Tặng Võ Chân Cửu – Hồ Ngạc Ngữ - Lê Phiên Vươn
I.
Hồi đó… người mẹ của Hồ Ngạc Ngữ đội nắng ốm và đen lầm bầm với sóng biển trên bãi cát trước hiên nhà mái tôn thấp, đôi
kiếng cận của hồ ngạc ngữ cúi thấp xuống lầm lì. Võ Chân Cửu cũng có đôi kiếng cận ngước lên như bài
thơ quẩy đá qua đồng của hắn. Lê Phiên Vươn ốm và trắng như cái truyện ngắn của
hắn giang hai tay chạy ra biển. Còn ta ngồi im ngó sững người mẹ của Hồ Ngạc Ngữ
từ từ bước vào nhà lầm bầm với nhành dương liễu đã héo. Nắng cháy nắng chảy
vắng im trên cao. Đứng trưa cháy đứng trưa chảy rầm
rì dưới chân lúp xúp gió và sóng. Cát hát theo
dấu chân. Cát hát theo tuổi mười tám hai mươi của bốn
thằng bạn ngẫu nhiên trời đất xui khiến gặp nhau ham mần thơ ham mần văn trốn
học uống cà phê tắm biển nói tào lao xịt bộp chuyện văn chương, truyện chưởng
Kim Dung, chuyện Phật chuyện ma ba hoa chích chòe. Ta thương nhớ người mẹ của
Hồ Ngạc Ngữ nhất vì cái lầm bầm của bà là thứ ngôn ngữ rất riêng dạy cho ta
biết cách lầm bầm nửa đêm với ma quỷ thánh thần để mần thơ tới sáng không biết
mệt. Đứa nào cũng ghiền mần thơ mần văn gửi báo đăng. Được báo đăng thì sướng
phát khùng, thi sĩ văn sĩ quá bảnh các em ơi.
II.
Hồi đó… Hồ Ngạc Ngữ ghiền ông Krishnamurti mần một cái truyện ngắn đêm lạc
thiền rồi mần thơ đạo mạo kỹ càng như mấy ông già và rất ham tán gái nhưng khi
tán gái thì lù đù dở ẹt. Ta an ủi tán gái càng dở thì mần thơ càng hay, ấy là
đạo vậy- nói theo kiểu Lão Tử. Hồ Ngạc Ngữ nghe vậy sướng quá chịu liền mần thơ
mần văn tứ lung tung. Võ Chân Cửu mần bài thơ quá hay
“sáng nay sương xuống mờ cả đất trời
anh bắt trong đời từng hơi thở cũ từng nhịp
thân quen
lòng đã bao phen chìm trong ảo mộng
sáng nay trời rộng sáng nay đất dày
anh vốc hai tay một nắm sương khói
uống buổi đầu ngày thân như sương bay…” (*)
Mới mười tám tuổi mà
hắn mần thơ thiệt giống như thiên thần. Lê Phiên Vươn mần truyện viết văn khô
như ngói, nói chuyện thì ham lý luận khúc chiết như mấy ông thầy dạy triết nghe
muốn ói nhưng quả tình hắn mần truyện rất cừ. Ta mần thơ lục bát sợ ông Huy Cận
đè đầu bèn chuyển qua mần thơ tứ tuyệt cho chắc ăn, ví dụ như bài nửa đêm thức
dậy nhìn mây trắng “lung linh hồn quê cũ/ mây trắng phủ khắp trời/ nhớ trăng
khô hết máu/ muôn trùng dặm núi ơi” (**)
Ngồi với biển nhớ một
em bông vàng rồi tưởng tượng “biển đắp một tòa sương/ lạnh đôi bờ vú nhỏ/ nàng
tắm trong tịch dương/ núi gầm lên khóc nhớ…” (**) bị em chửi cho một trận kinh
hoàng rồi trốn luôn.
III.
Hồi đó… biển của một thời Qui Nhơn chí thiết tri âm. Nằm một mình trên cát giữa khuya, nghe biển rì rầm, nghe
trăng tròn trăng khuyết chảy xuống kẻ tay, nghe sóng xuyên qua tai chảy xuống
ngực, nghe núi thức thở dài. Biển của một thời Qui Nhơn một mình lang
thang trên đường dẫn qua Ghềnh Ráng nhìn đá ngồi im
cho sóng vỗ sau lưng. Bắt chước ngồi im như đá bên mộ Hàn Mặc Tử đặt tay lên
màu rêu úa lầm bầm “nằm gắng cũng không thành mộng được/ ngâm tràn cho đỡ chút
buồn thôi” (***). Hàn viết hai câu thơ nầy lúc mười tám tuổi. Sương muối giữa
chiều câm chưa tan Hàn ơi. Các bạn ta ơi, đời vụt quá nhanh đời vút quá xanh. Sóng
réo mãi trong hồn phố nâu hoài trong mắt bông vàng vang hoài trong đáy tim ta.
Biển của một thời Qui Nhơn xa lắc xa lơ mần thơ mần văn vì chẳng biết mần chi
cả. Sinh ký tử qui sống gửi chết về. Quê nhà vẫn những buồn vui, chùi giọt lệ
khô mà nhớ nhau. Người mẹ của Hồ Ngạc Ngữ đã về bên kia núi mà nắng vẫn cháy
vẫn chảy, mà chiều mà sóng vẫn vỗ lưng đá trên Ghềnh Ráng, mà bông vàng vẫn linh lung trong chiêm bao. Hồi
đó… hồi đó… hồi đó… ta vẫn mãi la thầm trong vắng im…
03.2014
Kỷ niệm 45 năm rời xa
Quy Nhơn
N.L.V
(*) Thơ Võ Chân Cửu
(**) Thơ Nguyễn Lương
Vỵ
(***) Thơ Hàn Mặc Tử
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét