Tôi lớn
lên, trong những năm đất nước sau đổi mới còn nhiều
vất vả. Quê hương tôi xa tít nơi những cánh rừng, cách
thành phố mấy chục cây số, đến bây giờ vẫn chưa
hết khó nghèo. Bà con quê tôi ngày ấy nhiều người bỏ
xứ mà đi, người vào miền Nam, người lên Tây Nguyên
lập nghiệp. Cha mẹ tôi thương ông bà đã già, lại
không nỡ rời mảnh đất gia tổ mà ở lại đến giờ.
Nhưng rồi cuộc sống bấp bênh, mẹ phải đi làm xa, một
năm chỉ về được đôi ba lần. Mẹ tôi xa nhà khi tôi
vừa cai sữa, để lại lời ru cha phải hát thay.
Cha tôi
không biết hát ru. Lời ru ầu ơ ngọt ngào “ví dầu cầu
ván đóng đinh”, sau này tôi chỉ được nghe lại khi mẹ
ru mấy đứa em. Cha ngày ấy hay đặt tôi vào võng mắc
dưới gốc vú sữa bên nhà, rồi ngồi đưa võng và hát
những bài tình ca tiền chiến, những khúc quân hành cho
tôi ngủ. Tôi ngày bé dễ nuôi, nghe cha hát vài câu là đã
vùi say giấc, nên cũng đỡ cho cha dỗ dành khi nhà vắng
mẹ. Sau này ông hay nhắc chuyện cũ, mỗi lần nhắc lại
là nước mắt mẹ rơi. Bà cứ tự trách “nhà mình hồi
đó khổ quá, mày phải chịu thiệt hơn mấy đứa em…”.
Lời ru
của cha tôi không ngọt ngào, mềm mượt. Đi qua khói lửa
chiến tranh, qua những ngày cơ cực, lời ru cha trầm buồn
như chất chứa bao tâm sự, nỗi niềm. Tôi biết, có
những lần ru tôi, cha đã rưng rưng đôi mắt. Có những
chiều đông mưa sầu giăng kín, cha lại ngồi đưa võng
bên cột nhà, hát bài tình ca cho tôi mau ngủ. Giọng ông
đục như nước ngoài sông đang lên và buồn buồn như
tiếng bìm bịp kêu chiều nước lớn. Ông đâu chỉ ru
tôi, mà còn ru cho cả mẹ đang dãi dầu nơi đất khách
quê người. Cha mẹ tôi nghèo, thương nhau rồi đến với
nhau bằng đôi bàn tay trắng. Thương cha, mẹ một thân
vào thành phố làm công nhân. Thương mẹ, cha chỉ biết
ngậm ngùi. Có những buổi chiều như chiều mùa đông ấy,
tôi say ngủ rồi, cha lại ngồi lặng im, ánh mắt đăm
đăm về một phương trời xa xôi, gương mặt yên bình mà
trong lòng biển động.
Tôi lớn
lên trong cánh võng đưa, đó là kỉ vật thiêng liêng của
một người đồng hương, đồng chí trao cho cha trước
khi nằm lại trên chiến trường K đất bạn. Bài hát cha
ru là những bài ca bên cánh võng, của một thời máu lửa
đạn bom. Đó là những bài ca năm tháng da diết nghĩa
tình. Cả đời cha tôi nhiều lí tưởng, từng chiến đấu
anh dũng nơi chiến trường Cam-phu-chia, giải ngũ ông trở
về với gia đình, rồi cuộc sống khó nghèo vây riết,
thời trai trẻ của ông dần trôi đi để đến bây giờ
cha tôi vẫn còn day dứt vì những dự định chưa thành.
Tôi lớn lên trong lời ru trầm của cha, nhưng tôi biết
trong những câu hát ấy, ông gói ghém tất cả yêu thương
kì vọng vào đứa con trai đầu lòng, cho mai sau tôi lớn
lên, bay ra với trời rộng, làm thành những ước mơ cha
tâm niệm một đời.
Tôi đã
đi qua tuổi thơ trong cánh võng chiến trường kỷ vật và
bằng lời ru trầm lắng của cha. Đó là những bài ca đã
đi cùng ông qua nhiều năm tháng cuộc đời. Lời ru của
cha không mượt mà, êm ái mà trầm lắng, nhiều lúc u
buồn. Bởi tôi hiểu lòng cha tôi trong những ngày vắng
mẹ, trong những khi hoài niệm một thời. Lời ru của cha
cũng dào dạt như lời ru của mẹ, nuôi nấng tôi khôn
lớn thành người, rồi tôi cũng sẽ hát ru con bằng lời
ru ấy, để chúng nó hiểu rằng, không ai yêu thương mình
bằng cha mẹ, không khúc hát nào ấm lòng như khúc hát
cha mẹ từng ru…
P.T.V (Đại
học Quy Nhơn)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét