Phòng có ba người bệnh. Ba độ tuổi khác nhau. Ba hoàn
cảnh khác nhau... Bà A. năm lăm tuổi, mập mạp trắng trẻo nhưng đã qua một kỳ
tai biến. Ba đứa con, một đứa du học, đứa thứ hai làm việc cho một công ty nước
ngoài. Đứa út đang học đại học. Tiền đếm không hết. Đi viện lúc tỉnh lúc mê mà
túi căng phồng những tiền. Nhưng không có ai chăm sóc. Vậy là chỉ còn ông chồng
ngoài sáu mươi gầy như cây sậy trông nom. Ông làm việc như cái máy. Sáng mua tô
bánh canh, đặt “cạch” lên chiếc tủ nhôm lem nhem nước ngọt, vỏ thuốc rồi biểu
“Ăn đi, thôi nguội”. Bà lồm cồm bò dậy được, ông đã chễm chệ ngoài căn tin bệnh
viện với tô hủ tiếu nóng hổi và ly cà phê đá thơm lừng.
Bà B. nằm cạnh cửa sổ, tuổi ngoài sáu mươi. Năm ngày
nay không thấy bóng dáng ông chồng cao thấp mập ốm ra sao. Chứng zona khiến mặt
mày bà đầy bóng nước. Loại thuốc sát trùng nào đó xanh thẫm khiến da mặt bà
không biết màu trắng hay đen. Nhắm mắt thì thôi, mở mắt là bà than mình vô
phước, xem ông chồng bà A. kìa, mua cho vợ từng tô bánh canh, dìu từng bước đi
vệ sinh. Nhưng ba đứa con rất có hiếu của bà, không lẽ không kể đến. Đứa gái
lớn nghe đâu có tiệm tạp hóa tại nhà. Hai đứa kia đi làm nhà nước. Chúng phân
công nhau, ban ngày cô chị chăm mẹ, đêm hai đứa em thay phiên túc trực vì công
việc kế toán trưởng của cô con gái không thể bỏ, việc một chuyên viên ngành văn
hóa của cậu trai út càng không thể vắng mặt ở cơ quan.
Y như rằng mỗi sáng sớm cô con gái lớn mang gà-mên đến
thì mùi Sa-lông-pát ngập cả căn phòng. Đút mẹ từng muỗng xong, là cô xoa tuýp
kem ấy lên khắp tay chân bà mẹ, rồi xoa bóp. Mà bà cứ rên ư ử như đau đớn lắm
vậy. Mặc trong lúc ăn cô con gái đã dỗ dành như dỗ em bé bà mới thèm nuốt cho
vài muỗng. Vậy mà bà lại kêu “Số tui sao vô phước quá vậy nè! Nằm đây cả tuần
lễ mà không thấy mặt ông chồng đâu!”. Con bà chu toàn thế mà còn đòi thêm chồng
chăm sóc. Chả bù với bà C. cũng một bầy con nhưng nhìn qua nhìn lại chỉ thằng
con trai thứ Ba là xài được. Mà nó cũng còn nhỏ nhoi gì đâu, năm mươi rồi, đáng
ra đã có sui có gia nhưng tại có bà mẹ nhà nghèo, lại mắc bệnh nhà giàu nên
phải bán nhà mang vợ con đi ở trọ. Con vợ giận bà già chồng khiến cho nó từ kẻ
có nhà cửa đàng hoàng phải chui rúc trong phòng trọ mười hai mét vuông tum húm
nên bà bệnh cả tuần nay nó không ló mặt vô lấy một lần.
Anh con trai bà C. sẽ sàng nhấc thân thể chỉ còn da
bọc xương của bà đặt lên xe lăn. Lúc nãy anh quên khóa bánh, bây giờ đặt bà cụ
ngồi lên nó xoay hết một vòng. May mà phòng hẹp, không thì đã chạy hết tuôn lên tuốt phòng xét nghiệm. Bà bảy hai tuổi, bị tiểu đường mười năm nay. Bị bệnh
vậy nhưng món thức uống bà yêu nhất lại là cà phê sữa đá. Nhà nghèo nên một hộp
sữa Ông Thọ với trăm cà ram cà phê bà uống đứng hai mươi ngày. Mỗi lần uống
đúng một muỗng sữa. Vậy rồi hôm kia con cháu họ về thăm, ngoắc quán cà phê đối
diện mang sang mấy ly cà phê sữa đá, biểu bà uống cho thỏa thích. Bà uống. Đường
tăng và nhập viện.
Bữa sáng của các bà thường là qua quít ly sữa, miếng
bánh rồi uống thuốc. Bữa trưa mới là “bữa chính” dù sau một đợt chờ xét nghiệm,
siêu âm, chích thuốc ai cũng mệt phờ.
Bà A. trở mình, thanh giường kêu rót… rét… mấy khớp
xương cũng hòa theo nhịp điệu lụp cà… lụp cụp. Cái thắt lưng bà nhức, xương vai
cũng ê, hai cánh tay cũng mõi nhưng ông chồng gầy như sếu của bà hình như mắc
cỡ hay sao ấy, không thấy xoa bóp cho vợ lấy một lần. Mùi sa-lon-pát bên giường
bà B. cứ tràn ngập cả khướu giác, cơ hồ ấm áp từng vùng da thịt đau nhức nên bà
A. lên tiếng than "Người ta có con gái nhìn bắt ham không? Còn tui, ba đứa như
ai, mà bệnh đau không người chăm sóc?”. Bà A. các bóng nước của chứng zona làm
những dây thần kinh và các thớ thịt như căng lên rất khó nói năng nhưng cũng cố
góp chuyện “Tui thấy chị mới là người sướng nhất đó! Ông chồng chăm bón từng li
từng tí. Còn tui, vô phước nên năm ngày nay ông chồng lặn mất tăm”. “Chị nói
vậy chứ mấy chỗ này hao sức khỏe lắm. Con cái nó còn trẻ, chăm cha mẹ được chứ
như ông chồng của tui, ngày ông ngồi nghỉ nhiều hơn tui mà cứ thở hoài đó chị”.
“Vậy ra trong phòng này tui vô phước nhất rồi! Tiền hổng có, chồng không có,
con chỉ một đứa nuôi!”. Bà C. búi lại mái tóc bạc nhỏ như củ tỏi rối tợ nhúm tơ
tằm.
- Má ơi! Chị Hai về!
Người con trai bà C. thò đầu vào cửa thông báo rồi trở
ra chiếc võng mắc trên nắp cống tiếp nối giấc ngủ xập xùi. Con gái lớn của bà
C. nghe đâu làm Hiệu trưởng một trường cấp III huyện biên giới. Chị không chồng
nên đi lại có phần thoải mái.
- Má! Khỏe không? Hôm nay con ở lại đêm với má luôn!
- Cảm ơn con! Vậy là thằng Bé Ba được về nhà ngủ một
đêm rồi.
- Thưa bà…
- Thưa bác…
- Thưa…
Sau lưng chị, một tốp nam nữ đủ màu áo ùa vô phòng.
Cánh cửa thường xuyên khép hờ bây giờ mở toang ra nhưng vẫn không đủ chỗ bước.
- Các cháu là…?
- Dạ, là mấy thầy cô ở trường con, nay sẵn dịp theo về
thăm má luôn!
- Cảm ơn mấy thầy cô quá!
- Dạ, có gì đâu ạ! Bà cũng như mẹ tụi con vậy mà! Sẵn
đây, tụi con xin biếu bà chút quà.
Một người phụ nữ đứng tuổi nhất trong nhóm bước ra,
trên tay là túi quà to đầy, đặt vào tay bà C.
- Dạ, đó là chị Oanh chủ tịch Công đoàn nhà trường đó
má!
- Dà…
- Còn các em kia là Hiệu phó, tổ trưởng tổ Văn, tổ
trưởng tổ Toán, tổ trưởng tổ Lý, tổ trưởng tổ Hóa…
- Ừ… các thầy cô ra căn tin uống nước…
- Dạ, còn tốp sau có bác bảo vệ, thầy phụ trách tin
học, cô văn thư cũng muốn vào thăm má!
- Ừ… hừ… hừ…
Bà C. xoay người muốn nằm xuống sau khi đôi tay già
nua đã mân mê thỏa thích túi quà. Nhưng thứ bà tìm là chiếc bì thư xanh đỏ
giống như bà B. và bà A. mấy hôm nay được nhận từ người quen và khách. Mà tuyệt
nhiên không thấy.
Chợt cô Chủ tịch công đoàn ngoắc cô Hiệu phó ra cửa
thì thầm: “Coi bộ bà già không vui. Chị thêm cái phong bì cho bả…”. “Qui định
công đoàn bao nhiêu thì cứ làm vậy. Lương giáo viên mấy đồng mà…”. “Chị này,
mai mốt Hiệu trưởng về, cái ghế đó là của chị, mất mát gì?”. “Ừ hén?”. Cô Hiệu
phó bước đến bên bà C. mùi cơ thể già lâu ngày không tắm hòa trộn với mùi nước
hoa trên bộ quần áo khá đẹp của cô khiến cô nhăn mũi:
- Dạ thưa… mẹ. Còn đây là chút lòng của anh chị em
giáo viên tụi con, xin biếu mẹ dùng thêm bánh kẹo.
- Ơ… thôi cô ơi, qua
không nhận đâu. Đã nhận cả giỏ rồi còn gì?
- Dạ, đó là tiêu chuẩn của công đoàn. Còn đây là tình
cảm riêng của tụi con.
- Vậy… cho phép qua
nhận nghen? Cảm ơn quí cô, thầy.
Cuộc thăm hỏi bà C. chấm dứt sau vụ trao phong bì.
Hình như không ai biết bà bị bệnh gì. Nhưng trách nhiệm họ phải tới là vậy.
Người vui nhất có lẽ là anh Bé Ba vì sẽ được về ngủ tròn một đêm. Cả tuần nay
anh thức mệt lắm rồi.
Buổi trưa cũng bắt đầu lanh canh chén đũa. Mùi xương
hầm khoai tây và cá lóc kho khô của giường bà B. làm cả phòng hít hà. Bà A.
bâng quơ “Cả tuần nay tui toàn ăn cơm hộp đó ông”. “Vậy còn tui ăn gì? Nhà hàng
chắc?”. “Phải mà có tô canh hầm như bà B. chắc là tui mau hết bệnh”. Bà cố nói
thật nhỏ. “Ráng đi, mai mua cho. Mệt quá!”.
Giường bên, bà C cũng thỏ thẻ với con gái “Con à… mấy
nay má thèm cá kho khô, thêm chút rau luộc rục rục là nữa chắc là ăn mấy chén
cơm luôn đó!”. Cô bật điện thoại “A lô! Bé Ba hả? Mấy hổm nay mày cho bà già ăn
cái gì mà thấy người ta ăn ngon bả dòm miệng quá trời vậy?”. Bên đầu dây kia
không biết trả lời gì. Chỉ thấy cô nhảy phịch xuống giường hét lên “Mày nói cái
gì? Má toàn ăn cơm chay từ thiện không hả? Mày nghĩ sao vậy Bé Ba, dù gì má
cũng là mẹ của một bà Hiệu trưởng, sao mày để má ăn cơm từ thiện?”. Chị cúp
máy. Cho tay vào túi bà C. lấy chiếc phong bì khi nãy cô Hiệu phó tặng, rút một
tờ rồi xăng xái ra cổng sau khi buông câu “Má chờ chút”. Dăm phút sau trở vô
“Má ráng đi, chiều ăn. Giờ toàn bán cơm hộp”.
Hôm nay chính là cô con dâu sắp cưới của bà B. mang
cơm tới. Nhà cô là dịch vụ đám cưới nên cô nấu “bắt mắt bắt mũi” như thế. Cô sẽ
sàng múc ra hai chén canh nhỏ, mang sang hai giường:
- Thưa hai bà và chị. Em không biết phòng mình có ba
người nên mang không nhiều canh. Chị vui lòng cho bà cũng đỡ…
Cô con gái bà C. “hứ’ nhẹ nhưng cũng nhận chén canh và
đỡ lưng bà ngồi dậy. Ông chồng bà A. đã đánh giấc từ nãy giờ ngoài cánh võng
anh Bé Ba đi về gửi lại. Người biếu canh phải đút bà A. từng muỗng, bà bâng quơ
“Trời tây trời u, du học du hiếc, đại học đại hiếc gì mà mẹ bệnh không đút được
muỗng cơm muỗng cháo…”.
Tráng miệng cho người bệnh là chuối sáp luộc. Bà B.
mang niềm hãnh diện ánh lên gương mặt phồng rộp xanh thẫm. Bà ăn liền ba trái
sau khi biểu cô con dâu sắp cưới mang sang cho hai bà bạn mỗi người bốn quả. Bà
A. khen chuối ngon, bà C. thì bảo “Phải chi luộc rục rục chút nữa thì ngon hơn”.
Cô gái liếng thoắng “Dạ, tại con mua ngoài chợ người ta đã luộc sẵn. Mai con
mua về tự luộc, sẽ vừa miệng bà ạ!”. Bà B. ngoắc con dâu: “Sao con chiều mấy bả
làm gì? Ai hổng có con có cái? Biểu con mấy bả tới mà chiều! Chỉ có mẹ là không
được chồng chăm!”. “Mẹ này… ba già rồi mà còn đi làm suốt ngày. Về mệt phải cho
ba nghỉ chứ? Có tụi con chăm mẹ là được rồi? Hay kêu ba lên mẹ nhìn cho đỡ
nhớ?”. “ Con thiệt là… là mẹ nói vậy thôi. Tụi bây kêu ổng lên chăm tao chắc
tao mau… chết thì có!”. “Con thấy trong phòng này mẹ sướng nhất! Con cái hết
đứa này tới đứa kia chăm sóc. Còn hai bà kia, tội nghiệp quá’. “Ừ”. “Vậy mẹ cho
con chăm hai bác ấy chút nghen?”. “Bây muốn làm gì thì làm”. Cô vói tay lấy
chai kem Sa-lon-pát còn con bà C. đã chìm vào giấc ngủ trên chiếc ghế xếp ngoài
hành lang.
Mùi sa-lon-pát lại tràn ngập căn phòng nhỏ. Cô hết xoa
bóp tay chân cho bà C. lại xoa thắt lưng rồi mát- xa mặt. Cô nhanh nhẹn và cần
mẫn, vừa làm vừa trò chuyện. Trông bà C. vui lắm, bà bảo: “Thím B. có được đứa
con dâu như con thật là có phước quá. Phải chi…”. Bà C. không giấu được giọt lệ
chực rơi xuống khuôn mặt già nua. “Dạ, bà đừng buồn, mỗi người mỗi cảnh mà. Chị
Ba chịu nghe lời chồng bán nhà trị bệnh cho bà rồi đi ở nhà trọ thì chị là đứa
con dâu tốt nhất trên đời rồi! Không mấy ai làm được như vậy đâu!”. “Nhưng tại
sao cả tuần nay nó không vô thăm qua
chứ?”. “Anh Ba ở đây nuôi bà, chị phải đi làm kiếm tiền chứ ạ?”. “Ừ hén… cháu
nói qua mới nhớ. Vậy chắc mấy hôm nay
nó làm ít tiền nên phải để qua ăn cơm
từ thiện? Tội nghiệp nó lắm cháu, có nghề nghiệp gì đàng hoàng đâu, toàn đi rửa
chén mướn thôi. Chứ món canh xương hầm khoai tây đó nghen, nó nấu ngon không
thua gì cháu đâu!”. “Dạ… vậy bà đừng trách chị ấy nữa nghen. Để bà vui, mau hết
bệnh, mà chị cũng vui”. “Ừ”. Rồi bà xoay mặt vào tường chìm vào giấc ngủ. Nét
mặt đã thanh thản hết mấy phần.
Cô con dâu sắp cưới của bà B. lại sang xoa bóp cho bà
A. Chứng tai biến thì mát-xa mặt trước, rồi tới gân cổ, hai vai. Nụ cười đã chớm
nở trên môi bà. “Sao con biết xoa bóp cho người bệnh hay vậy? Con của dì tiếng
tây tiếng u nói như gió. Vi tính vi tiếc, i-pát, i- phôn gì nó xài nhoay nhoáy
mà biểu cạo gió cho mẹ nó lại không biết làm!”. “Dạ, dì đừng buồn, ai cũng phải
dở cái này và giỏi cái kia chứ! Con làm sao nói tiếng tây, xài vi tính được như
mấy anh chị đó?”. “Biết vậy. Mà thấy người ta có con cái xúm xít, mình cũng
buồn”. “Mẹ con lại muốn được chồng chăm sóc như dì”. “Không có chó bắt mèo giữ
nhà chứ hay ho gì con! Con không thấy ổng toàn nằm ngủ không đó sao?”. “Dạ”.
“Ủa mà dì hỏi thiệt, ba chồng con đâu, sao mấy ngày nay không thấy tới?”. “Dạ,
ba con làm cai thợ hồ. Vất vả lắm. Đi sớm về tối. Mà đã có tụi con rồi”. “Ừ,
chị B. thiệt có phước”. Câu chuyện dừng lại đó, bà A. đã lim dim mắt khoát tay
chào cô gái.
Không gian buổi trưa trong căn phòng nhỏ chỉ nghe
thanh thanh… u u… tiếng xoay của chiếc quạt trần. Ba người bệnh. Ba độ tuổi. Ba
hoàn cảnh khác nhau nhưng niềm vui duy nhất cũng chỉ là sự quan tâm chăm sóc
của chồng con.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Truyện viết thật quá chị! Phụ nữ dù có thế nào thì cũng cần chồng con bên đời mình, cần điểm tựa cho những lúc bị cảnh đời hay bệnh tật quật ngã.
Trả lờiXóa