Cây bút trẻ Nguyễn Nga
Sinh năm 1988
Nguyên quán Hà Tĩnh
Công việc: Viết kịch bản phim, viết báo tự do.
Hiện đang sống và làm việc tại TP. HCM
Ngày
nhỏ tôi chỉ ao ước lớn thật nhanh để đi ra khỏi nhà. Nhà khái niệm của tuổi thơ
là nơi ngột ngạt, bức bối, nhốt trọn thế giới tưởng tượng trong bốn bức vách
tre nứa, mốc meo, mục ruỗng. Nhà của tuổi thơ là nơi hai người quản giáo khó tính,
canh me chửi bới và đòn roi. Và tuổi thơ chỉ thích nhà là khoảng diện tích mênh
mông, không một con mắt tọc mạch nào ngó nhìn để cái tôi con trẻ được tự do
chạy nhảy tung tăng, khám phá vô vàn những điều thú vị.
Khi
lớn lên, ước mơ rời khỏi nhà đã toại nguyện nhưng cảm giác tìm chốn bình yên
như Nhà ngày nhỏ lại không còn. Với người yêu, nhắn tin báo “em vừa về tới nhà
trọ”, với bạn bè “ở trọ chật chội nóng bức quá”, với đồng nghiệp “đường về nhà
trọ cũng không xa”… Tuyệt nhiên không bao giờ có một chữ Nhà nguyên vẹn, đứng
một mình.
Hơn
10 năm ở Sài Gòn, không nhớ hết đã bao lần chuyển nhà trọ. Có những con người
từng gắn bó, ăn ở, ngủ nghỉ, đi vệ sinh chung một chỗ, trò chuyện, cười nói vui
vẻ như những tri kỷ thật sự nhưng sau khi dọn khỏi cái nơi ở tạm bợ ấy, bỗng
chốc thành xa lạ. Có khi cả đời cũng không gặp lại họ. Mà nếu có gặp lại tình
cờ ở đâu đó, người ta lại ngớ người ra, gõ ngón tay vào đầu như thao tác gõ lên
bàn phím, tra cái ổ cứng nhét đầy dữ liệu để tìm xem người này ta đã quen ở
đâu?
Từ
nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp, chật chội đến những căn phòng rộng rãi, thênh thang,
ngăn nắp, sạch sẽ… tất cả tôi đều trải qua. Ở chung nên cũng có cơ hội tiếp
xúc, gặp gỡ với bao nhiêu con người mà cá tính thì mỗi người một nết, không ai
giống ai. Cả những người chủ nhà dễ tính và khó tính. Dù nói ra hay im lặng thì
điều mà họ quan tâm nhất vẫn là việc hằng tháng ta đóng tiền nhà đều đặn cho
họ. Bao nhiêu lần phải nghe theo lời mẹ dặn, kìm nén cái Tôi xuống để chung
sống hòa hợp với mọi người. Thế mới biết chẳng đâu bằng ở nhà, có thể thoải
mải, ngủ nghỉ, nói năng mà không sợ mất lòng. Vì cha mẹ chẳng bao giờ chấp nhặt,
bắt bẻ hay để bụng con cái cũng chẳng trông mong ta đóng khoản tiền nhà.
Nhưng
ở đời, con người không dễ gì chung sống với nhau hài hòa, thân thiện. Đôi khi
biết đời ở trọ là mối quan hệ của những người bạn đơn giản chỉ quá giang nhau
một đoạn đường. Mấy ai cho rằng đoạn đường gắn bó ấy là ngắn ngủi, họ vẫn thích
toan tính vụn vặt, tủn mủn, để những ích kỷ, so đo đẩy người ta xa nhau hơn.
Đôi lần tôi tự hỏi, cuộc sống rất ngắn và kiếp trọ chung càng ngắn hơn, sao
không thể chung sống với nhau bình yên, hòa thuận, nhường nhịn? Nhưng bạn tôi lại
bảo con người thì phải sân si. Có sân si mới là Người, là Đời. Và đôi lần chính
tôi cũng thấy mình sân si với đời, với người. Để cuối cùng ta nhận ra một sự
thật, con người vẫn hay phụ bạc, xấu tính với nhau ngay cả khi ở gần nhau nhất.
Chợt nhận ra lâu rồi ta như những con ốc thò ra thụt vào trong chính cái vỏ giả
tạo, để đổi lấy nụ cười, sự thân thiện cũng giả lả. Còn đâu là một căn nhà đúng
nghĩa mà nơi đó, con người tự thân được phô diễn những sở thích, cá tính của
bản thân.
Khoảng
thời gian ở trọ đã cho tôi hiểu được giá trị của chữ Nhà. Khái niệm Nhà cũng
thay đổi theo thời gian. Với tôi, bây giờ nhà đơn giản chỉ là một nơi người ta
thấy tự do bộc lộ cái Tôi, được sống thật với chính mình, có tiếng nói riêng và
chính kiến riêng. Dù nơi ở ấy có thể chật chội, nhỏ bé, không có đầy đủ tiện nghi
nhưng ở đó ta có một tâm hồn tự do hoàn toàn. Chưa
bao giờ lại thấy nhớ Nhà da diết như lúc này. Ngôi nhà ván gỗ mộc mạc, nơi tuổi
thơ ta từng muốn chạy trốn thì nay lại muốn trở về. Vì ta biết, nơi đó mẹ và
cha luôn chờ đợi, chào đón ta nồng nhiệt nhất và cũng chẳng bao giờ quan tâm
trong túi ta có tiền hay không?
Nguyễn Nga (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét