Câu hát đột ngột rơi vào lưng chiều
bằng cái giọng khê khê, khàn khàn, đục đục, như một chiếc lá thoảng chao trên
mặt hồ, cũng làm gợn được tí sóng lăn tăn, lay động được mấy cái hình hài đã lơ
phơ hai màu tóc, đang lơ mơ hai màu mắt, trong lơ ngơ những cái nhìn xa xăm,
lãng đãng giữa mảnh chiều lưng lửng gió.
- Cha Trịnh này,
đúng là ma xó hỉ? Cứ đi từ trong ruột người ta mà đi ra.
- Nói gì nữa. Thế
mới là thiên tài chứ.
- Thì trong cõi ta
bà này, có hằng bao thế kỷ thì con người cũng chỉ vòng quanh bấy nhiêu
chuyện thôi. Vấn đề là ở chỗ, người tinh tế sâu sắc thì độ thẩm cảm đạt đến mức
thượng đẳng, có thể gọi tên được ra những xúc cảm, uẩn khúc, ngóc ngách của cõi
người lên thành thơ thành nhạc, và truyền tải được vào lòng muôn người khác. Để
bất kỳ ai cũng cảm thấy có mình trong đó.
- Nghệ thuật đích
thực không có gì là cao siêu cả, chỉ là mô tả cuộc sống bằng tất cả những
gì nó vốn có một cách chân thực và tinh tế bằng những thứ ngôn ngữ riêng của
mỗi loại hình thôi.
- Thôi đi các cha,
lại sa vào hàn lâm nửa mùa rồi.
- Hàn lâm là hàn
lâm, bác học là bác học, sao lại có chuyện nửa mùa?
- Thì hàn lâm không
ai cấp bằng, bác học không ai thừa nhận, không nửa mùa thì là gì.
- Nghe này, vì
“hàn” mà “lâm” vào cảnh khó, đã lên “bác” rồi mà vẫn còn phải lọ mọ đi “học”.
Cũng hàn lâm, bác học đấy chứ.
Một trận cười nghiêng ngả. Không gian
lưng chiều nghe xáo động lên chút khí sắc.
Mộng chi bác học nỏ mô đến mình
Hay chăng chỉ một chữ “Tình”
Mà khênh lên kiệu, tùng rinh khắp
làng.
Cũng vẫn cái giọng khê khê, khàn khàn,
đục đục âm sắc miền Trung ấy ngâm nga.
Chẳng may tình có sang ngang
Thì anh còn có bóng nàng làm thơ
Đó là giọng Bắc pha, một giọng khác
tiếp:
Thơ đem hong gió vật vờ liêu xiêu
Thơ chăng chỉ những gã liều
Đem thơ mà bắc cầu kiều cho sang
Trưa thêm chén rượu, chiều ra ngó
trời
Cong lưng mà gánh một đời bể dâu.
Câu thơ cuối đột ngột đưa dòng nhạc rơi
vào nốt lặng. Lại lơ ngơ những cái nhìn xa xăm, lãng đãng.
Cái một đời bể dâu ấy xem ra đã bắt
nguồn từ khi lẫm chẫm. Nào ai biết con đường thăm thẳm phía
trước sẽ dẫn mình đi đến đâu. Giá mà có thể biết trước, dù chỉ một ít thôi,
người ta cũng có thể cho phép mình có một chọn lựa: Đi hay không đi. Nhưng chẳng biết. Chẳng thể nào biết.
Không có cách gì để biết. Và vì không biết, nên chỉ có một cách: Là cứ đi. Cứ
đi, đi đến đâu biết đến đấy.
Nào ai biết được một cổng trường đại
học đang mở ra chuẩn bị chờ đón, thì bỗng bầu trời nổi cơn sấm sét, màn mây xám
ấn vào tay một bộ quần áo màu xanh cây lá. Để rồi tháng ngày lăn lóc đạn bom,
để rồi lóc cóc trở về chốn xưa bằng những vết sẹo ngắn dài. Áo hoa xưa đã ngậm
ngùi màu mây bóng nắng, để đôi khi chiều hôm trăng sớm, gửi nỗi niềm vào những
câu thơ. Buồn buồn đem rao bán, cũng vui vui khi nghe âm vọng từ đâu đó đôi lời
nhắc nhủ.
Nào ai biết giữa chốn phồn hoa đô hội,
nơi lắm kiêu kỳ, nhiều đài các, vật ngon không thiếu, của đẹp rất thừa, nhưng
lại lắm giảo nhiều mưu, thừa trơ trẽn nhố nhăng, thiếu lời chân câu thật. Thế
nên một gã vốn thích mơ mơ màng màng, yêu cỏ cây hoa lá, ưa sáng nghe tiếng
chim, chiều đưa cánh võng, mặc bao kẻ trề môi nhếch mép bảo gã điên, gã hâm, gã
chưa già mà đã lẩm cẩm, dứt áo phố phường tìm về một rẻo vườn hẻo lánh, chẳng
phải để tránh đời, chẳng phải để chờ đợi, chỉ là để đón chút hương thơm, nếm
dăm vị ngọt của hoa lành trái thảo, ngày làm anh nông phu, tối lại ra gã gù mổ
chữ. Chẳng mơ giày anh cử, chẳng vọng mũ ông nghè, chỉ dăm điều mắt thấy tai
nghe cũng đủ ti toe bàn luận.
Nào ai biết giấc mơ gõ đầu trẻ giản
đơn mà lý tưởng, ngỡ sẽ vẫn đều đều ngày hai buổi cho đến ngày man mác cuốn sổ
hưu, lại bỗng trở nên nhiêu khê và mệt mỏi đến thế. Cái lãng mạn nghề nghiệp
quá mỏng manh, không đủ che lấp hết bao thực tại cười không nổi mếu cũng chẳng
xong. Thầy dạy không ra dạy, trò học không ra học, nhan nhản những trò bán mua
khả ố, phụ huynh cũng chẳng úp mở gì khi mở bài giá cả. Cái đe trên đầu đòi,
đòi và đòi, cái búa dưới chân hỏi, hỏi và hỏi. Thôi vứt quách quyển giáo án, về
chăm vài con vịt dăm con gà cho yên thân. Thế rồi cũng chẳng yên thân, dịch
trầy lên, bệnh trật xuống, vợ ca mãi bài rên rẩm cũng mỏi mồm. Tức khí đem cái
vốn chữ nghĩa lỏn loi ra múa. Như cái lục lạc vung lên cũng leng keng được vài
tiếng rồi rơi tõm vào hun hút lòng đời.
Nào ai biết đã từng comple cà vạt,
veston thẳng nếp thơm phưng phức nước hoa ngoại hẳn hoi, cặp táp giày da lộp
cộp đi qua những cái lưng khom, những cái mồm đơn đớt, thấy buồng phổi mình
đang phồng lên một bầu hơi oai lẫm lẫm. Nhưng vốn lẽ đời vẫn khôn ngoan khéo
lắm cũng có ngày nước mắm chan cơm. Bởi vốn lẽ đời mình có hay cũng còn lắm kẻ
hay hơn gấp vạn, lại gặp phen vận hạn thì cuộc tàn chỉ trong một cái trở tay.
Bao trả trả vay vay như một vở tuồng không có hậu. Kêu trời hổng thấu, gọi đất
hổng xong, thôi thì trở lại kiếp ăn đong chỉ mong đời thôi sỉ vả. Được ăn cả
ngã về không, chuyện đời như giấc mộng. Chán cảnh, nản đời, mượn câu chữ giải
nỗi người chua cay.
- Lớp trẻ, lớp trẻ.
Cứ như cuộc sống bây giờ chỉ có lớp trẻ là tồn tại.
Một giọng Nam gồ gồ lên tiếng, vẻ cay cú, bực
bõ.
- Thì chúng là
tương lai của đất nước, không chăm lo cho chúng, chẳng lẽ lại đi chăm cho cái
lũ về chiều này sao.
- Ông này sao tự
nhiên đi ganh với lũ trẻ?
- Hổng phải ganh,
mà thấy nhiều cái thái quá, cứ tập trung cả vào chúng nó, chúng được chìu
chuộng quá, chúng lại càng làm ra vẻ ta đây là cái rốn của vũ trụ, đâm khinh
thường hết cả.
- Cũng đúng là một số trẻ bây giờ
ngạo mạn hiếu thắng quá. Thời đại và xã hội đang tạo cho chúng nhiều điều kiện
và ưu đãi, nên chúng tha hồ mà vung vít. Mới mới. Đủ thứ trò nhố nhăng, ngớ
ngẩn, nhưng lại được số đông tung hô là hiện đại, là sành điệu. Kệch cỡm không
chịu được.
- Cũng không nói hoàn toàn thế
được, một số đáng kể trong chúng nó giỏi đấy chứ, giỏi thật sự chứ không phải
là vay mượn bán mua. Tương lai đất nước trông vào chúng nó đấy.
- Ừ thì cũng có một số như thế.
Thực ra thì thế hệ nào cũng có những ưu thế và hạn chế cả. Vấn đề là ở chỗ phải
biết xác định thế nào là giá trị thực của cuộc sống. Đấy, trông mà xem, thời
buổi bây giờ đảo lộn biết bao những thang bậc giá trị. Ông thằng cứ lộn tùng
bậy cả lên.
- Đây là thời đoạn bản lề của một
sự chuyển đổi phong cách các phạm trù cuộc sống. Như một cuộc xáo tung lên rồi
chọn lọc lại. Như thời phong kiến ấy, cũng phải đi qua một giai đoạn chuyển
đổi, cải tổ, thử nghiệm, lược bỏ, nảy sinh, bồi đắp, để rồi bước qua một xã hội
gọi là tân thời rồi đến văn minh. Thì nay cũng vậy thôi. Quy luật của sự sống
mà, cứ cái gì đã đến lúc mòn cỗi thì phải chịu đào thải.
- Điều đó thì đúng rồi, tôi không
cãi. Nhưng mà ít nhất phải hiểu mình đang là ai? mình có thể làm được gì? và
những gì mình làm sẽ đem đến hệ luỵ hệ quả gì cho cuộc đời? Đấy các ông xem,
không ít trong số chúng trở thành vấn nạn cho xã hội, với lối sống bản năng
buông tuồng, hưởng thụ gấp, chúng không hề biết cân nhắc chọn lựa những đúng
sai cho cuộc đời, rồi khi vấp ngã trả giá thì lại đổ tại.
- Chúng làm gì đủ trầm tĩnh và
thời gian để nghĩ được nhiều đến thế. Chúng cứ làm ào đi những gì chúng thích,
và chúng cho là hay là đúng, nhiều khi không biết hay đúng thế nào, chỉ thấy số
đông làm thì nhắm mắt làm theo, việc thẩm định giá trị nào thực sự tồn tại thì
mặc nhiên là của cả cộng đồng. Cái thực sự hay, thực sự có giá trị thì sẽ mặc
nhiên mà tồn tại, còn ngược lại với quy trình cuộc sống thì sẽ mặc nhiên mà
biến mất đi thôi.
- Đó cũng là lẽ tự nhiên của mỗi
thời đại. Mỗi thế hệ simh ra đều căn cứ vào những điều kiện, phương tiện của
thời đại mà hình thành một cuộc sống. Bao giờ thì cũng có hay có dở, làm sao
đòi hỏi ngay được tính hiệu quả cụ thể, nhất là với tuổi trẻ, luôn bồng bột,
nông nổi, luôn thích thử nghiệm và thể hiện cái tôi của mình. Chúng có vấp ngã
thì chúng mới biết đứng lên, mới biết cái gì là giá trị thật sự. Điều bất cập
là sự du nhập các loại hình gọi là văn minh của nước ngoài vào quá nhanh, không
những nó tỏ ra có đẳng cấp từ những nước phát triển, mà nó còn quá mới quá lạ,
luôn thu hút hấp dẫn sự tò mò, chinh phục và khám phá. Có những thứ như chiếc
áo rộng thùng thình khiến người mặc rất lúng túng, như chiếc giày rộng quá bàn
chân, nên bước cứ lấp va lấp vấp, nhưng lại cứ thích xỏ vào, như những đứa trẻ
mới tập đi lại cứ thích mang dép giày của người lớn vậy.
- Nhưng thật tội nghiệp là có
những vấp ngã không thể đứng lên, những lầm lạc mà hậu quả thì phải mang suốt
cả cuộc đời. Chúng ta có lên tiếng, có nhắc nhở thì chúng cho ta là cổ hủ, là
lạc hậu, là ấu trĩ. Đã vậy, xã hội gần như bỏ quên hẳn một mảng thành phần đang
hiện diện, mà cứ chăm chăm nhìn vào và nói đến lớp trẻ. Vậy những người như
chúng ta thì đang là cái gì đây?
- Chúng ta ư? Chúng ta là cái
lứa bản lề. Chúng ta có nhiệm vụ chăm lo cho tương lai và cả quá khứ. Các ông
thử nghĩ xem. Trên đời này có ai đang sống cho hiện tại không? Người ta chỉ
quen sống nhìn về tương lai hay hồi tưởng quá khứ, hướng đến những gì mình chưa
có, và tiếc nuối những gì mình đã mất, chứ có ai nhìn thấy hiện tại của mình
đang có những gì đâu. Chúng ta đang là những chiếc đinh gút, là cái cầu nối hai
thì quá khứ và tương lai. Rồi một ngày mai, lớp trẻ hôm nay cũng sẽ đi vào thời
đoạn như chúng ta bây giờ, lại làm cái nhiệm vụ như chúng ta bây giờ, và lúc
đó, chúng ta đã trở thành quá khứ.
- Nói vậy thì giống như cuộc đời
con người là những bước đi lùi từ tương lai vào quá khứ.
- Có lẽ không sai. Có một điều
rất hiển hiện dù cho có đáng buồn mấy nữa thì cũng phải thừa nhận nó luôn tồn
tại. Ấy là cái thói đố kỵ của con người, không dễ thật lòng tôn vinh cái hay
cái đẹp của người khác, nhưng lại thừa tính hiếu thắng tự tôn chỉ thích huênh
hoang những tài sắc của chính mình, mà nhiều khi những tài sắc ấy chỉ tồn tại
trong vài câu hoa mỹ đưa hơi. Còn tài sắc thực sự chỉ có thể được công nhận khi
người ta không còn nữa. Lúc ấy, việc hào phóng chữ nghĩa không chỉ tôn lên
người đã khuất, mà còn tỏ ra cái rộng lòng, khiêm kính của người đang thực
hiện. Người ta có thể tuôn bao lời hay ý đẹp vì lúc đó trong lòng người ta đã
nhẹ hẳn đi một đối thủ đáng gờm, và cũng vì người ta quá biết rằng, người đã đi
là người sẽ khuất, thế giới chỉ luôn tồn tại trong những gì còn đang nhìn thấy.
Nên đừng bao giờ vọng tưởng cái biết đến của người đời khi ta đang còn ngồi
đây. Nếu cứ để tâm vào điều hư huyễn ấy thì mình sẽ chẳng làm được gì nữa cả.
Hãy cứ làm đi, làm cho tốt những gì mình có thể, chẳng cần ai phải biết đến,
chỉ cần hiểu những điều mình đang làm chí ít cũng đem lại chút lợi ích gì đó
cho cộng đồng. Thế là đủ rồi.
Những làn môi nhếch lên, lập loè đốm
lửa và những vòng khói. Những vòng khỏi tản dần lơ lửng. Cái ấm trà đã chế thêm
mấy lần nước sôi.
- Này cuốn sách của
ông đến đâu rồi?
- Vẫn còn nghỉ ngơi
ở Nhà xuất bản. Giấy phép ở đó thì có ngay, nhưng giấy phép của bu nó thì
chưa thấy động tĩnh gì.
- Rứa là có tinh
tướng đâu thì vẫn cứ phải chịu phép bu nó nhỉ.
Nụ cười không đủ giãn nở nửa vành môi.
- Ngẫm mà cay. Mình
ra trò thâm thuý, sâu khía nọ, sắc cạnh kia, lên giọng dạy đời thiên hạ,
nhưng lại chẳng dạy nổi người nhà mình. Con cái có bảo ban gì nó, nó cũng lừ đừ
dạ vâng cho qua chuyện, chỉ nghe lời mẹ.
- Con tôi cũng thế,
nó có thèm nghe bố nó đâu, cái gì cũng mẹ, mẹ nói là đúng nhất, hay
nhất, là bởi cần gì thì cũng chỉ có mẹ là mở hầu bao thôi. Nhiều lúc muốn đi
quách một nơi nào đó không ai biết đến cho đỡ chối đời.
- Xa thương, gần thường. Có quý
trọng mình thì cũng ở đẩu ở đâu ấy. Khi gặp được thì chao ôi là quý hoá quá,
lúc ấy mới cảm giác được ý nghĩa của việc mình làm. Còn khi trở về thực tại
thì…
- Thì vốn ở đâu chẳng thế, lời
nói trọng lượng chỉ có ở người nắm cái thắt lưng cuộc sống thôi mà. Chúng ta
luôn nói tới những điều lý tưởng hoá, hòng mong con người sẽ ngày càng biết
thương nhau, sống tốt với nhau hơn. Nhưng trên thực tế thì không thể tốt bằng
lời, cái gì cũng cần minh chứng bằng hành động, hiện vật cụ thể. Mà muốn minh
chứng được thì phải làm sao? Túi rỗng thì đến cái nhìn người ta cũng chẳng
buồn nữa là nghe. Đời là thế mà. Nên có biết dở, biết sai nhưng muôn người vẫn
lao vào cái lợi bằng mọi cách. Có lợi thì mới có thế. Có thế thì mới có lực. Và
có lực mới vực được đạo.
- Từ Lực hàm nghĩa rộng hơn từ
Thực. Thực thì chỉ có là ăn thôi, mà cái ăn bây giờ nhỏ nhặt lắm, không đủ dung
chứa những đòi hỏi khác. Những ngữ nghĩa ngày xưa bây giờ phải biến thể nó đi
một chút cho phù hợp. Chừ đừng như con vẹt mà lập lại nguyên văn.
- Những bất bằng trong xã hội,
căn nguyên chỉ ở một cụm từ “Nệ hình
thức và chuộng vật chất”. Từ bao đời nay, con người quen đánh giá giá trị
một người qua những thứ vật dụng mà anh ta có. Bất kể những vật dụng đó đã có
được bằng cách nào. Còn có những con người vì hết lòng cống hiến công sức trí
tuệ cho những mục tiêu chung của cuộc đời, không nghĩ hay không có thời gian và
điều kiện thuận lợi để nghĩ đến lợi lộc riêng cho bản thân, thì mặc nhiên xã
hội không coi trọng. Chỉ một số rất ít có được một hay vài thành quả đáng kể
nổi trội nào đó, thì may ra còn được nhắc nhở, tôn vinh. Mà đâu phải ai miệt
mài cũng đều có được thành quả như mong muốn đâu.
- Vật chất. Ta nhiều khi ra trò
quân tử mà thoá mạ nó, nhưng vốn riệt cả cuộc đời ta bị bó buộc trong nó. Ta
không ăn làm sao sống, ta không mặc làm sao ấm, ta không có những vật dụng,
những phương tiện làm sao ta tồn tại?
- Không phải ta thoá mạ nó vì chê
bôi, không phải ta quân tử hoá cái cuộc đời lãng nhách của ta, mà ta chỉ buồn,
buồn quá vì nhiều khi nó làm cho con người không còn biết sống với một trái tim
nữa.
- Trái tim. Thuần nghĩa của trái
tim chỉ là một công cụ tuần hoàn máu, giữ nhịp đập cho một hơi thở không bị đứt
đoạn. Ta dùng hình tượng trái tim chỉ cảm xúc, là bởi nó là một cơ quan nhạy
bén và yếu ớt nhất trong cơ thể, mỗi khi có những xung đột gì tác động, nó là
nơi bị xúc tác mạnh nhất, phản ứng lập tức với xung đột ấy, và kéo theo cả một
chuỗi liên hoàn khác của cơ thể. Nên rồi mặc nhiên nó đại diện cho cả quá trình
đời sống tình cảm của con người, mặc nhiên nó đại diện những gì nhân bản đẹp đẽ
nhất của con người, mặc nhiên nó gánh chịu những đòi hỏi, những yêu cầu quá sức
gánh gồng của nó. Ôi! Thật là tội nghiệp cho Trái Tim ta.
Chủ nhà khẽ nén một hơi thở ra, cầm
cái phích nuớc đã nhẹ bõng đi xuống bếp. Một vài chùm hoa lấp ló bên hiên không
đủ pha sắc vào những ưu tư đang hằn trên những nếp trán, những cái miệng vẫn
đang còn cơn thống thiết phải giải bày.
- Quá sức. Đúng là
quá sức, vì trái tim chỉ biết có mẫn cảm, mà trái tim không đủ quyền năng
để giải quyết hết tất cả những yêu cầu của đời sống. Đã có câu “Cuộc sống cần
có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”. Hai thái cực buộc phải tồn tại trong
một thực thể. Một đòi hỏi tréo ngoe không thể nào cùng song hành. Thế mới tạo
nên biết bao cơn cớ nghiệt oan.
- Thôi nào. Trút đã
chưa? Sao cứ gặp nhau là lại đem nhau ra mà hành hạ thế ? Cho phép mình
nhẹ nhõm chút đi.
- Muốn lắm chứ.
Muốn nhẹ nhõm thanh thản lắm chứ. Nhưng những sống còn bức thiết đang
bao vây hàng ngày đây, đang từng giờ đập chan chát vào mặt đây, có cho mình nhẹ
nhõm nổi không? Không hành nhau thì biết hành ai bây giờ. Hành cho nó xả ra
được hết bức bí, hành cho thoả những dồn nén để may ra còn sống được thêm ít
ngày. Không hành nhau thì lại về hành vợ hành con à? Tội nghiệp họ chứ. Họ gặp
ta đã là cái khổ chín đời của họ rồi. Họ đã phải gồng gánh cưu mang cái dở hơi
chết tiệt của ta. Ta chỉ biết nói, nói thật hay hớm, nói thật cao xa, nhưng ta
có đem lại cho họ được cái họ thật cần thiết hàng ngày đâu. Bảo họ không vì nể
ta cũng có cái đúng của họ. Miếng thịt gà vẫn dễ ăn hơn miếng cá khô chứ.
-
Đi xe máy vẫn
nhanh hơn đi bộ. Ở nhà xây vẫn tốt hơn ở nhà ván. Nằm giưòng nệm vẫn dễ
ngủ hơn nằm giường chiếu. Mặc áo đẹp vẫn vui hơn mặc áo rách. Cái gì gọi là
phát triển? Chính là ở chỗ luôn tìm mọi cách cho cuộc sống con người được tốt
hơn, nhàn hạ sung túc hơn. Con nguời không có lỗi khi hướng đến những cái gọi
là đẳng cấp. Chỉ là ngày càng vật chất hoá mọi điều thì lại càng làm cho con
người thô thiển đi, thấp kém đi.
- Thực tế vẫn là thực tế, vẫn sụi
sần thô kệch những đường nét. Nghệ thuật chỉ cố hình tượng hoá những sụi sần
thô kệch ấy lên cho dễ nhìn, dễ tiêu hơn mà thôi.
- Thì ít ra bọn dở
hơi chúng ta cũng làm được chút gì đó cho cuộc sống này bớt u ám nặng nề hơn
chứ.
- Đúng. Ta phải
biết trân trọng mình, phải biết nâng niu giá trị công sức mình. Nếu cuộc sống
chỉ có những trần trụi mà không có những ảo ảnh hoá thì cuộc sống bản năng quá,
vô minh quá. Và như thế thì con người ngày càng dẫm đạp lên nhau. Cứ cho chúng
ta đúng là bọn dở hơi. Nhưng là những thứ dở hơi để cứu vãn loài người. Cái dở
hơi của chúng ta là một thứ biệt năng mà không phải tất cả những con người có
mặt trong đời sống này cảm nhận được. Cái gì mà không có tính hai mặt. Ta cũng
phải biết chịu những mất mát cho những tồn tại của một thứ giá trị có thực chứ.
- Có thực bằng một
chầu mâm bát bây giờ không?
- Thôi. Chiều nay
tôi có việc rồi.
- Tôi cũng không ở
lại được nữa đâu. Cuộc tra tấn nhau nãy giờ đã cho tôi một số ý rất
tuyệt. Tôi phải về với những trang viết dở của tôi đây.
- Thằng cha này
khôn thật. Nó moi gan moi ruột tụi mình để lấp cho đầy những trang giấy
trắng của nó. Mà này ông ơi! Ông có lấp mãi lấp mãi thì đến cùng ông vẫn chỉ
là những trang viết dở mà thôi.
- Hè hè. Thử hỏi có
cái mạng nào khi nhắm mắt có thể nói được một câu mãn nguyện với cuộc
đời này chưa?
- Wa, chí lý chí
lý. Rứa là tất cả những con mắt đã mở và sẽ
nhắm, cuối cùng cũng chỉ là
những trang viết dở dang thôi. Nhưng
Còn yêu cuộc sống còn toang
thân này.
- Mặc người
tỉnh, mặc ta say
Mặc
bao hơn thiệt chua cay nỗi đời
Cứ
thơ vung lộng gió trời
Cứ
văn lả lướt cho người mê man
- Màng chi câu
trách lời than
Mang
mang tứ hải vẫn vàn tri âm
Một
mai chín suối vẫn cầm hoạ thi
- Ông dìa tui
cũng dìa theo
Thuyền
mây chung lối, gieo neo chung đường
Có hai cái đầu lăng lắc, hai làn môi
he hé nhìn theo hai cái thân liêu phiêu cùng hai cái miệng ngâm nga bao
nhiêu năm rồi… Mây trên trời vẫn tâm tình thủ thỉ miên man những lời
cùng gió. Những tia sợi vàng vẫn lay phay ngả ngớn cùng những phiến lá xanh.
Ngày vẫn đi nhanh đi nhanh.
Những tiếng lách cách của những quân
cờ gieo xuống mặt bàn gỗ, đã trả lại cho không gian sự bình yên thinh lặng nơi
cuối ngày.
Đàm Lan (Buôn Mê Thuột)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét