Năm nay 23 tuổi, cô mơ
làm diễn viên điện ảnh, nhưng giấc mơ bị tắt ngấm khi gia đình không
đủ điều kiện, thế là cô chông chênh, lạc lối không biết phương hướng.
Cô đành học dẫn chương trình ở Cung văn hoá Lao Động, rồi học diễn
xuất ở trên sân thượng Nhà văn hoá Điện Ảnh gần sân bay. Để rồi mỗi
chiều nhìn những chuyến máy bay ngang đầu, cô lại mơ một ngày nào có
thể ở trên chuyến bay đó mà chu du khắp nơi…
Ngày còn nhỏ cô sống
với mẹ và bà ngoại ở vùng ngoại ô yên bình, nơi ấy không có những
ánh đèn lấp lánh về đêm, không có những chiếc xe hơi láng cóng lướt
qua từng con phố vắng. Ở đó chỉ có tiếng rao vé số của ngoại mỗi
ngày bất kể gió mưa. Nơi có mẹ mỗi ngày đi cắt cỏ thuê cho bò ăn. Còn
cô thì cứ xúm xít bên
chân mẹ, khi vắt sữa bò là cô có một ly sữa tươi để uống, nên cô có
một làn da trắng và mái tóc óng ả mà không cần đến các loại mỹ
phẩm đắt tiền nào cả.
Thời gian lướt qua
thật nhanh, đây là ngày đầu tiên cô đi làm, cảm giác thật hồi hộp và
khó tả, cô nhận làm biên tập cho một công ty du lịch với mức lương
hấp dẫn. Cô bị choáng ngợp bởi môi trường làm việc chuyên nghiệp và
sang trọng, tuy là công ty của người Việt nhưng người ta giao tiếp với
nhau bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, để khách du lịch qua
Việt Nam có thể hiểu được.
Ở công ty này người
biết được tiếng Nhật chỉ có trưởng phòng và cô, điều đó khiến
trưởng phòng vui và ưu ái cho cô nhiều thứ. Anh
dắt cô đi khắp nơi trong công ty để chào mọi người, ai cũng khen cô dễ
thương. Cô cúi đầu chào mọi người như một con nai đang ngơ ngác.
Một tháng làm việc
trôi qua trong êm ả, mọi người đều yêu quí cô. Tháng lương đầu tiên cô
mua quà tặng mẹ và bà ngoại, hai người mà cô yêu quí nhất trong cuộc
đời. Bạn bè thường thắc
mắc rằng sao cô yêu mẹ và ngoại nhiều như vậy mà lại lên ở với cha
để chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng. Cô chỉ cười bảo rằng vì mẹ cô muốn
như vậy.
Tháng thứ hai cô sẽ được
ký hợp đồng chính thức. Cô vui lắm, nên muốn chạy về ôm bà và mẹ
để báo tin, nhưng công việc cứ cuốn cô đi. Tuần này cô không về Củ Chi
được vì bận đi tiếp một đối tác của sếp, cô hứa tuần sau sẽ về
thật sớm để được bên bà và mẹ nhiều hơn.
Trong công ty mọi người
bắt đầu có những xầm xì khiến cô khó chịu, họ nói với nhau rằng cô
và sếp có vần đề, nhưng cô không quan tâm mà chỉ lo kiếm thật nhiều
tiền về cho bà và mẹ khỏi vất vả. Có tiếng điện thoại, cô nghe máy.
- Em lên phòng anh có chút việc gấp nhé.
- Dạ…
Tiếng gõ cửa bên
ngoài, cô bước vào, gương mặt cô hơi căng thẳng.
- Dạ, anh gọi em…
- Sao em căng thẳng vậy, anh có ăn thịt em
đâu?
Câu đùa của sếp làm
dịu đi phần nào sự lo lắng của cô.
- Dạ, tại bình thường anh hay gửi mail, hôm
nay anh gọi em chắc có chuyện.
Sếp gật đầu.
- Ừ, anh có chuyện, hôm nay anh mới đọc lại hồ
sơ của em.
- Dạ hồ sơ của em có vấn đề gì không anh?
- Ừ… hồ sơ của em có vấn đề thật đó.
Cô bắt đầu lo sợ,
mình đang làm tốt công việc, không lẽ sếp gọi mình lên để cho mình
nghỉ việc, nghỉ việc rồi làm sao mình lo được cho mẹ và ngoại đây,
cô nhủ thầm: “Lạy trời,
đừng xảy ra điều đó”.
- Em… chưa hiểu ý anh!
- Trong hai tháng vừa qua em làm rất tốt công
việc, tôi muốn cảm ơn em.
Cô rưng rưng nước mắt,
có lẽ điều đó là sự thật rồi.
- Dạ, em…
- Em nói tiếp đi, sao lại im lặng, em có
nguyện vọng gì không?
Cô nói như chỉ để cho
mình nghe.
- Em… em muốn cống hiến sức lao động của
mình cho công ty!
Vị giám đốc nhìn cô
như muốn khẳng định lại.
- Em nói thật không?
Cô khẽ gật đầu.
- Nhưng anh muốn có sự thay đổi với em!
- Dạ, em hiểu rồi.
Vị giám đốc bật cười
và hỏi lại cô.
- Em hiểu rồi à, em hiểu điều gì?
Bây giờ cô bật khóc
thành tiếng.
- Anh muốn thay đổi, có lẽ em sẽ nghỉ việc,
em chưa kịp vui khi khi được ký hợp đồng chính thức, nay nhận quyết
định này… em…
Cô không kiềm được cảm
xúc, nước mắt cô đã rơi. Giám đốc thấy cô khóc thì không đùa nữa.
- Anh đã đưa ra quyết định gì đâu mà em khóc.
- Thì lúc nãy anh nói đó, anh muốn thay đổi.
- Đúng, anh muốn em có một sự thay đổi,
cũng là một thử thách mới cho em.
- Em vẫn chưa hiểu!
- Hôm nay anh chính thức cho em làm hướng dẫn
viên, tiền lệ của công ty không cho nữ làm hướng dẫn vì có nhiều
phức tạp, nhưng anh tin và cho em một cơ hội.
Ánh mắt cô chợt sáng
long lanh.
- Anh nói thật không?
- Rất thật, thôi em về phòng đi, ngày mai
nhận nhiệm vụ mới, nhớ khao mọi người đó.
- Dạ, em cám ơn anh nhiều lắm!
Cô trở về, ánh mắt
hân hoan, niềm vui lan toả khắp cả phòng, ngày hôm đó nụ cười luôn
thường trực trên môi. Cô quyết định cuối tuần sẽ về với mẹ và ngoại.
- Mẹ… con được làm hướng dẫn viên rồi đó.
- Thiệt hả con?
- Dạ, mẹ thấy con gái của mẹ có giỏi hông.
- Giỏi.
- Con giỏi giống ai hả mẹ?
- Ừ, con giỏi giống ba!
- Không chịu đâu, con muốn giống mẹ à!
- Ừ, con giống mẹ, nhưng giống mẹ con sẽ
khổ.
- Con không sợ.
Ngoại cô vừa đi bán
về, cô chạy đến ôm lấy ngoại, ngoại cô vùng vằng.
- Buông ra coi, cái con nhỏ này.
Cô nhõng nhẽo.
- Ngoại, con nhớ ngoại quá, hai tuần rồi không gặp ngoại.
- Ừ, đi làm mà quên ngoại luôn rồi.
- Đâu có đâu, tại tuần trước con bận quá,
không về được, ngoại nhớ con hông?
- Nhớ cô làm gì cho mệt, để tui khoẻ tui đi
bán vé số.
- Ngoại ơi, ngoại đừng có bán nữa, bây giờ
con đi làm rồi, có tiền con sẽ mang về cho ngoại.
- Thôi, tiền đó để dành còn đi lấy chồng,
ngoại đi quen rồi, ở nhà ngoại chịu không nổi.
- Vậy thì ngoại lấy vé số ít lại thôi, nha
ngoại.
- Ừ…
- Bây giờ là giữa mùa thu rồi đó ngoại,
ngoài trời cũng hơi lạnh, để con mua áo ấm cho ngoại nha.
- Mua làm gì tốn tiền.
Mẹ cô chen vào.
- Ừ, con mua cho ngoại đi, áo của ngoại cũ
hết rồi, con mà mua thì dù lạnh cỡ nào ngoại mặc cũng ấm.
Cô ôm ngoại siết chặt hơn, mùi mồ hôi quen thuộc
lẫn mùi bụi đường, nhưng từ lâu cô đã quen với cái mùi đặc trưng ấy
của ngoại. Cảm giác quen thuộc của ngày xưa lại tràn về, cô thèm
cái không khí ấm áp ấy mà ở bên cha cô không có được…
Những chuyến đi tour đã cuốn cô theo vòng
xoáy của cuộc sống, cô giờ chỉ biết có công việc, cô quên mất bà ngoại
hằng ngày phải lội bộ hơn mười
cây số để bán từng tấm vé số,
cô quên mất mẹ phải vác từng bụi cỏ cắt được cho bò ăn và cô đã
quên luôn cái mùi sữa bò mới vắt tanh tanh góp phần tạo nên vóc dáng
xinh đẹp của cô bây giờ.
Những nhà hàng sang
trọng đang chờ đón cô, chiếc Lexus láng bóng vẫn hằng ngày đưa đón cô
đi về, còn đâu mùi phân bò và mùa cỏ non vướng víu chân cô mỗi ngày,
có khi ngoại nhớ quá gọi hỏi thăm cô chỉ trả lời vài ba tiếng rồi
lao vào những du khách đang nhốn nháo chờ cô thuyết minh, cô nghe rõ
tiếng thở dài não ruột của ngoại nhưng đã vội quên ngay.
Cô đang ở Nha Trang cùng đoàn khách quốc tế sang Việt Nam nên cô không thể
nào lơ là được. Khách nước ngoài rất khắt khe trong cách phục vụ, nếu sơ sẩy họ sẽ đánh
giá dịch vụ không tốt thì cô sẽ không có tiền tip.
Điện thoại réo liên
hồi khi cô đang cố gắng thuyết minh cho đoàn khách về khu di tích Tháp
Bà, đó là điện thoại của mẹ gọi, cô bắt máy lên nói với giọng hơi
gay gắt:
- Sao mẹ gọi hoài vậy, con đang đi tour mà.
- Châu… ngoại không được rồi, con về liền đi…
Cô hoảng hồn, miệng
lắp bắp.
- Ngoại… ngoại bị sao hả mẹ?
- Ngoại bị tai nạn khi đi bán vé số, con về
liền chứ không kịp…
Chuyến bay đưa cô về Sài Gòn lúc mười giờ tối, giờ này xe buýt không chạy nữa, cô quyết
định lấy xe máy về Củ Chi. Chiếc xe bé nhỏ chở một
cô gái bé nhỏ lao vút trong đêm, cô tìm khắp nơi xem có tiệm bán thời
trang nào mở cửa để mua cho bà một chiếc áo ấm, vì cô hứa với bà
nhưng chưa thực hiện.
Cô cứ lẩm nhẩm:
“Ngoại ơi, ráng đợi con về nghen ngoại, con sắp về tới rồi ngoại ơi,
con tìm được cho ngoại cái áo rồi nè, áo đẹp lắm, ngoại ráng chút
xíu nữa thôi nghen ngoại”. Và cứ thế chiếc xe lao đi, mặc kệ gió,
mặc kệ đêm…
Cô ôm ngoại vào lòng
thỏ thẻ.
- Ngoại, ngoại mặc áo có vừa không?
- Vừa, đẹp lắm đó con.
- Có ấm không ngoại?
- Ấm chứ, cháu của ngoại tặng mà.
- Con thương ngoại nhất trên đời.
- Con có thích quà của ngoại tặng không?
- Dạ, thích!
- Ngoại có giận con không ngoại?
-
…
Cô giật mình tỉnh giấc, miệng vẫn còn ú ớ gọi “Ngoại
ơi”, trán ướt đẫm mồ hôi, bất giác cô đưa tay chụp sợi dây chuyền có
mặt hình thiên nga bằng pha lê trong suốt của bà ngoại tặng trước lúc
ra đi.
Mẹ khẽ thì thầm:
“Ngoại để dành tiền bán vé số mua cho con cái này, trên đường đi ngoại
bị tai nạn”. Cô thấy cay
sống mũi, môi mặn đắng và những giọt nước mắt đang rơi…
Với mẹ thì ngoại là
niềm tin lớn nhất, bây giờ với cô thì mẹ cũng là niềm tin duy nhất
còn lại mà cô phải hết sức gìn giữ. Cô tự nhủ với bản thân là từ ngày
mai sẽ đi tìm thuê phòng trọ riêng để đón mẹ lên ở với mình…
M.V (TP. HCM)
Con viết hay lắm. Cô cám ơn vì đã cho cô đọc bài hay hoài . Chúc con luôn xinh đẹp và hạnh phúc nha.
Trả lờiXóa