Đã từ lâu chị đặt cho mình
một hạn định: chờ chồng tới 22 giờ. Sau 22 giờ đó thì không chờ nữa vì biết
rằng anh sẽ không về. Ý nghĩa chờ nó nhiều công dụng lắm. Chờ để được nghe
tiếng máy xe, tiếng bước chân anh, để biết rằng anh vẫn bình an sau một ngày
vật lộn với công việc, đường xá và bia bọt. Chờ để nghe hơi ấm của người đàn
ông trong nhà và chờ để nghe tiếng thủ thỉ bên gối, tiếng thở tình yêu.
Nhưng lâu rồi anh không về
nhà trước 22 giờ. Lâu rồi là bao lâu? Hình như là từ khi chiếc bụng bầu của chị
tròn 5 tháng. Từ đó về sau anh thường về trễ. Dạo trước khi chị sinh thì bảo
phải làm thêm mới có nhiều tiền cho con có cuộc sống đầy đủ. Dạo sau khi chị mới
sinh thì anh bảo, tiếng trẻ con khóc, mùi phân sữa, mùi tả lót, nước tè… làm
anh mất ngủ, không tập trung làm việc được. Khi con tròn 3 tháng anh vẫn không
về nhà trước 22 giờ, bảo rằng phải làm thêm để có tiền mua sữa. Mà sữa xứ ta ấy
à? Trăm nghìn hồng, tía, vàng, xanh, đỏ, đen, nâu, xám… cứ như là lạc vào ma
trận. Bởi vậy nên phải làm nhiều mới đủ tiền mà mua sữa ngoại “cho an toàn”. Ấy
là chưa kể giá sữa cứ nhấp nhổm, dục dặc, vật vã lên lên xuống xuống như giá
người anh em xăng dầu, điện đóm… không biết đâu mà lần.
Chị làm ở một doanh nghiệp tư
nhân, bộ phận khách hàng nên lương bổng cũng khá. Nhất là khi “mai mối” được
khách ký hợp đồng dài hạn. Sinh con, được nghỉ hộ sản 4 tháng nguyên lương
nhưng không gần nội ngoại nên con tròn 4 tháng vẫn chưa biết làm sao. Gửi nhà
trẻ thì anh bảo, hàng ngày, hàng tuần cứ nghe chuyện bảo mẫu nhét trẻ vào thang
cuốn, vào máy giặt, lấy băng keo bịt miệng… là mất cả hồn. Em làm lương bao
nhiêu, có bù đủ các xây xướt cho con không? Hay là lỡ nghe tin con như vậy, em
chết ngất đi chứ chẳng chơi? Cứ ở nhà chăm con là thượng sách! Ba con người bám
vào đầu lương của anh, bởi vậy anh phải cố đi làm, sao mà về trước 22 giờ được?
Con tròn thôi nôi anh vẫn
không về trước 22 giờ. Anh bảo, cả năm nay thức riết quen rồi, có về cũng chẳng
ngủ được sớm. Cứ lục đục rồi tốn điện, tốn nước, tốn mì gói, tốn tiền intenet.
Thôi thì cứ ở lại cơ quan, “của chùa” ấy mà, ngại gì tốn. Căn nhà bốn mươi mét
vuông mà thênh thang và cao vợi như Kim tự tháp. Mà so sánh như vậy cũng không
ngoa vì ngoài độ vắng, nhà còn quá cao bởi những mạng nhện, lỗ dột, dây điện
bong tróc mà người đàn bà có con mươi tháng không leo trèo sửa sang được.
Mâm cơm lâu rồi cũng chỉ một
người ăn. À không… hai người chứ! Tay phải đứa trẻ nằm nghiêng đầu ngủ, tay
trái vênh vênh chị múc cơm ăn. A… lại một phát hiện mới, lâu rồi chị không dùng
đũa, không ăn cơm quá hai món. Vì đơn giản anh không ăn cơm nhà, có chừa phần
cũng thừa vào hôm sau. Vậy thì cứ món hầm cho con có sữa bú, món mặn cho mẹ dễ
nuốt cơm là xong. Có khi con khóc quá thì nấu đại nồi canh xương rót nước mắm
dằm trái ớt cũng rồi. Anh bảo “Em cứ tự nhiên ăn nhé! Anh về sau 22 giờ đã mệt
lắm rồi, còn cơm nước gì nữa, chỉ mong kiếm một chỗ nằm”. Chồng chị bảo và xách
gối ra phòng khách. Hai giờ sáng lò dò chị dậy vẫn còn thấy truyền hình bám những xửng bột bán trắng- xám nhảy lung tung.
Nhưng cũng có khi anh không
về. Giọng a lô lè nhè “Đi tiếp khách với sếp về mệt quá! Về ngay nhà thì được
rồi. Nhưng lại sợ đường sá bất cẩn, có bề nào ai lo cho hai mẹ con? Thôi anh ở
lại cơ quan nhé! Mà em cũng đâu muốn anh về để bị tai nạn đúng không?”. Giữa
hai vế: buột chồng về nhà và đường về có thể bị tai nạn xe cộ thì không người
vợ nào lại chọn phương án thứ nhất.
Con 18 tháng anh bắt đầu về
nhà lúc 22 giờ. Chạm mốc chờ đợi đầy niềm vui của chị. Lăng xăng đi hâm thức
ăn, lăng xăng dọn bàn, ý nhị chưng thêm một cành hoa hồng. Ái chà chà… tiệc nửa
đêm mà có hoa thì lãng mãn quá rồi. Nhưng hình như anh không quan tâm, qua quít
chấm đũa hoặc ngồi nhìn vợ ăn. Mà chị ăn rất thật lòng, vì đói. Do chờ chồng.
“Ái chà… anh mà ăn thì không chừng em không đủ phần ấy chứ?”. Anh cười. Làm sao
anh biết được. Là chị sợ bỏ phí tới ngày mai sẽ ôi thiu. Tất cả là mồ hôi, công
sức lao động của anh mà. Anh uể oải lên giường, nhanh chóng trùm mền và không
lâu sao bắt đầu “kéo bể”.
Sau bao nhiêu đêm mới được
nằm bên người chồng thương yêu nhưng sao chị không ngủ được. Thời gian trước,
chị ước chỉ cần anh về sớm, chịu khó lên giường nằm chung với hai mẹ con thôi,
thì chị sẽ ôm tấm lưng anh là sẽ ngủ ngon lành. Chị định xin anh tiền sắm một chiếc
giường khác cho con ngủ, đặt cạnh giường hai vợ chồng nhưng sẽ không làm phiền
vợ chồng một chút nào. Vậy mà bây giờ, nằm với mùi mồ hôi quen thuộc, tấm lưng
trần quen thuộc… nhưng chị lại mất ngủ.
Khẽ nhích đứa con về cuối giường để mùi nước
tè của nó không làm chồng phiền lòng, chị lần dò dưới gối lấy lọ nước hoa nhỏ
bằng ngón tay len lén bôi vào cổ, vào dưới cánh tay… Đêm qua nhanh.
Nhưng không phải lúc nào anh
cũng về lúc 22 giờ. Có khi về lúc trời chập choạng, nghĩa là cơm nước chị nấu
chưa xong, con chị chưa dỗ ngủ xong. Anh làu bàu: giờ này ở cơ quan, anh đã kêu
cơm phần, đầy đủ mọi thứ, ăn xong có người dẹp, mình chỉ việc trải ghế xếp, bỏ
laptop lên bụng là tha hồ biết hết hang cùng ngõ hẹp của thế giới 24 giờ qua.
Còn về nhà chán thật! Này… này… em có thể biểu nó đừng khóc nữa không? Nhức đầu
quá!
Chị một mình làm cơm, dọn
cơm, dỗ con ngủ. Anh ăn qua quít, không nhận ra đấy là món gì, gạt chén xong
thì “ngồi thiền” với máy vi tính. Đứa con giật mình khóc thét trong giường. Chị
lao vào. Tay chưa rửa sạch mùi nước mắm.
Hình như là 22 giờ. Tiếng
chuông đồng hồ “hai con ngựa” vang hai âm thanh cuối lớn hơn những âm thanh
đầu. Loại đồng hồ này lạ vậy đó, tiếng lẻ, giờ lẻ nó rống lớn hơn mức bình
thường. Chị lơ mơ thức ngủ. Anh vào giường tự lúc nào, rứt miệng đứa con khỏi
vú mẹ. Chiếc miệng bé bé hồng hồng chới với loay xoay tìm niềm yên tâm của nó.
Chị vục đầu con vào nách mình trong lơ mơ nhưng cũng đủ hiểu mình vừa làm mẹ,
vừa phải làm vợ. Nhưng không có chút thủ thỉ yêu thương, không màu mè đầu cuối.
Vùng thiêng liêng của chị
nhòe nhoẹt ướt và ngứa râm ran. Bên cạnh chồng chị đã ngủ vùi. Hình như anh
chưa rửa tay sau nhiều giờ clik chuột.
Sau bao nhiêu thời gian chờ
đợi, chị bỗng ngại cột mốc 22 giờ.
Đào Phạm Thuỳ Trang (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét