Ở phố núi Pleiku, không biết từ bao giờ, hẹn gặp nhau tại quán cà phê để trò chuyện, tâm tình, đôi khi còn để bàn bạc, giải quyết công việc v.v… đã trở thành một thói quen. Tùy vào mục đích của cuộc hẹn mà chọn một nơi đến phù hợp hoặc có khi cũng chỉ do sở thích của từng người. Nói đến tên gọi để phân biệt quán này với quán kia, là cả một chuyện thú vị. Có lẽ không có loại quán xá nào mà tên quán có lắm sắc thái cảm xúc, nên thơ và lãng mạn như quán cà phê.
Từ trước năm 75, ở Pleiku có các quán nổi tiếng một thời như Dinh Điền, Văn, Băng, Nhớ, Thương, Bắc Hương... (là quán vừa bán cả kem ly, nơi từng xảy ra một chuyện tình được xem như Roméo và Juliette của Pleiku). Mỗi quán thường có một cô chủ rất duyên và rất xinh. Riêng quán Tay Trái do nhà thơ Kim Tuấn lập ra để làm nơi gặp gỡ giao lưu với văn nghệ sĩ Phố núi thời ấy. Trong số đó còn trụ lại được đến bây giờ chỉ còn có Thu Hà (vừa là nhà sản xuất, chế biến cà phê bột vừa bán cà phê ly rất đông khách quen) và Kim Liên (thích hợp cho những ai ưa tĩnh lặng để nghe nhạc cổ điển phương Tây hay nhạc tiền chiến).
Bây giờ, cùng với sự phát triển của “văn hóa cà phê” đã có hàng loạt những quán mới ra đời, nào là Giọt Đắng, Tâm Giao, Tri Âm (nơi gặp gỡ của những người Pleiku năm cũ), Không Gian, Phố Núi, Biển Hồ Xanh, Morning, Thiên Trúc, Hạ Trắng, Phương Nam, Hoàng Nhật, Hoàng Hà, Phong Lan, Không Tên (chắc chủ quán là một fan của Vũ Thành An)… ở rải rác trong thành phố. Riêng khu vực công viên hồ Diên Hồng có các quán nổi bật như Thủy Tạ, Hạ Vàng, Đen… bên cạnh một con đường tập trung nhiều quán cà phê đẹp nổi tiếng như Đùng Đình, Souvenir, Dáng Xưa, Nhạc Trịnh, Hoàng Lan, Chưa Đặt Tên (thế mà vẫn có tên- một cái tên đặc
biệt), Hình Như Là… (là gì ai mà hiểu được ), Pha Lê, CaRol…Ngoài ra, còn những quán “Trà Cung Đình” dĩ nhiên không thể thiếu cà phê. Có thể nói ở Pleiku ra ngõ là gặp quán cà phê!
Trên đây là những quán mà người viết có nghe nói tên, hoặc đã từng đến cùng bạn bè, người thân. Nói đến quán cà phê là nói đến “hương sắc”, tôi muốn nói “hương sắc” theo nghĩa lành mạnh chứ không biến tướng thành “cà phê ôm” như báo đài đã đưa tin. Vì thế, quán cà phê thường tuyển tiếp viên nữ trẻ, ngoại hình dễ nhìn. Vì các bạn trẻ nam thường đi quán uống cà phê, không chỉ nghiện cà phê ngon mà còn bị hút hồn bởi một bóng hồng nào đó. Trước 75, các cô chủ quán thường ngồi ở quầy thu ngân, tâm điểm của mọi ánh nhìn. Bây giờ, các cô tiếp viên lịch thiệp, trẻ xinh vẫn luôn hút khách. Trong các thứ nghiện, không ai do nghiện và “say” cà phê mà đập phá hay chửi bới ai bao giờ, nhưng biết đâu đằng sau đó không tiềm ẩn những cơn sóng ngầm (mà có vậy mới là cuộc đời!)
Nói đến quán cà phê còn phải nói đến không gian của quán. Đó là cách thiết kế, trang trí sao cho đẹp mắt, trang nhã, gây được ấn tượng, thu hút được khách lui tới không chỉ một lần. Ngoài đặc điểm chung của mọi quán cà phê theo tiêu chí như vừa nói, ở Pleiku còn có những đặc trưng riêng của những quán cà phê Phố núi. Đồi dốc nhấp nhô, chênh vênh lại chính là lợi thế để thiết kế thành những không gian độc đáo, tạo thành dòng suối hay thác nhỏ có nước chảy róc rách- tự nhiên hay nhân tạo, hoặc tạo thành các bậc thang dựa theo địa hình, gần gũi với nhà sàn của đồng bào thiểu số (cả nhà hàng ăn uống cũng có đặc điểm này).
Có những quán theo “trường phái ấn tượng” trang trí theo kiểu không làm sao mô tả cho người khác hiểu được.
Khi tìm đến quán cà phê là tìm đến một không gian riêng, với những câu chuyện cũng rất riêng. Nghe nhạc ở đây cũng rất khác với ở nhà vì có sự chia sẻ và đồng cảm với người đối ẩm và cả với người xung quanh, do đó cảm xúc và tâm trạng cũng rất khác. Từ một góc thân quen, ngắm nhìn từng giọt cà phê nhỏ giọt để thả hồn thư thái theo điệu nhạc dìu dịu êm êm trong một không gian trầm lắng… Vì thế, những quán cà phê có phong cách luôn để lại dấu ấn kỉ niệm trong tâm tưởng của nhiều người. Điều đó cắt nghĩa vì sao có những quán cà phê xưa, dù không đẹp và sang trọng như bây giờ nhưng nhiều người vẫn nhớ và nhắc mãi dù đang sống cách xa nửa vòng trái đất.
Có những người yêu Phố núi thiết tha- trong đó phải nói đến những
người sáng lập ra Website pleikucafe.com, đã yêu đến nao lòng không gian văn hóa cà phê Phố núi, bằng tất cả mọi cố gắng, đã tổ chức rất thành công một ĐÊM HỘI CÀ PHÊ 2010, thu hút gần chục ngàn người tham gia ở gần quãng trường Đại Đoàn Kết bây giờ, đông vui ngoài sức tưởng tượng, không kém gì Festival Cồng Chiêng Quốc Tế năm 2008; trong đó có các quán cà phê làm vai trò trung tâm, vừa bán cà phê vừa tài trợ cho việc tổ chức. Đêm hội đã gây được một tiếng vang lớn, tạo được một tiền lệ cho sau này.
Vào những ngày Tết, quán cà phê càng đông hơn lúc nào hết. Tôi và cô em cùng vài người bạn đi cà phê vào sáng mồng 4 Tết, khó khăn lắm mới tìm được một bàn trống. Điều đó càng chứng tỏ nét văn hóa đặc trưng nơi đây
“Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông” (*), với mùa mưa kéo dài đến 6 tháng trong năm, phải chăng vì thế mà đã có nhiều quán cà phê ra đời, nơi những con người tìm đến nhau trong cái se lạnh của những buổi sáng, buổi chiều mù sương hay mưa gió lướt thướt của cao nguyên?
Buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền
Có Biển Hồ nước trong, có lúc buồn soi mặt
Ôi mặt mình sao bỗng gớm ghê
Ôi đời mình sao nhìn muốn khóc!
(Buổi chiều ở Pleiku- Kim Tuấn)
Dòng chảy cuộc sống vẫn trôi đi, tuổi trẻ hôm nay đi cà phê cùng bạn bè hay người yêu không còn mang tâm trạng đầy ưu tư như Kim Tuấn vào đầu thập niên 60 trong những năm chiến tranh. Có nhiều người mang theo laptop hay iphone vô quán để lướt net…, người ta tìm đến quán cà phê để gặp gỡ, tâm tình, thư giãn…, nơi thời gian lắng đọng sau những lo toan vất vả của đời thường.
Tháng 2-2013
Nguyễn Đoan Tuyết (Pleiku)
(*) trích từ ca khúc CÒN MÔT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ, thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc 1970
" em pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông...". Đọc bài viết rất nhớ tây nguyên.
Trả lờiXóa"Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông", bài viết làm em cũng muốn tới Pleiku một lần cho biết, thật thơ mộng.
Trả lờiXóa