Tôi dừng lại, hít thật sâu rồi thở ra
vài lần. Đã hết run. Có tiếng thúc giục: "Vào đi!". Trống ngực lại đánh dồn
dập. Tôi lấp ló một hồi mới dám bước vào văn phòng trường. Ba người trố “mười
cặp mắt” nhìn tôi, nét mặt nghiêm nghị như sắp xử án. Tôi vội gật đầu chào:
- Thưa thầy, thưa cô, thưa thầy…!
Thầy hiệu trưởng, người duy nhất có… hai mắt chỉ cái ghế, bảo:
- Ờ, em ngồi đó!
Tôi khép nép ngồi xuống, dấu hai bàn
tay vào tà áo, đút hai chân vào kẽ bàn và chờ đợi. Thầy hiệu trưởng chậm rãi
xếp quyển sổ bìa đen dầy cộm rồi từ từ đút nó vào hộc tủ. Thầy hưỡn đãi nói:
- Sao, bây giờ em định chuyển qua môn
nào? Nhạc hay Kỹ thuật?
Tôi lẹ làng thưa:
- Dạ, Kỹ thuật ạ!
Thầy nhìn tôi đầy vẻ cảnh giác:
- Chắc chắn chưa?
- Dạ chắc! Tôi quả quyết.
Ông rút điếu thuốc ra, chẳng hiểu sao
lại cho vào bao:
- Từ đầu năm đến giờ, em đã xin chuyển
môn mấy lần rồi.
Tôi sượng sùng, ấp úng:
- Dạ… có… ba lần.
Thầy bỗng dưng nổi nóng, ngồi thẳng
dậy, mắt lóe lên những tia choi chói, rờn rợn, ông quát:
- Chưa thấy học sinh nào kì cục như
em. Lúc vầy, lúc khác. Lập trường chẳng vững vàng gì hết. Có một môn phụ mà
cũng đổi tới, đổi lui. Lớn, ra đời, làm ăn lại ai?
Thầy Thy dạy nhạc và cô Quỳnh dạy môn kĩ thuật nhổm dậy như ngồi phải lửa. Hai người nhìn nhau rồi ngồi xuống. Nhác
thấy, biết mình đã lỡ lời, thầy hiệu trưởng vội nói như phân bua:
- Tuy là môn phụ nhưng rất cần thiết
cho cuộc sống của chúng ta. Đời mà thiếu nhạc thì vô vị biết bao. Còn trong gia
đình, nếu người nội trợ chẳng đảm đang, không thông suốt kĩ thuật… nấu nướng,
làm bánh và nhiều thứ khác thì làm sao có hạnh phúc!
Thầy nhạc và cô kĩ khuật tươi ngay nét
mặt. Họ đưa tay sửa lại gọng kính. Đó là dấu hiệu cảm động của thầy cô. Tôi
cũng đưa tay… kéo tà áo dài che ngang
miệng để giấu nụ cười quỉ quái của mình.
Thầy hiệu trưởng tiếp tục lên lớp:
- Đó, em suy nghĩ đi rồi chọn. Chỉ có
bấy nhiêu mà cũng làm rối ren. Dân chủ quá rồi sanh tệ. Cho quyền chọn lựa thì
nay yêu sách này, mai yêu sách nọ. Rõ chán!
Tôi
cũng đồng ý với thầy. Nhạc là bộ môn nghệ thuật không thể thiếu trong cuộc
sống. Thiếu lời ca tiếng đàn, đời sẽ trở nên khô cứng, buồn tẻ, vô vị biết
chừng nào. Chính vì vậy, tôi đã ghi tên học nhạc. Ở trường, tôi rất thoải mái
trong việc chọn hai môn nhạc hoặc kĩ
thuật. Bởi lẽ, bộ môn này mới có giáo viên, hai người mà phải gồng gánh tất cả
các lớp về môn này, làm sao chịu nổi. Thầy hiệu trưởng cho phép chúng tôi được
quyền chọn môn. Em nào không thích, làm đơn xin… không học. Rốt cuộc hai người
thầy hóa nhàn vì đa số… xin dốt nhạc và kĩ thuật. Còn lại một ít, tha hồ nhõng
nhẽo, làm eo với thầy. Tôi học được vài tiết nhạc thì bên kĩ thuật dạy làm
bánh. Hết bánh nầy đến bánh nọ. Tụi bạn phấn khởi, vào lớp khoe rùm trời:
- Cô dạy lý thuyết trong lớp. Chiều,
lại nhà trọ của cô… thực hành. Vui dễ sợ. Đứa nào cũng làm được mà còn được ăn
bánh.
Nghe ăn, tôi cầm lòng không đậu, liền
lên văn phòng xin chuyển qua môn kĩ thuật.Thầy hiệu trưởng chấp thuận ngay. Ông còn tuyên bố:
- Thích gì cho học nấy. Những bộ môn
nghệ thuật phải để các em tự chọn. Như vậy, năng khiếu mới dễ phát triển.
Ban đầu, việc học nhạc của tôi cũng
khá trôi chảy. Tôi hát cũng hay hay. Bằng chứng là cứ mỗi lần tôi cất giọng ca,
tụi bạn đều lim dim cặp mắt, vài ba đứa còn… úp mặt xuống bàn thưởng thức. Thúy
Đía thì xoay ngang xoay dọc, cười cười rồi kêu lên:
- Đã quá! Thế nào trời cũng mưa!
Tôi đáp tỉnh queo:
- Làm trời cảm động đâu phải dễ, em
Thúy Đía!
Nhưng, học nhạc không có nghĩa là vào
lớp cứ hát ra rả như ve kêu trên tán lá. Phải nắm vững nhạc lý. Muốn vậy, phải
học bài. Tôi chán chết. Số lượng của các bài học của các môn Sinh, Sử, Địa,
Toán… đã làm tôi muốn điên đầu. Bây giờ, thêm nhạc lý, chịu sao nổi. Đã vậy, bên kĩ thuật dù cũng có bài học nhưng… được ăn. Phải chuyển môn thôi.
Nhưng, vừa nhảy qua bên ấy tôi đã
phải thất vọng não nề. Cô qua
chương… "vá áo”. Mỗi đứa phải mua một mảnh vải trắng phiêu phiêu, khoét một lỗ
ngay chính giữa rồi… vá.
Sau một hồi đánh vật với cây kim và
sợi chỉ. Tôi cũng làm cho mảnh vải lành lặn, dù không được phẳng phiu cho lắm.
Thoáng nhìn, cô phê bình: "Nhăn như mặt
bà già!”
Tôi giận, lại lên văn phòng… xin
chuyển qua nhạc. Thầy hiệu trưởng bực bội, mắng nhiếc một hồi rồi cũng đồng ý.
Trước khi đưa tờ giấy vào lớp cho tôi, ông dặn dò:
- Làm gì cũng phải kiên trì chứ! Em cứ
nóng như nước sôi, làm sao thành công. Thôi, xuống lớp học đi, lần nầy phải cố
gắng hơn nghe không?
Vâng lời thầy, tôi cố gắng học nhạc. Bài
lý thuyết nào tôi cũng thuộc. Bài hát nào tôi cũng… tập hát. Nhưng cây muốn lặng
mà gió chẳng chịu ngừng. Tôi muốn ngoan ngoãn mà thầy thì “thiên vị” quá trời.
tôi phát nản.
Hát hay, thầy khen không nói gì. Đàng
này, hát dở như vịt gọi thóc mà thầy cũng cưng yêu, chìu chuộng. Nhỏ Yến Ly mỗi
lần lên hát, nó chơm chớp cặp mắt to, đen lay láy là được điểm tám. Nhỏ Vĩ Tuyến
vừa hát vừa đong đưa mình mẫy, những sợi tóc dài quá gối của nó lay động, ẻo
lả, bay bay, thầy liền cho điểm chín. Trang Ni giọng khàn hơn ngỗng, nhưng nhờ
cây răng khểnh nên cũng được điểm lớn. Đã vậy, mỗi lần vào lớp, thầy thường vác
theo cây đàn. Không như thầy cô khác, thầy chào rất lạ:
- Hôm nay, tôi lại được “hạnh ngộ”
cùng các em.
Thầy đảo mắt một vòng, từ Yến Ly,
Trang Ni, Vĩ Tuyến… rồi cười. Cả lớp cũng cười. Tôi bực. Thầy ôm đàn dạo một
khúc ngắn, vui nhộn. Xong, đặt cây đàn xuống bên tường, thầy lại chỗ ngồi mở sổ
ra và gọi… tôi lên trả bài. Bao giờ cũng vậy: Bảy điểm. Hôm thi học kỳ một tôi
hát trôi chảy thế mà cũng điểm bảy, làm như con số bảy đã được buộc chặt vào
tôi.
Về nhà, tôi bỏ cơm vào phòng nằm khóc.
Hả giận, tôi ngồi dậy soi gương. Cũng đâu đến nổi tệ. Công bình mà nói, cái
trán dô cũng dễ thương lắm chứ bộ. Cặp mắt không to, không nhỏ. Chiếc mũi hếch,
cái miệng… hơi rộng một tí thôi. Nhưng tôi vâng lời mẹ, khi cười, luôn đưa tay
che, bằng không thì chỉ chu chu hoặc chúm chím. Đâu đến nổi… tan hoang cửa nhà.
Trên đường đến trường. Thỉnh thoảng cũng có vài ba khuôn mặt ngoái nhìn tôi chứ
bộ. Mới đây, một sự cố khiến cho cả lớp bàn tán, vui như tết. Trong hộc bàn,
chỗ tôi ngồi, không biết gã nào đã để một cục kẹo dừa kèm theo tờ giấy đề thơ:
Cắn đôi một cục kẹo
dừa
Chia nhau vị ngọt cho vừa mến
thương.
Tôi liền biểu diễn… ngậm nguyên cục
kẹo rồi làm thơ…an ủi:
Ngọt ngào, thơm
lựng – Kẹo dừa
Cám ơn người tặng… tôi vừa… mới ăn.
Khổ nổi, dưới mắt thầy chỉ có răng
khểnh, tóc dài, mắt to là quan trọng, đáng được điểm chín. Còn tôi, chỉ là con
số vô duyên. Giận thầy, hôm nay, tôi lại làm đơn xin qua bên kỹ thuật.
Tôi biết làm như vậy kỳ lắm. Một ngôi
trường huyện mà có thầy dạy nhạc, cô dạy kĩ thuật đâu phải dễ. Thêm vào, thầy
hiệu trưởng dân chủ hết mình, bao giờ cũng thương yêu, chìu chuộng học sinh như
con. Có đốt đuốc đi tìm cũng không thấy. nhưng tánh tôi lãng duyên lắm. Phức
tạp không sửa đổi được. Phải chịu đựng tôi chắc thầy hiệu trưởng rầu nẫu ruột.
Nhưng được một điều là tôi đánh vũ cầu rất giỏi, tôi đã từng đoạt chức vô địch
môn nầy ở vòng…. huyện. Vì vậy, thầy cưng, tôi tha hồ nhõng nhẽo, yêu sách.
Nhất hóa tam, lần này hơi căng. Thầy
cho mời thầy Thy và cô Quỳnh xuống văn phòng để gặp… tôi. Thầy hiệu trưởng
trừng mắt hỏi:
- Sao, học môn nào?
- Dạ, kỹ thuật.
- Tại sao em không thích học nhạc nữa?
Thầy Thy cũng lên tiếng:
- À, em hãy cho thầy biết, tại sao em
xin chuyển lớp?
Chẳng lẽ tôi khai ra rằng vì thầy “vị”
mấy đứa đẹp. Kì quá! Dựa vào đâu mà tôi dám nêu lý do đó. Không lẽ bằng chứng
của tôi là sự suy nghĩ vẩn vơ, bậy bạ, điên khùng trong đầu mình. Tôi đành phải
nói:
- Dạ, tại… em hát dở, thầy cho điểm
nhỏ.
Cô Quỳnh cười. Thầy Thy đứng lên, hai
tay vò đầu:
- Trời ơi trời! Tưởng gì…
Thầy hiệu trưởng cũng kêu lên:
- Hát dở, điểm nhỏ, phải rồi!
Tôi vội giải thích:
- Nhưng bên kỹ thuật, tụi bạn em thêu
xấu ỉn mà vẫn được điểm lớn?
Cô Quỳnh đỏ mặt đứng bật dậy, đến
trước chỗ tôi ngồi bảo:
- Ai nói kỳ vậy em, thêu xấu, làm sao
được điểm lớn?
- Dạ, tụi nó còn nói, cả lớp chín
điểm, chỉ có nhỏ Thu không thêu là bị… điểm một mà thôi. Tụi nó còn bảo cô
thương học sinh lắm, làm em… ham.
Cô Quỳnh nắm hai vai tôi, nhìn vào mắt
tôi rồi bảo:
- Thương các em thì cô có thương nhưng
phải cho điểm chính xác chứ. Chắc các bạn đùa rồi.
Tôi đành gật đầu:
- Dạ, chắc… vậy.
Thầy hiệu trưởng nhìn tôi không chớp
mắt:
- Trời, chắc nó không… bình thường rồi.
Thầy không nói gì nữa, cắm cúi viết
rồi đưa nó cho tôi, ông bảo:
- Em về đưa tờ giấy mời nầy cho ba má,
bảo thầy chờ nghe!
Kết quả, ba má bắt buộc tôi phải học
nhạc sau khi tặng… ba roi cảnh cáo.
Thời niên thiếu đã qua. Tôi rời ghế
nhà trường, vào đời bằng những bước chân bỡ ngỡ. Tôi chạm mặt cuộc sống đầy
những dối gian, bất trắc. Tôi phải chịu đựng bao nghịch cảnh trái lòng. Nhưng
bao giờ tôi cũng phải chấp nhận và dẫu vấp ngã cũng phải tự gượng dậy, đứng lên
và tiếp tục cuộc hành trình. Không như ngày xưa, dưới bóng râm tàn phượng, tôi
thả sức mộng mơ, nhỏng nhẻo… trong vòng tay ấm áp, thương yêu của thầy cô và ba mẹ. Những kỷ niệm đẹp đẽ ấp ngủ yên
trong ký ức tôi. Để mỗi khi hạ về, phượng cháy đỏ trời, ve rền khắp nẻo, tôi
bồi hồi tưởng tiếc một thời áo trắng ngây thơ.
N.T.M (Trà Vinh)
Thích. Một tự sự thú vị.
Trả lờiXóaMây cám ơn anh đã đọc và nhận xét. Mến chúc anh luôn vui và hạnh phúc anh nhé.
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã ghé thăm. mến chúc vui và an lành.
XóaTruyện ngắn hay quá , mình thấy như được sống lại một thời hoa mộng cũ. Cám ơn tác giả, Hoàihuyềnthanh
Trả lờiXóaCảm ơn bạn vô cùng. Mến chúc bạn luôn vui và thành công mọi mặt nha.
XóaThời đi dạy, học sinh gái có một chút bản lĩnh, có một chút bướng, một chút ngây thơ TT thích lắm vì: Học sinh này chắc là có một năng khiếu nào đó, học không tệ một vài môn, ấy vậy mà khi đọc tác phẩm của cô Mây TT thích thú lắm, đọc mà không chán, cứ lôi cuốn từ dòng này đến dòng khác, đọc hết rồi thấy tiếc. Hay quá cô Mây ạ, trải nghiệm lắm trong nghề dạy mới viết bằng cảm xúc thật này. Chúc cô Mây sức khỏe.
Trả lờiXóaMây cám ơn nhà thơ Trường Thắng nha. Vậy anh và Mây cũng là đồng nghiệp . Điều này thật thú vị, Chúc anh luôn hạnh phúc và dào dạt ý thơ.
Xóa