Phạm Trần Ái Linh
“Mua giùm con tờ vé số đi
chú. Mua vé số đi chú!” Long với ánh mắt khẩn khoản nhìn vị khách già nói. Nhưng
đáp lại cái lời mời ấy lại là cái lắc đầu chua chát của vị khách. Long buông
hai tay rũ xuống, hai mắt lờ đờ vì mệt mỏi. Cả ngày hôm nay, nó chỉ bán được có
hơn chục tờ vé số. Chán nản, Long lững thững bước đi trong đêm tối trên con
đường với dòng xe cộ tấp nập người qua lại. Vừa đi nó vừa cất tiếng rao: “Ai vé
số không? Vé số đi.” Tiếng rao mỗi lúc một nhỏ dần, vẫn không có người đáp lại,
giọng nó khàn đi một phần vì đói một phần vì mệt. Đoạn nó ngồi rạp người xuống
dưới một gốc cây to, tựa người vào cây và mắt nhìn về phía xa xăm. Chợt ánh nhìn
của nó khựng lại trước cái cửa sổ của ngôi nhà trước mặt. Bên trong cái cửa sổ
ấy là khung cảnh đầm ấm của bữa cơm chiều. Nó nhìn đăm đăm và rồi mắt nó rũ
xuống, hai tay cũng không quên đan chặt vào nhau. Tự nhiên nó thấy nhớ nhà da
diết, nỗi nhớ ấy cứ cồn cào trong lòng nó như một đợt sóng ngầm. Giờ này ở quê
chắc cả nhà nó cũng đang quây quần bên mâm cơm. Dù cái mâm cơm ấy không có cao
lương mĩ vị, không có nhiều thứ ngon vật lạ, dù chỉ là cái đĩa rau luộc chấm với
nước mắm nhưng sao nó vẫn thấy ngon và vẫn thấy hạnh phúc đến lạ thường. Nghĩ
đến đây, nước mắt nó lưng tròng. Lấy tay quệt nhanh hai dòng nước mắt đang chực
chảy xuống nó vội vàng đứng dậy. Vừa bước vào nhà, nó đã bắt gặp ánh mắt rực
lửa của bà chủ Loan:
- Sao mày về muộn
thế? Bán được bao nhiêu? Đưa tao mau lên.
Long
lí nhí với vẻ mặt mệt mỏi, vừa nói nó vừa móc từ trong túi ra mười mấy ngàn bạc
lẻ cùng với một xấp vé số dày cộm:
- Hôm nay con chỉ
bán được từng này thôi ạ!
Liếc
nhìn xấp vé số, bà chủ Loan quát ầm ĩ:
- Cái gì? Cả ngày
trời mày chỉ bán được có bấy nhiêu đây thôi sao? Mày đúng là đồ ăn hại mà. Hôm
nay nhịn đói đi nghen con.
Nói
rồi bà ta giật lấy tiền và xấp vé số trên tay Long, sau đó kí vào đầu Long một
cái rõ đau:
- Mai
mà như vầy nữa thì biến đi cho khuất mắt tao.
Bà
ta bỏ đi và không quên tặng cho Long một ánh nhìn đầy sự căm giận. Long mặc kệ,
nó bước từ từ vào phòng. Đám nhóc cùng phòng của nó nghe thấy tiếng bà Loan
chửi Long nhưng chẳng đứa nào can đảm đứng ra bênh vực, chúng sợ mụ, chúng sợ
mụ sẽ tống cổ chúng ra đường với không một đồng xu dính túi. Cả đám chỉ biết
đứng sau cánh cửa hé mắt ra cái khe cửa để mà nhìn. Thấy Long bước vào, Đại đen
chạy ào ra kéo Long vào trong hỏi dồn dập:
- Anh đi đâu vậy
anh Long, mụ ta mắng anh nhiều không? Mụ ta có đánh anh không?Thế anh đã ăn uống
gì chưa?
Nghe
Đại đen hỏi vậy thằng Sơn lên tiếng:
- Mày
hỏi nhiều như vậy sao anh Long kịp trả lời, mày phải để cho anh ấy nghỉ cái đã
chứ!
- Ờ, cũng phải. Anh
Long anh ngồi đây đi để em đi lấy nước cho anh uống.
Long
nhìn một lượt khắp căn phòng, nhìn đám đàn em của mình. Long chợt nhớ về cái
ngày chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, không ai thân thích, không bà con họ
hàng. Long đơn độc nhưng vì Long có võ nên không ai dám bắt nạt Long. Bản tính
Long vốn rất nghĩa hiệp, hồi ấy thấy đám của thằng Sáu đại hay đánh đập mấy đứa
nhóc thế là Long đã thay trời hành đạo dạy cho Sáu đại một bài học nhớ đời. Từ
ấy, mấy đứa nhóc này tôn Long lên làm đại ca. Không từ chối, Long nghiễm nhiên
nhận cái chức vụ ấy như là phần thưởng cho sự dũng cảm của mình. Từ ngày có
Long bảo vệ tụi chúng nó đã không còn bị bắt nạt nữa mà ngược lại còn được kính
nể nữa là đằng khác. Long tỏ vẻ đắc chí lắm. Hôm rồi, nhóm của Long còn được các
chú công an phường khen tặng vì hành động bắt cướp cứu người, tụi nó vui
lắm, được đưa lên cả mặt báo nữa kia mà. Từ đó tụi nó bỗng dưng nổi tiếng, đi đâu
ai ai cũng biết. Và vì còn suy nghĩ quá nông cạn nên Long quyết định dẫn cả
nhóm của mình gồm hơn mười mấy đứa loi choi lóc chóc đầu quân cho bà Loan. Lợi
dụng sự nổi tiếng của tụi nó mà đã bắt tụi nó làm việc không ngừng nghỉ mà tiền
lương thì chẳng được là bao nhiêu. Nhiều khi tụi nó muốn trốn đi nhưng khổ nỗi
đàn em của mụ ta rất dữ dằn và hung tợn nên đâm ra làm cho chúng nó sợ. Tự
nhiên Long lại thấy mình có lỗi vô cùng. Long lên tiếng làm phá vỡ cái bầu
không khí im lặng đến đáng sợ trong phòng:
- Anh xin lỗi mấy
đứa, vì anh nên giờ đây mấy đứa phải chịu cực như vầy.
- Anh Long, anh
Long sao anh lại nói vậy? Tụi em sướng hay khổ gì cũng theo anh, tụi em không
trách anh đâu.
Long
lắc đầu ngao ngán và lại im lặng. Dù mới có mười lăm tuổi nhưng Long rất chín
chắn. Có lẽ do Long sớm bươn chải ngoài đời nhiều.
Đoạn
thằng Ngọc lăng xăng cầm cái ổ bánh mì còn đang nóng đưa cho Long:
- Anh Long, anh
chưa ăn gì phải không? Anh ăn đi kẻo đói.
Long
cầm ổ bánh mì trên tay cười gượng, và đưa lên miệng nhai trệu trạo.
Khuya.
Cả đám đi ngủ. Mười mấy đứa nằm chen chúc nhau trong cái phòng nhỏ chật
chội, không tài nào có thể duỗi chân hay nhúc nhích gì được. Long trở mình ngồi
dậy, Long lại thấy lòng mình cồn cào. Nó lại nhớ nhà. Hoàng thấy vậy hỏi:
- Tao chưa ngủ? Tao
nhớ quê? Mấy năm rồi tao chưa về quê không biết tía má tao dưới quê ra sao nữa.
- Tao nhớ tía nhớ
má và nhớ cả con Bi nữa.
Long
bỏ nhà ra đi sau trận cãi nhau nảy lửa với tía nó. Long chơi chọi đá với thằng
Tủn chẳng may ném trúng vào đầu nó, máu chảy bê bết. Quá hoảng nó bỏ chạy, mọi
người đưa Tủn vào bệnh viện, khâu 5 mũi. Tía thằng Tủn qua nhà Long làm quá trời
luôn, tía Long lôi Long ra đánh một trận nên thân nên thở. Long một phần vì uất
ức, một phần vì sĩ diện bản thân khi bị đánh trước mặt người lạ, Long lẳng lặng
ôm quần áo đón xe lên Sài Gòn, mặc cho con Bi khóc lóc năn nỉ nó ở lại.
- Lúc này ở quê
chắc tao đang cùng với mấy đứa trong xóm đi bắt nhái, mùa này nhái nhiều
lắm.Thể nào cũng có một bữa khuya thịnh soạn. Tự nhiên tao lại thấy nhớ cái
tiếng ếch nhái kêu, nhớ cái mùi tanh của bùn, nhớ cái hơi thở của đồng ruộng về
khuya quá Hoàng ơi. Long thều thào nói nhỏ.
Hoàng
chép miệng, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Hay mày trốn về
quê đi.
- Nhưng tao làm gì
có tiền để mà về quê chứ?
- Tụi tao sẽ gom
góp lại đưa cho mày!
- Thôi, không được
đâu. Đợi hết tháng này tao sẽ nói với mụ Loan trả hết tiền công cho tao rồi tao
có tiền, tao sẽ về quê, tao sẽ về quê Hoàng ạ.
Vài
hôm sau, Long hỏi tiền, bà chủ Loan quát ầm ĩ:
- Cái gì, mày muốn
về quê hả? Được thôi, mày muốn thì mày cứ đi, còn tiền hả? Bây giờ tao không có
- Tôi làm cho bà
gần nửa năm trời, bà có trả cho tôi đồng nào đâu. Bây giờ bà phải đưa hết cho
tôi, chứ tôi làm gì có tiền mà về quê.
- Tiền ư? Tao đã hẹn
với mày là một năm mới trả giờ mới nửa năm mày đòi nghỉ thì mày ráng mà chịu,
tao không đưa đấy. Mày làm gì tao
Long
lại nhìn mụ Loan, ánh mắt cầu xin, nhưng đáp lại là ánh mắt đầy thách thức của
mụ. Long hụt hẫng, cầm xấp vé số đi bán tiếp.
Hôm
nay cũng chẳng bán được là bao.Vẫn chỉ có hơn chục tờ. Bà chủ lại chửi bới và
đánh Long. Cậu đứng trơ người ra, không nói câu nào. Bỏ ngoài tai những lời mắng
nhiếc ấy cậu bước vào phòng trọ, ngã mình xuống dưới nền đất lạnh ngắt, Long
lại nghĩ về cái giấc mơ được trở về nhà đoàn tụ với tía má sao quá xa xôi. Chắc
tía má lo lắng cho Long nhiều lắm. Khổ thân.
Chợt
Long đứng phắt dậy, chạy nhanh ra khỏi cửa, Long chạy thật nhanh thật nhanh và
dừng lại ngay trước trụ sở công an. Đứng tần ngần hồi lâu trước cửa, Long rụt rè
bước vào và lên tiếng:
Một
chú công an trẻ đang cắm cúi ghi ghi chép chép cái gì đấy nghe tiếng gọi của
Long ngẩng đầu lên hỏi:
- A! Long à, có
chuyện gì vậy cháu!
Thì
ra là chú Dũng. Người đã giúp đỡ Long rất nhiều trong những ngày mới bước chân
lên Sài Gòn. Chú Dũng nói tiếp:
- Sao? Ở với bà
Loan tốt chứ?
- Cháu có chuyện
cần nhờ các chú giúp.
- Chuyện gì cháu cứ
nói đi
- Con cùng các bạn
con bị bà Loan đối xử rất tệ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, vả lại bà ta lại
không trả tiền cho chúng con. Con mong chú có thể giúp con đòi lại công bằng.
Chú
Dũng đăm chiêu hồi lâu rồi nói:
- Chà, chuyện này
thì căng đây, không có bằng chứng mà bắt người là không được đâu.
- Chú, tất cả tụi
con có thể làm chứng mà chú.
Lát
sau, các chú công an đến nhà bà Loan, bà ta chối đây đẩy, rằng thương yêu tụi nó
như con ruột, rằng có cho tụi nó làm gì đâu, chỉ làm ba chuyện vặt vãnh. Tất cả
đám trẻ đều ngao ngán lắc đầu trước lời nói dối trắng trợn của mụ. Vì mụ quá
gian manh và xảo quyệt nên các chú công an đành quay về vì không có đủ bằng
chứng để bắt mụ ấy. Đoạn mụ đợi cho chú
Dũng đi khuất ánh mắt của mụ đằng đằng sát khí nhìn tụi nhỏ. Mụ nhìn khắp một
lượt, không đứa nào dám ngẩng mặt lên nhìn bởi nếu vô tình chạm vào cái ánh mắt
ấy tụi nhỏ sẽ chết vì sợ mất. Mụ nói với cái giọng dữ dằn:
- Đứa nào? Đứa nào
dám báo công an? Tao ăn ở với tụi bây tốt quá mà, đối xử với tụi bây tốt quá mà
để bây giờ tụi bây trả ơn tao lại như thế này đây. Bây giờ tụi bây muốn ăn cháo
đá bát phải không. Được, được, tao sẽ cho lũ trẻ ranh chúng bây biết tay.
Vừa
nói mụ vừa hùng hổ bước vào trong nhà. Lũ trẻ không đứa nào dám nhúc nhích, có
đứa còn nín cả thở. Lát sau, đám đàn em của mụ bước ra với vẻ mặt dữ tợn và
không quên tặng cho đám nhóc một cái nhìn sắc lửa. Vừa nhìn, bọn chúng vừa nhịp
nhịp cái thanh sắt trong tay.
- Tụi bây xử hết
chúng cho tao, dạy cho chúng một bài học nhớ đời.
Nói
đoạn bốn đứa đàn em của mụ dùng cái gậy sắt quật tới tấp vào mình của lũ trẻ.
Những tiếng kêu, rên rỉ vang lên, đứa thì chảy máu, đứa thì dùng tay che chắn
lăn lộn khắp nhà, đứa thì ngã sõng soài ra nền đất. Thằng Long có võ dù có thể
đánh trả lại được bọn chúng vài cái nhưng nó vẫn không thể nào thoát khỏi trận
đòn đau đến tận xương tủy của bọn chúng. Bỗng có tiếng thét lớn:
- Tất cả hãy dừng
tay lại! Chú Dũng nói
Bà
Loan quay đầu nhìn lại, lũ đàn em của mụ ấy cũng chẳng ngơi tay, cứ tiếp tục
quất roi vào bọn trẻ. Chợt mặt bà ta biến sắc, phủi phủi hai tay ra hiệu cho bọn
đàn em dừng lại. Mặt mụ ta liên tục biến đổi, cơ mặt hoạt động không ngừng, mụ
ta cười đon đả:
- Các chú lại đến
nhà tôi có việc gì không ạ? Hay là các chú để quên lại thứ gì? Việc ấy cần gì
các chú phải đích thân đến đây chỉ cần nói với tôi một tiếng bọn đàn em của tôi
sẽ mang đến tận nhà cho các chú mà.
Chú
Dũng mặt nghiêm nghị nói:
- Bà Loan! Bà đã bị
bắt vì tội ngược đãi trẻ em. Bà cùng những người này theo tôi về đồn đề giải
quyết.
Chợt
bà ta tiến tới gần chỗ chú Dũng đang đứng, vừa đi vừa nói:
- Ơ hay, tôi có làm
gì bọn chúng đâu mà chú bảo tôi ngược đãi. Chẳng qua do bọn chúng nó hư quá nên
tôi bắt phạt thôi. Tôi coi chúng như con đẻ của mình. Đánh chúng một roi ruột
tôi cũng đau như cắt chứ các chú nghĩ là tôi vui sướng lắm sao. Thôi các chú cứ
về nghỉ đi, có gì ngày mai tôi sẽ lên thưa với các chú sau. Giờ này cũng khuya
lắm rồi, các chú cứ đứng mãi nhà tôi như thế này người ta dị nghị lắm.
Đoạn
bà ta dúi vào tay mấy chú công an vài tờ bạc 500 ngàn. Nhưng ngược lại với suy
nghĩ bà ta, các chú công an làm dữ và phạt bà ta tiếp một tội nữa là có hành vi
hối lộ người đang thi hành công vụ.
Thế
là bà ta cùng các thủ hạ của mình đuối lí và đành phải theo các chú công an về
đồn. Sau đó bọn trẻ được đưa vào bệnh viện để điều trị vết thương.
Gần một tuần nằm viện, đám nhóc được các trung
tâm thanh thiếu niên của thành phố đón về nuôi và dạy nghề. Mụ Loan và bọn đàn
em của mụ phải chịu tội trước pháp luật. Nhưng tất cả mọi người đều không khỏi
thắc mắc là tại sao ngày hôm ấy, sau khi trở về mà chú Dũng còn quay trở lại để
cứu tụi nhỏ. Nói đến đây chú Dũng cười xuề:
- Các cháu phải cảm
ơn Sáu đại đi. Nhờ nó đến báo với chú nên chú mới kịp thời đến đấy.
Bọn
nhóc nghe đến đây nhao nhao cả lên:
- Là Sáu đại sao?
Là Sáu đại đã cứu tụi mình đấy, tụi bây nghe rõ không.
Chú
Dũng tiếp lời, Sáu đại ngày nay không còn là Sáu đại ngày xưa hay bắt nạt các
cháu nữa đâu. Nó đã được vào trung tâm thanh thiếu niên của thành phố rồi, lại
được học tập vui chơi dưới sự giáo dục của cán bộ nên bây giờ nó đã tu tâm
dưỡng tính. Hôm rồi, nó đi ngang qua thì thấy các cháu đang bị đánh nên đã tức
tốc đến báo cho chú biết chứ làm sao chú kịp thời đến ngay để cứu các cháu
được. Các cháu nợ Sáu đại một lời cảm ơn đấy biết chưa.
Nói
đoạn cả lũ trẻ kéo nhau đến tìm Sáu đại. Thằng Long gãi gãi đầu:
- Tao thay mặt lũ
nhóc cảm ơn mày vì mày đã cứu tụi tao.
- Có gì đâu, bạn bè
giúp nhau thôi mà. Tụi bây đừng quá khách sáo như vậy.
Nói
rồi, bọn trẻ bắt tay nhau cùng nhau đi về phía trước với nụ cười giòn tan và
tỏa nắng, nét mặt ai nấy cũng đều rạng rỡ hẳn lên.
Vài
hôm sau, Long quyết định về quê. Nó đến chào chú Dũng và sau đó đến chào lũ
nhóc. Đứa thì cái ôm, đứa thì cái xoa đầu. Tụi nó ai cũng đều khóc. Rồi Long chạy
nhanh ra bến xe, bắt nhanh một chuyến xe về quê. Lòng nó rạo rực khôn nguôi. Tự
dưng sống mũi nó cay cay. Vậy đấy, gia đình, quê hương lúc nào cũng là nơi yên
bình và an toàn nhất bảo bọc và chở che mỗi chúng ta. Chúng ta phải quý trọng và
yêu thương nó như chính sinh mệnh của mình. Long đã đi, Long đã bỏ lại sau lưng
cái thành phố ồn ào tấp nập, bỏ lại sau lưng tiếng rao khàn giọng trên khắp các
nẻo đường : “Ai vé số không?”, trước mắt Long giờ đây là hình ảnh quê hương, là
hình ảnh tía má, là hình ảnh của bé Bi với nụ cười tươi rói khi Long trở về với
gia đình khi đã nhận ra lỗi lầm của mình. Đó mới là giá trị đích thực của cuộc
sống mà bấy lâu nay Long cứ mải mê đeo đuổi kiếm tìm.
P.T.A.L (ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM)
Ái Linh đã khẳng định vị trí truyện ngắn của mình rồi đó, bài viết chắc tay, tình tiết nhẹ nhàng,sâu lắng, nhân văn. Chúc Ái Linh suy tư nhiều truyện hay hơn nhé.
Trả lờiXóaEm cảm ơn anh Trường Thắng ạ. Chúc anh luôn vui vẻ, mạnh khỏe và thành công trong sự nghiệp!
Trả lờiXóa