Thằng Cá nhỏ của mẹ mới ngày nào còn lẵng nhẵng chạy
theo mẹ ra bờ sông cất vó tôm, thế mà giờ đã lớn lắm rồi. Mẹ ngồi nhà nhiều lúc
không tưởng tượng nổi khuôn mặt của con giờ ra sao, không biết cái cục thịt
thừa trên trán con có lớn hơn không. Mẹ cứ thắc thỏm mãi nếu mà nó to ra thì
tội con trai mẹ bởi không biết có đứa con gái nào nó chịu thương không. Mấy lần
con điện về, mẹ cứ định hỏi lại sợ con buồn nên thôi, mẹ cứ tự trách mình sao
sinh con ra đã vậy. Trong lúc mẹ ngồi ngóng ra sông và nghĩ ngợi về cục thịt
thừa trên mặt con, thì thằng Cá nhỏ của mẹ đang lang thang ở trời Tây. Con đi
mười năm rồi chưa về thăm mẹ, chỉ thi thoảng gởi chút tiền và bưu phẩm linh
tinh cùng vài cuộc điện thoại bất chợt trong những cuộc hành trình rong ruổi đi
tìm cái mới của con. Cái cục thịt thừa con cũng đi phẫu thuật cắt phăng lâu rồi
mà mẹ cứ hoài thắc thỏm.
Nhà mẹ gần sông nên khi sinh con ra mẹ thường gọi con
là Cá nhỏ để lớn lên con mẹ bơi theo sông ra biển lớn. Đời mẹ nhọc nhằn nhiều
rồi chỉ mong chắt chiu cho con những thương yêu như bãi bồi phù sa sông Hồng
chắt chiu qua bao năm tháng để làm nên những mùa màng trù phú. Mỗi lần nhìn con
ngóng qua bên kia sông, mẹ lại mong con mau trưởng thành bởi còn có những chân
trời, những vùng đất mới đang chờ con khám phá.
Thế là năm hai mươi tuổi, sau khi xuống thành phố học đại học được hai năm, Cá nhỏ kiếm được suất học bổng toàn phần đi du học bên
Pháp. Với mẹ nơi đó là đại dương, mà đại dương thì mênh mông thường chẳng thấy
bến bờ. Lúc con bé mẹ mong con đủ cứng cáp bay xa nhưng những tháng năm vắng xa
con vời vợi, mẹ lại chiều chiều ngóng ra sông chờ Cá nhỏ về bên vòng tay mẹ. Nhưng
thường thì mấy khi loài cá lại lội ngược dòng về sông nhỏ quê nhà để ngồi trong
sắc thẫm hoàng hôn buồn hắt hiu như mẹ bây giờ. Mẹ biết vậy nên mẹ có bao giờ
trách Cá nhỏ đâu…
Thi thoảng Cá nhỏ lại điện về nói con đang ở thành Rome cổ kính, mẹ có biết
chỗ này không? À! Chắc mẹ không biết đâu, nơi đây có đấu trường Coloseum do Hoàng đế Vespsia xây dựng cách đây gần 2000 năm, nó
có sức chứa năm vạn người. Tuyệt quá đúng không mẹ? Ở đầu dây bên kia mẹ vừa
nghe vừa gật đầu nói “Ừ! Tuyệt thật! Tuyệt thật”.
Lúc khác Cá nhỏ lại điện
về bảo:
- Con đang ở xứ sở của cối
xay gió, đố mẹ biết là nơi nào?
Ở đầu dây bên kia mẹ à
lên một tiếng rõ to:
- Đôn-ki-hô-te đánh nhau
với cối xay gió phải không?
- Ồ! Sao mẹ giỏi vậy?
- Câu chuyện này chẳng
phải con rất thích hay sao? Trong sách giáo khoa lớp 8, con thường đọc vanh
vách mỗi buổi tối nằm trên chõng tre hóng gió. Hồi ấy mẹ bảo không có cái cối
xay gió nào thật trên đời nhưng con thì cứ quả quyết là có. Con còn nói sau này
lớn lên con sẽ đi tìm cối xay gió cho mẹ xem. Giờ được nhìn thấy cối xay gió
rồi có thấy đẹp không con?
- Tuyệt lắm mẹ ạ. Con đang
đứng trong làng Kinderdijk - làng cối xay gió mẹ ạ. Ở đây cỏ xanh, gió mát lắm
mẹ ạ. Con rất muốn mang cối xay gió về cho mẹ nhưng chúng to lớn và mạnh quá,
làm thế nào để con có thể đút chúng vào túi quần để mang về hả mẹ?
Con cười, mẹ cười, ngả
nghiêng cả miền thương nhớ. Lúc con cúp máy rồi mẹ cứ thắc thỏm mãi, tưởng gì
chứ cỏ xanh và gió mát thì quê mẹ thiếu gì, sao phải đi đến tận đẩu đâu. Mẹ lại
nhìn ra sông, nhớ cái hồi Cá nhỏ suýt nữa thì chết đuối chỉ vì muốn bơi qua bên
kia bờ sông, xem bên ấy có những gì. Đến lúc Cá nhỏ lớn lên, học bơi thạo, mỗi
lần qua sông dễ ợt, bơi mươi phút là sang. Có lần mẹ hỏi bên sông có gì mà
khiến con thích thú vậy? Cá nhỏ bảo bên ấy có cát, có cánh đồng ngô, có nhà. Mẹ
lại hỏi còn có gì khác nữa không? Gãi đầu gãi tai một lúc, con hồn nhiên bảo
bên ấy có người. Mẹ phì cười bảo những thứ đó bên này cũng có sao cứ phải lao
ra giữa dòng chảy nguy hiểm để kiếm tìm…
Lần nữa, Cá nhỏ điện về
cho mẹ nói con đang ở sông Volga này mẹ, đây
là con sông dài nhất châu Âu, nằm ở miền tây nước Nga đó. Mẹ định hỏi xem sông
có đẹp không nhưng lại thôi vì sông nào mà chẳng có đôi bờ, nước trôi lững lỡ
ngày yên ả và cuốn xiết khi mưa bão đến. Sông quê mẹ cũng thế thôi…
Bữa nọ mẹ xem thời sự,
thấy thông tin về vụ chìm tàu du lịch trên sông Volga
khi đang chở 185 người đi tham quan. Mẹ lập cập gọi điện cho con, chuông tút
hoài mà không thấy con nghe, mẹ đã không thể bình tĩnh nổi nên bật khóc. Con
bước từ phòng tắm ra, thấy cuộc gọi nhỡ từ số máy bàn nhà mẹ. Con gọi lại, mẹ
hỏi con có sao không? Có đang ở Volga không?
Con ngớ người một lúc thì hiểu ra liền bật cười bảo mẹ lẩm cẩm rồi, con ở Volga từ hai tuần trước cơ mà. Bây giờ con đã quay về
Pháp. Mẹ lại ra trụ đá ngồi, buồn vui bộn bề, hoang hoải…
* * *
Cá nhỏ ra đại dương đã được mười năm. Bỗng một hôm mưa
gió tự nhiên thấy nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ bên sông quê quay quắt nên cả đêm bồn
chồn không làm sao ngủ được. Sáng hôm sau Cá nhỏ quyết định thu xếp công việc
trở về quê một chuyến. Nhưng để tạo bất ngờ cho mẹ nên Cá nhỏ không điện trước.
Mười năm quê đổi thay nhiều, Cá nhỏ hỏi về bến sông làng mẹ người ta chỉ tay về
phía cây cầu. À! Hóa ra là cây cầu trong câu chuyện mẹ kể qua điện thoại vào
một hôm nào đấy. Cá nhỏ không ngờ bến đò năm xưa giờ thay bằng cây cầu to đẹp
đến vậy. Thế mà khi nghe mẹ hồ hởi kể về nó bằng tất cả niềm vui sướng thì Cá
nhỏ đã cắt ngang lời mẹ bằng câu chuyện về cây cầu Skywalk Grand Canyon được làm bằng kính tại bang Nevada của Mỹ mà con đã
từng được đến. Lúc ấy con đã không cần biết rằng người dân quê đã không phải vất
vả đợi đò sớm khuya trong mưa gió vì đã có một cây cầu. Con cũng không cần biết
rằng cây cầu quê hương tuy rất nhỏ bé so với những cây cầu mà con từng bước
chân qua nhưng nó là niềm mơ ước, là khát vọng bao đời của người dân quê lam
lũ, của những đứa trẻ như Cá nhỏ mấy mươi năm trước luôn khao khát được sang bờ
bên kia, được biết bên ấy có những gì.
Cá nhỏ đứng lớ xớ trên cầu, ngó nghiêng tìm mái nhà
của mẹ lúc này mới chợt giật mình, cảnh hai bên bờ sông sao tiêu điều giống vừa
trải qua một cơn ngập lũ. Bãi mía đổ dập, vài ngọn mía như còn cố ngóc lên từ
đất cát, vài ngôi nhà xây tường còn loang lổ vết bùn. Giữa sông còn trôi lều
phều vài thanh tre lứa, vài tàu lá cọ. Bỗng nhiên như có một dòng điện mạnh
chạy dọc sống lưng, Cá nhỏ đứng đó, rút điện thoại gọi vào số máy của mẹ, định
trêu mẹ chút xíu cho mẹ vui. Nếu mẹ nhấc máy, thể nào mẹ cũng hỏi “Cá nhỏ đang
ở đâu vậy?”, lần này con sẽ trả lời “Cá nhỏ đang đứng trên cây cầu quê mẹ”.
Chắc là mẹ sẽ mừng vui lắm. Thế nhưng số máy của mẹ đã không thể liên lạc được,
giọng nói vô hồn của tổng đài vang lên khiến con lạnh buốt người. Mẹ thường
chẳng bao giờ tắt máy vì mẹ từng bảo rất sợ lúc cần đến mẹ con lại chẳng thể
liên lạc được. Nên điện thoại không dây mẹ ra vườn cũng mang theo, mẹ đi ngủ
cũng cũng để máy ngay đầu giường và pin thì luôn được sạc đầy. Vậy bây giờ mẹ ở
đâu? Mẹ đang làm gì mà lại khóa máy, mà không thể nhận cuộc gọi từ con? Cá nhỏ vội
vã chạy về phía những người dân đang bới tìm trong đống bùn đất ngập đến bắp
chân để hỏi thăm nhà mẹ. Người dân nơi đây nhận ra cái thằng cao to, ăn mặc
sang trọng, tay xách vali kia chính là thằng Cá nhỏ lem luốc bị cha bỏ lại từ
tấm bé. Người làng nhìn cảnh bùn đất bốn phía, sông nước mênh mang mà rưng rưng
bảo:
- Sao về muộn vậy? Hôm đưa mẹ cháu ra đồng không có
tiếng khóc của cháu con. Lạnh lắm! Điện thoại nhà cháu lũ cuốn rồi, chẳng ai
biết đường nào mà liên lạc với cháu. Thôi thì, cũng còn may biết tìm thấy đường
về.
Cá nhỏ như chết đứng giữa làng quê sau mười năm xa
cách trở về. Người làng bảo mẹ bị trúng gió nằm liệt giường cả tháng, khi đó
chắc con đang ở sông Volga. Ngày mưa bão đến,
nhà tranh vách đất lùa lùa bốn bên, bão quật đổ, sông nước dâng lên vùi mẹ chìm
trong biển nước. Lúc đó con đang ở đâu? Cá nhỏ của mẹ, đứa con mà mẹ mang nặng
đẻ đau, mẹ thương yêu hơn chính bản thân mình đã ở đâu và làm gì vào giây phút
ấy? Cái giây phút mẹ ốm nằm liệt giường, thấy nước sông dâng lên dần dần mà
không làm cách nào chạy thoát. Mà không có một bàn tay nào đỡ mẹ dậy, không có
ai ở bên cạnh mẹ lúc hoảng sợ nhất. Chắc hẳn lúc ấy mẹ đã rất cô đơn? Mẹ đã gọi
tên Cá nhỏ nhiều lần, thậm chí đã cầu nguyện cho con hạnh phúc. Lúc ấy Cá nhỏ
của mẹ đang ở giữa đại dương. Mà đại dương thì vốn mênh mông và xa xôi khó tìm
thấy bến bờ…
Người làng chỉ về phía trụ đá, mẹ nằm lại ở đó. Sau
bao nhiêu tháng năm, bao nhiêu thăng trầm, bao mùa bão lũ, ngay cả mái nhà của
mẹ lũ cũng đã cuốn đi, chỉ cái trụ đá bên lối mòn dẫn vào nhà mẹ là vẫn còn. Trụ
đá mẹ nhờ người khênh từ trên núi xuống rồi dựng lên vào ngày cha ra đi, bỏ lại
hai mẹ con chênh vênh mái lá. Đã có lần Cá nhỏ hỏi mẹ:
- Mẹ dựng trụ đá làm gì hả mẹ?
- Để người đi còn biết đường tìm về. Ở cõi đời cả người
chết và người sống cần có một bến bờ, một lối quen, một điểm trụ để đi đâu cũng
nhớ.
- Mẹ đang chờ cha con sao?
Đó là lần đầu tiên mẹ không trả lời
câu hỏi của con. Mắt mẹ nhìn xa xăm, vời vợi một ánh buồn khó tả. Khi đó Cá nhỏ
16 tuổi mà trong buổi hoàng hôn ấy, Cá nhỏ nhìn thấy lẫn trong búi tóc đen của
mẹ lẫn vài sợi trắng. 18 tuổi con đi, quên câu hỏi hôm nào mẹ bỏ ngõ nơi trụ đá
bến sông, mười năm sau trở về không còn mẹ trên đời, con mới chợt hiểu ra… Chắc
biết con vô tâm nên trụ đá còn đứng đó để dẫn lỗi Cá nhỏ về bên bến sông quê
của mẹ. Người làng bảo, cũng vì không muốn xa dời trụ đá và những kỉ niệm năm
xưa nên dù năm nào cũng có một mùa lũ đi qua, dù xã đã nhiều lần giục di dời
nhà cửa lên khu an toàn hơn nhưng mẹ vẫn nhất quyết không chịu đi. Con ngồi đó
lặng câm, thấy những tháng ngày đã qua, nhưng nơi từng đến đều trở nên vô
nghĩa…
Con đi mười năm giờ trở về chợt nhận ra sông quê mẹ
hoàng hôn còn đẹp hơn sông Volga, khu vườn
rộng mênh mông của mẹ cỏ còn xanh, gió còn mát hơn ngôi làng Kinderdijk con từng đến. Con bây giờ không còn thiết tha
ngồi ngóng về phía bờ bên kia chỉ để thắc mắc xem bên đó có những gì. Con đi
mười năm, về ra thăm trụ đá, sờ tay thấy vết lõm sâu hơn. Người làng bảo chiều
nào mẹ cũng ra sông ngóng theo dòng chảy. Trụ đá này hơn hai mươi năm về trước
Cá nhỏ vẫn thường ngồi ngóng mẹ thả lưới, giăng câu…
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét