Hồng Hạnh tên thật là Hà Thị Hạnh, sinh năm 1993, quê Thanh Hoá, thường trú Đắc Lắc, hiện là sinh viên năm 3 ngành Văn học trường Đại học sư phạm TP. HCM
Sinh ra ở vùng đất Bắc Trung Bộ, trong kí ức của tôi không
có hình ảnh của xô bồ, tấp nập, cũng không bao giờ có những ngày chủ nhật được
bố mẹ dắt đi chơi công viên. Tuổi thơ của tôi đơn giản chỉ là hình ảnh cánh đồng
quê xanh bát ngát cùng những con trâu đang gặm cỏ non xanh mơn mởn cùng những
cánh cò trắng điểm trên cánh đồng xanh bát ngát.
Tôi sống trong một
huyện nghèo vùng núi, cuộc sống đơn giản là việc nông gia, xung quanh đều là những
mái nhà tranh, vách nứa nhưng luôn chan chứa tình cảm. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy
những ngôi nhà cao tầng, tôi cũng không nhìn thấy chiếc xe hơi bóng láng và cũng
chẳng thể nào nhìn thấy được chiếc xe tay ga tiền triệu. Quê hương tôi, đó là
nơi lưu giữ những kỉ niệm của một tuổi thơ dữ dội, những gì mà tôi cho là đẹp
nhất trong đời, là nơi đã sinh ra tôi, nơi gắn kết bố với mẹ để họ xây dựng nên
một gia đình hạnh phúc mà tôi đang được sống.
Tôi vẫn nhớ như in thời tấm bé, leo nheo chạy theo mẹ đi buổi
chợ phiên, đòi mẹ mua những chiếc bánh ngon lành, nóng hổi ngồi ăn bên cô chủ
quán vui tính. Cứ mỗi lần như thế là tôi lại cảm thấy hạnh phúc quá chừng. Hay
những buổi “hóng” mẹ đi chợ về, hồi hộp chờ đợi những món quà quê thân quen,
trong giỏ mẹ mỗi lần đi chợ về luôn mua một loại bánh chị em tôi thòm thèm là
những chiếc bánh đúc nóng hổi mà mấy chị em tôi ăn hoài không chán, cứ giành
nhau phần nhiều hơn đến nỗi mẹ tôi cứ phải mắng hoài. Tôi cũng nhớ bác bán kem
bên cổng trường mà tôi vẫn thường hay mua, những cây kem mát dịu sảng khoái xua
tan đi cơn nóng gay gắt như thiêu như đốt, chỉ với hai nghìn đồng là tôi có thể
có được cây kem ưa thích của mình. Có lần tan học như một thói quen tôi định
chạy ngay đến bác bán kem nhưng chợt nhớ ra mình không có tiền, tôi quay lưng
ra đứng tựa gốc cây xi già, nghĩ ngợi và khao khát được một cây kem, nhìn bác
bán kem tôi thèm thuồng, nuốt nước miếng. Nhìn thấy vậy, bác bán kem gọi
tôi lại và thưởng cho tôi một cây kem hương dâu mà tôi thích nhất. Tôi vội vàng
nói:
- - Hôm nay cháu không có tiền mua kem nữa rồi bác
ơi!
Bác bán kem mỏm mẻm cười nhân từ rồi nói:
- - Quà tặng của khách quen đấy cháu, cầm lấy ăn cho
mát người, bác không đòi tiền đâu mà sợ
Tôi vui sướng và cảm ơn bác ríu rít khi có được một cây kem
như tôi vẫn đang mong ước, hít hà mùi kem yêu thương, nghe từng miếng kem tan chảy trong miệng ngọt ngào
và mát mẻ mà trong lòng tôi lại thấy quý bác biết bao.
Tuổi thơ tôi trôi qua cùng những người bạn, chúng tôi lớn
lên cùng nhau, chơi với nhau những trò chơi dân gian những trò chơi mà chúng
tôi tự sáng tạo. Cứ mỗi sáng chúng tôi hẹn nhau đi học, lên trường về rủ nhau
đi chăn trâu tắm sông. Mỗi buổi đi chăn trâu như vậy chúng tôi lại được chơi rất
nhiều trò nào là chơi trốn tìm, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê… Chơi xong mệt lả
rồi, người nóng hừng hực mấy đứa rủ nhau tắm sông, hay những khi mùa sim tím nở,
chúng tôi thường hái quả chin về ăn, đứa nào đứa nấy tím cả miệng nhìn nhau cười
đứt ruột. Chủ thì chơi còn trâu vẫn thoải
mái gặm những miếng cỏ non xanh mơn mởn. Mặt trời xuống núi, trời đã bớt nắng, ếch
nhái bắt đầu kêu ran ran là lúc chúng tôi lùa trâu đi về.
Tôi vẫn nhớ con đường mòn mà chúng tôi thường chơi trò kéo
mo cau, thay phiên nhau ngồi lên mo cau kéo lê lết trên con đường đất ấy đến nỗi
mo cau mòn, mòn luôn cả quần, quần áo lấm lem, mô hôi nhễ nhãi nhưng luôn rộ tiếng
cười, về nhà bị mẹ chửi, có lần bị đánh đòn mà vẫn không chừa, thế mới biết tuổi
thơ thật dữ dội.
Nhớ những ngày nhõng nhẽo theo bà lên rừng hái thuốc, bà hiền
lắm bà thương tôi nhất nên mỗi lần đi hái thuốc bà luôn cho tôi theo sau để học
hỏi. Tôi quý bà hơn vì bà là một lương
y, bà biết rất nhiều thứ thuốc có sẵn trên rừng, những cây cỏ tưởng chừng là cỏ
dại ấy thế mà có thể cứu được một con người khi đã thoi thóp, tôi thích đi theo
bà hái thuốc tôi cũng thích được bà chỉ cho những vị thuốc mới lạ, đến bây giờ
có thể tôi đã quên nhưng ít nhiều tôi vẫn còn nhớ những vị thuốc thông dụng.
Tôi cũng muốn đi cùng bà để được nghe bà kể những câu chuyện thú vị thời xa
xưa. Tôi thích đi theo bà lên rừng hái thuốc vì lên rừng có rất nhiều quả ngon,
vật lạ, những quả mơ rừng, những thứ quả mà tôi cho rằng nó là “hương rừng” đặc
trưng chỉ có ở quê tôi mà thôi.
Quê hương tôi đẹp nhưng không phải một vẻ đẹp tráng lệ nào
đó, không có đèn đường, không có những ngôi nhà đẹp lung linh nhưng nó đẹp vì
hình ảnh nên thơ của những cánh đồng lúa, những con cò bay lả bay la rồi đậu xuống
cánh đồng điểm lên nền xanh vô tận là màu trắng của những chú cò kiếm ăn. Cuộc
sống vùng quê không ồn ào tấp nập như ở thành thị nhưng luôn rộn tiếng cười, một
ngày bắt đầu bằng những hình ảnh các bác nông dân chất phác vác cái cày, dắt những
con trâu ra đồng ruộng bắt đầu công viêc cấy cày và kết thúc một ngày cũng là
hình ảnh đó. Chiều xuống khi mọi vật đều đã nghỉ ngơi, mặt trời xuống nhường chỗ
cho những cơn mưa như gột rửa tất cả những mệt mỏi của một ngày dài.
Quê hương ơi, lắm lúc nhớ lắm, muốn được như bài hát
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” “một vé đi thôi không cần quay trở lại”, muốn
trở lại với dòng sông quê với cánh đồng xanh bát ngát. Khi còn nhỏ chỉ nghĩ cuộc sống luôn là màu hồng, luôn muốn trở thành
người lớn, bây giờ khi đã lớn đủ để hiểu mọi chuyện, biết được cuộc sống không
chỉ có màu hồng mà đủ hương vị ngọt, bùi, đắng, cay. Những lúc mệt mỏi tôi luôn
nhớ và muốn quay lại cái thời ngây thơ trong sáng, muốn về lại nơi chôn nhau cắt
rốn, nơi cất giữ những kỉ niệm trong tôi không bao giờ nhạt phai. Dù có đi đến
đâu, lớn như thế nào tôi vẫn luôn hướng về quê hương tuổi thơ, tôi vẫn luôn
giành trọn tình cảm cho nơi tôi sinh ra, nơi cho tôi một tuổi thơ, một kí ức đẹp
mà tôi không bao giờ quên.
Hồng
Hạnh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét