Cây bút trẻ Trần Thái Hưng, sinh năm 1990, quê ở Hải Phòng. Hiện đang là sinh viên, sắp ra trường. Có một số truyện ngắn đăng trên VNQĐ, Áo Trắng... và in chung trong một số tuyển tập truyện ngắn với các tác giả trẻ khác.
Nhà lạ lắm!
Tường nhà là hai cây cột bê tông rộng đến vài mét, trần nhà thì cong
cong gánh cả làn đường với những xe cộ chạy ầm ầm trên đó. Nhà? Chỗ chui ra
chui vào, che mưa che nắng, chỗ mà sau ngày mưu sinh mệt nhoài lăn kềnh ra ngủ,
dù kì quái thế nào vẫn gọi là nhà. Trong nhà có một cái chiếu rách, một cái
chăn rách, luẩn quẩn vài bộ quần áo rách, riêng có một con mèo thì được gọi là
mèo què. Con mèo ung dung gối đầu lên cánh tay của chủ nó, say sưa ngủ.
Cậu chủ của con mèo và những thứ rách rưới này đang vắt chân chữ ngũ,
thở ngắn thở dài, đăm chiêu suy nghĩ. Khuôn mặt vuông, đen sậm, đôi lông mày
rậm nheo nhíu liên hồi, đôi môi mấp ma mấp máy không biết đang cười hay đang
mếu nữa. Chỉ chắc một điều rằng tâm hồn đang lang thang về kí ức tuổi thơ buồn
thương, dữ dội… và đầy bất hạnh.
Nó tên là Kình. Bọn trẻ trong vùng quê nghèo gọi nó là “cá Kình”, sau vụ
ăn trộm ổi chưa từng có. Một đêm, nó một mình bơi qua sông năm lần, vặt trụi ba
cây ổi nhà lão Bạnh. Cái lão nổi tiếng kẹt sỉ, bủn xỉn, bạn của con lão vào
chơi vặt một quả ổi mà lão nhìn đay nghiến như kẻ thù. Nó ghét những loại người
như thế, trộm ổi cho bỏ tức, chứ nó chỉ ăn được mấy quả ổi còi trong cái bao bố
to tướng này. Hôm sau nó cho tụi trẻ chăn trâu ăn hết, cho cả thằng con lão
Bạnh vài quả… Lão Bạnh lên kế hoạch trả thù Kình một cách cay độc. Lão vu oan
cho Kình ăn trộm tiền nhà lão, bắt và đánh gãy chân trái của Kình. Mất hơn nửa
sào ruộng tiền thuốc thang chữa trị, chân của Kình không què hẳn mà hơi khuỳnh
ra, đi dặt dẹo. Kình hận lão lắm, nhưng đúng trời qủa báo, một năm sau lão bị
đau tim mà chết. Còn cái tật rong ruổi theo những bước chân của Kình vào đời
như thế.
Bố Kình mất khi nó lên năm. Mẹ Kình lam lũ nuôi nó ăn học. Khi Kình lên
mười hai, phổ cập xong tiểu học, biết đọc những con chữ thì mẹ nó cũng bỏ nó mà
đi. Kình bơ vơ, cảm thấy khó sống ở cái vùng quê cộc cằn sỏi đá này nên đã
quyết định lên thành phố kiếm sống. Ban đầu nó rửa bát thuê, làm đủ tiền sắm
một hộp đánh giày. Thế là lang thang đánh giày, tối về chui rúc trong cái nhà
gầm cầu ẩm thấp, đầy tăm tối. Hai năm, ba năm… rồi long đong đã sáu mùa nước
lũ.
*
Một tiếng động lạ, con mèo què kêu “khẹc khẹc” rồi cào sột soạt
xuống nền bằng cái chân trước duy nhất. Kình bật dậy, nó nhìn thấy một con
chuột to lù, xám mướt, nằm chỏng chơ gần đấy. Thứ của nợ này người ta đáp từ
trên cầu xuống đây mà. Kình hậm hực cầm con chuột chết ra bờ sông. Bỗng nhiên,
nó nhìn thấy một cô gái tóc tai lòa xòa đứng một mình ở bờ sông, đêm tối, nếu
là người nhát gan thì đã đinh ninh là cô hồn. Kình vứt cái “bụp” con chuột
xuống nước, trước mặt cô gái.
- Nè! Đêm hôm khuya khoắt, đứng một mình tính làm gì thế?
Cô gái giật mình quay lại tỏ vẻ rất tức giận:
- Kệ tôi! Việc ai người ấy làm! Đừng xen vào chuyện của tôi.
Kình cười nhăn nhở:
- Nếu định chết thì đi xa xa một chút! Mai lại nổi lềnh phềnh ra đấy
thối ai chịu được. Mà có nhất thiết phải cầm dép nhảy xuống sông như thế không?
Dép nổi mà!
Không nói lại, cô gái quăng đôi dép về phía Kình và nhảy tòm xuống sông.
Ai sẽ cứu? Tất nhiên là Kình rồi, bởi ngoài nó ra chẳng còn ma nào ở cái góc
tối này nữa. Cứu người có nhiều cách, nhưng không nhất thiết phải vội vàng nhảy
xuống sông làm ướt bộ quần áo. Kình bình tĩnh cởi quần, cởi áo, trần truồng tụt
xuống sông cứu người, tối thế này chẳng ngại gì trước một cô gái. Sở dĩ nó tự
tin đến thế là do chỗ cô gái vừa nhảy nông nhất khúc sông này, may thì hơn đầu
người một tí, chết được là cả một vấn đề. Cô gái được vớt lên ướt rượt, mặt
nhợt nhạt, vẫn sống, nhưng bất tỉnh do uống khối nước.
Sáng hôm sau, cô gái tỉnh dậy, ngơ ngác, choáng váng vì chưa chết, vì
khung cảnh rách rưới và vì mùi ẩm mốc, hôi rình xộc vào sống mũi. Cô nhìn thấy
quần áo mình vắt vẻo trên sợi dây phơi, người thì trùm bằng cái áo rộng thùng
thình, dài đến tận cái đùi thon. Cô vò đầu bứt tóc hét lên. Và khi Kình vừa thò
mặt vào thì bị quăng luôn cái dép vào mặt. Tiếng quát của cô gái bị nghẹn lại
bởi tiếng khóc:
- Đồ… đồ mất dạy… Sao không để chết luôn cho rồi!
Kình nhận cái dép đau sái mặt, nhăn nhó:
- Đã có ơn cứu lại còn không biết đường. Thích thì chết đi! Chết xong
thằng này lột trần truồng vứt ra giữa phố.
- Thằng lưu manh! Làm gì rồi hả... hả? - Cô gái túm lấy cổ áo Kình,
giằng đi giằng lại rồi gào khóc.
- Mới lột quần áo ngoài thôi. Mấy ả gái gọi ế khách gạ thằng này miễn
phí còn không thèm nữa là... Kình cười hợm hĩnh.
Cô gái ngồi lăn ra khóc lóc, muốn chết mà không chết được, trớ trêu lại
bị tay lưu manh quái đản này càn giỡn. Nước mắt cô rơi lã chã, ướt đẫm cả chiếc
áo bạc màu, rơi xuống cái chăn rách làm loang lổ những đốm mốc. Kình đưa một
cái bánh mì, một chai nước, vứt cho cô bộ quần áo để thay rồi ôm con mèo ra bờ
sông hóng gió. Thật ra, Kình cũng muốn mắng cho cô gái vài câu để tỉnh lại
nhưng khóc thút thít thế kia nói cũng bằng thừa, để cho khóc chán rồi tính.
Cô gái khóc nhiều, người hay khóc thường lắm nước mắt nhưng cũng có lúc
cạn hết. Đến khi hoàng hôn buông xuống thì nước mắt không còn rơi được nữa.
Kình lại gần chỗ cô gái, ngồi phịch xuống chiếu, chỗ rách to và lởm chởm
nhất. Nó nhìn thấy chai nước đã cạn phân nửa, cái bánh mì vẫn còn nguyên. Kình
đưa ra trước mặt cô gái một cặp dày giò rồi cầm cái bánh mì nhai ngấu nghiến.
Miệng nhồm nhoàm nói:
- Tiền cả đấy! Ăn đi… Sao phải chết?
Cô gái mặt rầu rĩ như đưa đám, giữ định kiến im lặng.
- Nhìn bộ cũng được học hành tử tế mà không biết nghĩ. Đau khổ tới đâu
mà phải chết? Có bằng thằng què này, không cha mẹ, không nhà không cửa, cù bất
cù bơ không? Có bằng con mèo què, còn háo sữa mẹ bị người ta vứt ra bãi rác
không? Có thì nói đi? - Kình nói một tràng, mặt nghiêm và nhăn lại như dọa trẻ
con.
Kình tiếp tục nói, khác hẳn cái vẻ lạnh lùng ngày thường của nó. Lạ
thật! Kẻ gàn đời lại đi giảng lí lẽ ở đời, thằng ít học lại phát ngôn ra những
câu mang tính chân lí thời đại. Không biết Kình học mót ở đâu những đạo lí cao
siêu như vậy.
Cô gái lắng nghe, những lời Kình nói có vẻ rất ngấm. Bất ngờ cô từ từ
bộc bạch những cảm xúc rối rắm trong lòng mình cho một chàng trai xa lạ như rất
đỗi gần gũi, thân quen.
Cô gái tên Hà, mười tám tuổi, nhà ở bên bên kia cầu. Bố Hà cặp bồ, mẹ Hà
mải làm, họ ly thân rồi ly dị. Ngày bố mẹ li dị gần ngày thi đại học khiến Hà
suy sụp. Cô là một học sinh luôn đứng tốp của trường về thành tích học tập
nhưng trượt đại học. Chán đời và tuyệt vọng xui rủi Hà ra bờ sông…
Khuya rồi, Hà muốn về nhà với mẹ. Kình đưa Hà về tận ngõ. Trước khi cô
vào nhà, Kình còn gọi với một câu, vẫn là cái giọng điệu trống không, dửng
dưng:
- Mạnh mẽ lên!
Kình lọ mọ trở về nhà, ngồi mỉm cười dựa lưng vào tường, bật cái đèn ắc
quy. Nó lấy cái gối tháo cái khăn quấn cũ mèm ra, bên trong là một quyển sách
dày nên gối đầu rất lí tưởng. Đó là một quyển sách ố vàng mà nó xin của bà Tư
buôn đồng nát khi đẩy xe qua cầu hộ bà ấy. Nó biết mặt chữ, mặc dù đọc đánh vần
mất nhiều thời gian nhưng lẩm nhẩm qua ngày rồi cũng hết. Lần đầu tiên nó đọc
chỉ hiểu hai ba phần nội dung, rồi vài lần như thế và bây giờ cũng ngấm nghĩa
được tám chín phần cuốn sách. Đọc sách này nhiều khiến nó nhìn đời khôn ra thì
phải.
Một cuốn sách vô số người đọc, từ những bậc vĩ nhân đầu đầy lí tưởng đến
những kẻ ăn mày đầu tủn mủn vài con chữ, đều phải thốt lên rằng “Hay - đọc
được- đáng đọc” thì đó là tuyệt tác. Đối với Kình, cuốn sách hơn cả tuyệt tác
ấy chứ. Cuốn sách cho nó thêm niềm tin và ý trí để vươn lên. Vừa nãy, Kình bắt
chước vài câu trong cuốn sách nói với Hà, có hiệu nghiệm rõ rệt: từ thích chết
chuyển sang thích sống; từ đau khổ, tuyệt vọng chuyển sang lạc quan, tin và hi
vọng.
Kình vẫn giữ tâm trạng thích thú, lâng lâng từ nãy đến giờ. Nó ôm con
mèo, ngả người ra ngủ, gối đầu lên “lí tưởng” và những giấc mơ đẹp.
*
Mất điện toàn khu vực, bóng tối mịt mùng lan tỏa trong các ngóc ngách
gầm cầu, bao trùm bờ sông, tối đen không gợn bóng nước. Kình mò về nhà với
những cái thở dài thườn thượt. Hôm nay mưa tầm tã cả ngày nó không đánh được
cái giày nào cả. May thay, nhặt được hai ngàn đồng ở bãi đậu xe, vớt vát thu
nhập, thu nhập không đủ để mua một ổ bánh mì. Chiều tối nó phải la cà mấy hàng
ăn xin ít cơm thừa về cho mèo, nhiều khi tiện, người ăn luôn.
Bật đèn, cái đèn sắp hết điện leo lét như sao mờ. Kình đổ cơm ra bát cho
mèo một ít còn lại vào bát của nó. Con mèo què liếm láp từng hột cơm, còn Kình
và lấy và để, một chốc đã no ve.
Kình dựa lưng vào góc tường cho đỡ mỏi thì nhìn thấy một cái túi nhỏ
nhắn mắc vào chiếc đinh trên cao. Nó hồi hộp mở ra xem, bên trong là: Một chiếc
mũ lưỡi trai, một hộp sữa tươi, một cái bánh trứng và một cái thiếp nhỏ. Trên
thiếp có dòng chữ “cảm ơn nhé”. Kình mỉm cười nghĩ đến cô gái “thích chết” hôm
kia. Bụng nó no nhưng vẫn ăn được hết cái bánh trứng và cầm hộp sữa mút sùn
sụt. Con mèo ăn xong thì Kình đã lăn ra ngủ, đầu vẫn đội cái mũ mới, miệng nở
một nụ cười tươi sáng...
*
Hè lại về, rộn ràng những tiếng ve, xao xuyến hàng cây và đượm nồng màu
nắng. Mùa hè đầy lãng mạn với những cơn mưa tình yêu chợt đến chợt đi. Mùa hè
đẹp và đầy ý nghĩa đối với mấy cô cậu học trò, sinh viên được về quê sum họp,
nghỉ mát cùng gia đình… Đối với một số người mùa hè được hiểu theo một cách
khác.
Đối với Kình mà nói, nó ghét mùa hè thậm tệ. Mùa gì mà nắng ong oang vỡ
đầu, mưa thối đất thối cát, lại còn toàn những thứ rắc rối ở trên trời rơi
xuống. Mùa hè là mùa Kình phải khó khăn chạy vạy nhiều nhất. Nhớ những trận mưa
to, nước lũ dâng mấp mé và tràn qua bờ sông, nước lênh láng khắp nhà nó. Những
hôm bão to, nước lụt, Kình phải chạy đi xin xỏ ở nhờ trạm y tế phường vài ngày;
xin chỗ này không được thì đi xin chỗ khác, miễn là phải có chỗ trú thân.
Nước rút thì một nạn khổ sở khác không kém là ruồi muỗi, chúng đông đúc
và dày đặc như tấm màn đan vào bóng tối. Cảm giác chỉ cần một cái búng tay vô
tình vào khoảng không thì sẽ gây trọng thương, đột tử vài con. Những hôm đó,
Kình phải xin vôi về rắc, xin mùn cưa về hun thì may mới ngủ được.
Mùa hè là mùa Kình hay ốm nhất . Mùa thì ốm lơ ốm lửng, mùa thì ốm lay
ốm lắt nhưng nó vẫn gượng đi làm đều đều được. Sức chịu đau mỏi của Kình giống
như khả năng lặn dưới nước của nó vậy, bền bỉ một cách khác thường.
Nhưng hè năm nay, Kình gục hẳn bởi một trận sốt rét. Chân tay rã rời, nó
nằm bẹp hai ngày không dậy được. Kình mệt không buồn ăn. Nó chỉ thương con mèo
hai ngày không được ăn. Tội nghiệp con mèo!
Con mèo, một người bạn luôn thầm lặng, không bao giờ đòi hỏi, giận dỗi,
có ăn hay không nó vẫn gối đầu lim dim ngủ trên cánh tay của Kình. Bộ lông màu
tro luôn sưởi ấm tâm hồn Kình lúc lạnh lẽo nhất.
Ai sẽ xin ăn cho con mèo yêu quý đây? Hay cả hai sẽ chết trong thinh
lặng?
Kình nhớ lại những ngày đầu lên thành phố. Nó ở chung gầm cầu với thằng
Ca, đồng hương. Thằng Ca mải mê sa đọa vào cái chết trắng. Cách thằng Ca chết
thật thê thảm, dữ dội. Thằng Ca trích thuốc bị sốc, quằn quại, sùi bọt mép như
chó dại rồi chết. Kình không có tiền mua quan tài để chôn thằng Ca. Đầu tiên nó
nghĩ quẳng cái xác xuống sông nhưng sợ rằng vài hôm sau sẽ thối nồng nặc cả
khúc sông này mất, thịt người thối ghê gớm mà ám mùi cái gầm cầu này phải hàng
tuần mới hết. May thay, lúc đó nó sáng suốt đi gọi chính quyền địa phương vào
chôn cất hộ. Nghĩ đến cái chết của thằng Ca mà rùng cả mình.
Kình chết, ai sẽ gọi báo tin? Con mèo ư? Con mèo sẽ cùng chết… nên không
thể báo tin được.
Hà xách túi có mấy quả xoài xanh mỉm cười bước về gầm cầu. Cô giật mình
và bàng hoàng hoảng sợ khi thấy Kình nằm đó mặt hốc hác, tím xanh, chân tay khô
khốc. Vẫn còn thở! Cô vội vã chạy kêu người đưa Kình đi bệnh viện... Bệnh viện
phường lắc đầu chuyển lên quận, từ quận chuyển lên bệnh viện thành phố.
Trong thời gian Kình hôn mê, Hà luôn ở bên giường bệnh, thì thầm động
viên, an ủi, chia sẻ những buồn vui. Mẹ Hà làm bác sĩ trong bệnh viện này, bà
dốc sức chăm sóc, tận tình cứu chữa cho Kình để đền đáp ân nhân - người đã cứu
sống con gái bà. Sống trong tình thương và đùm bọc của hai người phụ nữ, sức
sống trong con người Kình đang mạnh mẽ lên từng ngày, cái chết không còn đe dọa
được nó nữa.
Sau những ngày mưa tầm tã, những tia nắng đầu tiên chiếu qua khe cửa.
Ánh sáng như một phương thuốc thần kì đánh thức Kình tỉnh lại. Kình nhìn thấy
hai người phụ nữ bên cạnh nó, cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ. Câu đầu tiên nó
nói sau một tháng chìm trong bệnh tật, rất đặc biệt:
- Con... con … mèooo đâu rồi!
Hà mừng quá, mắt ngấn lệ:
- Tỉnh lại là tốt rồi! Con mèo tớ đem về
nuôi rồi, béo lên nửa cân! Cậu cứ yên tâm nghỉ ngơi.
Kình nhẹ nhõm, nó nhắm mắt lại cảm nhận
từng dòng nhựa sống đang chảy trong huyết mạch, hồi sinh thân xác úa tàn... Rồi
mai thức giấc trời lại sáng và đẹp làm sao.
Kình khỏi bệnh và trở lại gầm cầu cùng
với con mèo thân thuộc. Mẹ Hà có ý định xin cho Kình làm chân trông xe bệnh
viện. Nhưng Kình không nhận, nó quá quen với ánh mắt hắt hủi khi người ta nhìn
thấy những bước chân cao thấp của nó. Kình muốn tự tồn tại, vươn lên bằng khả
năng của bản thân. Kình cảm thấy vui và hạnh phúc khi cuộc đời nó lại có thêm
một người bạn, một người cô quan tâm, yêu thương nó chân thành. Những tình cảm
họ dành cho Kình đã thắp sáng lên hai chữ “ tình thân” vốn là dĩ vãng trong
lòng nó.
Sau đợt chết đi sống lại đó, con người
Kình thay đổi rất nhiều. Ý chí mạnh mẽ, kiên định hơn, ước mơ và lí tưởng cũng
lớn lao hơn. Kình muốn thoát khỏi góc tối này, đạp lên những bần cùng, đói khổ
để ngẩng đầu mà sống.
Có điều...
Con người luôn mạnh mẽ vươn lên, nhưng
nhiều khi số phận thích an bài điểm đến và điểm dừng một cách vô tình... Lí
tưởng của họ vẫn được thực hiện, lại đi theo một hướng khác...
*
Bờ sông vốn bình lặng hôm nay nháo nhác
những người là người, xúm đen xúm đỏ. Người ta xì xào về một vụ lật thuyền của
hai đứa trẻ, được cứu bởi thằng đánh giày, sống ở gầm cầu này. Nhân vật trong
câu chuyện chính là Kình, đang nằm bất tỉnh giữa đám người đấy. Máu từ cạnh
sườn trào ra ướt đẫm tấm vải buộc, nhỏ giọt xuống nền đất thẫm máu. Người ta
đợi xe cấp cứu, hẹn là ba phút nữa tới mà gần mười phút rồi chưa thấy đâu. Ai
cũng sốt ruột và lo lắng cho Kình, không biết nó có trụ được nữa không.
Cách đây hai mươi phút, Kình còn ngồi
vắt vẻo bờ sông, trêu hai thằng bé đang chèo thuyền mang phao đi tập bơi. Do
mải đùa nghịch nên thuyền bị lật, tội nghiệp, người một nơi phao một nẻo, hai
thằng giẫy giụa giữa dòng nước đỏ đục phù sa. Kình lao đến cứu, bơi với tốc độ
nhanh nhất. Nó túm được một thằng, vứt lên cái phao, bảo ôm chặt. Kình quay lại
chỗ thằng bé còn lại, thì không thấy đâu, chắc là bị chìm xuống rồi. Nó lặn
đuổi theo, chạm tới tận đáy, mò mẫm và bắt được tay thằng bé. Nhưng do quá mải
mê lặn, Kình bị cái mỏ neo sắt hoen rỉ dưới lòng sông đâm vào cạnh sườn. Nó
choáng váng, cố dùng hết sức lực để đẩy thằng bé lên mặt nước. Kình và hai
thằng bé được người trên thuyền đánh cá kéo lên. Thằng bé bị chìm được hô hấp
nhân tạo kịp thời nên vẫn sống, còn Kình bất tỉnh ngay khi thằng bé tỉnh lại.
Lúc này, Kình đang ở một thế giới hỗn
mang, ranh giới của sự sống và cái chết. Mẹ Kình thường kể rằng: Người nào sắp
chết sẽ thấy một con đò lai vãng, không người lái, chỉ cần đặt chân lên con đò
là đi vào cõi chết. Kình đang nhìn thấy một con đò như thế, ảm đạm, không màu.
Bên bờ sông bên kia thì đầy ánh sáng, màu sắc; bố mẹ đang vẫy tay gọi nó. Kình
muốn chạy thật nhanh, bước lên đò, qua sông và ôm chầm lấy bố mẹ. Một luồng ý
nghĩ như điện xẹt qua, khiến nó do dự. Nó lùi lại… lùi lại...
Kình gắng gượng nâng đôi hàng mi nặng
trĩu lên, thu hình ảnh những con người quanh nó vào trong mắt, mong thấy một
gương mặt thân thuộc, để nói lời cuối cùng. Và nó nhìn thấy Hà, cô vừa chen
được qua đám đông, trên tay cầm tờ giấy báo trúng tuyển đại học. Hà òa khóc.
Kình thương mến nhìn Hà, dùng hơi sức tàn và hơi thở cuối cùng để nói lên lời
trăng trối:
- Con mèooo... cuốn... sách!
Đôi hàng mi đã sụp xuống và không bao
giờ mở ra nữa.
Từ thân xác nằm đó một linh hồn lặng lẽ
bước ra, tựa mơ hồ như cơn gió.
Lặng lẽ vuốt nhẹ làn tóc mây và lau
những giọt nước mắt đang rơi của người con gái.
Lặng lẽ nhìn ngôi nhà gầm cầu quen
thuộc.
Lặng lẽ âu yếm con mèo đang buồn thiu
đợi chủ.
Lặng lẽ mỉm cười... rồi tan vào hư vô.
*
Hoàng hôn, nắng chiều hoang hoải đổ
xuống dòng sông đỏ lặng phù sa. Gió mơn man theo những con sóng rồi cũng tan đi
vô định. Hà trầm lặng ngồi bên bờ sông, gió làm vương những sợi tóc mai lên
khuôn mặt ưu tư, sầu não. Con mèo lim dim ngủ trong lòng cô, cuốn sách thì bình
lặng trên tay cô. Hà đang đọc sách, không giở trang vì trang bìa đã làm cô rơi
bao nước mắt.
Trên trang bìa, ngoài dòng chữ in đậm “Thép
đã tôi thế đấy” còn những dòng chữ nguệch ngoạc, run run của người đã từng
sở hữu cuốn sách.
“Tuần sau là giỗ mẹ rồi. Bệnh nhiều
quá, hết tiền bắt xe về quê. Muốn về thăm bố mẹ lắm, biết làm sao đây”
“Paven và Tonhia yêu nhau nhưng không
đến được với nhau vì họ không cùng đẳng cấp, lối sống. Tiếc thật! Hà không biết
có đẹp bằng Tonhia không nhỉ, tự nhiên thấy nhớ. Nghĩ nhiều mụ cả đầu.”
“Câu này đọc mãi không chán, viết lên
bìa cho dễ nhớ: Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống
có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống
hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi
nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến
dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài
người. Mình cũng muốn thoát ra khỏi cái góc tối này. Từ mai sẽ để dành tiền
đi học nghề, hi vọng đừng ốm nữa.”
…
Mặt trời lẳng lặng chìm xuống lòng sông
lúc nào không hay, để lại dư âm trên đám mây hồng e ấp phía chân trời xa xa.
Ánh sáng nhân gian dịu dàng chùng xuống, len lấn vào đó là không khí ảm đạm của
đêm tối.
Hà sực tỉnh. Cô ôm con mèo và cuốn sách
lững thững đi về; về với người mẹ đang ngóng mong cô bên bữa cơm chiều, về với
sự yêu thương đùm bọc, về với những lí tưởng cao đẹp. Về thôi!
Lung linh dưới ánh đèn thành phố, một
đám lục bình lênh đênh từ miền quê nghèo lam lũ đã trôi dạt vào bờ, mang theo
những âm hưởng cuộc sống.
Trần Thái Hưng (Hải Phòng)
Truyện hay, rất ý nghĩa, thật xúc động trước những mảnh đời bất hạnh nhưng luôn có ý chí vươn lên mạnh mẽ.
Trả lờiXóatruyện mang tính nhân bản rất cao.
Trả lờiXóa