Chị bước ra sân khấu với bộ đồ bà ba
thật duyên dáng. Để nguyên gương mặt mộc không trang điểm, chị nở nụ cười thật
tươi với khán giả. Chị bắt đầu hát say sưa, giọng chị không trau chuốt, luyến
láy mà sao mượt mà gần gũi làm cho sân khấu hát với nhau trong quán cà phê như
lắng xuống nhừơng chỗ lại cho mấy câu vọng cổ đầy cảm xúc. Đám trẻ bán hàng
rong vỗ tay reo hò: “A, hoan hô. Chị Xuyến hát hay như ca sỹ!”. Hát xong bài
chị đăng ký, có mấy người khách còn yêu cầu chị hát thêm vài câu trong trích
đoạn “Lan và Điệp”, chỗ Lan chán đời đi tu. Chị đứng tần ngần trên sân khấu một
hồi rồi cười nói tỉnh bơ: “Thôi, đoạn đó buồn thấy mồ, đời đâu đến nỗi buồn khổ
như Lan. Để tôi đi bán, mai hát bài mới!”. Móc mấy ngàn đưa cho chủ quán, chị
quảy gánh chè lên vai, hòa vào đám trẻ buôn gánh bán bưng đi về hướng chợ. Một
đứa đen nhẻm bán cốc ổi chạy theo nắm tay chị: “Chị hát hay vậy sao phải trả
tiền, lẽ ra chủ quán phải trả tiền cho chị mới đúng.”. Chị cười: “Chị muốn công
bằng, ai đến hát với nhau cũng phải vậy mà em, vả lại mình muốn vui thì phải
trả tiền chứ!”. Chị vội vã bước đi, tiếng rao bán lảnh lót hòa vào chốn ồn ào
của phố thị nghe rộn rã, vui tươi như cung bậc của bài bản Xuân Tình.
Đêm nào bán hết sớm chị cũng đến cái
quán ở ngã ba đường bỏ ra vài ngàn cho chủ quán để được lên sân khấu hát. Chị
hát để mua vui sau một ngày buôn gánh bán bưng mệt nhọc, dù cuộc đời chị niềm
vui chưa đo được một gang tay. Kể từ ngày anh Lực chồng chị bị tai nạn lao động
nằm một chỗ, không nói được gì. Gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai gầy của chị,
ngày nào chị cũng đi bán tới nửa đêm mới về. Chị cố làm để kiếm thêm chút tiền
chợ phụ Liên, nhỏ em dâu lo cho bà mẹ chồng mù lòa. Bản thân chị cũng đâu khá
giả gì với ai nhưng hai nhà chỉ cách nhau cái bờ tre, hàng ngày nhìn cảnh vợ
chồng nhỏ em dâu còn tệ hơn mình rất nhiều. Chị thương cũng phận đàn bà thì nỗi
đa đoan nào cũng ôm cả vào lòng. Mẹ chồng mù lòa mà chồng thì nhậu nhẹt tối
ngày, có lúc say về tuy không đánh đập gì ai nhưng những món đồ có chút giá trị trong
nhà đều đổ bể. Tỉnh rượu ai nói gì nín thinh, bước ra cửa đi biệt có khi mấy
ngày mới về, bỏ mặc nhỏ em dâu tần tảo một mình. Mấy lần chị qua nhà, nhỏ em
dâu đều ôm chị khóc rấm rứt: “Chị Xuyến ơi em khổ quá! Thà như anh Lực chồng
chị nằm một chỗ còn sướng hơn, chứ anh Điền chồng em khỏe mạnh vậy mà có làm
được gì đâu suốt ngày cứ nhậu nhẹt phá nhà phá cửa.” Nghe nhỏ em dâu đem hai
cái đau khổ ra so sánh, chị cười chua chát. Sướng hơn ư? Cưới nhau chưa được
một năm, hai vợ chồng mặn nồng chưa ấm gối thì anh Lực bị tai nạn vĩnh viễn
không cử động được. Chị thui thủi một mình với bao lo toan, buồn vui với cuộc
sống. Nhiều đêm nằm bên chồng chị có cảm giác như tuổi xuân của mình bị đốt
cháy bên thân thể bất động của chồng. Những lúc như vậy chị chỉ biết quay mặt
vào trong mặc cho nỗi cô đơn đông đặc thành từng giọt lăn dài trên má.
Chị nhớ những ngày mới quen nhau, anh
Lực đi làm xa một tháng hai đứa mới gặp nhau chỉ vài ngày, nhưng tình yêu của
anh giành cho chị đầy đặn và nồng nàn hơn bao giờ hết. Tháng nào anh không về
được thì nhất định tháng đó anh cũng tranh thủ viết thư về cho chị. Anh sợ một
ngày không liên lạc với nhau anh sẽ mất chị. Vì lúc đó chị đẹp nhất vùng, đám
trai làng người nào cũng ao ước được cưới chị làm vợ, trong nhóm đó có Điền,
đứa em trai của anh. Chị biết tình cảm của Điền giành cho chị lâu lắm rồi từ
lúc hai nhà còn làm mướn ruộng kế nhau. Tới mùa thu hoạch bao giờ Điền cũng
giành chút thời gian hiếm hoi của buổi nghỉ trưa qua ruộng chị mượn cớ gánh phụ
rơm để lân la trò chuyện với má chị. Thấy Điền nhiệt tình quá, má chị ngại nên
lên tiếng: “Thôi chú Điền để đó cho em nó gánh, về mà nghỉ đi!” Lúc đó chị thấy
Điền chỉ cười rồi nói rất lớn cố ý cho chị nghe: “Bác đừng lo, sức con có làm đến
nửa đêm cũng không sao đâu. Con thấy gia đình bên này đơn chiếc mà trời tháng
này chiều chiều lại hay mưa, sợ rơm ướt nên con phụ bác chút ít đó mà.” Chị
đứng bó rơm gần đó nghe vậy cười thầm: “Ừ, thì
cứ tự nhiên gánh đi, sưng vai ráng mà chịu, không ai thèm để ý đâu
nghen!”. Rồi những buổi chiều mưa gió lúa của nhà chị chưa về kịp, Điền thường
chạy qua giúp chị che tấm bạt. Chị nắm đầu bạt này Điền nắm đầu kia kéo qua kéo
lại thế nào cuối cùng lúa cũng ướt hết. Má chị chạy ra cằn nhằn: “Có vậy mà làm
cũng không xong!”. Lúc đó chị thấy Điền đứng trân mặc cho cơn mưa cứ xối vào mặt
rồi chảy dài xuống hai gò má, còn chị thì khoác cái áo mưa lên đầu chạy riết vô
chòi bỏ Điền đứng một mình nhìn theo với những nỗi niềm ngổn ngang. Tất cả
những hành động đó Điền muốn chứng minh lòng mình trước chị. Nhưng từ khi nghe
chị tâm sự chị đã có người yêu rồi mà người yêu đó là Lực, anh trai của Điền đang đi làm ở xa, thì Điền
mới vỡ lẽ ra ôm mối tình đơn phương về vùi trong những cuộc nhậu nhẹt của bạn
bè thời trai trẻ. Đồng ruộng vào khu công nghiệp, cuộc sống bần nông của người
dân trở nên gấp gáp và ồn ào theo từng tiếng động của nhà xưởng, xí nghiệp. Chị
vội lấy chồng dù chữ yêu còn ngổn ngang trăm mối. Điền buồn từ đó buồn lên, rồi
cuối cùng cưới Liên làm vợ theo ước nguyện của ba má anh từ lúc nào anh không
biết. Nên dù sống với nhau trong tình cảnh vợ chồng nhưng lúc nào Điền cũng lấy
rượu làm niềm vui nhân thế.
Hôm nay chắc có lẽ vì quá chén nên vừa đến
đầu ngõ đã nghe tiếng Điền hát lè nhè: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không
nên…”, vấp phải gốc bằng lăng anh té nhào về phía trước. Từ phía sau nhà, đang
cho gà ăn nghe tiếng động Liên vội vã chạy ra ôm xốc chồng lên, Điền hất Liên
ra, lồm cồm bò dậy, miệng đay nghiến: “Dang ra, mặc xác tôi!” Liên kiên nhẫn
lao đến nắm tay chồng choàng qua vai mình kè đi. Điền vùng vẫy làm cho Liên lảo
đảo rồi cả hai té vào xuống vũng lầy bên đường. Đang thay đồ cho chồng bên này,
nghe tiếng Liên gào khóc chị đặt anh Lực nằm xuống vội chạy qua. Trước mặt chị
vợ chồng Điền và Liên ướt sũng, tóc Liên quết bởi rác rưởi và thức ăn do Điền
nôn ra bám sát vào da đầu. Chị bước xuống một tay đỡ Liên, tay kia giơ ra định
nắm tay Điền kéo lên thì thình lình Điền
đứng dậy nhìn chị nói như bất cần: “Không liên quan gì đến mấy người, mấy người
cứ về mà hưởng hạnh phúc đi!” Nghe Điền nói với chị hai tiếng hạnh phúc trong
cơn say, tự nhiên chị cảm thấy đắng nghét nơi cổ họng hệt như chị cũng vừa uống
một ngớp rượu nồng cay không thua gì thứ rượu mà hàng ngày Điền vẫn uống. Chị
chua chát nghĩ ra rằng Điền đang nói lẫy chị, vì hơn ai hết chị hiểu Điền, tình
yêu Điền dành cho chị vẫn tròn trịa và dai dẳng, đều đặn như giọt mưa thu. Rồi
Điền lảo đảo bước đi bỏ lại sau lưng hai người đàn bà với hai nỗi chán chường
dường như bất tận. Liên quay qua ôm chị khóc òa: “Chị ơi, em khổ đến chừng nào
mới hết đây chị, chắc em chịu không nổi nữa rồi”. Gỡ mớ rác rưởi trên đầu của
Liên, chị ứa nước mắt.
Qua mấy ngày sau Điền cũng chưa
về. Liên ôm đồ qua nhà chị nói trong nước mắt: “Chị ơi em về bên má em vài ngày
cho đỡ buồn, nhờ chị trông nom mẹ giùm em!” rồi Liên quay lưng bước đi. Chị
đứng tần ngần nhìn theo cho đến khi bóng của Liên khuất ở bờ tre. Quay vào
trong, trước mặt chị là anh Lực nằm bất động trên giường như muốn nhắc nhở chị
rằng cuộc sống trần gian của mình vẫn còn đây, hiện tại cái khổ cực còn đeo bám
mình cho đến bao giờ mới hết. Chị phải đương đầu thôi, vừa đi vừa nghĩ vai chị
đã ghé váo cái gánh chè bao giờ không biết. Tiếng rao chè lại vang lên trong
mọi ngõ ngách của khu phố. Người nghe khen chị có tiếng rao thật êm tai, có
biết đâu trong tiếng rao ngọt lịm kia vị mặn của nước mắt đang chảy ngược vào
trong.
Đêm nay quán cà phê hát với nhau ăn mừng
kỷ niệm một năm ngày thành lập. Khách quen yêu cầu chị hát cho thật nhiều nhưng
cuối cùng chị cũng chỉ hát mấy câu vọng cổ trong trích đoạn “Kiếp nào có yêu
nhau”. Rồi nhường sân khấu lại cho đám trẻ hát tân nhạc, chị bước xuống quảy
gánh ra về. Một ông khách bưng ly rượu lại mời chị, vì ông đã ngưỡng mộ giọng
hát cải lương của chị từ lâu. Chị từ chối nhưng ông ta nhất quyết mời cho chị
bằng được. Ông ta còn kể lể nếu chị không uống là phụ lòng khán giả yêu quí chị
nơi cái quán quen thuộc này. Cuối cùng chị nhắm mắt uống cạn li, rồi một thanh
niên mới lớn bưng một ly nữa đến mời chị với lý do thích bộ bà ba chị đang mặc
vì nó tạo cho chị một cái dáng thật tuyệt vời. Chị uống không phải vì những lời
khen tặng, mà chị muốn uống cho xong để về nhà còn lo tắm rửa cho chồng và
người mẹ chồng mù lòa mà nhỏ em dâu gửi gắm.
Đêm tĩnh mịch một mình chị quảy gánh
về đến đầu ngõ. Hai ly rượu lúc nãy làm cho cả người chị nóng ran, nhột nhạt
như có ngàn con kiến đang bò trên da thịt. Đến gốc tre chỗ ngõ quanh vào sân
chợt một bóng người liêu xiêu đi đến. Chị đứng lại quan sát một hồi lâu rồi biết
đó là Điền. Chị lên tiếng: “Khuya rồi, chú ba nó vô nhà ngủ đi! Say xỉn vậy đi
một mình coi chừng té!”. Điền im lặng bước đến gần chị hơn, cái áo sờn vai phong
phanh bộ ngực to bè tiến đến sát chị. Chị nghe rõ mùi nồng của rượu phả vào mặt
mình, chị toan quay mặt chỗ khác. Bỗng Điền nắm lấy tay chị kéo vào lòng mình
thì thào bên tai chị: “Xuyến ơi đã từ lâu Xuyến biết tôi yêu Xuyến mà!”. Chị
vùng tay ra nhưng bàn tay của Điền rộng và chắc quá khiến chị ngả nghiêng. Chị
biết Điền ra nông nỗi này cũng chính vì chị, nếu ngày đó anh Lực không cầu hôn
chắc có lẽ chị cũng giành tình cảm này cho Điền. Nhưng đó chỉ là ngày xưa, bây
giờ chị là gái có chồng, hơn nữa là chị dâu của Điền thì không thể nào như vậy
được. Nghĩ vậy chị cố đẩy Điền ra nhưng hai ly rượu của gã đàn ông và cậu thanh
niên ở quán cà phê làm cho cả người run lên, toàn thân như rã rời. Chị như
người mộng du hình ảnh của anh Lực khỏe mạnh ngày nào cứ hòa lẫn với hình ảnh
của Điền chập chờn trước mặt chị. Màn đêm như càng đen hơn làm cho cái ngã
quanh quen thuộc vào nhà cứ mờ dần mờ dần trước
mắt chị…
Không biết Liên đã về từ lúc nào mà chạy
ra ôm ghì đôi vai trần của chị gào la trong tiếng nấc nghẹn: “Chị Xuyến! Chị
biết em khổ nhiều lắm rồi mà! Tại sao mấy người lại tàn nhẫn với tôi như vậy?”.
Điền đứng lên nói với Liên: “Hãy tha lỗi cho tôi!”. Rồi anh bước đi. Lần này
anh bỏ lại sau lưng hai người đàn bà với hai nỗi hờn ghen và tủi nhục đến tột
cùng. Chị nghe đầu óc mình quay cuồng, chị vùng dậy ôm mặt chạy vào nhà. Nhìn
anh Lực nằm bất động trên giường chị lao đến ghì chặt anh vào lòng đưa gương
mặt đầy nước mắt của mình chà sát lên gương mặt khô cứng vô hồn của chồng miệng
lảm nhảm không biết gọi tên ai: “Lực ơi! Điền ơi!”
Những ngày sau Điền không
trở về, Liên ôm đồ về hẳn bên nhà mình. Đêm đêm chị vẫn quảy gánh lên vai rao
bán khắp phố phường, tiếng rao vẫn ngọt lịm như ngày nào mà sao nghe chơi vơi
ai oán. Quán cà phê hát với nhau ở ngoài ngã ba đường mấy ngày nay vắng khách.
Ông chủ tìm đến ngỏ lời mời chị hàng đêm về hát, có tiền thù lao đàng hoàng và
chị đã đồng ý. Nhưng không phải vì tiền, mà lần này chị nhận lời đến quán hát
không đơn thuần chỉ để mua vui mà chị hát để rũ bỏ tất cả những gì tủi nhục của đời mình. Hát để quên đi nỗi đau
đớn của một người đàn bà bất hạnh và chị hát để cố tìm về chút hương vị tình
yêu mà ngày xưa Điền dành cho chị. Không cần đợi khán giả yêu cầu, đêm nay chị
hát liên tiếp hai bài bản cải lương. Một bản mang màu sắc ngổn ngang như nửa
tỉnh nửa say, một bản sao nghe ray rứt buồn như khúc nam ai. Khán giả vỗ tay
tán thưởng nồng nhiệt. Họ cho rằng chị không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp mà
sao ca diễn hay quá làm cho nhiều người cười và cũng lắm người phải rơi nước
mắt.
Đào Văn Đạt (Bình
Dương)
Đề tài không mới nhưng truyện kết cấu chặt chẽ làm bật lên khát vọng yêu, sống chân thật ở nhân vật Xuyến. Văn phong khá chững chạc. Mong tác giả có thêm nhiều truyện hay như thế!
Trả lờiXóa"Nhưng không phải vì tiền, mà lần này chị nhận lời đến quán hát không đơn thuần chỉ để mua vui mà chị hát để rũ bỏ tất cả những gì tủi nhục của đời mình. Hát để quên đi nỗi đau đớn của một người đàn bà bất hạnh và chị hát để cố tìm về chút hương vị tình yêu mà ngày xưa Điền dành cho chị."...
Trả lờiXóaNgười viết thật hạnh phúc khi được bạn đọc, bạn bè chịu khó đọc tác phẩm của mình và hạnh phúc hơn khi được các bạn có vài lời nhận xét! Vì thời buổi bây giờ cái gọi là văn chương ít ai xem cho thật trọn vẹn, hay nói đúng hơn người ta càng ngày càng lười đọc (nếu tác phẩm đó ko gây tiếng vang) cảm ơn Nguyễn Nguyên Phượng và Tct rất nhiều, nếu mình nhớ không lầm thì có phải Nguyễn Nguyên Phượng là một cây viết tiểu thuyết nổi tiếng ở Binh Dương ko?
Trả lờiXóaĐVĐ nhớ nhầm rồi đó. Tôi chỉ là một bạn viết ở Đồng Nai. Chúc vui!
XóaTruyện hay và cảm động lắm! Đọc truyện nầy mình thương nhân vật Xuyến biết bao. Đó là điển hình của một phụ nữ nghị lực biết tự tìm vui trong nghịch cảnh. Thật đáng trân trọng. Cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóaCảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Mây đã đọc và có những nhận xét rất tinh tế cho truyện ngắn của con. lâu lắm rồi con cũng ít viết, nay đc cô nhận xét là nguồn cảm hứng cho con quay lại chốn văn chương... Cái chốn trần ai khoai củ này...! Chúc cô sức khỏe và có nhiều sáng tác hay cho đời!
Trả lờiXóaCảm on NNP, vậy chắc là mình nhầm với chị Nguyễn Phượng ở Bình Dương, chúc vui!
Trả lờiXóa