Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
HQN - Vừa qua, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã gửi cho trang nhà bài viết, tựa đề: Thử đo độ “nổi” của nhà văn qua internet, trong đó chủ yếu là các nhà văn được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cách đây vài năm. Xin giới thiệu đến bạn đọc như một tư liệu tham khảo...
Lời tác giả: Thưa các bạn! Trong các cuộc thi ca hát hoặc liên hoan phim, bên cạnh các giải thưởng do Ban Giám khảo đưa ra, BTC thường có thêm giải thưởng do khán giả bình chọn. Những giải thưởng kiểu thứ 2 này nhiều khi ngược hẳn với danh sách của Ban Giám khảo. Điều này âu cũng là chuyện thường tình vì nghệ thuật thường được mỗi người cảm nhận theo chủ quan của mỗi người. Đối với những tác phẩm nghe nhìn trực diện mà còn thế, nói chi đến văn chương, loại hình không phải ai cũng hiểu giá trị tác phẩm khi mới đọc lần đầu. Đấy là chưa kể đến những tác phẩm chịu số phận oan nghiệt khi người đọc, người chấm giải không đọc hoặc lướt qua mà vẫn cầm bút, cầm micro phê phán, nhận xét và cho điểm. Đó cũng là những “nỗi oan của văn chương” mà những người sáng tác loại hình này thường phải gánh chịu.
Cách đây mấy năm, tôi có thực hiện một cuộc khảo sát độ chìm độ nổi của văn chương bằng mạng internet. Kết quả đã cho ra những con số thật thú vị. (NKĐ)
Đối tượng khảo sát:
Các nhà văn được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Có kèm theo một số nhà văn không được vào diện trên để so sánh.
Cách thăm dò:
Đặt trong ngoặc kép bút danh thường dùng sau chữ “nhà văn” hoặc “nhà thơ” hoặc tên tác phẩm trong khung Google rồi nhấn Enter. Trong giây lát sẽ cho ra kết quả. Ví dụ: “Nhà văn A”, “Nhà thơ B”, “Chí Phèo”… Như vậy có thể nói những người xuất hiện trong bản khảo sát này đều được lên cùng một bàn cân, cùng một thước đo.
Điều đáng lưu ý là độ “nổi” của mỗi nhà văn trên mạng internet hoàn toàn không liên quan đến việc họ có sử dụng hay không sử dụng phương tiện hiện đại này. Bởi lẽ ngay cả những nhà văn quá cố như Ngô Tất Tố, Nam Cao hoặc những nhà văn hiện còn sống nhưng xa lạ với internet như Thanh Tùng, Trần Văn Thước… bằng động tác nhắp chuột đều cho ra những kết quả không lẫn vào đâu được.
Xin coi khảo sát này như phiếu bình chọn của khán giả trong các cuộc thi ca nhạc, nhảy múa, người đẹp…trên tivi.
I. Độ nổi của từng cá nhân nhà văn
A. Nhà văn được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh (những người đã từ trần hoặc xin rút tên không có trong danh sách này):
1. Đỗ Chu: 75.600 kết quả.
2. Hồ Phương: 40.300
3. Ma Văn Kháng: 109.000
4. Hà Minh Đức: 6.120
5. Hữu Thỉnh: 493.000
6. Lê Văn Thảo: 110.000
7. Lê Lựu: 227.000
8. Hoàng Tích Chỉ: 5
B. Nhà văn được đề cử Giải thưởng Nhà nước (những người xin rút tên hoặc từ trần không có trong danh sách này):
1. Nguyễn Khắc Phê: 42.200
2. Lê Minh Khuê: 90.000
3. Hồ Sĩ Vịnh: 3
4. Văn Linh: 28.100
5. Phan Hồng Giang: 5840
6. Nguyễn Chí Trung: 13.700
7. Hoàng Nhuận Cầm: 40.500
8. Thái Bá Lợi: 13.000
9. Văn Công: không có kết quả
10. Ngô Văn Phú: 4.700
11. Nguyễn Thị Hồng Ngát: 24.700
12. Mai Quốc Liên: 2420
13. Anh Ngọc: 38.500
14. Xuân Cang: 8080
15. Ông Văn Tùng: 5310
16. Trang Thế Hy: 39.800
17. Bùi Bình Thi: 13.000
18. Nguyễn Viết Lãm: 4920
19. Hồng Nhu: 11.300
20. Nguyễn Phan Hách: 18.400
21. Ngô Thảo: 20.900
22. Thanh Quế: 3400
23. Cao Tiến Lê: 3770
24. Trần Ninh Hồ: 2370
25. Lê Thành Nghị: 3980
26. Trần Văn Tuấn: 43.100
27. Nguyễn Thị Như Trang: 5630
28. Nguyễn Hữu Nhàn: 13.300
29. Tô Nhuận Vỹ: 12.900
30. Đức Hậu: 6850
31. Vân Thanh: 4
32. Nguyễn Trọng Tạo: 278.000
33. Hoàng Minh Châu: 10.900
34. Hoàng Minh Tường: 29.200
35. Hồ Anh Thái: 118.000
36. Đình Kính: 54.600
37. Đặng Hấn: 1390
38. Vũ Huy Anh: 9
Dưới đây là kết quả khảo sát một số nhà văn không có tên trong 2 bản danh sách trên: Nguyễn Huy Thiệp (531.000), Trần Đăng Khoa (348.000), Bảo Ninh (211.000), Thanh Tùng (70.700),... Danh sách này còn rất dài nhưng người tra cứu thấy không cần thiết phải nêu đầy đủ.
Như vậy cho thấy có khá nhiều nhà văn, nhà thơ không được đề cử vào 2 giải thưởng có tầm cỡ quốc gia nhưng uy tín nghề nghiệp của họ trong cộng đồng cao hơn rất nhiều so với những người được đề cử.
II. Độ nổi của từng tác phẩm (Do bản danh sách những nhà văn được đề cử giải thưởng Nhà nước không ghi kèm theo các tác phẩm của họ nên không thể khảo sát được)
A. Với những tác phẩm được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh
1. “Tản mạn trước đèn” tùy bút của Đỗ Chu, 115.000 kết quả.
2. “Những cánh rừng” của Hồ Phương, 7360
3. “Mưa mùa hạ” của Ma Văn Kháng, 1.150.000
4. Cụm tác phẩm …của Hà Minh Đức (không có tên tác phẩm cụ thể nên không thực hiện được)
5. “Trường ca biển” của Hữu Thỉnh, 69.200.
6. “Con đường xuyên rừng” của Lê Văn Thảo, 43.700.
7. “Sóng ở đáy sông” của Lê Lựu, 707.000.
8. “Kịch bản phim” của Hoàng Tích Chỉ (không cân đong đo đếm được)
B. Với những tác phẩm không được đề cử giải thưởng nhưng ít nhiều gây dư luận (Sắp xếp theo thang bậc từ cao xuống thấp):
1. “Nước mắt một thời” của Nguyễn Khoa Đăng: 1.800.000 kết quả
2. “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh: 168.000.
3. “Bão táp triều Trần” của Hoàng Quốc Hải: 116.000.
4. “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường: 112.000.
5. “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân: 70.100.
6. “Lửa đắng” của Nguyễn Bắc Sơn: 13.700.
v.v…
Rõ ràng độ “nổi” của những tác phẩm không được đề cử này không thua kém, nếu không muốn nói là nổi trội so với nhiều tác phẩm ở danh sách được đề cử trên.
Thiết nghĩ Hội đồng giải thưởng Văn học Quốc gia không nên bỏ qua khảo sát này. Nó sẽ giúp cho Hội đồng có cái nhìn khách quan, công bằng hơn khi đánh giá tác giả và tác phẩm và làm cho giải thưởng càng có ý nghĩa hơn, cao quý hơn.
(Những kết quả trên được cập nhật vào hồi 3 giờ 30 ngày thứ sáu 30.9.2011).
Nguyễn Khoa Đăng (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét