Nhà văn, dịch giả Hoàng Long (bên trái) và Xuân Tiến
Trong những năm trở lại đây, thị trường
sách xuất hiện nhiều ấn phẩm được tác giả và các đơn vị xuất bản gọi là Truyện
cực ngắn. Trong khá nhiều trường hợp, những
đầu sách này được độc giả đón nhận nhiệt thành và hào hứng. Tuy vậy, vì là một
thể loại mới mẻ với văn đàn nước nhà, nên truyện cực ngắn Việt Nam vẫn còn nhiều
điều đáng bàn.
CŨ NGƯỜI MỚI TA
Tuy là
thể loại tương đối mới tại Việt Nam nhưng truyện cực ngắn đã có một lịch sử lâu
đời. Với những tiêu chí nhất định, ta có thể xem những câu thoại đầu, những mẩu
chuyện trong Kinh Phật, hoặc những mẩu chuyện trong Trang Tử - Nam Hoa Kinh là
những truyện cực ngắn vô cùng ý nghĩa. Trên thế giới, ngoài tên thông dụng nhất
là truyện cực ngắn hay truyện rất ngắn thì thể loại này còn có các tên khác
như: truyện chớp, truyện mini, truyện bưu thiếp, truyện vội, truyện ngắn ngắn…
Trong khi người Trung Quốc gọi là “vi
hình tiểu thuyết” thì người Nhật gọi là “Sho-to sho-to” (phiên âm của short short story) và rất thịnh hành
cho điện thoại di động.
Ở nước
ta, nếu không dùng danh từ truyện cực
ngắn thì các tác giả và những nhà làm
sách gọi ấn phẩm của mình là truyện mini, truyện rất ngắn, truyện ngắn ngắn… Dịch
giả, nhà văn Hoàng Long chia sẻ: “Thể loại
truyện cực ngắn mới bước đầu hình thành tại Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ có hội thảo
về thể loại này để người sáng tác và các nhà nghiên cứu có cơ hội gặp gỡ, trao
đổi và thống nhất những vấn đề chung như tên gọi, cách sáng tác”.
HIỂU LẦM TAI HẠI
“Truyện cực ngắn dĩ nhiên phải ngắn, nhưng
không phải cứ ngắn là truyện cực ngắn. Một truyện cực ngắn vào khoảng 500 đến
700 chữ nhưng nó phải diễn tả được tư tưởng của tác giả”, dịch giả,
nhà văn Hoàng Long nhận định như vậy trong buổi tọa đàm gần đây tại trường Đại
học Hoa Sen. Theo anh, nếu tác giả có cách nhìn, tư tưởng của riêng mình thì chỉ
cần đọc vài ba truyện người ta có thể nhận ngay ra được là truyện của ai. Trong
các sách truyện cực ngắn hiện nay, rất ít người có được điều này. Cho nên nếu để
những truyện cực ngắn cạnh nhau chúng ta rất khó biết được tác giả vì truyện
nào cũng chỉ là những ý nghĩ vụn vặt, những cảm nghĩ rời rạc. Người ta đang nhập
nhằng giữa truyện cực ngắn thật sự với những tản văn sơ sài, hay những tạp bút
tâm sự không đầu không cuối. Hàng loạt các sách đơn giản chỉ là tập hợp những
dòng trạng thái (status) ngô nghê trên trang mạng cá nhân, những tản văn vu vơ
về nhịp điệu cuộc sống mỗi ngày trôi qua nhưng khi ra mắt độc giả lại được
khoác lên trang bìa mỹ từ truyện cực ngắn. Điều này đã gây cho giới trẻ đến với
văn chương hiện nay có nhiều sự ngộ nhận.
Được đánh giá là người có công lớn trong việc phát
triển truyện cực ngắn tại Trung Quốc, ông Dương Hiếu Mẫn (Tổng biên tập tạp chí “Truyện cực ngắn chọn
lọc”, Chủ tịch danh dự của Hội Nhà văn thành phố Trịnh Châu) từng nhận định truyện
cực ngắn là một thể loại bình dân. Theo Hoàng Long, đó là một quan niệm phiến
diện. Xưa nay không hề có thể loại văn học bình dân hay quý tộc mà chỉ có người
sử dụng thể loại ấy quý tộc hay bình dân. Quan trọng nhất vẫn chính là nội lực
của người viết. Nhà văn, dịch giả Hoàng Long phân tích thêm: “Ngôn ngữ, thể loại văn học vốn chẳng có ý
nghĩa gì cả. Ta nói cái gì và nói như thế nào mới quan trọng. Nếu như có sức
nén của tư tưởng thì dù là tiểu thuyết hay một dòng thơ ngắn cũng tạo được hiệu
ứng thẩm mỹ như nhau. Cũng giống thơ haiku, truyện cực ngắn rồi cũng sẽ phát
triển mạnh mẽ ở Việt Nam”.
Xuân Tiến (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét