân dung thiếu nữ xinh đẹp. Anh mắt buồn bã, mái tóc dài buông lơi. Tưởng
thảng thốt: "Hoàng Lan!". Anh bật dậy, ôm lấy đầu. Đúng là Hoàng Lan. Nhưng
nàng đã chết rồi kia mà! Đây là đâu? Sao mình lại lọt vào đây? Tưởng dần nhớ
lại chuyện đêm qua. Trong cuộc vui, anh đã quá chén. Ít khi anh uống đến
say mèm. Nhưng trong nhóm bạn nhậu có một phóng
viên hiểu kịch bản của Tưởng như
Tử Kỳ hiểu rõ tiếng đàn của Bá Nha. Anh ta cũng có quan niệm cải lương phải có
nét đặc trưng của cải lương. Mỗi lọai hình nghệ thuật phải có nét riêng của nó.
Ở cải lương, có thiếu gì điệu đàn, cách
hát. Cần gì phải xen tân nhạc. Đâu nhất thiết phải thế. Nghệ sĩ cải lương dù ca
tân nhạc có hay đến đâu cũng không có
sức thuyết phục bằng ca sĩ tân nhạc chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, nghệ sĩ cải
lương thừa khả năng chinh phục khán giả
bằng làn điệu đặc thù của lĩnh vực mình. Đừng mang ảo tưởng là đa năng. Nhưng
đa số anh em khác lại không đồng ý như vậy. Một trận cãi nổ ra trên bàn nhậu.
Họ cho rằng Tưởng cổ hũ, lạc hậu. Vì vậy, tác phẩm cứ dừng lại ở những mảng
truyền thống, những câu chuyện xưa, tích cũ. Chưa chịu tiếp thu yếu tố ngọai
sinh, nghệ thuật hiện đại. Thật may, anh phóng viên đã chen vào: "Cần tiếp thu
nhưng phải biết chọn lọc, phải biết giữ gìn bản sắc dân tộc. Sự kết hợp cũ mới là cần thiết nhưng phải phù hợp”. Nhiều
người lại phản đối: "Tân cổ giao duyên vẫn tồn tại, chứng tỏ rằng nó có sức
thuyết phục”. Tưởng gào lên: "Nhưng có bản vọng cổ giao duyên nào sống lâu
đâu!”. Chú Tư đàn tranh vỗ đùi, nhịp chân:
"Chưa chắc!”. Anh chàng phóng viên đứng lên: "Chắc như bắp!”. Hai khuôn mặt kề
sát nhau. May là ông bầu gánh hát kịp thời chìa ly bia vô giữa: "Phạt! Phạt
hai người làm mất vui. Truyền thống hay cách tân, cả hai đều vô tội. Hãy sáng
tác hay, diễn giỏi thì khán giả sẽ chấp nhận thôi. Bây giờ, mỗi ông uống cạn
phân nửa!”.
Vậy là hòa, nhưng sau đó, Tưởng và anh
phóng viên cụng ly tơi bời. Từng bạn nhậu rút êm họ cũng không hay. Đến khi
người chủ quán bia đến nhắc khéo: "Dạ, đã quá nửa đêm, xin hai ông cười nho nhỏ
thôi”. Tưởng mới chịu chia tay với tri kỷ. Bỏ lại chiếc xe máy trong quán, hai
người cặp cổ nhau ra ngã ba đường. Họ chơi trò đối lưng vào nhau, đếm một hai
ba rồi mạnh ai nấy bước. Tưởng lạc vào đây. Thật là một sự ngẫu nhiên hiếm có.
Ôi, khuôn mặt đêm qua và bức chân dung thiếu nữ trên tường! Một dòng khí lạnh
chạy dọc sống lưng. Tưởng bật dậy, thét gọi: "Có ai trong nhà không?". Cửa
xịch mở. Một phụ nữ bước vào, Tưởng giật nẩy mình. Hòang Lan! Anh cảm thấy mất
bình tĩnh thật sự. Rõ ràng Hòang Lan đã chết. Anh có đi dự lễ tưởng niệm tại
nhà ba mẹ nàng. Mẹ Hoàng Lan khóc ngất trên tay Tưởng. Bà gục đầu vào ngực anh kêu than.
Người cha thì ngồi im như tượng ở góc phòng. Những người bạn ngậm ngùi, tiếc
thương một cô đào thinh sắc vẹn toàn lại bạc mệnh. Dù người ta không tìm thấy
xác của Hoàng Lan nhưng cả đoàn hát đều
trông thấy nàng bị nước cuốn phăng đi khi chiếc ghe của đoàn hát chìm dần trong
cơn dông bão. Nhờ biết bơi, mọi người thoát nạn, trừ nàng.
Hoàng
Lan mỉm cười, như đoán được ý nghĩ của Tưởng, nàng vội giải thích:
- Em
vẫn còn sống. Không phải ma đâu mà sợ.
Hoàng
Lan tinh nghịch giậm chân bình bịch cho Tưởng biết chàng không mơ:
- Anh dậy rửa mặt rồi ra ăn cơm với tụi em!
Trong
phòng ăn sang trọng, Hoàng Lan ngồi cạnh một người đàn ông lạ. Khuôn mặt anh
sáng rỡ, dù nước da ngâm ngâm. Mắt sâu, chân mày rậm và nụ cười rất tươi. Có lẽ
nhờ hàm râu quai nón khiến anh ta đẹp một cách phong trần và cương nghị. Vừa
thấy Tưởng, anh ta đứng bật dậy, bắt tay vồn vã:
- Anh khỏe rồi hả? Ngồi, ngồi xuống đi anh, rồi chúng ta vừa dùng bữa vừa trò
chuyện.
Chị
người làm bày la liệt các món ăn lên bàn. Chị đặt dĩa tép rang trước mặt Tưởng:
- Thưa ông, mợ tôi bảo làm thêm món tép rang
dừa cho ông dùng. Ông dùng thử xem có vừa miệng không?
Tưởng
bối rối, liếc nhìn Hoàng Lan, nhưng không tránh khỏi ánh mắt của người đàn ông
lạ. Anh ta bật cười:
- Vợ tôi vẫn nhắc đến anh luôn. Tôi còn biết
anh có thói quen rất ngộ là khi viết bài, anh thường nằm dài trên giường đàn
miệng lừng tưng lửng tửng. Gặp đoạn nào đắc ý, anh còn tự diễn.
Tưởng bật cười nhưng cảm thấy nhoi nhói
trong lồng ngực. Vậy là anh đã mất Hoàng
Lan, cảm thấy bị tổn thương khi nàng trách yêu chồng: "Em nhắc anh Tưởng hoài
hồi nào?”. Nàng công khai chối bỏ tình cảm, phân định rõ ràng ranh giới giữa
hai người. Nàng yêu chồng đến thế sao? Trông họ thật hạnh phúc. Tưởng nói như
than thở:
- Chẳng
hiểu cái gì đã đẩy tôi đến đây?
Mỉm cười, Thịnh nhìn Tưởng chăm chú:
- Theo tôi nghĩ, hương hoa Hoàng Lan đã đưa anh
đến đây.
Tưởng
trố mắt nhìn Thịnh. Sao hắn lại phát hiện chóng vánh những điều sâu thẳm tận
đáy lòng Tưởng? Anh đã từng ao ước có một cây Hoàng Lan như thế trong sân. Nó
gợi cho anh nỗi nhớ người yêu và hương hoa làm anh ngây ngất. Nhưng, bấy lâu,
Tưởng chỉ ngồi mà ao ước. Anh không nghĩ
đến việc trồng cây để có hương và hoa. Tưởng thấy giận mình, giận cả Hoàng Lan:
- Hoàng
Lan thật là…!
Thịnh cắt ngang câu trách móc của anh:
- Nhà tôi không hề kể chuyện gì của anh cho tôi
nghe đâu. Chẳng qua là tôi ráp nối những câu nàng nói trong cơn mê sảng, trong
khoảng thời gian nàng bị mất trí nhớ. Chắc anh không ngờ Hoàng Lan mê mê, tỉnh
tỉnh gần hai năm trời. May nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa, nàng mới phục hồi
trí nhớ. Cơn bão lũ làm nàng kinh hãi. Nhưng riêng tôi, tôi cảm ơn sự giận dữ
của đất trời. Cám ơn dòng sông đã trao nàng cho tôi. Nếu không, một khách
thương hồ như tôi dễ gì lấy được một cô vợ như thế nầy.
Hoàng Lan lườm chồng:
- Anh định chuyển nghề soạn giả cải lương hay
sao mà ăn nói văn hoa vậy? Coi chừng anh Tưởng cười đó.
- Anh đâu có phần phước đó.
Vẻ tự
nhiên thoải mái của Thịnh khiến Tưởng vừa cảm thấy dễ chịu, vừa ghen ngầm:
- Anh Thịnh có khiếu ăn nói đó chứ!
- Ha
ha… trước đây, tôi vụng về lắm. Nhưng sống cạnh Hoàng Lan tôi cũng bị nhiễm “ngôn ngữ nghệ thuật”.
Tưởng nhìn Thịnh chăm chú. Gã nầy cũng
khá đấy chứ. Anh thăm dò:
- Theo anh thế nào là ngôn ngữ nghệ thuật?
Bật ngưa ra ghế, Thịnh cười vang:
- Vụ
nầy thì tôi dốt lắm. Làm sao tôi có thể làm sáng tỏ các khái niệm bằng anh.
Nhưng anh hỏi thì tôi cũng xin trả lời với tư cách là một khán giả, một khán
giả vùng nông thôn. Nếu muốn ám chỉ ngôn ngữ nghệ thuật thuộc phạm vi sân khấu
thì có thể hiểu đơn giản đó là những từ,
những câu nói dành cho sân khấu, chỉ thích hợp trên sàn diễn. Nếu đem dùng ở
đời thường thì mang kịch tính.
- Ồ,
anh là một khán giả có tri thức. Chắc phải là một khán giả khó tính?
- Chỉ
đúng một phần. Tôi yêu sân khấu nên có tìm hiểu đôi chút về sân khấu. Tôi không
hiểu thấu đáo mọi điều về sân khấu đâu. Xã hội học sân khấu hãy còn mới mẻ mà
thời gian tôi dành cho nó cũng rất ít. Tôi không dám nhận lời khen của anh. Còn
bảo tôi là khán giả khó tính thì hoàn toàn đúng. Tôi đòi hỏi khá cao. Vì tôi
nghĩ sân khấu là tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống và phản ảnh có sáng
tạo. Chứ không phải sao lại, chụp lại những mảng đời riêng. Sân khấu khác với
nghệ thuật như hội họa, điện ảnh ở chỗ là “bức tranh sống", sáng tạo tại chỗ,
được khắc họa bằng sự biểu diễn của người thật nên sức truyền cảm mãnh liệt
hơn.Vì vậy, diễn viên thể hiện tồi thì tác phẩm hay cũng trở nên kém. Ngược
lại, tác phẩm trung bình mà người diễn hay cũng nâng giá trị tác phẩm lên đôi
chút.
- Vậy,
theo anh diễn viên và tác phẩm, bên nào quan trọng hơn?
- Như nhau thôi. Cả hai đối tượng phải gắng sức như
nhau mới thành công.
- Vậy
chỉ cần hai yếu tố nầy là sân khấu được lòng tin yêu của khán giả hay sao?
- Ồ,
anh truy tôi ráo riết vậy! Cũng không sao, anh bạn ơi, không hẳn thế đâu. Theo
tôi, sân khấu là nghệ thuật tổng hợp chất liệu văn học, văn hóa, âm nhạc, mỹ
thuật, biểu diễn… Tất cả phải đồng tiến.
Trong khi Hoàng Lan cười khúc khích, Tưởng
đứng dậy bắt tay Thịnh:
- Tuyệt
lắm! Cho tôi bắt tay một khán giả tuyệt như anh.
Hoàng Lan lắc đầu:
- Khán giả nào cũng đòi hỏi như anh thì gay go
thật. Chắc em không dám trở lại sàn diễn đâu.
Choàng tay
qua thành ghế vợ, Thịnh nghiêng người về phía nàng:
- Sao em lại nghĩ vậy? Đó không phải là đáng lo
mà là đáng mừng. Sân khấu bắt đầu có vị thế cao thì khán giả đòi hỏi càng cao.
Chứng tỏ sự quan tâm càng nhiều.
Hướng về phía Tưởng, Thịnh tiếp:
- Trước đây, tôi không lưu ý đến lĩnh vực nầy
đâu. Hầu như thời giờ của tôi dành cho việc kinh doanh. Tôi nghiên cứu mô hình
hoạt động trên sông rạch chằng chịt ở vùng nông thôn Nam bộ. Thật tình mà nói,
tôi có thành công khi hình thành một
mạng lưới mua bán trên sông, bằng ghe
tạp hóa. Cũng nhờ một lần theo ghe, tôi đã gặp… cơn bão. Nhờ vậy, tôi gặp vợ
tôi.
Tưởng nói xuôi theo mà lòng quặn đau:
- Anh
làm ăn lớn quá!
- Lớn lao gì đâu anh. Tuy tôi có hơn chục chiếc
ghe nhưng cũng chưa bằng người ta đâu. Tôi thích cuộc sống nổi trôi, lang bạt
trên sông. Tôi không có ý định trở lại văn phòng của ba tôi để quản lý cái xí
nghiệp làm đồ nhôm của ông giao cho.
Nhưng, gần đây, vợ tôi không được khỏe, chắc tôi sẽ nghĩ lại. Ngôi biệt thự nầy
tôi mua với dự định mới. Trông nó cổ lỗ quá phải không anh. Nhưng vợ tôi thích
nét đẹp truyền thống. Còn tôi chọn nó vì… trong sân có cây Hoàng Lan.
- Anh định làm thơ phải không? Anh Tưởng biết
không, anh ấy bị méo mó nghề nghiệp. Có một thời anh ấy là giáo viên dạy văn
trung học phổ thông đó nghen!
Tưởng nheo mắt nhìn vợ:
- Còn chuyện anh có một thời lêu lỏng, quậy
quạng thì em giấu phải không.
Nghĩ cũng lạ. Khi có vợ, tôi bỗng… nên người!
Thịnh
bật cười. Anh biết mình thật sự mất cô đào xinh đẹp. Tình yêu của gã nầy mãnh
liệt thật! Tưởng nhận ra chỗ yếu của mình. Không dám hết lòng cho một sự
việc gì. Vì thế, tác phẩm của anh như
tiếng đàn êm đềm, thiếu sức công phá, thiếu một chút lửa.
Tưởng nhìn ra
sân. Hương Hoàng Lan thoảng đưa. Anh nghĩ đến sân khấu và tác phẩm, những trang
giấy còn bỏ ngỏ. Anh nôn nóng muốn trở về nhà và bắt đầu lại đời mình.
Bùi Đức Ánh (TP. HCM)
“kô dám hết lòng cho một sự việc gì“. đó là điều đáng suy nghĩ.
Trả lờiXóacâu chuyện lãng mạn hết sức
Trả lờiXóaTruyện của nhà văn Bùi Đức Ánh rất lôi cuốn người đọc, tác giả đã lột trần được tâm lý nhân vật và diễn tả nội tâm một cách sâu sắc. Tác phẩm "Hoàng Lan" có ý nghĩa thiết thực:" Tưởng nhận ra chỗ yếu của mình. Không dám hết lòng cho một sự việc gì. Vì thế, tác phẩm của anh như tiếng đàn êm đềm, thiếu sức công phá, thiếu một chút lửa". Cám ơn nhà văn BĐA.
Trả lờiXóa