Cây bút trẻ Dương Hằng, sinh năm 1994, sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội
Khói chiều bảng lảng nhấp nhổm trong khoảng không sẩm tối như thực như
hư. Trời mùa này tối nhanh như cái trở người của thiếu phụ trong cơn vò võ.
Nghe tiếng xe xình xịch là đám trẻ con trong thôn cũng đoán biết được là lão
Tôn đưa thư tới. Lần này lão không được săn đón như mọi khi. Đám trẻ con trong
làng đang giờ gõ đũa xuống mâm chờ cơm thì chẳng còn hơi sức đâu mà kéo nhau
bám càng cái xe máy cà tàng của lão. Lão dựng chiếc xe ngay trước cổng nhà bà rồi
bước vào:
- Bà Môn có
nhà không đấy ạ?
Bà vả sạch bèo trong xô nước, lau khô tay vào ống
quần, nhổm người khó nhọc:
- Thằng Môn
nhà tôi gửi tiền về hả anh?
- Không.
Đây là thư người ta gửi cho bà. Bà ra ký hộ con để con còn về xem quay xổ số nữa.
Gớm, tìm được nhà bà mệt thật đấy. Con hỏi đến rát cả họng, mãi mới có người biết
Nguyễn Thị Mến là bà.
Ở thôn này, cứ khi người đàn bà có con dâu hay cháu nội, cháu ngoại, là người
ta gọi họ bằng tên của người con cả. Thằng cháu đích tôn của bà đã hết cái thời
nước mũi thòng lòng đưa ống tay quệt ngang từ hồi não nào rồi. Mười mấy năm
nay, mấy ai nhớ đến tên gốc tên gác của bà nữa đâu. May còn mấy bạn già thương
mến nhớ ra, nên lá thư trên tay lão Tôn hôm nay đã đến được tay bà. Đôi tay bà
cúm rúm, run run cầm lá thư.
- Không
biết ai gửi vậy anh?
- Con
không rõ, không thấy đề tên người gửi. Thôi con xin phép bà, con về.
Mãi nghĩ về lá thư trên tay mà bà quên béng không mời lão Tôn cốc nước vối
hẵng về. Rỗng rễnh và mơ hồ. Bà lục tung cả kho kí ức từ thời trai làng hái hoa
dành dành giắt bên vách tơ tình bà. Tấm bé tới giờ có ai gửi thư cho bà đâu chứ?
Ở tuổi chạng vạng, đùng một cái lại nhận được một phong thư. Bà soi đi soi lại
địa chỉ gửi đến trên lá thư. Đích thị của bà rồi. Chỉ có điều, chỗ điền tên người
gửi chỉ là khoảng trắng với hai dòng kẽ xanh nhạt. Nét chữ lạ huơ lạ hoắc.
Chợt, bà nhớ tới lão Nại. Bà nghĩ lão trên thiên đàng chắc râu đã phơ phếch.
Mỗi lần lão đi, đều không chào tạm biệt vợ lấy nửa lời. Sáng ra bà thấy mảnh giấy
đặt dưới ấm tích pha chè, bà mới biết rằng lão đã đi. Lão Nại nắn nót từng con
chữ. Chữ lão như chữ đứa trẻ con lên tám, lên chín bây giờ, bụng chữ o, chữ a cứ
bệu ra. Lão viết cho bà vài dòng, đại khái là "Đồng đội còn vùi trong lớp
đất. Tôi phải đi tìm họ. Bà gắng chờ tôi thêm chút nữa. Tôi đi tôi lại về mà.
Tôi sẽ nhớ lắm đấy…! Chào quyết thắng". Bà đưa tay gạt nước mắt, sụt sùi rồi lại
cười bẽn lẽn như thiếu nữ. Bà giắt những mẫu giấy dưới gối, đêm nào trăng rạng,
nhớ lão, bà lại lấy ra xem. Bà cũng tinh, cứ đêm trước thấy lão ít nói, và ân cần
với bà hơn, biết thể nào sáng mai lão cũng khoác ba lô lên đường đi tìm mộ liệt
sĩ. Có những lần lão đi, lão chậm rãi ra khỏi tấm chăn đơn. Cảm giác như lão
đang nhìn mình ngủ, bà không mở mắt, trống ngực đập thình thịch như sắp sửa bị
người ta bắt quả tang. Đến khi nghe tiếng bước chân lão rệu rạo dưới nền đất,
bà mới kịp nhìn bóng lão qua tấm ri đô mỏng. Bà buông thõng người như một sự bất
lực chẳng thể níu giữ bước chân lão. Bà trùm kín chăn, cố không bật ra tiếng
khóc. "Tôi đi tôi lại về mà".
Bà khóa chặt lời hứa của lão vào ngăn tủ của lòng mình. Dăm bảy mảnh giấy để lại
thì lão đi. Lần này lão đi thật. Nhận tin lão chết do quả bom địch gài trong hố
chôn tập thể, bà khóc vật vã, tay siết chặt lấy những mảnh giấy lão để lại. Lão
sống với đồng đội, đến khi chết đi cũng cùng nằm trong thớ đất. Bà không được
nhìn thấy mặt lão lần cuối. Lão lên thiên đường, và lời hứa vẫn nằm im trong
ngăn tủ…
Bà bước tới bước lui cái khoảng sân bé tẹo nhà mình. Hay đợi con dâu về? Biết
đâu chị lấy tên bà gửi cho người khác thì sao? Thằng con trai bà có lần nào gửi
tiền hay thư cho bà đâu? Vừa ngó thấy bóng chị Hiên là bà toan dấm dúi lá thư
vào túi áo.
Bữa cơm hôm nay có tôm đồng và canh cải cá rô đúng món bà thích, vậy mà
lòng bà cứ chộn rộn không yên. Mẫu thư nhỏ gọn lỏn trong túi áo mà đè lòng bà nặng
như tảng đá. Cơm chưa xuôi bụng, bà định đứng dậy vào buồng. Thằng cu Khoai quấy,
cứ đòi bà nội ru ngủ. Những lúc thế này sao thấy con cháu phiền quá. Muốn một
chút yên tĩnh cho riêng mình mới thấy thật hiếm hoi. Dỗ thế nào thằng Khoai
cũng không chịu ngủ. Hết đòi bà nằm võng ru, đến đòi bật đài cho nghe. Một giây
cứ dài như thế kỉ.
Cuối cùng bà cũng có được yên tĩnh, sự yên tĩnh tuyệt đối. Tay chậm rãi bóc
thư mà vai run lên bần bật.
Em
ngủ ngoan nhé. Tôi mơ về em.
Má bà cứ nóng ran lên như người thiếu nữ lần đầu nghe câu tỏ tình bẽn lẽn.
Bà tự xua đi ý nghĩ điên rồ nhơn nhởn trong đầu mình. "Nhứt định người ta
gửi nhầm rồi. Nhưng trót bóc ra rồi thì tính sao? Hôm nào chờ lão Tôn vào làng
đem trả nó vậy". Bà cứ cười như hoa nở trong lòng. Tình già sao mà lãng mạn, ngọt ngào thế chứ. Ngày mới yêu, lão Nại
có khi nào ngòn ngọt với bà câu nào đâu, trừ mỗi lúc lão sắp sửa lên đường. Và
lão cũng chẳng rỏ bên tai bà những câu ngòn ngọt ấy, chỉ dám viết vào mẫu giấy
nhỏ. Đến cả yêu thương còn vụng về. Bà cười bần bật, gặng cho tiếng cười nhỏ
chút kẻo con dâu lại tưởng bà ngáy giữa đêm thì khổ. Tình già, sao lại khiến bà yêu đời thế chứ.
Trưa nay nắng gắt, mãi bốn giờ chiều bà mới ra đồng. Đồng khô nứt nẻ, hoác
hơ dưới chân lúa. Nhìn vết nứt, lòng bà như toác rạn. Rồi mùa này chẳng biết lấy
gì cho đầy chum, vại. Bà lội xuống rãnh nước, cầm chậu tát vào ruộng được một
ít. Nước rãnh ít mà mồ hôi đổ xuống thì nhiều. Bà có mỗi sào ruộng này, bà chăm
chút nó như khúc ruột của mình. Trời đất không thương bà. Thế là bà chửi đổng.
Chửi trời sao hành bà khổ thế này.
Từ đồng về nhà, có một thôi đường mà
bà đưa tay ra sau đấm lưng mấy bận. Bà lẩm bẩm trong miệng câu gì đó không rõ
nghĩa. Bà gặp mấy bạn già đang ngồi quán nước của ông Nguồn dưới tán cây đa đầu
làng. Mấy bạn già đẩy qua đẩy lại mấy lời để chèo kéo bà vào uống chén nước chè
xanh rồi hẵng về. Mặt trời đã xế bóng, như hối thúc bà về cho kịp giờ. Mà cũng
lạ, bà có hẹn với ai ở nhà đâu. Giờ này mấy năm nay bà vẫn lân la chỗ này chỗ nọ,
chẳng hiểu sao lòng bà cứ nóng ran, muốn rảo bước chân về thật mau. Bà Miền liếc
con mắt, giọng nhờn nhợt:
- Hôm
nay trông bà Môn cứ tươi như gái mới bén hơi chồng thế nhỉ.
Mặt bà bỗng trân
trân như kẻ bị bắt quả tang. Bà vội phần trần mà câu chữ cứ đá vào nhau.
- Hờmmm…
Ruộng đang nứt nẻ mấy bà không lo đi lấy nước à.
Vừa về tới cổng, thằng cu Khoai lí lắc
chạy ra "Nội ơi nội có thư kìa". Bà lại giật mình, lẽ nào Tình già nhầm địa chỉ tới hai lần. Con
dâu đẩy đưa câu nói:
- Dạo
này bà có cả người gửi thư cơ đấy. Cu Khoai nhà mình lại sắp có ông rồi.
- Cha bố
cô. Người ta gửi nhầm đấy.
- Thư đến
lần hai rồi, mẹ còn giấu.
Bà hừ hữ vài tiếng che lấp đi nỗi thẹn thùng trước con dâu. Bà lại chờ đến
khi con dâu ngáy một hồi mới vào buồng trong đọc thư.
"Tôi viết thư này khi
vừa qua một cơn đau. Nhưng khi đau, tôi nghĩ về em nhiều hơn. Nỗi đau thể xác
không sánh được với nỗi đau mất mát. Ai rồi cũng có lúc phải quên đi để vui sống.
Tôi thương em nhiều.
Lại là thư của Tình già. Sự tò mò
khiến bà vặn căng óc để nghĩ. Nghĩ về Tình
già, liệu là ai trong quá khứ? Có khi nào là trai làng năm xưa thương
thầm nhớ trộm bà? Ngoài lão Nại, bà làm gì còn mối tình nào khác để mà nhớ. Bà
miên man nghĩ về Tình già. Lẽ nào Tình già say bà thật? Bà cũng muốn biết
về Tình già lắm, nhưng bà không có địa
chỉ của Tình già, biết tính sao đây? Tình già như hiểu được tấc lòng tấc nghĩ
của bà vậy. Bà mất lão Nại là một nỗi đau. Nỗi đau ấy có bao giờ nguôi đâu.
Tình già bị thương ở chân do chiến tranh. Có lẽ
nào… lẽ nào là người đàn ông chống nạng lén nhìn bà trưa đó ở khoảng ao bèo nom
sáu thước đầu ngõ? Lão một đời vợ. Vợ lão chết trẻ trong lần sinh con thứ hai.
Ngần ấy năm lão sống nuôi con, không đi thêm bước nữa. Đích thị đó là Tình già của bà rồi. Bà ngắm mình qua
chiếc gương tròn bằng bàn tay, vết nám gồn gột trên da mặt, khiến lòng bà bỗng
nhiên buồn rười rượi.
Rồi hàng tuần bà lại nhận được một lá thư của Tình già gửi tới. Tình già
kể những mẫu chuyện thường nhật cho bà nghe. Tình già bị thương ở chân, nên những ngày gió quái, trở trời, Tình già nhưng nhức nơi vết đau ấy. Bà
thương Tình già, cái khoản xoa bóp, đấm
lưng bà dẻo và mát tay lắm. Tình già
làm bạn với một con khướu, khi buồn lại viết thư cho bà. Tình già muốn gửi thư mỗi ngày, nhưng sợ gửi nhiều bà nhanh chán Tình già hơn. Tình già bảo sẽ có một ngày gặp bà. Bà nghĩ thầm, có khi là cuộc gặp
trên thiên đường hay dưới âm phủ chăng? Bà nôn nóng, bà muốn gặp Tình già lắm. Đêm và rạng sáng là lúc bà
nhớ Tình già nhất. Giờ mỗi ngày bà sống
bằng sự đợi chờ tiếng xe máy tòng tọc của lão Tôn đi qua ngõ. Sáng bước qua tấm
gỗ chắn ngang gian ngoài với gian buồng là chạm ngay di ảnh của lão đặt ngay ngắn
trên bàn thờ. Lão Nại nhìn bà, cười hiền như đất. Bà lại thấy ân hận. Lão chết
thật rồi, nhưng bà vẫn còn là vợ lão. Người ta chết rồi thì còn tình yêu ở lại.
Tình già cũng bảo thế cơ mà.
Hôm nay bà quyết định sẽ qua nhà thăm Tình
già. Đến đầu cổng, chân bà cứ nhũn ra từng bước. Có khi nào lão chẳng phải Tình già, mình lại vác chữ ê về?
Bà nghĩ thế nên chẳng dám bước thêm. Bà định quay về thì nghe tiếng khướu hót.
Trống ngực bà cứ đập thình thịch. Khướu hót mà óc bà cứ ong ong tiếng Tình già gọi bà ngọt lắm. Bước chân cứ
thế thoắt theo tiếng vẫy gọi. Tiếng chó sủa chát làm đứt quãng ý nghĩ đang rập
rờn trong trí óc. Bà quay đầu, vội chạy như tên trộm bị bắt quả tang.
Hai tuần. Ba tuần. Rồi bốn tuần. Tình
già bặt tăm. Bà buồn rười rượi. Đêm nào bà cũng thấy lòng mình trống quạnh.
Bà lật giở lại những lá thư của Tình già
gửi. Từ ngày có những lá thư ấy, thì những mẫu giấy của lão Nại cứ nằm im dưới
gối, kí ức của bà về lão cũng chìm trong giấc ngủ miên trường. Bà lo Tình già đau nhức ở chân. Bà sợ run rủi
của ý nghĩ bữa nọ, bà sẽ phải gặp mặt Tình
già ở thiên đường. Đầu óc bà bùng nhùng đủ thứ ý nghĩ không tài nào dứt ra
được. Bà buồn tình, cả ngày cứ dáo mắt ra đầu ngõ. Bà quẩn quanh ở thêm nhà, hết
ngó mặt trời mọc, lại trông mặt trời lặn. Hết ngày, Tình già vẫn bặt vô âm tín.
Hôm nay là ngày giỗ của lão Nại, con dâu bà đã tất bật dậy đồ xôi từ sớm.
Lúc chuông điện thoại reo, chị bế thốc thằng cu Khoai vào nghe máy. Hai mẹ con
ríu rít nói chuyện với con trai bà. Bà chả buồn để ý. Nỗi nhớ Tình già cứ xoắn xít lấy tâm trí khiến
bà chả thiết nghĩ về điều gì nữa.
Bữa cơm trưa nay bà ăn cũng chẳng thấy ngon. Cô con dâu đùa cợt:
- Cu
Khoai sắp có ông rồi nhé. Cu Khoai thích có ông không?
Cu Khoai chỉ tay lên bàn thờ. Bà đưa mắt theo. Nén nhang cháy còn chưa hết.
Đốm lửa còn lập lòe hình vòng cung. Ánh mắt lão Nại vẫn nhìn bà hiền như đất.
Trưa đó, bà dùng hết can đảm tìm đến Tình
già. Cánh cổng nhà đóng chặt. Thằng bé loắt choắt chừng chín mười tuổi ngồi
nghịch cát ngay đầu cổng.
- Ừ,
ông cháu có nhà không?
- Ông
cháu đau chân, nằm ở trạm xá mấy hôm rồi ạ.
Hóa ra Tình già
còn có cháu. Tình già đau chân, đi sao lên tận bưu điện mà gửi thư được?
Không lẽ…
- Cháu
đã lên bưu điện gửi thư lần nào chưa?
- Dạ, dạo
trước cháu đi suốt. Cháu còn viết thư hộ ông nữa.
Bà thở phào, cười
hỏn hẻn, móc trong túi áo mấy cái kẹo dồi:
Bà về nhà, khăn
áo chỉn chu, tươm tất, xách theo nải chuối lên trạm xá thăm Tình già. Thấy bà, Tình già vội nhổm người dậy, miệng ấm ớ, thẹn thùng. Sự ngượng
ngùng của bà bỗng bay đi đâu mất.
- Quỷ sứ,
đau ốm mà không báo tôi một tiếng.
- Mấy
tuần qua làm tôi chờ mãi, nóng hết cả ruột.
Tình già bẽn lẽn, đỏ mặt. Tình già ngoan
ngoãn như đứa trẻ để bà xoa bóp chân.
Dương Hằng (Hà Nội)
Truyện dễ thương, mang đậm tính nhân văn!
Trả lờiXóaCon viết hay lắm. Cứ vậy tiến lên mãi nha. Cô rất quý mến con.
Trả lờiXóaCon cảm ơn cô Mây và TRần Thủy ạ.
Trả lờiXóaWow tác giả tuy chỉ mới 20 tuổi mà đã viết truyện thật hay... Tôi thích nhất là tác giả đã dùng những lời văn của những năm trước 75 khi tôi còn ở VN, nên khi đọc tôi đã không bị lựng khựng vì những chữ mới mà người VIệt dùng sau nầy... Cám ơn tác giả!
Trả lờiXóaCảm ơn wowang ạ. Lời khen này là một khich lệ lớn ạ.
Trả lờiXóa