Ngôi
biệt thự đứng ngay trước cửa nhà tôi. Như một vật cản, nó che khuất dòng sông
có hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng, sừng sững giữa trời với những ô cửa mở ra
bốn phía, tựa những ánh mắt kiêu hãnh nhìn xuống bao mái nhà thấp lè tè quanh
vùng.
Nhưng vẻ giàu
có của ngôi biệt thự không quyến rũ bằng hàng cây nép sau bức tường rào. Mỗi
cây mang một nét độc đáo riêng. Tôi cứ
muốn ngắm mãi. Màu đỏ rực của hàng phượng vĩ mỗi độ vào hè cùng với màu trắng
của hoa ngọc lan làm tôi cứ nao nao. Gió đưa hương ngọc lan hòa lẫn hương bưởi
thành một thứ mùi kỳ lạ, cứ bay ra khắp nơi. Đã vậy, những trái ổi sai oằn trên
nhánh cây không hiểu sao chủ nhà để chúng lủng lẳng mãi. Có trái ngã màu vàng
thu hút những chú chim lạ tìm đến. Còn những trái vú sữa lúc vào mùa trông
không khác gì những bóng đèn xanh tím lẫn khuất trong vòm lá. Thỉnh thoảng mẹ
vẫn bắt gặp tôi ngẩn ngơ nhìn sang bên ấy. Mẹ lo lắng nhắc nhở:
- Trong ngôi
biệt thự có con chó dữ lắm đó!
Tôi vội trấn
an mẹ:
- Không đời
nào con dám tới gần hàng rào.
- Con vẽ cái
thang trên tường rào người ta chi vậy?
Tôi chỉ biết
cười trừ. Hay thật! Mẹ luôn đoán đúng ý nghĩ của tôi. Mẹ biết tôi mê mấy trái
ổi lắm rồi. Nhưng ngoài con chó dữ còn có ánh mắt của người đàn bà trạc tuổi mẹ
trong ngôi biệt thự đã khiến tôi từ bỏ ý định.
Nhìn bà, không
ai nghĩ đây là chủ ngôi biệt thự. Mái tóc uốn cao ôm lấy khuôn mặt đen sạm. Mặc
dù bà ta luôn trang điểm kỹ lưỡng nhưng vẫn không giấu được nét khắc khổ ở
những cái mím môi. Những nếp nhăn hằn sâu trên trán, ở đuôi mắt. Đôi mắt bà rất
đẹp, to, đen lay láy nhưng mỗi lần có việc gì không hài lòng, bà quắc mắt thì
ai cũng phải rùng mình.
Bà nội tôi vẫn
gọi bà ta là “Người đàn bà lừng lẫy”, ca ngợi bà ta là “Người đàn bà
tạo nên sự nghiệp” cho chồng con nhờ. Ngôi biệt thự do một tay bà gây dựng
nên. Sau khi mua được căn nhà lụp xụp với khoảng đất trống kế bên, chỉ trong
một thời gian ngắn, bà ta đã biến nơi nghèo nàn nầy thành một chỗ ở sang trọng không kém phần thơ
mộng. Cửa chính ngôi biệt thự trông ra dòng sông xinh xắn. Chiều chiều, đứng
bên một ô cửa nào đó mà ngắm những chiếc thuyền con trên bến nước thì còn gì
bằng. Ai cũng nể sợ người đàn bà ấy. Tôi thì chẳng ưa nổi bà ta. Vì cứ mỗi lần
bà nội tôi cố ý khen người đàn bà giàu có thì y như rằng mẹ tôi cúi gầm mặt, như
thể chính mẹ làm cho gia đình nghèo đi. Cái nhà lá nầy bé mọn là tại mẹ. Bà nội
tôi không thấy rằng từ ngày có ngôi biệt thự thì gia đình mình và láng giềng
gặp khá nhiều khó khăn .Khoảng đất trống trước đây cả xóm dùng để đi ra con đường chính, băng qua lộ lấy nước dưới
sông, bây giờ nó nằm yên trong vòng rào biệt thự. Bà ta chỉ chừa một con hẻm
nhỏ để mọi người ra vô. Con đường đất nầy hẹp đến nỗi không chiếc xe lôi, xe kéo nào vào lọt. Ông Năm, người
cùng xóm với tôi thường thở than:
- Mai mốt tui chết,
không biết cái xe nhà vàng làm sao vô đây. Chắc phải khiêng cái hòm ra tận đường
cái quá!
*****
Tôi đặt gánh nước xuống đất,
gác đòn gánh trên miệng thùng như một chiếc cầu khỉ nhỏ rồi ngồi lên ngó trời.
- Cô bé gánh nước hay ghê!
Tôi giật mình nhìn
quanh, bắt gặp một anh chàng đang ngồi vắt vẻo trên cây ổi. Anh nhìn tôi cười cười.
Nếu không có nụ cười ấy thì anh chàng xấu phải biết. Người gì mà đen òm. Được
cái anh chàng có đôi mắt khá đẹp. Đúng là mắt nai ngơ ngác.
- Nhà cô bé gần đây không?
- Ai cho phép gọi người ta bằng cô bé?
Nghe tôi bắt bẻ, anh lại
cười:
- Xin lỗi nha! Nhà "chị" gần đây không?
- Hỏi chi vậy?
- Cho biết chớ chi. À, "chị” ăn ổi không?
Lúc này tôi mới để ý
thấy anh cầm một trái ổi thật ngon, trông phát thèm. Người gì mà ngu ghê! Hỏi
lãng xẹt! Ngập ngừng một lát tôi đành nói:
- Có đâu mà ăn!
Anh lại cười thành tiếng
rồi hái thêm vài trái thật ngon. Anh bảo tôi:
- Nè, mời “chị” vài trái ổi. Chị chụp nhé!
Đến bây giờ tôi mới biết
mình có năng khiếu “chụp ổi”. Không có trái nào rơi xuống đất. Tôi nói:
- Cảm ơn “ấy” nghen!
- Ừ, ăn ổi đi “chị”!
Không đợi mời lần thứ
hai, tôi cắn liền một miếng. Ngon ơi là ngon. Tôi khen:
- Ổi ngon ghê! Ấy cũng
ăn đi!
Vừa ăn tôi vừa nhìn anh
nhai ổi. Anh nói:
- Chị còn đi học không?
- Còn.
- Lớp mấy?
- Lớp mười một. Còn “ấy” Lớp mấy?
- Sắp vào đại học.
Tôi le lưỡi:
- Bộ “ấy” ở trong nhà đó hả? Sao tui hổng biết.
- Mình ở thành phố với nội. Mình về đây nghỉ hè.
- Bà chủ ngôi biệt thự là gì của “ấy”?
- Ấy gì mà ấy. Gọi mình là Huy đi! Mẹ Huy đó.
- Vậy hả! Sao hổng giống. Bà ấy dữ quá hà!
Huy có vẻ không vui hỏi:
- Mẹ Huy làm gì bé mà dữ?
- Đâu có làm gì tui đâu. Tự nhiên sợ hà.
- Trời đất!
Huy kéo nhánh ổi trước
mặt, chồm sát tường rào nói:
- Hôm nào mời bé sang nhà chơi rồi bé sẽ thấy mẹ Huy hiền nhất
trên đời.
***********
Huy quay sang mẹ giới
thiệu:
- Đây là bạn mới của con. À , bé tên gì vậy?
- Dạ, Tím!
Người đàn bà vuốt tóc
tôi cười rất hiền. Nụ cười giống hệt nụ cười của Huy.
- Tên dễ thương ghê! Mà cháu cũng xinh lắm!
Rồi bà gọi lớn:
- Tư ơi, lấy bánh ngọt mời cháu Tím đi!
Chị người làm bưng dĩa
bánh bông lan to tướng ra. Tôi hồi hộp quá! Đây là món bánh tôi ưa thích. Nhưng
nếu ăn nhiều Huy và mẹ sẽ cười cho. Tôi làm bộ nhìn xuống chân. Bà ấy cầm cái
bánh bông lan to nhất có hình con cá đưa tận tay tôi, giọng ân cần:
- Ăn đi cháu! Bác làm đó!
Đây là loại bánh bác và Huy ưa nên lúc nào trong nhà cũng có sẵn.
Bánh ngon thật. Huy cũng
ăn rất nhiệt tình. Mẹ Huy gợi chuyện:
- Bác vẫn thấy cháu đi học ngang đây, sao ít khi cháu ghé chơi?
Tôi ấp úng:
- Dạ, tại cháu sợ… bác.
Cả Huy và mẹ phì cười.
Huy nói:
- Tím nói tự nhiên sợ mẹ đó.
- Cháu xin lỗi bác. Cháu hay sợ lung tung lắm.
- Vậy chớ không sợ Huy. Còn bắt bẻ người ta nữa chứ.
Tôi cười trừ. Mẹ Huy đứng
lên nói với tôi:
- Cháu ở chơi. Bác phải đi
chợ. Hôm nào rảnh, cháu tới đây với bác nghen! Được làm thân với người quanh
vùng, bác mừng lắm.
- Dạ!
Bao nhiêu ác cảm với bà đã
biến mất, tôi hỏi Huy:
- Sao Huy không sống với bác gái? Ba Huy đâu? Huy là con một
hả?
Huy lại cười. Người gì hay cười ghê!
- Tím ăn bánh nữa đi!
Bánh này mẹ Huy làm ngon lắm. Mình ở với bà nội từ lúc mới tám tuổi. Bây giờ,
bà cũng cho mình về đây sống với mẹ .Nhưng ở đây không có trường Đại học. Đành
phải chờ hè hay là lễ, Tết để về thăm mẹ.
- Sao bác gái không lên
thành phố ở với Huy cho vui? Còn ba Huy Đâu?
Huy buồn buồn chỉ tấm
ảnh treo trên tường:
- Đó là ảnh của ba Huy. Lúc mình lên tám tuổi,
ba mê dì Liên, một người bạn của mẹ. Ba bỏ mẹ theo dì Liên trốn đi Cà Mau. Dì
Liên khéo mua chuộc nên bà nội đứng ra
lo giấy tờ cho ba li dị mẹ. Bà còn bắt Huy đem giấu. Tìm hoài không được,
mẹ bỏ xứ đi Campuchia làm ăn.
Huy chỉ tấm ảnh một
thiếu nữ trẻ đẹp treo gần đó:
- Ảnh mẹ Huy lúc còn trẻ
đó.
Tôi chợt cảm thấy xót xa
vô kể, không ngờ giờ đây bà lại tàn tạ đến thế. Huy nhìn ra cửa, rút cả hai
chân lên ghế rồi kể tiếp:
- Lúc đó, mẹ Huy khổ
lắm. Mẹ đi ở cho người ta. Nhưng thấy không khá, mẹ dành dụm được một số vốn
rồi nghỉ làm, ra buôn bán. Có hôm, mẹ không ăn gì hết. Bán càng đắt, mẹ càng
tiết kiệm. Mẹ bảo đau khổ làm mẹ không thấy đói. Mẹ quyết tạo cho bằng được một
số vốn lớn, trở về mua lại hạnh phúc. Rồi mẹ mua lại toàn bộ những gì đã đánh
mất nhưng không mua được hạnh phúc. Khi trở nên giàu có, quay về quê hương, gặp
lại ba, ba nghèo xơ xác. Vì sau khi ăn hết số tiền bán nữ trang của mẹ mà ba đã
đòi lại lúc li dị và cả nữ trang của dì Liên đem theo. Cả hai trở về sống với
nội. Nội cũng làm ăn thất bại. Phải bán căn nhà đang ở để có tiền sống. Cả nhà
chui rúc trong căn nhà lá tồi tàn. Mình không hiểu sao mẹ mình lại bao dung và hiền
đến thế. Nhìn những người bạc đãi mình đang khổ, đáng lẽ mẹ phải cười vào mặt, mừng rỡ khi họ bữa đói, bữa no.
Đằng nầy, mẹ lại bỏ tiền mua nhà lầu cho
nội ở, giúp ba một số vốn để ba nuôi vợ con. Sau đó, mẹ Huy bỏ đi một thời gian
nữa. Khi trở lại lần thứ hai, mẹ cho nội biết mẹ sống tại đây. Mẹ bảo đừng cho
ba địa chỉ của mẹ để mẹ được yên. Nhưng rồi ba cũng biết được. Lâu lâu, ba
xuống thăm mẹ nhưng chủ yếu là xin tiền. Bây giờ, mọi người đều lệ thuộc mẹ.
Huy biết mẹ khổ lắm. Lúc nào mặt mẹ cũng buồn buồn. Tím sợ mẹ Huy là phải. Mẹ
Huy rất ít nói. Hôm nay, mẹ Huy nói chuyện
với Tím như vậy là lạ lắm đó.
Tôi cúi mặt để giấu
những giọt nước mắt vừa rơi xuống má, tôi nói:
- Tội nghiệp bác ấy quá! Tím thật có lỗi.
- Đâu có gì mà lỗi phải. Mai mốt Huy về thành phố, khi nào
rảnh, Tím ghé thăm mẹ Huy nghen!
- Nhưng, Tím ngại… là bác giàu quá. Làm thân với bác, người ta
nói chết.
Huy thở dài:
- Hạnh phúc không hẳn nằm trong tay người giàu có!
- Người nghèo cũng không có hạnh phúc đâu!
- Vậy hạnh phúc trốn ở nơi nào hả Tím?
Tôi bùi ngùi nhìn Huy,
thầm nghĩ: Có lẽ hạnh phúc nằm sẵn trong lòng như một nhà văn nào đã nói. Còn
bây giờ, nó ẩn mình trong ánh mắt Huy. Nhưng tôi lại nói:
- Hạnh phúc nằm trong dĩa bánh , trong trái ổi, hổng biết sao?
Huy bật cười, nụ cười
thật đẹp. Anh rủ tôi:
- Ra vườn hái “hạnh phúc” không Tím!
Tôi đứng lên theo Huy ra
sau vườn. Hình như có bóng hạnh phúc đuổi theo tôi về phía ấy!
Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh)
truyện hay, bàng bạc những cảm xúc thật dễ chịu.
Trả lờiXóaMây cám ơn nhà thơ Nguyễn Trí Tài. Mến chúc anh vui và tràn đầy cảm xúc thơ nhé.
XóaĐúng hạnh HẠNH PHÚC (viết hoa) không ở đâu xa mà ở gần ta lắm. chuyện viết hay, tế nhị lắm. Chúc cô mây có nhiều tác phẩm hay nhé.
Trả lờiXóaMây cám ơn anh Trường Thắng đã động viên. Mến chúc anh luôn vui và hạnh phúc.
XóaNhìn "hai trái ổi" minh họa tươi roi rói...Đọc qua "Vườn Hạnh Phúc" bằng giọng văn nhẹ nhàng, đầy cảm xúc lột tả cả sắc màu..."HẠNH PHÚC" lắng đọng, thật sâu sắc!
Trả lờiXóaChúc chị NTM luôn vui-khỏe cùng con, cùng dâu sớm có cháu bồng cả nhà vui đầy chị nhé!
Mây cám ơn bạn Nguyễn Ngọc Thơ đã đọc và động viên. Cám ơn lời chúc của bạn. Mây cũng rất mong bạn hạnh phúc và bình an mãi nhé.
XóaCâu chuyện nhẹ nhàng & rất dễ thương Mây ơi! hạnh phúc nằm trong tay ta không ở đâu xa mà cố kiếm tìm...bài viết nhiều cảm xúc ,rất trẻ & hay lắm ! Chúc Mây luôn tươi trẻ & tràn đầy hạnh phúc!
Trả lờiXóaEm cám ơn chị Kim Loan nhiều thiệt nhiều. Chị bao giờ cũng động viên em. Mây mến chúc chị luôn trẻ đẹp, thoải mái và hạnh phúc chị nhé.
XóaTruyện hay, súc tích. Cảm ơn tác giả
Trả lờiXóaTruyện hay. Cảm ơn tác giả
Trả lờiXóaBùi Đức Ánh
Mây cám ơn nhà thơ . Chúc nhà thơ vui vẻ, hạnh phúc mãi.
XóaHạnh phúc nằm trong phấn đấu và khoan dung, nhưng nét buồn của mẹ Huy làm nhân vật này chân thật hơn, cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Mây.
Trả lờiXóaMây cám ơn nhà thơ Trần Thi Ca. Mến chúc vui và hạnh phúc.
XóaCháu thích câu: "Hạnh phúc nằm trong dĩa bánh, trong trái ổi", hạnh phúc là những thứ đơn giản nhất.
Trả lờiXóaCô cám ơn Trịnh Thụy Trúc Giang. Vậy là cô và con đồng cảm. Hạnh phúc tùy thuộc người cảm nhận nó. Nếu những điều đơn giản khiến mình hạnh phúc thì thật ...tốt đúng không em?
Xóa