Ngang qua mùa hạ là đầu sách thứ 9 và cũng là tập thơ
thứ 8 của nhà thơ- nhà giáo Lê Bá Duy. Tập thơ chất chứa những tình cảm đã đến
độ chín, khi anh đã bước qua cái tuổi không còn trẻ nữa, cái tuổi để anh nghiền
ngẫm, suy tư và chiêm nghiệm về cuộc đời.
Có thể nói đây là tập thơ
thành công hơn, chất lượng hơn, đẹp hơn, đầy đặn hơn cả về nội dung lẫn hình
thức so với các tập thơ trước của anh.
Ngang qua mùa hạ gồm 61 bài: với 3 phần chính và một
phần phụ lục. Phải chăng việc chia và sắp xếp như thế là có dụng ý của Lê Bá
Duy trong việc bày tỏ và thể hiện những tình cảm, ước nguyện của mình.
Hình tượng người mẹ đã
được nhiều văn sĩ, thi nhân thể hiện với nhiều cung bậc tình cảm sâu nặng, tha
thiết khác nhau. Với Lê Bá Duy, anh đã có cách thể hiện của riêng mình đối với
mẹ. Người đọc cũng cảm thấy nhói lòng khi đọc những vần thơ viết về mẹ, đặc
biệt khi mẹ đã không còn trên cõi đời này nữa.
Một ngày
không mẹ
bần thần
Trái tim thắc thỏm ngàn lần nhói thêm
(Viết bên sông mẹ)
Thơ viết về
mẹ, ngoài nỗi nhớ, lòng kính trọng, biết ơn, sự yêu thương vô hạn; anh nhận thấy thấp thoáng quanh mình luôn có bóng
dáng của mẹ. Mẹ vẫn dõi theo, mẹ vẫn âm thầm lo lắng và quan tâm con trên mọi
bước đường. Vì thế, những vần thơ viết về mẹ càng khắc khoải, da diết hơn: Con đi về phía giấc mơ/ Hét lên khúc tấu dại khờ rủi may/ Sáng ra máu đẫm chân ngày/ Lênh loang sông huyết cơn say gục đầu/ Bao giờ qua cửa bể
dâu?...
Dẫu biết rằng theo quy luật tuần hoàn của tạo hóa, của
đời người, không ai có thể sống mãi ở đời. Sinh-Lão-Bệnh-Tử, vòng quay ấy không
thể nào tránh khỏi, đời người là hữu hạn, ngắn ngủi và chóng vánh. Mẹ của tất
cả chúng ta không thể ở đời, ở kiếp mãi với ta được. Biết là vậy nhưng khi mẹ
về cõi vĩnh hằng, mẹ đã rời xa cõi nhân gian này làm cho nhà thơ đau đớn: Bốn mươi chín ngày trôi qua/ Những nén hương cha thắp/ Tàn rơi quyện trắng tóc người/ Rưng rưng cầm lòng không đặng/ Tiếng nấc lặn vào nhói buốt tim con/ Mẹ ơi!/Sao mẹ không về!/ Lẽ nào ra
đi là mãi mãi... (Sao không về mẹ ơi!).
Anh nghẹn ngào trong những tiếng nấc, tiếng gọi nhưng
tất cả đều vô vọng; rồi anh tự hỏi: lẽ
nào ra đi là mãi mãi?
Nỗi nhớ mẹ quay quắt còn được thể hiện rõ nét trong các
bài: Nhớ
mẹ, Dòng thời gian, Thăm mộ mẹ, Nỗi nhớ không tên.
Mẹ giờ đã trở thành người thiên cổ, Lê Bá Duy vẫn giữ
trong mình tình yêu thương vô hạn đối với mẹ. Anh cũng dành cho người cha những
tình cảm, sự yêu kính của một đứa con trai hiếu nghĩa. Nhà thơ thấu hiểu sự vất
vả, nhọc nhằn, tình nghĩa của cha đối với mẹ: Những ngày mẹ ốm cha chăm/ Như cây giữ lửa âm thầm cuối đông/ Nâng niu tình
nghĩa gánh gồng/ Truân chuyên chồng chất lưng còng chẳng than
…………………………
Trông lên đỉnh núi sương mù/ Mắt
rơm rớm ứa khối u sắt cầm/ Nhiều khi trong cõi lặng câm/ Rưng rưng cha nguyện
khấn thầm bình an/ Trở mình đau thấu tâm can…
(Lục bát cho cha)
Có lẽ trong cái nhìn về
thời gian, Lê Bá Duy bộc lộ nhiều trăn trở, day dứt của lòng người. Thời gian
tuyến tính và thời gian tâm trạng đan xen trong thơ Lê Bá Duy. Đây cũng là một
trong những thế mạnh của thơ anh trong việc bày tỏ tình cảm, cảm xúc một cách
thành thật tận cùng.
Đêm trong thơ Lê Bá Duy
là thời gian được nói đến nhiều lần, rất đa dạng, nhiều vẻ. Nó đan kết hòa
quyện để nối ngày qua đêm, nối các mùa trong năm, nối quá khứ và hiện tại. Đêm
trong thơ anh là hiện thực cuộc sống, là thân phận con người, ở đó nhà thơ bộc lộ nhiều cảm giác:
vui, buồn, đau đớn, yêu thương, mong nhớ, tiếc nuối, mơ mộng, say đắm…
Đêm lặng
im, ta lặng im
Chỉ nghe
con phím nặng chìm giấc mơ
Ta như một
kẻ khạo khờ
Ta như một
kẻ bơ vơ giữa đời.
(Chỉ nghe con phím)
Có gì trong
giấc son
Có gì trong
tiếng thở
Đêm nghe
cơn gió trở
Chạnh bao
nỗi mất còn…
(Nghe gió trở mình)
Bằng cảm quan tinh tế,
trong lần đến Buôn Mê, đêm ở lại phố núi cao nguyên, anh đã “lắng nghe” được: Nghe con phố trắng đêm thao thức/ Nghe lặng thầm khe khẽ yêu thương (Viết ở Buôn Mê).
Cũng chính trong đêm, khoảng thời gian yên
tĩnh, những gì của thực tại được nhà thơ Lê Bá Duy nhận thức ở tầm sâu nhất,
cao nhất với biên độ vô cùng rộng lớn. Có lúc, nhà thơ như đang trở về vô thức:
Đêm yên đến cô tịnh/ Lòng thiền tựa như không (Một mình).
Trong
đêm, “EM” cũng là đối tượng gợi lên
cho nhà thơ bao cảm xúc. Đó có thể là nỗi nhớ thương da diết: Có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ em/ Đêm dài hơn nửa vòng trái đất/ Khi những sắp sửa vụt mất/ Tiếc nuối lại về qua kẽ bàn tay (Bài thơ về nỗi nhớ).
Cũng có khi là sự mê đắm,
dịu dàng:
Em
đóa xương rồng vươn lên trên cát
dịu dàng em - dịu dàng đêm
hơi thở ấm trong anh mỗi ngày
nụ cười trong veo…
(Hoa xương rồng)
Bên em suốt một quãng đường
Lượm sườn trắng nõn vấn vương giấc tình
Đêm nghe trăn trở với mình
Gió thơm giấc ngủ yên bình lên xuân...
(Gió thơm giấc ngủ yên bình lên
xuân)
Đôi lúc, là sự hụt hẫng,
thất vọng: Đêm qua mộng thấy trăng về/ Hôn
lên gối chiếc đê mê cả hồn/ Tỉnh ra dạ nổi sóng cồn/ Nghe mùa em gọi bồn chồn
giấc mơ… (Đêm
qua nằm mộng).
Cái đêm em
bước vu quy
Mình anh chạm
cốc vỡ ly rượu nồng
Kiệu hoa quá
một quãng đồng
Nhặt lên mảnh
sắc khắc dòng thơ đau…
(Em
đi)
Đêm gọi cho anh
Giọng hun hút gió
Anh sương khói quẩn quanh nỗi nhớ
Em đi về trong giấc mơ hoang…
(Thổi vào giấc mơ)
Để rồi, Lê Bá Duy lại đau với hiện tại, khi những gì của quá khứ giờ đây
không còn nữa, chỉ còn là ảo ảnh:
Đêm đêm nhìn vầng trăng lung linh trước
ngõ
Anh
thấy mình chìm trong mưa
Chìm
trong tột cùng nhức nhối
Chấp
chới đôi tay bấu lên trời níu giữ một vầng trăng…
(Anh
trong ngày)
Là một nhà giáo, có hơn hai mươi năm trong sự nghiệp trồng người, đã “đưa
đò” nhiều khách qua sông. Giờ nhiều đứa học trò đã thành đạt và ở khắp mọi
phương trời; người thầy ấy cảm thấy ấm lòng nhưng vẫn canh cánh bên lòng những
nỗi niềm khó tả, sự đau đáu khôn nguôi, bởi vì: Hơn hai mươi năm dạy học ở quê nhà/
Từng viết nhiều
bài thơ về tình yêu và cuộc sống/ Chưa làm được một bài thơ về nhà giáo/
Khi tôi tóc đã
điểm sương rồi (Viết trong ngày Hiến chương Nhà
giáo).
Vốn là một người nặng nợ với văn chương, Lê Bá Duy cảm
thấy áy náy với chính mình, vì trong từng ấy năm sống chết với nghiệp trồng
người mà mình chưa làm được một bài thơ về nhà giáo, nói về nhà giáo. Là người
trong cuộc nên có lẽ anh sẽ nhận thấy được rõ nhất sự cao quý của nghề, những
nhọc nhằn, khổ ải, cũng như những mặt trái của giáo dục hiện nay.
Lê Bá Duy
cũng tự nhận thấy: Thời gian trôi qua/
Những gì tôi làm được cũng chỉ là hạt cát/
Cuộc sống muôn đời ca hát/ Lòng mình lại bâng khuâng…
Nhà thơ, nhà giáo Lê Bá Duy cũng dành những tình cảm đặc biệt đối với
chính nơi mình chôn nhau cắt rốn. Đấy là nơi in đậm dấu ấn tuổi thơ, nơi cội
nguồn nuôi dưỡng tâm hồn. Chính mảnh đất và con người quê hương đã để lại trong
anh bao nỗi suy tư và trăn trở. Bài thơ Làng tôi là một trong những bài thơ
hay của anh thể hiện rõ điều đó.
Những nơi anh đã đi qua cũng ghi dấu bao kỷ niệm: Một Plei-ku về
đêm sương giăng mềm lá cỏ/ Đợi người thơ/
ẩn trong lớp sương mờ…(Đêm Pleiku); một Buôn Mê với bao ấn
tượng: Tôi lại về thành phố Buôn Mê/ Nghe
gió núi chen lồng ngực trẻ/ Nghe con phố trắng đêm thao thức/ Nghe lặng thầm
khe khẽ yêu thương (Viết ở Buôn Mê);
một Hội An đã làm xao xuyến và lay động con tim: Ta đã đến một lần xanh ký ức/ Thành phố
bâng khuâng neo bước sông hồ/ Con tim có đôi lần rối nhịp/ Trước vẻ đẹp em và
phố xá quê người… (Gửi Hội An).
Tâm trạng buồn và cô đơn cũng xuất hiện nhiều trong thơ Lê Bá Duy. Tần
số lặp lại dày đặc các từ nói về nỗi buồn, nỗi nhớ, sự xa cách, lạc lõng, bơ
vơ… Là một người sống nội tâm, giàu lòng trắc ẩn, nhiều trăn trở với con người
và cuộc đời nên đọc thơ Lê Bá Duy ta thấy giọng trầm lắng, suy tư là giọng chủ
đạo trong thơ anh.
Lý lẽ con tim không bình yên
Trong ký ức gương mặt em thánh thiện
Rất gần gũi mà sao xa đến vậy
Ước mơ xanh cũ tự bao giờ
(Tâm
tư)
Anh đau xót trước cảnh những đứa trẻ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh:
Vẫn còn bao đứa trẻ không cha
phải nhặt nhạnh từng bó rau, thùng nước
phải bươn chải, mưu sinh tồn tại
mong nhận những tấm lòng nhân ái, sẻ chia…
Đọc những câu thơ trong bài Thắp sáng ước mơ làm người đọc nhói
lòng:
Tôi nhìn thấy hai
đôi mắt trẻ thơ
tròn hồn nhiên và trong veo đến lạ
cha bỏ đi khi mẹ vừa mới mất
hơn năm năm rồi chúng vẫn lớn lên…
Nhận tấm lòng từ các nhà hảo tâm
hai đứa trẻ run lên sung sướng
nước mắt chảy trên đôi má gầy ngăm nắng
đủ làm nhòe se sắt câu thơ…
Hai đứa trẻ bơ vơ
thiếu tình thương cha mẹ
lớn lên từ những đôi quang gánh
từ những thùng nước sạch… bán - mua…
từ cánh đồng phèn chua
từ quê hương một quần chín áo
con chữ theo em qua những cánh đồng
thắp ước mơ xanh cùng ánh đèn dầu…
Với sự đồng
cảm chân thành và tấm lòng yêu thương con người sâu sắc, nhà thơ mãi day dứt:
Cái nghèo này chẳng lẽ cứ triền miên?
Rồi có lúc trời hết mưa lại nắng
Rồi có lúc chính các em chiến thắng
Nỗi đau này còn lại thuộc về tôi!
(Tình nghèo)
Nỗi khắc khoải về thời
gian cứ thấm sâu vào trong tiềm thức, vì thế có lúc Lê Bá Duy tỏ ra nuối tiếc
trước bước đi của thời gian:
Đời nhanh như gió thoáng qua
Thế nhân một kiếp cũng là phù du
(Lục
bát cho cha)
Ta cũng có một mùa thu ngây
ngất
Để bây giờ khắc khoải mỗi mùa
qua
Để cõi về rung những tiếng ngân
nga
Và đau đớn từng vết thương sỏi
đá.
(Mùa
thu ơi)
Để rồi anh lại muốn: Thèm được nghe mình gọi tên mình/ Giữa nguyên thủy hoang vu
sâu thẳm/ Thèm vòng tay choàng nhau đằm thắm/ Đêm bình yên xoa dịu bể dâu đời… (Tản mạn đêm).
Đọc thơ Lê Bá
Duy, ta thấy một điều rằng thơ anh viết buồn nhiều hơn vui.
Nhưng nhìn chung, dù buồn
hay vui, dù than thở, tiếc nuối, hụt hẫng hay hi vọng… giọng thơ Lê Bá Duy đều
mang âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng nên dễ đi vào lòng người đọc. Tất cả đều bắt
nguồn từ những tình cảm thiêng liêng, chân thành, những suy tư trăn trở về tình
yêu và bản chất của sự sống. Ngang qua mùa hạ là tập thơ thể hiện
rõ nét nhất, đa dạng nhất những đặc điểm nói trên trong hành trình sáng tạo thơ
Lê Bá Duy./.
N.V.H (Phú Yên)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét