Chiều
nay, không như mọi chiều. Nắng hửng vàng. Cây lá lao xao. Bà con trong xóm rộn
ràng kéo nhau ra ngõ. Họ tụm năm, tụm ba bàn tán về Đạm và chiếc xe sắp được đem ra chạy thử.
Đạm mồ côi mẹ từ năm lên
mười. Để có người chăm sóc con, ba Đạm đã đi thêm bước nữa. Nhưng, bà mẹ kế của
anh lại thể hiện đúng với câu: "Mấy đời
bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”. Không ngày nào láng
giềng không nghe những câu mắng nhiếc của bà dành cho Đạm hoặc tiếng khóc tức
tưởi của anh. Bà mẹ ghẻ có trăm nghìn lý do để đánh đập con chồng. Ba Đạm chắc
biết nhưng ông làm ngơ. Để mặc con héo
hắt, Đạm trở nên lầm lì, ít nói. Anh thường lén ra sau vườn bưởi nhà tôi ngồi
khóc. Lúc đó, tôi còn bé nhưng đã biết cảm thương người bạn xấu số. Tôi nép sau
một gốc cây trộm nhìn anh gục đầu vào đôi tay nức nở. Hoa bưởi rắc lưa thưa
trên mái tóc và rải đầy hương hoa quanh chỗ anh ngồi. Chờ cơn uất nghẹn qua đi,
tôi mang đến cho anh vài mẫu bánh. Đạm vừa nhai ngấu nghiến vừa hỏi: "Có phải mẹ Bằng Lăng làm bánh nầy không?”.
Tôi gật đầu xác nhận. Đạm lại khóc. Anh than thở: "Mồ côi cha, ăn cơm với cá, mồ côi mẹ, lót lá mà nằm!”.
Tôi muốn cãi: “Còn cha gót đỏ như son. Đến khi cha chết,
gót con đen sì! Cha hay mẹ mất đều khổ”. Nhưng tôi kịp nén. Tôi
không muốn làm buồn lòng anh vì cái khổ của tôi. Cha tôi qua đời từ khi tôi mới được sáu tuổi.
Mẹ tôi phải chịu biết bao đắng cay khi sống chung với bên chồng. May là ông
ngoại tôi năn nỉ, ỉ ôi, xin rước mẹ con tôi về. Từ đó, mẹ đỡ khổ hơn nhưng cũng
không tránh được vất vả. Hết công việc đồng áng, đến chăm lo vườn tược rồi lo
cho ông ngoại và tôi. Bao nhiêu là việc! Có lần Đạm hỏi: "Sao mẹ Bằng Lăng không lấy chồng khác?”. Tôi cũng không biết vì
sao. Về hỏi mẹ. Bà ôm tôi vào lòng, mắt ngân ngấn nước: "Con ơi, con không nghe
người ta bảo sao? Trời mưa bong bóng phập
phồng, mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?”. Tôi đã ngốc nghếch cãi lại: "Con ở với ngoại”. Cốc nhẹ vào đầu tôi,
mẹ nói: "Cái con nầy, sao cứ xúi mẹ lấy
chồng hoài vậy hả? Con không cần mẹ nữa hả?”. Tôi ôm chầm lấy mẹ: "Không, con yêu mẹ lắm nhưng nếu mẹ muốn có
chồng thì cứ có, mẹ nhé!”. Mẹ phì cười: "Ừ, con không sợ dượng ghẻ sao? Chưa chắc người ta yêu quí con. Con còn
bé, làm sao hiểu được”.
Tôi
lờ mờ nhận ra cái khổ trong tiếng “ghẻ” đi kèm theo chữ “dượng”. Biết đâu, lúc
đó tôi cũng chạy đi tìm một gốc bưởi và ngồi khóc dưới hoa. Tôi hết dám nhắc mẹ
lấy chồng và cảm thấy an vui, hạnh phúc bên mẹ.
Trong khi Đạm ngày một khổ hơn. Người mẹ
kế có thai rồi sanh khó. Đứa bé vừa lọt lòng mẹ, đã tắt thở. Tưởng bà sẽ yêu quí
Đạm. Nào ngờ, bà ngày càng thích hành hạ anh hơn. Tan học về, Đạm phải đi chăn
trâu. Anh dắt trâu vượt qua mấy đám ruộng, đến tận một đồng cỏ bao la ở bìa
làng. Trời nhá nhem tối mới quay về. Thức ăn mang theo chỉ có nắm cơm nho nhỏ
với ít muối mè. Nghe tôi kể, mẹ tội nghiệp, bảo tôi dúi cho anh vài củ khoai
lang hay chuối nấu lúc anh cưỡi trâu ngang nhà. Có khi ức quá, tôi xúi anh: "Cứ dắt trâu ra sau đình làng. Ở đó, cỏ mọc
dày đặc. Miễn trâu ăn no thì thôi, đi làm chi xa dữ vậy? Đừng thèm nghe lời bà
ta!”. Đạm cười buồn: "Đạm cũng thích
đi xa như vậy, ở đó, dễ thở hơn!”.
Khó khăn thế mà Đạm vẫn học giỏi như
thường. Bài nào anh cũng thuộc nên được thầy và
bè bạn yêu quí. Có ai bảo: "Tội nghiệp!”. Đạm lại chối: "Thật ra, tôi cũng chẳng khổ tí nào. Phải
chăn trâu thì mang theo vở, lúc nó ăn cỏ thì mình học”.
Không biết ai mách lẻo mà mụ dì ghẻ ra
tay độc ác. Bà ta tậu thêm con trâu nữa rồi bảo anh chăn luôn một thể. Thấy Đạm
dắt trâu ngang nhà, lúng ta lúng túng với hai con trâu lớn gấp mấy lần Đạm, ông
tôi rủa thành lời: "Tội nghiệp thằng nhỏ.
Đúng là gái độc không con mà!”. Hôm đó, chẳng biết vì mãi lo học bài hay vì
con trâu lạ chưa quen chủ nên nó dùng sừng chém một nhát vào bụng Đạm. Máu ra
lênh láng, anh bất tỉnh tại chỗ. May sao nhờ mấy đứa mục đồng khác nhìn thấy.
Chúng hô hoán, những người ở gần đó chạy tới đưa anh đi cấp cứu.
Sau lần bị nạn, suýt chết, dường như trời
rủ lòng thương anh. Bố Đạm đã hồi tâm,
tỉnh trí. Ông nhận ra thiếu sót của mình về cái bổn phận làm cha. Ông đã
vô tình đẩy Đạm vào đường cùng và hoàn
cảnh gia đình thêm bế tắc. Ông dắt Đạm lên tỉnh học nghề thợ đồng. Anh rời xa
sách vở, cầm lấy cây búa và cái mỏ hàn từ dạo ấy.
Thời gian thầm lặng trôi qua. Xuân đến
rồi đi bao lượt. Hoa bưởi vườn nhà tôi bao lần rắc trắng mảnh sân con, hương
đưa ngọt lựng. Chỗ anh ngồi học bài ngày xưa, bây giờ vắng ngắt. Thi thoảng,
tôi ra đó ngồi học bài. Chữ nghĩa chẳng làm sao lọt vào trí nhớ mà mớ kỉ niệm
buồn bã ấy tự bao giờ đã len vào kí ức, bắt tôi mãi nghĩ về anh.
Tôi đã lớn dần cùng với những đổi thay
của quê hương. Cánh đồng cỏ bạt ngàn ngày nào anh dong trâu tìm đến bây giờ là
trung tâm của thị trấn. Một bệnh viện, vài cơ quan, năm bảy cửa hàng và một mái
trường mà tôi đang công tác ở đó. Nó cũng đứng cùng một dãy. Ngày ngày, tôi đi
về giữa hai hàng me rợp mát, trong cái nhộn nhạo, tất bật của một khu phố đông
người như kẻ mộng du, chẳng có chút quan
hệ đến sự tiến bộ của loài người. Tôi âm thầm sống với những ước mơ nhỏ bé.
Nhưng, nó cũng bay vụt khỏi tầm tay với của tôi.
Khi anh lành nghề trở lại làng quê, ba
anh mất. Trước khi chết, ông cầm lấy tay anh khẩn khiết, yêu cầu, gửi gấm người
vợ kế và đứa con nhỏ. Đứa em gái xinh đẹp nhưng ngớ ngẩn, ngờ nghệch. Cô bé đi,
đứng và lớn bình thường nhưng chẳng biết suy nghĩ như bao kẻ khác. Tỉ như trong
mái tóc dài, mượt mà kia là một cái hộp rỗng. Hoặc giả là một bộ óc trắng bệt.
Nó chỉ có thể làm cho em gái anh biết nâng bát cơm, há miệng nhai và nuốt để
rồi lớn dần. Hay nói cách khác, cô bé sống đời thực vật qua dáng dấp một con
người. Đạm yêu quí em gái anh vô cùng. Giọt máu của cha và người mẹ kế của anh
đã tụ hình khi anh rời làng mạc để học
nghề. Đứa em như một mầm xanh muộn
màng và bất hạnh. Cô em gái vô hồn đã
xóa dần ranh giới lạnh lùng, xa cách của người mẹ ghẻ với đứa con chồng. Sự tàn
độc của bà như đã phai tàn trong anh. Bây giờ, từng phút từng giây, anh tội
nghiệp bà mẹ già nua, héo hắt, khổ đau
vì con, vì những khiếm khuyết mà con gái bà phải gánh chịu. Hẳn bà đang chết dần mòn trong nỗi ân hận không bờ
bến. “Gieo gió thì gặt bão”. Đêm nào bà cũng gõ mõ, tụng kinh. Rằm nào bà cũng
đi lễ phật ở mấy ngôi chùa trong thị trấn. Bà sám hối. Có lẽ đã muộn nên con
gái bà cứ mãi sống hồn nhiên như cây cỏ. Mặc cho nước mắt người mẹ tuôn rơi,
mặc cho bao nhiêu tiền bạc, công sức lao động của anh đổ ra để chạy chữa cho
bé. Nó vẫn mê mê muội muội.
Cũng như tôi, anh sống như người nằm mơ trổi dậy hoạt động. Ngày ngày, anh gò, uốn, sửa chữa những mảnh thiếc, nhôm vô
tri thành vật dụng. Anh làm cho những chiếc xe bị hỏng trở nên hữu ích. Và, gần
đây, anh góp nhặt từ những vật dụng, phụ tùng xe hơi phế thải của người ta bỏ
lại, anh lắp ráp, biến chúng thành một chiếc xe bốn bánh, có đầu máy ô tô. Dáng
dấp cũng không khác những chiếc xe cùng loại. Tuy toàn là đồ cũ nhưng điều đáng
nói là nó được hình thành từ bàn tay lao động và bộ óc sáng tạo của anh.
Hôm nay anh đem ra chạy thử. Người làng
xem đó là một kỳ công. Họ chờ đợi tiếng máy nổ và những vòng bánh lăn đều. Mẹ
tôi cũng ra ngõ. Bà cứ kéo chiếc khăn lên lau mắt. Mẹ tôi thương anh mồ côi và
mẹ hiểu tôi hơn ai hết. Mẹ thường bảo: "Mẹ
giữ vườn bưởi này cho con. Mai này lấy chồng, có nơi trồng trọt”. Rồi
khi anh quay về, mở xưởng sửa xe, tiếng
đập thùng thiếc loảng xoảng, ánh lửa hàn lập lòe ngày đêm không nghỉ. Có người
đến hỏi mua đất, mẹ không bán và bảo tôi: "Vườn
bưởi này chứa biết bao kỷ niệm vui buồn
của con mà. Quá khứ dù ra sao, vẫn đẹp!”. Chẳng biết mẹ giữ đến bao giờ.
Tôi vẫn một mình đi về lặng lẽ. Còn anh, mãi mê oằn vai bổn phận.
Tiếng máy nổ xình xịch vang lên. Tiếng
cười của lũ trẻ làng giòn tan trong chiều quê yên ả. Chiếc xe lao đi, quầng
khói đen ngòm bay ngược ra sau. Người mẹ kế nhìn theo, hớn hở. Đứa em gái ngờ
nghệch bỗng vỗ tay cười. Còn tôi, lẻn ra sau vườn bưởi nhà mình. Tôi tìm gốc
bưởi ngày xưa, ngồi xuống, úp mặt vào đôi tay. Cây đã già cỗi, không trổ nhiều
hoa để rải hương theo gió. Quanh tôi, rêu xanh bốc mùi ngai ngái. Và, mơ ước
của tôi xám một màu ảm đạm.
N.T.M (Trà Vinh)
truyện thật hay và xúc động.
Trả lờiXóaCốt chuyện hay, nhân bản, đời lắm.Phần kết "Tiếng máy nổ xình xịch vang lên. Tiếng cười của lũ trẻ làng giòn tan trong chiều quê yên ả. Chiếc xe lao đi, quầng khói đen ngòm bay ngược ra sau. Người mẹ kế nhìn theo, hớn hở. Đứa em gái ngờ nghệch bỗng vỗ tay cười. Còn tôi, lẻn ra sau vườn bưởi nhà mình. Tôi tìm gốc bưởi ngày xưa, ngồi xuống, úp mặt vào đôi tay. Cây đã già cỗi, không trổ nhiều hoa để rải hương theo gió. Quanh tôi, rêu xanh bốc mùi ngai ngái. Và, mơ ước của tôi xám một màu ảm đạm", đã nói lên cái sự đời lớn lên của bao người trong cuộc sống; vậy phải làm, phải suy tư, phải xây dựng tính thiện, xa cái ác, cái dã tâm của phần "CON" trong mỗi "NGƯỜI". Hay lắm cô Mây ạ. Chúc cô Mây luôn trẻ, khỏe, sáng tác nhiều truyện ngắn hay hơn nhé. Chào thân ái.
XóaMây cám ơn nhà thơ Nguyễn Trí Tài
Trả lờiXóaMây cám ơn nhà thơ Trường Thắng nha. Lời nhận xét của nhà thơ đã động viên Mây nhiều lắm. Chúc nhà thơ vui, khỏe và hạnh phúc mãi nhé.
Trả lờiXóaCâu chuyện thật xúc động ,rất đời thường & hay lắm Nguyễn thị Mây! Cám ơn Mây nhiều,chúc vui nhé!
Trả lờiXóaMây cám ơn chị đã ghé thăm. Chúc chị mãi mãi xinh đẹp và được an nhàn
Xóa