Chuyện cũng buồn cho anh bạn tôi, có có được
cái duyên “duyên” đắng chát: thường xuyên được cậy viết hộ thư tình cho người
khác trong khi anh chưa một lần viết thư tình cho chính mình!
Anh học tốt, nhất là môn văn, đọc bao nhiêu là
sách, vốn từ ngữ mênh mông. Và cho dù phải dở dang việc học, không thực hiện
được giấc mơ đại học, nhưng với chừng ấy chữ nghĩa ở cái vùng được xếp vào vùng
sâu vùng xa đặc biệt khó khăn này, thì anh cũng đủ trở thành chỗ cậy nhờ của
trai làng mỗi khi “hữu sự”: cần trút lòng với những cô gái mà không biết ăn
nói làm sao.
Anh cũng không nhớ lá thư đầu tiên được viết
cách đây bao lâu, chỉ biết rằng người nhờ cậy khi ấy là một đứa em hàng xóm.
Cậu ấy là con nuôi của người ta, không rõ cha mẹ ruột là ai, nên cho dù sống đủ
đầy vẫn cảm thấy trống vắng lắm. Nhưng cậu không chịu học cho ra trò ra
trống, nên khi đem lòng yêu thương cô hàng xóm có đôi mắt đen thẳm lại lúng ta
lúng túng không biết phải bài bản làm sao. Cậu nghĩ nát óc và cuối cùng giải được
bài toán khó bằng cách mời anh đi uống nước ở cái quán cà phê sang nhất làng,
mạo muội ngỏ lời: anh viết hộ em lá thư cho con nhỏ… Khi ấy, anh nhận lời mà
không hề nghĩ đến chuyện “nghề” này sẽ trở thành việc thường xuyên của anh. Anh
đã “hỏi cung” cậu trai trẻ: em yêu cô bé ấy như thế nào, cái gì ở cô bé ấy
khiến em rung động nhất, và hai người đã có những kỷ niệm gì… Cậu trai quê thả
lóng trút chuyện với anh, bất chấp cái ngượng nghịu ban đầu. Một chuyện tình
thầm lặng được tái hiện trở thành cảm xúc, và anh đã về viết cho cậu trai
trẻ một lá thư tràn đầy tình cảm, lãng mạn, sâu lắng… Anh cũng không hiểu cậu
ấy có trao thư cho người thương thầm nhớ trộm hay không, chỉ có điều sau này
kiểm chứng lại, anh mới biết cuộc tình ấy không có cái kết quả tốt, cô kia đi
lấy chồng phương xa.
“Tác phẩm” thứ nhất là như thế. Tiếng lành đồn
xa, chẳng bao lâu sau “nghề” viết thư tình của anh đã trở thành thương hiệu,
“khách hàng” đông đảo, toàn là những cậu trai trẻ trong làng. Và như đã thành
chuyên nghiệp, anh thực hiện thủ tục “hỏi cung” các cậu trai nhanh nhẹ và thành
thục hơn. Mỗi lá thư mỗi vẻ, mỗi cuộc tình mỗi khác, nội tâm các chàng trai và
vẻ duyên dáng của các cô gái rất khác nhau cho dù đều tha thiết, lắng
đọng… Anh trở thành chứng nhân bao nhiêu cuộc tình, và đắm chìm
trong một cái “nghiệp” kỳ lạ có lẽ chẳng có nhiều người “đồng nghiệp” với anh.
Viết, viết… Anh đã hiểu con người ta yêu nhau đến chừng nào, rung động mãnh
liệt ra sao, và sự khắc nghiệt của thực tế là chừng nào. Ấy là chẳng có bao
cuộc tình mà anh biết đi đến cái kết, phần lớn tan theo gió bụi cuộc đời, là
người ngoài cuộc song anh cũng buồn da diết.
Trớ trêu là con người ấy, con người thừa từ
ngữ và cảm xúc để dệt hoa gấm cho người lại chưa hề có cuộc tình riêng cho
chính mình, lý do trùng với qui luật cuộc đời ngàn năm nay: nghèo. Anh nghèo
đến mức rau cháo qua ngày đã khó khăn, nói chi đến chuyện hẹn hò thời đắt đỏ,
cho nên chỉ viết giùm cho thiên hạ, mà chưa bao giờ viết cho chính mình.
Nhưng anh không lấy thế làm buồn, vẫn vui lòng
viết hộ cho thiên hạ mỗi khi có người nhờ, trong lòng lại thầm mong những dòng
thư của anh sẽ giúp họ nên duyên tơ tóc.
Người như thế cũng hay, đúng không. Không sống
được cho ta, hãy sống cho người. Và có lẽ có nhiều người đã biết ơn anh…
Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu)
Bài tạp bút ngắn trên dưới 1000 chữ thế nhưng "sức nội công" của nó dài miền miệt...., Phải chi tác giả hư cấu thêm chút nữa thì sẽ trở thành 1 truyện ngắn đầy tính kịch, cái nỗi buồn man mác của nhân vật khi viết thư tình cho người khác nhưng ko viết dc cho chính mình trọn ven 1 chữ "yêu" đây là yếu tố mà theo tôi nghĩ "có đất dụng võ" cho một truyện ngắn cực hay. Cảm ơn "Bạc Liêu" rất nhiều vì nơi đây đã sinh ra cho tôi một người bạn cũng mê câm bút để rồi ....khổ như tôi.....cái nỗi khổ của người mê văn chương ko phải ai cũng hiểu mà thông cảm giùm, đa số người ngoài cuộc cho rằng tụi tôi là những người khùng không có giấy chứng nhận.... hihi Chúc Công khỏe để tồn tại với đời!
Trả lờiXóaCảm ơn nhà văn họ Đào đã thành thật khai báo về tình trạng sức khỏe của mình hihi
Xóa