Trên đường về, suy nghĩ về sự việc gây tranh
cãi gay gắt ở công ty, y thấy mình ngu thật. Lẽ ra y không nên viết báo cáo về
sự tắc trách của tay phó phòng. Vây cánh của hắn trong công ty đông như quân
Nguyên. Động vào hắn khác nào động vào tổ kiến lửa. Cứ chiều hướng căng thẳng
gia tăng thế này, vài hôm nữa tên của y lại chềnh ềnh trong danh sách cắt giảm
biên chế cũng nên. Mất việc, mụ vợ dở hơi lại được dịp rên rẩm thì sao mà
chịu nổi.
Đèn đỏ. Chẳng cần nhìn, y cũng biết là đang đèn
đỏ. Đến ngã tư, dòng người đứng khựng lại không nhẽ lại đèn xanh. Trong
xã hội này phải tập hình thành quan điểm số đông luôn đúng. Số đông có sai
chẳng ai dám bắt phạt số đông đâu mà sợ. Những trường hợp làm trái với số đông
thường chuốc lấy hậu quả nặng nề. Lấy sự việc diễn ra ngay trước mắt y làm ví
dụ. Chưa thấy ai rỉn ga mà tay tài xế xe khách đã từ phía sau lao lên trước để
giành đường. Phía rẽ trái hiện đang là đèn vàng. Một chiếc tải cũng đang vội
vàng làm cú chót. Hai anh xe khách và xe tải như hai con thú dữ hùng hục lao
vào giành miếng mồi béo bở giữa giao lộ. Phanh cháy đường. Nghe uỳnh một phát
còn kinh hơn tiếng sấm. Xe khách không hề hấn gì. Âm thanh ấy là tiếng xe tải
đổ kềnh ra đường. Xe tải chở bia. Bao nhiêu là bia trong thùng xe đổ tràn ra
đường, lăn lông lốc.
- Mẹ nó! Bia rớt hết ra đường rồi kìa. Có phí
không chứ!
- Ê mày! Vào lấy vài lon về nhậu đi mày!
Đám đông lao vào nhặt bia như đàn gà sắp chết
đói lao vào sân mổ thóc. Người trên vỉa hè chạy xuống, người đi đường
vội vã dừng xe lao vào nhập cuộc. Những khuôn mặt mọi rợ đang hăm hở
chen lấn vào đám đông, những tiếng hò hét chửi bới lẫn nhau… bát nháo
còn hơn một cái chợ vỡ.
- Ơ mấy người này hay nhỉ? Mấy người làm như thế
là ăn cướp! - Y thảng thốt nói.
- Mắc mớ gì đến nhà anh! Tôi không lấy người ta
cũng lấy hết. - Con mẹ bán xổ số, vừa nói vừa nhặt bia bỏ vào nón.
- Dừng lại đi! - Y lớn tiếng.
Tay thanh niên xăm trổ kín vai, không biết có quan
hệ gì với con mẹ bán xổ số không, giơ điếu cày chỉ vào mặt y, hăm dọa:
- Mẹ cái thằng này! Có phải bia của mày không mà
mày nói lắm thế. Mày có tin là tao tương vỡ cái a lô của mày không?
Y câm họng. Một lần nữa số đông là công lí. Thứ
công lí đáng nguyền rủa luôn tồn tại trong xã hội này. Y đành an phận với
vai trò của một người xem. Đây là một vở bi hài kịch sống động và đông vai diễn
nhất.
Anh tài xế xe tải lồm ngồm bò ra từ cabin, máu
me đầy mồm, hớt hải can ngăn từng người một. Được đầu này thì mất đầu
kia. Năn nỉ, van xin… rồi bật khóc vì bất
lực! Trong khi đó diễn viên quần chúng mỗi lúc một đông đảo hơn.
Gần chỗ y đang đứng, thằng anh mặt mày lâng láo
bảo thằng em:
- Mày chạy về lấy xe ba gác ra đây. Nhanh! Không
người ta hốt hết bây giờ.
Thằng em chạy về, nhanh như sóc đẩy xe ba gác
ra. Hay anh em nó “xơi” ngon lành năm thùng nguyên vẹn rồi mất hút trong ngách
nhỏ. Bà mẹ đưa con đi học ngang qua, tiện tay nhặt được hơn chục lon, lấy làm
phấn khởi. Rồi còn có cả hot girl, em mặc quần ngắn cũn, đùi trắng muốt, mông
cong veo, xách được hai túi ni lông đầy bia, mặt mày hớn hở như sắp được về
nhà chồng…
Đám diễn viên quần chúng khác còn trơ trẽn
hơn, chửi rủa, giày xéo lẫn nhau để tranh giành thứ vốn chẳng thuộc
về mình.
Đám người điên loạn! Các người đang cười
trên máu và nước mắt của các người khác đấy. Các người là một lũ
sâu bọ, lũ thối tha! Các người không cho ta nói thì ta chửi. Ta cứ
chửi đấy!
Y chửi thầm trong bụng. Thằng du côn vừa
nạt y vẫn đứng gần đấy. Bây giờ y mà mở mồm ra không khéo nó lại cho
hết đường nhai cơm. Y bỗng thấy mình hèn vô cùng. Y không có can đảm
để đứng về số ít. Số ít thì đang bị hiếp đáp bởi số đông hung hãn
còn y thì đứng trơ như một con chó đá sủa không ai nghe thấy. Y không thể
kiên nhẫn đứng xem vở kịch rẻ tiền này thêm được nữa. Y phải về, chui vào
bồn tắm để rửa hết cơn bực bội, rồi ăn cơm vợ nấu, rồi xem ti vi…
rồi đêm đến hì hục với vợ xong lăn ra ngủ. Thế là hết ngày. Sao
phải đứng đây chuốc nhục vào người, lăn tăn với mấy thứ công lí vớ vẩn làm gì
cho mệt đầu.
Thấy y vừa về đến nhà mặt mày đã sưng
sỉa, vợ y sốt sắng hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Y chẳng buồn trả lời vợ. Lẳng
lặng vào nhà tắm. Ngâm mình trong nước lạnh là cách để giải tỏa phần nào
những phẫn uất đang dồn nén trong y.
Tắm táp xong y vào phòng khách bật ti vi
lên xem. Tại đây, vợ y bắt đầu lèo nhèo:
- Sao công ty anh chậm lương thế? Sắp tới
phải lo tiền học cho thằng Mít đấy. Em hỏi thăm rồi, chỉ cần lót tay
mười triệu là con mình chắc chắn vào trường điểm!
- Mới vào lớp một đã bày vẽ trường
điểm. Trường nào chả vậy! Không chạy chọt gì hết.
- Trường điểm họ đào tạo tốt hơn chứ. Anh
muốn con mình sau này ra trường thất nghiệp hả?
- Đúng là đàn bà! Học hành tốt hay không
là ở nó. Nó đã có chí thì vứt nó xuống hố phân nó vẫn sống. Còn
không có chí thì ngồi trên đống vàng thì cũng có ngày sẽ chết đói
thôi.
-
Anh nói thế có ngửi được không? Anh hằn học việc gì ngoài kia mà giở
giọng cùn ra như thế?
-
Tôi sắp mất việc... Cô hài lòng rồi chứ?
-
Sao lại mất việc? Vẫn là rắc rối với tay Tuấn phó phòng phải không?
Em quen cái Hiền- vợ tay Tuấn. Có gì em nhờ Hiền dàn hòa cho. Chỉ cần
anh nhượng bộ xin lỗi tay Tuấn một câu là ổn cả!
-
Bố khỉ! Mất việc thì thôi. Làm công nhân. Không phải xin lỗi bọn chó ấy!
-
Mất việc để vợ con anh chết đói hả? Anh học ở đâu cái ngôn ngữ đầu
đường xó chợ thế?
-
Cô im đi! - Y trợn mắt quát.
Vợ
y giãy nảy rồi gào khóc. “Ối bố mẹ ơi…” là bài khóc kinh điển nhất của vợ y.
Bây giờ có nhiếc móc hay dỗ dành thì vợ y cũng không nín được. Như mọi lần là y
để vợ khóc chán chê, rồi đêm đến chui vào trong chăn ủ ê xin lỗi vợ, chịu trận
để vợ y vả cho vài phát là ngày mai đâu lại vào đấy.
Lần
này vợ y khóc dữ dội hơn thì phải?
Nhưng
y chẳng còn tâm trạng để thanh minh hay nịnh nọt vợ nữa. Y vào phòng làm việc
và khóa chốt cửa. Tiếng khóc của vợ y như tiếng loa phát thanh rè đặc vọng qua
khe cửa. Có lẽ việc đầu tư là một cánh cửa cách âm là cần thiết đối với y trong
những năm tháng còn lại của cuộc đời .
Y
đến bàn làm việc. Mở laptop ra. Đeo tai phone vào. Y cần phải viết một thứ gì
đó trước khi cuộc sống của y chuyển biến thành bi kịch.
Ngoài
vợ và một số người bạn thân của y ra, không ai biết y từng là một blogger nổi
tiếng trên Yahoo 360, có tên là Người Buôn Chuyện. Từ ngày Yahoo 360 đóng cửa,
y chuyển qua Wordpress, nhưng không hoạt động nhiều. Blog Người Buôn Chuyện mới
cũng có vài trăm người theo dõi.
Tiêu
đề bài viết : “Càng ngày càng đê tiện”
“
Hôm này là ngày tồi tệ!
Một
vở bi hài kịch đã diễn ngay tại cửa ngõ của thành phố hoa lệ này. Tôi phải chua
xót nói rằng tôi cũng là một diễn viên trong vở kịch ấy.
Vở
kịch nói về một chiếc xe tải chở bia bị lật, bia vương vãi ra đường, hàng trăm
người, từ trí thức đến lao động bình dân, từ du côn đến hotgirl lao vào tranh
giành từng lon bia vốn thuộc về anh tài xế bất hạnh kia. Mặc cho anh tài xế máu
me đầy mặt, khóc lóc van xin, nhưng đám đông vô nhân tính ấy vẫn náo nức hôi
của.
Lẻ
tẻ vài người đóng vai người tốt giúp anh tài xế nhặt lại bia. Lẻ tẻ vài người
nữa như tôi đóng vai khán giả. Còn lại đám đông, họ đóng vai kẻ cướp.
Con
mẹ bán xổ số cầm nón chạy ra vơ vét.
Thằng
anh giục thằng em kéo hẳn xe ba gác ra.
Hot
girl tung tẩy nhặt bia như đi dự hội.
Bà
mẹ đưa con đi học qua, cũng ghé vào làm ít gọi là của trời cho….
Diễn
viên đóng vai kẻ cướp mỗi lúc một đông hơn. Vở kịch vốn hỗn loạn nay lại thêm
nhiều chi tiết mới.
Tôi
không đủ kiên nhẫn để xem hết vở kịch ấy. Có thể một số các bạn đang đọc bài
này nói rằng tôi vô cảm. Ồ! Thế thì nhẹ cho tôi quá. Tôi đê tiện. Vô cảm
trước bất hạnh đồng loại chính là đê tiện.
Nhưng
chí ít lúc ấy tôi đã biết rằng tôi đê tiện. Còn các người... Các người sung
sướng, hả hê trước máu vào nước mắt của đồng loại các người có nghĩ rằng các
người còn khốn nạn hơn tôi.
Tâm
lí đám đông khiến các người trở lên mù quáng? Vậy xe tải chở phân bị lật các
người có như đàn ruồi bu vào đống phân đó không?
Hay
là bần cùng quá sinh đạo tặc?
Tất
cả chỉ là là ngụy biện cho sự suy thoái đạo đức của các người!
Tôi
nói với các người đủ rồi!
Bây
giờ tôi muốn với các bạn đọc của tôi. Đã bao giờ bạn đọc cảm thấy lạc lõng
trước đám đông điên loạn, rồi thu mình trong vở kịch câm chỉ có duy nhất một
nhân vật. Tôi đã như vậy. Và tôi thấy mình càng ngày càng đê tiện!”
Đến
đây thì y không viết thêm được nữa. Cảm giác phẫn nộ lẫn ê chề đang
khuấy trộn trong trí óc y. Y tưởng tượng ra những bản mặt khó coi của
độc giả sau khi đọc bài viết này. Số ít sẽ xúc động vì đồng cảm?
Số nhiều thì ắt hẳn sẽ là cho là nhảm và thằng viết bài bị điên.
Xã hội này có cần một thằng điên chửi đời chửi người như y? Y thấy
phần lớn con người trong xã hội này quá đáng thương. Có thể họ không
điên nhưng chẳng bao giờ nhận ra họ chỉ là một diễn viên nửa mùa đã
tham gia vô số những vở kịch. Vở kịch lớn là những đám đông ồn ào,
vô cảm. Vở kịch nhỏ thì hẩm hiu hơn khi chỉ có một nhân vật.
Đang
nghĩ ngợi mông lung, y thấy điện thoại rung bần bật trong túi quần. Là
vợ y gọi. Lúc bỏ tai phone xuống để nghe điện thoại, y mới giật mình bởi
tiếng đập cửa uỳnh uỳnh của vợ y.
-
Anh có định mở cửa cho tôi không thì bảo? - Vợ y gào lên.
-
Tôi sẽ mở cửa! Nhưng cô đừng có mà khóc lóc và léo nhéo bên tai tôi.
-
Bây giờ anh còn cấm tôi khóc hả?
- Vậy cô cứ khóc đi. - Y thủng thẳng nói- Tôi đang điên. Ngày
mai tôi sẽ xin nghỉ việc để vào bệnh viện tâm thần!
-
Anh là đồ hèn! Anh định để vợ con điên theo anh hả?
-
Đúng! Tôi hèn. Xã hội này khiến tôi phát điên. Về nhà, tôi muốn được thanh
thản nhưng cô với những lời than vãn của cô lại càng làm tôi phát điên! Tôi đã
nói vào bệnh viện tâm thần là sẽ làm đấy!
Vợ y dịu hẳn, sụt sịt và nấc nghẹn trong điện
thoại. Không còn nghe thấy tiếng đập cửa nữa. Y nở nụ cười méo mó rồi đứng dậy
ra mở cửa.
Trong khi bài viết của y đang được bàn tán
xôn xao trên mạng xã hội, thì trí óc y vẫn còn lưởng vưởng những
suy nghĩ về một vở kịch. Vở kịch lớn của ngày mai, diễn ra tại xã hội này. Xã
hội càng ngày càng có nhiều những kẻ điên, đằng sau mỗi một kẻ điên đều có một
đám đông được gọi là con người!
T.T.H (Hải Phòng)
Lần nào đọc truyện của Thái Hưng cũng thấy thấm, thấy hay hết.
Trả lờiXóaTruyện hay, sâu sắc.
Trả lờiXóa