Hè về. Giọt
nắng chao mình ghé thăm ô cửa lớp. Tiếng ve râm ran tràn ra từ gốc phượng cuối
dãy phòng học lớp 5I. Hôm nay là buổi học cuối cùng. Giờ đây, ngập trong đôi mắt
cô giáo Thanh là hai mươi bảy con chim non nhôn nhao trước kì nghỉ hè. Mai
Hoàng rạo rực khoe hai ngày nữa thôi, cô bé sẽ được về Vũng Tàu tắm biển cùng bố
mẹ và em trai. Dũng đứng hẳn dậy, í ới: “Có bạn nào muốn về quê thả diều cùng
mình không?”. Các bạn, ai cũng có riêng “kế hoạch” cho mình. Chỉ có Mận, cô bé
ngồi thu lu ở cuối góc lớp. Hai tay khư khư choàng lấy chiếc cặp và đôi mắt cụp
xuống hai ba phần…
Tiếng trống
trường đã điểm từng hồi giục giã. Nhưng, đám trẻ con không vội vã túa ra cửa lớp
như mọi ngày. Lũ trẻ nấn ná ôm cô Thanh, người mẹ hiền đã dõi theo, chăm sóc
cho cả lớp suốt một năm tròn. Lúc này, Mai Hoàng, Dũng và Bảo đang vây quanh Mận.
Bốn đứa chơi thân với nhau nhưng đây là lần đầu đám trẻ thấy Mận khóc mà không
biết làm sao? Cô Thanh tiến lại gần tự lúc nào. Khẽ kéo Mận sà vào cánh tay rộng
của mình, cô rút cái mùi xoa thấm nước mắt cho cô bé. Cặp mắt đen tròn, hai
hàng mi dài xanh mướt, cong vuốt lại hiện ra.
Dũng về đến
nhà, chưa kịp tháo ba lô trên vai xuống thì đã chạy ngay vào phòng làm việc của
bố. Vắt vẻo trên đùi bố, cu Dũng “tường thuật” lại buổi học cuối cùng bằng cái
giọng rầu rầu. Và, không quên kể luôn chuyện cô bé Mận. Đêm đó, ông Mạnh (bố
Dũng) không tài nào chợp mắt được…
Sáu năm đã
lùi vào quá khứ mà trong mỗi miếng ăn, giấc ngủ của ông Mạnh luôn chập chờn
bóng người đàn ông với đôi mắt xa xăm in trên tấm gương chiếu hậu. Một chiều
mưa tháng mười, sau khi kiểm tra xong tổ máy mới, ông Mạnh gọi tài xế đến đón về
nhà. Nhưng, chiếc xe và người đàn ông đã vĩnh viễn nằm lại trên đường. Tang lễ
đâu đấy xong xuôi, ông Mạnh mới nhớ ra có lần cụng li với nhân viên, nghe anh
tài xế góa vợ, gà trống nuôi con một mình. Ông đâu ngờ đứa trẻ mình hằng tìm kiếm
bấy lâu nay lại là bé Mận, bạn cùng lớp với con trai nhỏ của ông.
Phần bé Mận
mới chua xót làm sao! Lọt lòng đã mất mẹ vì sanh khó, năm tuổi người cô bé
thương yêu nhất là cha cũng ra đi vĩnh viễn mà không kịp trăn trối lời nào. Từ
ngày cha mất, Mận hay thơ thẩn một mình. Kí ức về cha đã tủn mủn, vụt vặt đi
theo ngày, theo tháng. Ngoại cho đi học, biết chữ rồi, cô bé xin bà mua thêm một
cuốn tập nhỏ. Tỉ mẩn, lưu lại những gì còn sót về cha. Em đã viết rất nhiều. Ngổn
ngang, lặt vặt. Mận nhớ từ nhỏ đã ngủ quen trên cánh tay của ba, nhiều hồi sáng
ra thấy ba lắc lắc bả vai. Rồi có một đêm Mận sợ lắm! Đang ngủ ngon lành, thì
không có ba ở bên, Mận mở mắt thì trời đang tối om, mà lại có một đốm sáng đỏ
loé đằng kia. Mận khóc rú lên. Đốm sáng tắt ngấm, chỉ còn bàn tay của ba vuốt
nhẹ lên trán “Ngủ đi con, Mận!”. Tiếng cái quạt mo lại lạo xạo trong đêm.
Mận còn nhớ
ba thường cõng em ra sau vườn khi cỏ lên tới mắc cá chân. Hai cha con cùng làm
vợt bắt chuồn chuồn. Ông ngồi tựa vào thân cây, nhìn con tha thẩn không biết mệt.
Mận quay lại, trên tay cầm con chuồn chuồn kim đang ngo ngoe. Hai cha con chạm
chung một nụ cười. Những lúc công ty có lễ lạc, liên hoan, ông thường dành món
ngon gói về cho con gái “Mận ơi, ra coi ba mang gì về cho con đây nè!”. Mận viết
lại nguyên xi câu này, để trong dấu ngoặc kép đàng hoàng. Cô dạy như thế mà. Nhưng
không biết có đúng không nữa? Mận sợ quên nên ngày nào trước khi đi học, em
cũng ngắm ba một lát. Ba lúc nào cũng cười với Mận.
Nhưng Mận
không thể nhớ hết. Hay nói cho phải là con bé còn quá nhỏ để tưởng tượng được
cái cảnh một người đàn ông vừa ôm nỗi đau mất vợ, vừa ôm đứa con đỏ hỏn, vỏn vẹn
hai kí tám chạy đi xin sữa khắp làng. Đàn bà chuyền tay nhau cho bú thép. Có
lúc con đói, ba phải lắng lấy nước cơm, hòa đường cho con uống. Trẻ con thiếu
hơi mẹ, cực khổ trăm bề. Vừa đưa võng hát ru con, vừa chẻ củi gánh nước nấu ăn
quét nhà. Bàn tay thô kệch, vạm vỡ là vậy mà đồ phơi láng coáng trên dây, dỗ
con không thua đàn bà là mấy. Con nhỏ trăm thứ bệnh, từ sổ mũi nóng sốt đến mọc
răng nhưng… đều qua hết. Có lẽ Mận biết thương ba nên lớn phổng phao, không đau
yếu gì. Có lần, em sà vào lòng ba, ngước mặt lên hỏi: “Mấy bạn toàn tên đẹp,
sao ba đặt con tên Mận, quê quá à!”. Ông ôm chặt con bé, cắn chặt môi. Ừ thì mẹ
sanh con vào mùa hoa mận nở trắng xóa vườn nhà mình. Ngày những trái mận non
xanh nhú ra, lấp ló sau những tán lá rộng, từng chùm, từng chùm…
Là ngày, một
trận cuồng phong thình lình quật tả tơi cây mận.
Cu Dũng nói
bạn Mận muốn mua một hộp màu sáp như con. Món quà có đáng là bao, ông Mạnh
không ngần ngại đỗ lại một tiệm văn phòng phẩm trước khi cùng con trai đến nhà
Mận. Cô bé nhẹ nhàng lấy một tờ giấy có đường gấp đôi trên góc học tập xuống. Bức
ảnh được vẽ bằng bút chì, người cha dắt tay đứa con gái, trên tay cô bé cầm cái
vợt bắt chuồn chuồn.
Trước khi đến
đây, ông Mạnh đã bàn với vợ sẽ rước cả hai bà cháu bé Mận về nuôi dưỡng, xem
như người thân trong nhà. Và, để cho Mận có cha mẹ, làm bạn với cu Dũng. Tận
nghĩa với người quá cố.
Gió thổi
đong đưa nhành mận, đem nụ cười của cô bé bất hạnh thả khắp nhân gian. Ông Mạnh
ôm hai đưa trẻ vào lòng: “Hai con thấy không, cây mận không giòn như trứng cá
hay chùm ruột đâu. Mận cứng cáp, dẻo dai đối diện với dông gió”.
P.T.H.D (Phú Yên)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét