Nhà thơ Đoàn Thị Lam LuyếnGiọng giãi bày, tâm sựThơ của Đoàn Thị Lam Luyến dường như là tất cả những trải nghiệm đời sống, những trang nhật ký, những trang đời chân thực nhất của chính tác giả. Có lẽ ở điểm này thơ Lam Luyến có nét tương đồng với thơ Xuân Quỳnh. Cũng như Xuân Quỳnh, thơ Đoàn Thị Lam Luyến luôn khao khát hướng đến một thứ hạnh phúc đời thường và có thực chứ không phải ở một cõi hư ảo, xa xăm nào. Vì vậy, người đọc bắt gặp trong thơ Lam Luyến giọng giãi bày tâm sự của một con người đã từng đi qua những năm tháng bão giông của cuộc đời, của niềm đau, tủi hờn và cay đắng. Sự giãi bày này vì thế không dừng lại ở cấp độ thủ thỉ, nhẹ nhàng kể lại sự việc, kể lại nỗi đau đớn mất mát, mà nhiều khi nhà thơ như muốn được “trút xả” nỗi niềm tâm sự. Do đó, hình như bà không chú ý đến việc làm thơ, đẽo gọt câu chữ, ý tứ cho thơ mà dường như chỉ chú ý đến việc nói cho hết mọi lẽ, mọi điều, nói cho bỏ hờn bỏ ghét, nói để giải tỏa những nỗi niềm đang uất ức, đang nghẹn ứ trong lòng. Lam Luyến sẵn sàng “lôi bỏ hết ruột gan ra ngoài”. Cho nên, lời thơ có lúc rất đời thường, mộc mạc, giản dị, giống như những lời nói thông tục hàng ngày, nhưng nó vẫn gây ấn tượng và sự xúc động đối với người tiếp nhận bởi sự chất chứa, dồn nén trong đó. Chẳng hạn bài Thành phố không bao giờ từ biệt là một minh chứng.Lần đầu người yêu tôi/ Dẫn tôi về thành phố/ Đôi dép mất trên tàu/ Chân không đi đường nhựa,/ Bát cháo quán gốc đa/ Vị ớt cay cháy cổ.../ Đã mười mấy năm rồi/ Tôi được làm dâu mẹ/ Từ trưa kho cháy cá/ Tôi bỏ chạy lên đồi/ Dòng sông ngăn tôi lại/ Để thương mẹ một đời!/ Ai biết một mai rồi/ Sẽ chia lìa đôi ngả?/ Mẹ ta cũng qua đời/ Giữa một ngày buốt giá.../ Tôi trở về thành phố/ Nào khác với xưa đâu: / Tóc đã bạc trên đầu/ Trán lằn ngang vất vả/ Chẳng vợi đi nỗi đau/ Chỉ dày thêm nỗi nhớ!/ Tôi ngược về thành phố/ Quá khứ của riêng tôi/ Nỗi đau cả đời người/ Đâu chóng lành da thịt/ Thành phố chẳng bao giờ/ Tôi nói lời từ biệt!.Thiết nghĩ, trong xã hội loài người, thử hỏi có bao nhiêu người thực sự hạnh phúc, nhất là người phụ nữ? Vì vậy, giọng thơ này cũng có công chúng riêng của mình và được độc giả nhiệt thành đón nhận. Người viết ra những dòng thơ riêng tư đó phải là kẻ “bạo gan”, “bạo phổi”, dám phơi mình ra trước thế gian. Tất cả những yêu thương, hờn giận, thất vọng, hi vọng, đam mê, cuồng nhiệt, đau đớn, buồn phiền cũng như trách móc hoặc tự vỗ về, an ủi. Tất cả hiển hiện ra mồn một dưới những câu chữ: Em cũng nói yêu anh như sông, như bể/ Như ánh mặt trời, như thể vầng trăng.../ Nhưng cái bát em ăn, cái chiếu em nằm/ Không thể như tình yêu, chỉ trên mây trên gió/ Trái tim anh như căn phòng bỏ ngỏ/ Chẳng có cửa em vào, chẳng có ngõ em ra! (Cây sồi mùa đông).Đoàn Thị Lam Luyến là một thi sĩ tài sắc đa đoan, có cuộc đời long đong, trắc trở. Bao nhiêu tâm sự, nỗi niềm uất ức trong lòng nhà thơ không được ai chia sẻ. Vì thế, bà đã trải lòng vào những vần thơ tâm huyết của mình.Giọng ngậm ngùi, suy ngẫmChắc hẳn con người sinh ra ai cũng mong muốn mình được hạnh phúc, vợ chồng yêu thương nhau, cùng chia sẻ với nhau mọi vui buồn trong cuộc sống. Đó là một gia đình được xây dựng và tồn tại trên cơ sở tình yêu chân thành và tự nguyện. Thơ Đoàn Thị Lam Luyến như một nỗi lòng, một tâm sự luôn muốn được vươn đến hạnh phúc nhỏ bé, dung dị thường nhật ấy.Nếu như thơ Xuân Quỳnh thường nói đến một gia đình đầm ấm, sum vầy, hạnh phúc thì thơ Lam Luyến có phần bi đát hơn: bà nói nhiều đến sự dang dở, đắng cay, bất hạnh. Cho nên, song hành cùng với giọng điệu giãi bày tâm sự là giọng ngậm ngùi, suy ngẫm và giàu tính triết lý. Giọng điệu này biểu hiện rõ nhất trong những bài thơ nói về thân phận, số phận của những người đàn bà bé mọn trong cõi nhân sinh rộng lớn này (Gửi tình yêu, Bóng người phía trước, Số được vàng, Kiều có ở trong em...). Tình yêu cháy bỏng, dạt dào đều trao cả cho anh, nhưng đổi lại anh đã trả lại nỗi buồn đau tan nát. Lam Luyến hiểu ra rằng: Làm gì cũng có thể được nhưng để yêu trọn trái tim một con người không phải là điều đơn giản.Nghiệm lại những việc đã qua, với ý thức của một con người giàu lòng nhân ái và nhạy cảm. Đoàn Thị Lam Luyến đã cay đắng, xót xa:Phù sa chỉ đắp bên bồiTrái tim phiêu lãng biển trời nhớ thươngEm như cơn gió lạc đườngTheo anh lỡ cả mười phương lấy chồng!(Đa mang)Nửa đời cha vay nợTiền con dành người vayLàm phúc mong được phúcĐâu ngờ thành trắng tay.(Dại yêu)Bi kịch tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến trước hết là bi kịch của một người yêu hết mình mà không được đáp lại, bà luôn ở trong trạng thái thấp thỏm đợi chờ:Năm ngả đường vắng ngắtBạn tôi nào thấy đâu?Đợi bạn trăng chưa mọc,Kìa trăng lên đỉnh đầu!Đợi bạn từ hoa sữaBây giờ thơm hoa cau.Trong khi người thi sĩ ấy đang trải lòng ra với bao đắm say, tha thiết, nồng cháy những mong đáp trả lại bằng một tấm chân tình thì người đàn ông kia vẫn lạnh lùng, dửng dưng như không hề hay biết. Thật bẽ bàng và tội nghiệp:Anh chênh chếch mảnh trăng tàĐể em xao xác tiếng gà canh thâuĐợi chờ những hóa thành NgâuMặc cho sấm chớp trên đầu chưa tan(Nửa đêm)Hạnh phúc đến với Lam Luyến như cơn gió thoảng qua nên nhà thơ cảm thấy ngậm ngùi. Nỗi ngậm ngùi ấy toát ra từ những hình ảnh gây bao hụt hẫng, đau xót, buồn thương. Trong tận cùng của sự đau khổ và đổ vỡ, Lam Luyến có những bài thơ thấm đẫm màu sắc triết lý.Đoàn Thị Lam Luyến là một con người tài hoa và hiểu rất rõ giá trị của mình. Nhưng cuộc đời bà cứ mãi lận đận, long đong, tình duyên trắc trở. Sự bạc đãi ấy khiến nhà thơ buồn đau, day dứt, tâm hồn lúc nào cũng xao động, không bình yên. Đời dát vào Đoàn Thị Lam Luyến nỗi buồn thảm, cô đơn; bà dát vào thơ nỗi sầu muộn, thơ bà lắng vào lòng người yêu thơ những giọt buồn xốn xang. Từ trong tâm thức sáng tạo, trong quan niệm cá nhân của bà về con người, cuộc sống và tình yêu; Đoàn Thị Lam Luyến đã đưa ra những khái quát khá ấn tượng và sâu sắc, gợi lên cho người đọc nhiều suy ngẫm:Say chẳng đợi nên khôn, yêu đừng mong bớt dạiChén đắng cay không ít những ngọt ngàoNếu giã biệt đành lòng xin vĩnh biệtHỡi ái tình muôn thuở vẫn khát khao(Nếu biết trước)Trải qua nhiều bão tốTrái cây thêm ngọt lànhHạt chín từ trong quảCây chóng bật mầm xanh(Sao đổi ngôi)Người ta yêu thơ trước tiên là vì thơ có chất trữ tình có thể dung hòa lòng người trong lúc buồn vui nhưng càng thú vị hơn khi người ta bắt gặp trong thơ những triết lý về nhân sinh và thế sự, bởi đó chính là lúc họ đang nhìn thấy họ và họ tìm thấy những điều mình cần.Những tập thơ: “Lỡ một thì con gái”, “Chồng chị chồng em”, “Châm khói”, “Dại yêu”, “Sao dẫn lối”... chất giọng triết lý đã được thể hiện. Đặc biệt là các tập thơ ra đời sau thì tính triết lý thể hiện rõ nét hơn, đậm đặc hơn và sâu sắc hơn. Đây chính là nét riêng của của giọng thơ Đoàn Thị Lam Luyến, tạo thành một phong cách thơ đầy nữ tính và giàu chất nhân văn.
Đoàn Thị Lam Luyến thể hiện một hồn thơ sôi nổi, ồn ào, mạnh mẽ nhưng cũng vô cùng dịu dàng và sâu sắc. Thơ bà thể hiện một quá trình tìm tòi không mệt mỏi vươn lên tìm cái đặc sắc của nghệ thuật. Từ “Mái nhà dưới bóng cây” cho đến “Lỡ một thì con gái” và sau này là “Sao dẫn lối” đã có một sự chuyển biến rõ rệt. Ban đầu lời thơ còn thiên về ghi nhận những diễn biến của đời sống tình cảm một cách tự nhiên, càng về sau thơ Đoàn Thị Lam Luyến càng thể hiện những đổi mới nghệ thuật, trong cách thể hiện cái tôi trữ tình.
Những bài thơ thể hiện một cá tính đặc sắc, nhiều bài thơ của bà, nhất là thơ tình được rất nhiều người yêu thích, tìm hiểu và thuộc lòng. Vì họ tìm thấy ở đó sự đồng cảm, chân thực, giàu tính triết lý và giàu giá trị nhân văn.
Đọc thơ Đoàn Thị Lam Luyến, người đọc dễ nhận ra giọng điệu chủ đạo xuyên suốt trong các tập thơ của bà. Đó là giọng giãi bày, tâm sự và giọng ngậm ngùi, suy ngẫm.
N.V.H (Phú Yên)
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét