Tôi vừa “đi
thực tế” bất đắc dĩ đúng nửa tháng trong khoa lao bệnh viện đa khoa tỉnh X, và
có những trải nghiệm xót xa...
·
Bệnh lao phải
điều trị theo phác đồ chặt chẽ, tác dụng phụ của thuốc khá ghê gớm, bệnh nhân
nằm bẹp khó ăn khó uống bất cứ món gì, nôn mửa, đa số phải truyền nước để cầm
cự. Một người bệnh kéo theo có khi cả một đại gia đình: người thân lăng xăng ép
thân mẫu thân phụ món này vật nọ, kẻ nghèo cũng ráng có cao lương mỹ vị để báo
hiếu, trên đầu tủ, ngăn tủ cứ ăm ắp thức ăn, toàn những món (theo người mua) là
hàng cao cấp, có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng người bệnh có ăn uống được bao
nhiêu, cứ thiêm thiếp...
Tôi chú ý nhiều
một bệnh nhân nữ trên tám mươi, người dân tộc thiểu số, bất chấp “núi” thức ăn
được liên tục bổ sung, lại lặp đi lặp lại ước muốn “ăn một trái bần chín”! Gần
chục người con cháu chắc đến từ một nơi gọi là Cỏ Thum, giáp Kiên Giang, nhìn
nhau bó tay vì làm sao tìm được một trái bần chín giữa thành phố này? Trùng
trùng xe cộ, cao ốc, ximăng cốt thép... lấy đâu ra một cây bần? Tôi nhìn bà cụ,
cái cơi trầu trên đầu nằm, khăn vẫn trùm đầu, và nghĩ về món cụ mong ước...
Bần sống nhiều ở
miệt sông nước này, nhưng phải ở nông thôn. Ven sông, những tán bần có khi kéo
dài một đoạn sông, trái chín rụng trôi thơm lừng. Trái xanh vị chát, hạt nhiều,
ăn với muối tàm tạm, nhậu với mắm (rượu đế) khá “bắt”, trái chín nấu canh chua
ngon lắm.
Tôi có một kỷ
niệm thú vị: thời phổ thông chuyên rủ tụi công tử trong lớp đi “làm kinh tế hái
lượm”, tức là bẻ phá cây trái nhà người! Một tay nay là quan chức ngành giáo
dục theo tôi lội bùn sình chỉ để hái mấy trái bần... cho biết! Một cây bần trĩu
trái, hai đứa tha hồ bẻ...
Bà cụ rốt cuộc
không ăn được trái bần nào, vì chẳng có đứa con cháu nào dũng cảm lấy xe chạy
mười mấy cây số ra vùng ngoại vi thành phố để tìm bần. Bà chốc chốc lại nhắc:
bần, bằng tiếng Việt lẫn tiếng Khmer!
Một cụ bà khác,
tình trạng suy kiệt nặng hơn, không nếm qua bất cứ món ngon vật lạ nào mà cứ
khư khư đòi ăn khô cá mặn! Bất chấp lời dặn của bác sĩ kiêng ăn mặn, cụ cứ... mơ những con khô cá mặn y chang cách mong cầu trái bần chín của cụ
bà người dân tộc.
Còn mẹ tôi thì
lại thèm năng, một loài thực vật đồng nội cũng thuộc hàng tương đối hiếm trong
chốn thị thành. Tôi cũng không hơn gì con cháu “hàng xóm”, im lặng nghĩ suy...
Họ, người từ quê
ra, người vẫn ở trong quê, lại chỉ mong cầu những món ngày xưa gắn với ruộng
đồng, hồn quê, gắn với vất vả tảo tần. Tôi tuyệt không nghe ai thèm muốn patê,
xúc xích, gà hầm, giò heo bách thảo... Không hẳn vì cái nghèo, cái thiếu, đơn
giản vì hồn quê còn đầy trong lòng họ - những con người cả đời tần tảo, gắn bó
với mảnh đất gian lao này.
Rồi bà cụ thèm
trái bần chín đã đi mãi mãi trong đêm khuya. Chai dịch truyền sáng nay máng
chỏng chơ trên đầu giường trống. Cụ đã không thể nếm một chút hương quê trong
phút cuối. Cụ ơi...
N.T.C (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét