Mặt
trời đã khuất dần ở phía đồi xa, phản chiếu lại không gian một màu đỏ ối. Gió
chiều nay cứ hiu hiu thổi làm cát bụi trên con đường đất đỏ trước nhà trọ cuốn
lên mù mịt. Trí sốt ruột đi ra đi vô miệng cằn nhằn thằng Phúc: “Sao giờ này
mà nó vẫn chưa về, cái thằng xưa nay có bao giờ chậm trễ đâu, hay là có chuyện
gì không hay đến với nó?”. Đang lúi húi bỏ mớ đồ nghề vào ba lô, thấy thằng Trí
đứng ngồi không yên một cách khác thường, tôi lên tiếng: “Sao hôm nay mày quan
tâm đến thằng Phúc dữ vậy? Thì sớm muộn gì nó cũng về nhà trọ ngủ mà! thằng này
xưa nay coi nhà trọ như chỗ qua đêm mày không biết sao?” Trí không nói gì bước
ra phía trước nhà đứng chống nạnh nhìn con đường dài thăm thẳm trước mặt, dáng
nó cao to vậy mà chợt mềm ra trong tiếng thở dài thườn thượt. Rồi nó nói với
tôi: “Mầy sao vô tâm với bạn bè quá, dầu gì thì ba đứa cũng đã ở chung phòng
trọ mấy năm nay rồi. Giờ này mà nó chưa về thì ít ra mình cũng quan tâm một
chút chứ!”. Nghe Trí nói vậy tôi quay mặt ra sau cười mỉa mai: “Quan tâm cái
con khỉ khô gì, cái thằng mặt lúc nào cũng hầm hầm như mặt gà mái, tánh tình
thì cộc như chó dại tháng ba, chính mầy có khi cũng công nhận như vậy mà.”. Trí
lẳng lặng quay vào trong bắc nồi cơm xuống bếp, rồi thở dài nói với tôi giọng
buồn buồn: “Thì tao cũng đâu có chối là có lúc tao nói xấu thằng Phúc trước
mặt mầy, nhưng bây giờ tao chỉ thấy buồn vì chỉ còn đêm nay nữa thôi là tụi
mình mỗi đứa một nơi rồi, không biết chừng nào mới gặp lại!”. Nghe Trí nói vậy
tôi bật cười thật lớn: “Tưởng chuyện gì lớn lao, ai dè chuyện ba thằng con
trai chia tay nhau là hết sức bình thường mắc mớ gì phải quan tâm.”. Nói rồi
tôi bước ra gốc bằng lăng phía trước nhà. Nhìn khói thuốc quyện vào gió chiều
lãng đãng, tiếng con mển tao tác lạc bầy ở phía rừng xa làm cho lòng tôi chùng
xuống. Chỉ thoáng một chút suy tư thôi, chứ thực ra trước giờ chia tay tôi
không có biểu hiện gì của sự xao động. Chắc tại xưa nay tôi vốn là người khô
khan tình cảm, không ưa những chuyện uỷ mị, sướt mướt. Cả quãng đời làm thợ hồ
tôi chỉ quen với gạch đá xi măng, bên tai tôi lúc nào cũng nghe những tiếng
động chát chúa phát ra từ những công trình lớn nhỏ. Lòng tôi cứ chai sạn dần
với những gương mặt bất cần của đám thợ cu li làm việc theo thời vụ, thích thì
làm buồn nghỉ đi nhậu. Nên trước một cuộc chia tay nhỏ nhoi của ba thằng bạn ở
chung phòng thì làm sao tôi quan tâm cho được. Khác với tôi, thằng Trí cũng là
dân lao động chân tay (Trí làm bốc vác cho nhà máy xay cà phê) vậy mà đầu óc
Trí lúc nào cùng lãng mạn như một nhà văn. Tôi còn nhớ, có những buổi
chiều về sớm tôi và Trí nhấc cái bàn ra
trước nhà ngồi nhâm nhi ly cà phê mắt nhìn con đường đất đỏ dài hun hút phía
trước mà để hồn mình về tận đâu đâu.
Buổi chiều cuối thu ở miền Đông Nam bộ buồn như một kẻ thất tình, trên những
tàn cây phong du đám hoa dù xoay tít bay lả tả rồi sà xuống trắng cả khúc đường
đất đỏ bazan. Thằng Trí bất chợt reo lên: “Trời ơi sao mà đẹp quá!”. Mới nghe
tôi cứ tưởng nó đang chiêm ngưỡng một em công nhân cao su nào đi trên đường,
chừng hỏi lại mới biết nó đang khen hoa phong du bay trong gió đẹp. Đồ khùng.
Tuy không ưa cái tánh lừng khừng của thằng bạn nhưng trước buổi chiều vắng vẻ ở
một vùng cao nguyên đầy gió, thì kẻ tha hương như tôi cũng phần nào đồng cảm với những phút “khùng”
bất chợt như vậy.
Đến
chạng vạng thì thằng Phúc cũng vác cái mặt hầm hầm của nó về nhà trọ. Đã về
muộn mà nó còn nói một câu nghe ghét cay ghét đắng: “Tụi bay có chừa cơm cho
tao không?”. Tôi định phun ra một câu chửi thề thì Trí cười hề hề làm cho tôi
mất hứng, rồi nó nói với thằng Phúc một cách vui vẻ: “Có chừa nhiều lắm, ăn đi
rồi tụi mình đi ra tiệm chụp vài tấm hình làm kỉ niệm trước giờ chia tay.”. Tôi
chúa ghét cái cảnh tặng ảnh, thư từ như trong tiểu thuyết diễm tình nên xua
tay: “Thôi thôi, mày có điên thì chết phứt hồi nhỏ đi Trí! Chứ bày ra chi cái
trò tặng hình ảnh như con gái vậy?”. Nói rồi tôi móc bóp đếm số tiền còn lại
rồi dõng dạc tuyên bố trước mặt hai thằng bạn: “Ra quán bà Tư nhậu thịt cầy,
mọi chi phí tao lo!”
Mấy bữa nay mưa dầm quán bà Tư ế
khách. Thấy ba đứa tôi đến bà niềm nỡ ra mặt. Bà xắt một dĩa thịt cầy cho chúng
tôi nhiều hơn mọi khi, lá mơ bà lựa những lá tươi hơn mấy bữa trước, rượu đế bà
đong cho chúng tôi xị nào xị nấy đầy ắp. Thằng Trí nói: “Thấy chưa tụi bây,
trước giơ chia tay cái gì cũng đầy!”. Nghe Trí nói vậy tôi quay mặt ra sau ho
khan vài tiếng cho đỡ thẹn: “Đầy cái con khỉ gì, chẳng qua tao nhậu ở đây lần
nào cũng sòng phẳng với bà có khi còn cho thêm tiền phục vụ mới được vậy đó.”.
Thằng Phúc lừ lừ bưng li rượu lên ực một cái rồi hỏi tôi: “Ngày mai công trình
xây dựng của mày xong rồi, vậy mày định về đâu.” Đang nhai miếng thịt cầy cuốn
lá mơ thơm lừng nghe Phúc hỏi vậy tôi ngưng ngang, chợt nghe mặn chát cay xè ở
đầu lưỡi. Trước giờ chia tay nghe được một câu hỏi quan tâm hiếm hoi của thằng
bạn làm cho tôi chới với, cảm giác cô đơn lấn dần khắp cơ thể. Ừ, không biết
ngày mai rồi tôi sẽ về đâu khi cha mẹ không còn, quê hương bản xứ không rõ
nguồn gốc. Tôi sống rày đây mai đó theo những công trình xây dựng. Có lúc ở tận
miền Trung nắng gió lúc lại bì bõm, lặn hụp với vùng đất nhiễm phèn của miền Tây. Nhiều đêm say mèm về nằm nhà trọ
nghe gió rít từng chập bên ngoài chợt thấy tương lai của mình xa lắc xa lơ. Mà
thôi, chuyện mình mình biết có than vãn với bạn bè cũng không giải quyết được
gì đâu. Nghĩ vậy tôi cứng rắn: “Có thể tao về với má nuôi tao ở Bình Dương vài
ngày rồi đi tiếp.”. Nói xong tôi đưa mắt nhìn hai đứa bạn nãy giờ vẫn ngồi im
lặng bên li rượu đế. Trí ngồi xoay lưng nhìn ra phía ngoài mơ màng. Lãng mạn
như Trí thì trước giờ tạm biệt tránh sao khỏi những cảm xúc bồi hồi. Đôi lúc
nghẫm lại cũng thương cho Trí, cuộc đời Trí cũng bảy nổi ba chìm chứ có suôn sẻ
chút nào đâu. Có những đêm mưa dầm không đi đâu được Trí thường kể tôi nghe về
chuyện đời của nó. Trí thừa biết kể cho một thằng khô khan như tôi nghe thì có
khác gì nói chuyện với cái đầu gối. Nhưng tiếng mưa đêm ở vùng cao buồn như một
tiếng khóc thì những kẻ xa nhà như chúng tôi biết phải làm gì đây ngoài những
lời tâm sự. Trí kể Trí sinh ra trên đời là kết quả của một mối tình vụng trộm.
Lớn lên vài tuổi mẹ có chồng khác, cha ghẻ hất hủi. Mười ba tuổi đầu đã lang
thang đầu đường xó chợ rồi trôi dạt đến đây. Khổ cực là vậy, nhưng Trí giàu
lòng nhân ái, biết đau với nỗi đau nhân thế và biết chan hoà với tình cảm anh
em, bạn bè. Có lần, tôi leo giàn giáo xây nhà cao tầng sơ hở bị té gãy chân
phải nghỉ làm một tháng. Không có tiền xài, Trí kêu Phúc cùng san sẻ với tôi
trong những ngày túng thiếu. Rồi tiền nằm viện Trí cũng động viên Phúc giúp đỡ.
Bệnh viện ở vùng cao thiếu thốn như một căn chòi rách, đêm nào không tăng ca
Trí đều rủ Phúc đem mùng mền vào ngủ với tôi cho đỡ lạnh. Rồi những buổi sáng
Trí thức dậy thật sớm nấu cơm, trên đường đi làm Trí chở cơm đến bệnh viện cho
tôi. Từ nhà trọ đến bệnh viện xa mười mấy cây số, Trí đạp xe đến nơi cơm đã
nguội ngắt. Bưng chén cơm nguội ăn trong nụ cười hiền khô của Trí tôi chợt nghe
lòng mình ấm áp quá chừng. Tôi lại đưa mắt nhìn đến Phúc, trong men rượu ngà
ngà say tôi thấy gương mặt Phúc đăm chiêu suy nghĩ dường như nó đang tính toán
cái gì đó lớn lắm cho ngày mai. Vốn tôi không thích tò mò chuyện đời tư của người
khác mà nhất là đối với Phúc, vì xưa nay ở chung phòng trọ tôi và Phúc ít nói
chuyện với nhau, có chăng chỉ vài đôi ba câu hỏi thăm công ăn việc làm. Vì tính
khí hầm hầm của Phúc đôi lúc làm cho tôi khó ưa. Nhưng trước giờ chia tay tôi
không biết làm gì ngoài một câu hỏi cũ mèm muôn thuở: “Còn mày cũng hết mùa
làm cỏ cà phê rồi ngày mai mày định đi đâu?”. Hỏi vậy thôi chứ tôi thừa biết
Phúc sẽ về nhà vì có lần nghe Trí nói Phúc là con nhà giàu có, tại thất tình
mới bỏ nhà đi làm công làm mướn mấy năm nay. Mà với chừng ấy thời gian theo tôi
nghĩ nỗi buồn nào rồi cũng qua. Nghĩ vậy tôi vỗ vai Phúc nói: “Thôi về với ông
bà già đi, giờ này chắc người ta cũng có chồng rồi. Đàn ông như mầy buồn hoài
sao chịu nổi.”. Nghe tôi nói vậy mặt Phúc buồn hiu rồi nó nói với tôi: “Đâu
phải đơn giản chỉ là thất tình mà tao bỏ nhà đi mà còn nhiều cái khác nữa Đạt
ơi!”. Rồi Phúc kể về chuyện tình của nó cho tôi với Trí nghe, những chuyện mà
từ trước đến giờ ở chung phòng trọ chưa bao giờ nó nói ra vậy mà giờ đây đột nhiên
Phúc kể như một lời tự sự. Dường như trước giờ tạm biệt con người ta trở nên
mềm yếu nên những tâm sự đời thường dễ nói thật với nhau.
Thì ra vì
quá yêu nên Phúc đã phạm một tội tày trời là giết chết tình địch của mình, rồi
bị bắt giam, thời gian trong tù nó mới chợt nhận ra nhân tình thế thái. Chịu
không nổi với cảnh tù cũ ăn hiếp tù mới nên trốn trại đến vùng khỉ ho cò gáy
này đi làm công làm mướn cho người ta. Nghe Phúc kể chuyện phạm tội bằng một
giọng sám hối ăn năn mắt thằng Trí chợt đỏ hoe. Thiệt, cái thằng, con trai gì
mà yếu lòng quá còn làm ăn gì được trong tương lai. Nhìn gương mặt Phúc buồn
hiu, ánh mắt Trí ướt nhẹp làm bàn nhậu trước giờ chia tay trở nên nhạt nhẽo.
Tôi đập bàn lớn tiếng: “Thôi dẹp, tưởng rủ bay đi nhậu để quên nỗi buồn trước
lúc chia tay, ai dè nhậu say muốn chúi nhủi mà nỗi buồn càng buồn hơn.”. Coi bộ cái trò nhậu nhẹt không ăn thua gì với
những cảnh đời ngang trái, tôi phát tay ra hiệu giải tán.
Trước giờ chia tay tôi cứng rắn là vậy mà chiều hôm sau khi thấy thằng
Phúc xếp hành lý bỏ vào va li, nó lau lại đôi giày bata mà tôi thường mượn nó
chạy thể dục vào các buổi sáng đem lại bỏ ngay ngắn dưới đầu giường của tôi.
Tôi biết Phúc muốn tặng tôi đôi giày này như là một vật kỷ niệm. Tự nhiên tôi
nghe lòng ngực mình nhoi nhói, nhịp thở như nặng nề hơn. Quay mặt vào trong hít
một hơi thật sâu rồi tôi nói với Phúc: “Thôi, ngày mai mày cứ về quê đầu thú
đi! Coi như mày đang quay đầu vào bờ.” Phúc không nói gì, lẳng lặng bước lại
giường của Trí, nó đưa cho Trí mấy cuốn sách rồi nói: “Ngày mai tao với Đạt đi,
mày ở lại ráng mà luyện mấy cuốn sách này để sớm trở thành nhà văn. Lúc đó nhớ
viết về cuộc đời của ba đứa mình nghen!”. Nói rồi nó khoác hành lý lên vai bước
ra cửa. Trí vội chạy theo bắt tay Phúc lần cuối, nó đứng như pho tượng nhìn
theo dáng Phúc khuất dần trên con đường đất đỏ dài thăm thẳm phía trước mặt
trong cái ráng chiều vàng úa. Gió lặng
im không chút bụi đường mà sao mắt tôi cay xè. Bước lại bắt tay Trí thật chặt,
tôi thở hắt quay lưng.
Đào Văn Đạt (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét